| Hotline: 0983.970.780

Chủ trang trại luôn đi tiên phong ở huyện Thạch Thất

Thứ Hai 08/08/2022 , 14:29 (GMT+7)

Là người đầu tiên trồng thanh long ruột đỏ, áp dụng mô hình chuồng kín nay ông cũng lại đưa tiêu chuẩn VietGAP vào vườn bưởi để đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.

Dẫn tôi đi trong trang trại tổng hợp rộng mênh mông của mình, ông Đỗ Xuân Nhung (xã Kim Quan, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) bảo xưa chẳng có đường vào, chẳng có điện kéo đến, đồi trọc hoang hóa có cho cũng không ai làm. Ấy vậy mà năm 2001 ông đã dám thầu 11ha đất này để đào ao thả cá, đắp luống trồng cây, xây cất chuồng nuôi lợn. Đất đai cằn cỗi cộng với kinh nghiệm còn non nên ông liên tục thất bại với nhiều loại cây ăn quả khác nhau như bưởi Diễn, cam sành...

Để trang trại được thành hình như hôm nay với 3 ha bưởi, 2 ha thanh long, 2 ha nhãn, còn lại là chuồng trại nuôi 150 con lợn nái, hàng ngàn con lợn thương phẩm, ao cá là cả một sự đánh đổi biết bao mồ hôi, công sức và trí tuệ. Hiện bình quân mỗi năm ông xuất bán khoảng 30 tấn nhãn, 20 tấn thanh long, 400 nghìn quả bưởi, 300 tấn lợn hơi, 7-8 tấn cá, tổng thu khoảng 15-16 tỷ đồng trong đó lãi khoảng 8-10%, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 lao động.

Ông Đỗ Xuân Nhung (bên phải) đang cùng anh Nguyễn Bùi Hải-Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Thạch Thất kiểm tra bưởi. Ảnh: NNVN.

Ông Đỗ Xuân Nhung (bên phải) đang cùng anh Nguyễn Bùi Hải-Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Thạch Thất kiểm tra bưởi. Ảnh: NNVN.

Không chạy theo năng suất đơn thuần nữa mà tất cả những sản phẩm của trang trại đều hướng tới mục tiêu an toàn thực phẩm. Cá nuôi theo hình thức thâm canh, được sống trong môi trường tốt nhất với máy tạo sóng, có nước vào nước ra sạch sẽ, cho ăn thức ăn rõ nguồn gốc xuất xứ, còn lợn thì nuôi trong chuồng trại khép kín, đảm bảo mùa đông ấm, mùa hè mát và cũng dùng thức ăn đảm bảo tiêu chuẩn.

Với cây trồng, năm nay 3 ha bưởi đã được ông Nhung bắt đầu áp dụng theo chuẩn VietGAP. Cũng cùng là họ cây có múi nhưng bưởi sinh trưởng khỏe khác hẳn cam quýt nên thường chỉ bị nấm và sâu đục thân: “Nấm thì trước tôi hay phun phèn xanh, nước vôi để phòng chống, còn sâu đục thân thì bắt thủ công bằng cách khoét lỗ rồi cho gai mây vào ngoáy ra, hoặc bơm thuốc sâu vào lỗ rồi dán băng dính vào cho chết ngạt. Giống sâu đục thân khi trưởng thành chính là con xén tóc, chúng sinh ở đâu thì lại về đó để đẻ hàng năm nên bắt đều thì sẽ hạn chế được. Còn cỏ thì khi cây trồng khép tán hết cũng hầu như không có, hoặc khi nào có cỏ non ra thì tôi phun phân đạm với liều lượng đậm đặc cũng chết.  

Vườn bưởi được bọc quả của ông Nhung. Ảnh: NNVN.

Vườn bưởi được bọc quả của ông Nhung. Ảnh: NNVN.

Từ khi áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP chăm sóc phải đúng quy trình, bón gì, phun gì ngày nào, tháng nào đều phải thống kê, ghi chép vào sổ sách hết. Xưa bón lót xong rồi bón thúc nhưng nay 2 lần bón thúc, lại thêm 1 lần vi sinh, trung bình mỗi gốc 15-20 kg phân chuồng mới đủ”. Ông Nhung kể.

Vườn bưởi nhà ông có nhiều giống như Diễn sớm, Diễn muộn, bưởi đường, bưởi da xanh, hầu hết đều đang ở độ tuổi trưởng thành 17-18 năm nên chất lượng quả bình thường ăn đã khá ngon. Nếu chăm sóc theo đúng chuẩn VietGAP mùa bưởi năm nay hứa hẹn sẽ còn ngon hơn nữa và đặc biệt là đảm bảo an toàn thực phẩm.

Anh Nguyễn Bùi Hải-Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Thạch Thất cho biết: Trang trại là một trong những trang trại điển hình của huyện và ông Nhung là người đi đầu trong áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật như giống mới. Xưa ông là người đầu tiên trong huyện trồng thanh long ruột đỏ để chuyển đổi cơ cấu. Về chăn nuôi quy mô đầu con, chuồng trại luôn lớn, áp dụng mô hình chuồng kín đầu tiên.

Cận cảnh những chùm bưởi được bọc quả. Ảnh: NNVN.

Cận cảnh những chùm bưởi được bọc quả. Ảnh: NNVN.

Để tăng thêm chất lượng cho nông sản, ông cũng là người đầu tiên áp dụng VietGAP cho cây bưởi. Bưởi hiện nay tuy nhiều nơi trồng, nhất là giống bưởi Diễn nên năng suất, sản lượng bây giờ không phải là vấn đề quan trọng nhất mà chính là chất lượng, là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng là bưởi Diễn nhưng có những nhà rao giá 30-40.000đ/quả mà không có đủ để bán, có những nhà 10-15.000đ/quả mà không có ai mua bởi chất lượng chênh lệch nhau quá nhiều, bởi uy tín, thương hiệu của chủ vườn này khác chủ vườn kia.

Uy tín, thương hiệu không phải một lúc là có ngay mà phải tạo dần dần qua những hành động cụ thể. Diện tích bưởi của Thạch Thất đang mở rộng, cả ở những trang trại tập trung lẫn các vườn trồng đan xen. Thẳng thắn mà nói bưởi của Thạch Thất hiện chưa có thương hiệu mạnh như ở Diễn, ở Đan Phượng vì đi sau nhưng trong những năm tới, bằng những quy trình kỹ thuật để tăng chất lượng, áp dụng VietGAP, sản xuất theo phương thức an toàn, thương hiệu ấy sẽ dần được khẳng định.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.