| Hotline: 0983.970.780

Nuôi lươn làm giàu: [Bài 2] Xây bể lót gạch bông cho lươn

Thứ Bảy 13/11/2021 , 11:07 (GMT+7)

Nhiều hộ nuôi lươn ở Phú Thành A đã đầu tư, nâng cấp quy trình nuôi lươn bằng cách xây bồn lót gạch bông, cho năng suất cao hơn gấp đôi kiểu nuôi lươn bùn.

Ngoài ra, một số hộ ở Hội quán Phú Thành đã biết kỹ thuật nuôi lươn sinh sản, tự cung cấp con giống, giúp giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận.

“Hồi xưa nuôi lươn bùn, tức có bùn, có cây bắp cho lươn trú, làm tổ, rồi sau đó làm bể xi măng. Còn bây giờ lại nâng lên thêm 1 cấp nữa, đó là làm bể lót gạch bông, nuôi lươn trong nước sạch, nước qua hệ thống lọc hẳn hoi. Trước chỉ nuôi lươn thành phẩm, giờ nuôi cả lươn sinh sản, bán giống.

Hệ thống bồn nuôi lươn sạch, lót gạch bông của ông Võ Văn Lớn, Chủ nhiệm Hội quán nuôi lươn Phú Thành. Ảnh: Hồng Thuỷ. 

Hệ thống bồn nuôi lươn sạch, lót gạch bông của ông Võ Văn Lớn, Chủ nhiệm Hội quán nuôi lươn Phú Thành. Ảnh: Hồng Thuỷ. 

Sau khi tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật nuôi lươn không bùn, 2 ông Võ Văn Lớn và Phan Văn Luống bắt đầu đầu tư bồn nuôi lươn không bùn. Điểm khác biệt của bồn nuôi lươn không bùn là nền bồn được lót gạch bông bóng loáng, giữa 2 hàng bồn lươn, có một đường mương thấp hơn đáy bồn, mỗi bồn đều có một van tháo nước để thay nước định kỳ. Ngoài ra, nguồn nước trước khi vào bồn lươn, đã qua một bể cỡ lớn, lắng, lọc cho nước sạch.

“Một bể nuôi lươn bùn thả mật độ tối đa 500 con, vì cùng 1 diện tích, nhưng còn có bùn, cây chiếm nhiều. Còn bồn sạch này không có bùn, không có cây bắp, chỉ có mấy vỉ đan bằng lá cây, nằm kiểu hình giàn trên mặt nước để lươn trú, không gian bên dưới còn nguyên, vì thế, mật độ lươn thả lên tới 1.200 con. Chúng tôi mới thử nghiệm vụ đầu, thấy lươn lớn nhanh hơn, sản lượng cao hơn.

Nuôi kiểu cũ 1 bồn 500 con đạt sản lượng từ 150 - 180kg, còn nuôi trong bồn sạch có thể đạt 450kg lươn thành phẩm. Có điều, giá lươn sạch thấp hơn lươn bùn khoảng 5 ngàn đồng/kg vì thương lái cho rằng màu không vàng, đẹp bằng lươn bùn. Mặc dù chất lượng như nhau, thậm chí lươn sạch có thể cho chất lượng cao hơn lươn bùn, vì dù sao cũng nuôi không bùn, sạch hơn”, ông Lớn nói.

Bể chứa lắng, lọc nước để thay cho bồn lươn sạch. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Bể chứa lắng, lọc nước để thay cho bồn lươn sạch. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Còn ông Phan Văn Luống thì chia sẻ thêm: “Kinh nghiệm nuôi lươn nhiều năm của tôi cho thấy, có nguyên tắc “bốn định”, bao gồm: định khối lượng, định chất lượng thức ăn, định vị trí, và định thời gian cho ăn. Nếu tuân thủ đúng 4 quy tắc này thì nuôi bùn hay nuôi sạch, đảm bảo bồn lươn 500 con, nuôi 8 tháng có thể đạt 200 ký”.

Hiện nay, do ảnh hưởng dịch, nên giá lươn giảm. Thời điểm chưa có dịch, giá lươn loại nhất từ 190-200 ngàn đồng/kg. Nói chung nuôi lươn cứ tính đơn giản là bỏ ra 1 đồng vốn, sau khi trừ chi phí, có thể lời từ 2 – 3 đồng. Không chỉ vậy, hiện các thành viên Hội quán đang còn tồn một lượng lươn thành phẩm khá lớn chưa tiêu thụ được.

Thời điểm chúng tôi đến, do ảnh hưởng dịch, thương lái không thể đến thu mua, nên lươn đến tuổi xuất bán còn nằm trong bồn khoảng 30 ngàn con. Hiện số lươn này đều quá tuổi. “Một số bồn lươn đã 20 tháng tuổi, trọng lượng từ 1kg trở lên rồi mà chưa xuất bán hết được”, ông Lớn cho biết.

Theo ông Lớn, nuôi con gì hay trồng cây gì cũng vậy, muốn thành công thì con giống là quan trọng hàng đầu. Con giống tốt, khoẻ mạnh là tiền đề để có một thành phẩm phát triển tốt. Các yếu tố quan trọng sau đó là kỹ thuật, kinh nghiệm, vốn đầu tư…

Để nuôi lươn thành công, theo ông Lớn, chất lượng con giống là yếu tố quyết định, nếu chọn con giống tốt khả năng nuôi thành công trên 90%. “Ngày xưa mỗi năm mùa nước nổi, nguồn lươn giống thiên nhiên nhiều lắm, giá cũng rẻ. Sau này, do nước lũ ít về vì có đê bao, môt phần nữa do đồng ruộng chuyển đổi cây trồng nhiều, ruộng nước ít, nên nguồn lươn tự nhiên cạn kiệt. Người nuôi lươn chủ yếu mua giống nhân tạo, giá cao hơn lươn người ta đi bắt ngoài đồng”, ông Lớn nói.

Từ 3 năm nay, ông Võ Văn Lớn bắt đầu nuôi lươn sinh sản, giảm được một khoản đầu tư không nhỏ về con giống, góp phần tăng lợi nhuận. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Từ 3 năm nay, ông Võ Văn Lớn bắt đầu nuôi lươn sinh sản, giảm được một khoản đầu tư không nhỏ về con giống, góp phần tăng lợi nhuận. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Chính vì thế, từ năm 2018, ông Lớn đã mày mò tìm cách nuôi lươn giống. “Cách đây 3 năm, tôi xem trên tivi, thấy hướng dẫn nuôi lươn sinh sản, tôi tìm hiểu qua sách báo, tài liệu rồi tham quan mô hình mấy người làm trước, rồi về làm theo. Tôi dưỡng lươn thành phẩm cho chúng đẻ, rồi thả bồn riêng. Hiện tại một bồn lươn giống của tôi ước khoảng hơn 4.000 con, đủ giống thả cho 3 bồn lươn thành phẩm”.

Năm 2019 - 2020, ông Lớn đã nuôi được hơn 10.000 lươn giống, dù chưa đủ cung cấp giống cho gia đình, nhưng giảm được một khoản chi phí khá lớn cho con giống. Nhờ công việc nuôi lươn ngày càng tiến triển, gia đình ông Lớn trở thành một trong những hộ thuộc loại giàu trong ấp, xã. Căn nhà mới xây diện tích hơn 130m2 đang làm trụ sở Hội quán Phú Thành là nhờ những con lươn mang lại.

“Kỹ thuật nuôi lươn sinh sản tôi nắm chắc rồi, sắp tới tôi sẽ phát triển thêm vài bồn lươn giống nữa. Đảm bảo đủ con giống cho tôi và bán cho các hội viên với giá bằng 1 nửa giá thị trường. Còn các hội viên trong hội quán, ai muốn làm lươn giống, tôi sẽ hướng dẫn chi tiết, đảm bảo vài lần là làm được”, ông Lớn cho biết.

“Xã Phú Thành A là một trong những địa phương có phong trào nuôi lươn sớm ở Tam Nông. Nhiều hộ thoát nghèo, khá lên nhờ nuôi lươn. Trên cùng một diện tích, thu nhập từ nuôi lươn cao hơn gấp nhiều lần trồng lúa. Hiện một số hộ còn nuôi lươn sinh sản, tự cung cấp con giống, giúp giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận như Hội quán nuôi lươn Phú Thành”, ông Huỳnh Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thành A.

Xem thêm
Tiêu thụ điện lập kỷ lục mới trong những ngày đầu nghỉ lễ

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng tiêu thụ điện ngày cả nước và công suất cực đại hệ thống điện đã đạt kỷ lục mới.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.