| Hotline: 0983.970.780

Quả non rụng như vãi thóc, vải trà sớm mất mùa

Thứ Ba 25/04/2023 , 17:55 (GMT+7)

BẮC GIANG Ra hoa, đậu quả rất sai, nhưng trà vải sớm (vải u hồng) của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) bỗng dưng bị rụng quả non la liệt, tỷ lệ rụng lên tới 80 - 90%.

Nguy cơ mất trắng vụ vải u hồng

Theo Phòng NN-PTNT Lục Ngạn (Bắc Giang), năm 2023, diện tích trồng vải toàn huyện hơn 17.300ha, trong đó, diện tích vải chín sớm hơn 3.900ha (vải u hồng 1.220ha, u trứng 47ha, lai Thanh Hà 2.700ha). Theo thống kê của các cơ quan chuyên môn và UBND các xã của huyện Lục Ngạn, trong thời gian từ ngày 15 - 19/4 có hiện tượng quả vải non rụng bất thường, đặc biệt là trên diện tích vải u hồng (tỷ lệ rụng tới 80 - 90%), tập trung tại các xã có diện tích vải chín sớm lớn như Nam Dương, Tân Mộc, Mỹ An…

Theo ông Trịnh Viết Lợi, Trưởng thôn Tân Thành, xã Tân Mộc (Lục Ngạn), hiện tượng vải u hồng rụng bất thường như năm nay chưa gặp bao giờ. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Trịnh Viết Lợi, Trưởng thôn Tân Thành, xã Tân Mộc (Lục Ngạn), hiện tượng vải u hồng rụng bất thường như năm nay chưa gặp bao giờ. Ảnh: Trung Quân.

Ông Lưu Anh Đức, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lục Ngạn cho biết: Trà vải chín sớm hiện đang bước vào giai đoạn phát triển quả non và rụng quả sinh lý. Việc rụng quả sinh lý là hiện tượng bình thường trên vải. Tuy nhiên, năm nay hiện tượng này lại diễn ra bất thường khi tỷ lệ rụng rất cao, có vườn rụng hàng loạt.

Hiện tại, các cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến xã đã về từng vườn để xác định nguyên nhân, bước đầu nhận định hiện tượng hoa và quả non rụng nhiều là do ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết khi nền nhiệt độ thấp, trời âm u, có mưa phùn, hiện tượng bốc hơi nước lớn đã ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của quả vải.

Ghi nhận trên địa bàn xã Tân Mộc, nơi được xem là “thủ phủ” vải u hồng của huyện Lục Ngạn, các nhà vườn ở đây ai cũng buồn bã do hiện tượng vải rụng diễn ra “không phanh”.

Ông Trịnh Viết Lợi, Trưởng thôn Tân Thành, xã Tân Mộc chia sẻ: Diện tích trồng vải u hồng của toàn thôn khoảng 100ha thì có tới 80% diện tích có hiện tượng vải rụng bất thường. 

Theo ông Lợi, chưa năm nào có hiện tượng quả vải non rụng hàng loạt như năm nay. Hiện tại, các cơ quan chuyên môn đang xác định nguyên nhân, tuy nhiên qua theo dõi sinh trưởng và phát triển của các trà vải, nhiều hộ có chung nhận định là thời điểm vải thụ phấn gặp phải thời tiết không thuận lợi nên quả vải không vào hạt, lép hạt. Đến thời điểm rụng sinh lý thì tỷ lệ quả rụng tăng cao.

“Ban đầu hộ nào cũng phấn khởi, tin tưởng sẽ được đón một vụ vải sớm bội thu vì chưa năm nào tỷ lệ ra hoa, đậu quả non cao như năm nay. Có gia đình còn rục rịch đánh tiếng với các đầu mối thu mua vì lo vải quá được mùa, nguồn cung vượt cầu, nếu không liên hệ sớm sẽ khó tiêu thụ. Ấy vậy mà chỉ trong vòng mấy ngày quả non rụng không thể kiểm soát, nhiều vườn rụng trắng cây. Người dân hi vọng bao nhiêu thì giờ thất vọng bấy nhiêu”, ông Lợi buồn bã.

Cũng theo ông Lợi, đây là hiện tượng hiếm gặp nên người dân khá lo lắng vì chưa xác định được nguyên nhân cụ thể nên không xác định được đây là hiện tượng rụng quả sinh lý bình thường hay do sâu bệnh. Nếu không có giải pháp xử lý kịp thời, rất có thể ảnh hưởng tới diện tích vải u hồng còn lại và các trà vải kế tiếp, nhất là trà vải thiều chính vụ.

“Các năm trước, người dân Tân Thành trông chờ cả vào vụ vải u hồng sớm vì dễ tiêu thụ và giá bán ổn định ở mức cao, tuy nhiên năm nay coi như thất thu. Riêng gia đình tôi trồng 2ha vải u hồng, trung bình mọi năm thu được trên 10 tấn, nhưng năm nay nếu giữ được số còn lại trên cây thì may ra vớt vát được khoảng 2 tấn, còn không thì xác định mất trắng. Với giá vải u hồng trung bình 20.000 đồng/kg như các năm trước (năm cao 40.000 - 50.000 đồng/kg), ước tính thiệt hại về kinh tế của người dân trong thôn là không hề nhỏ”, ông Lợi bộc bạch.

Bà Nguyễn Thị Duyên, thôn Tân Thành, xã Tân Mộc (Lục Ngạn) đứng ngồi không yên khi vườn vải của gia đình quả rụng gần hết. Ảnh: Trung Quân.

Bà Nguyễn Thị Duyên, thôn Tân Thành, xã Tân Mộc (Lục Ngạn) đứng ngồi không yên khi vườn vải của gia đình quả rụng gần hết. Ảnh: Trung Quân.

Bà Nguyễn Thị Duyên, người cùng thôn Tân Thành cũng không khỏi chán nản khi 170 cây vải của gia đình chỉ còn khoảng 20 cây là còn ít quả non lơ phơ trên cành. Tuy nhiên thời gian tới, khi cây nảy lộc thì nguy cơ số quả này bị rụng là rất cao.

“Đến giờ coi như hỏng ăn vụ vải u hồng rồi. Nghĩ mà buồn vì giá bán 1 tấn vải u hồng thường bằng 2 - 3 tấn vải chính vụ, trong khi chi phí đầu tư cũng như công chăm sóc lại thấp. Mọi năm trừ các chi phí, trà vải u hồng cũng cho gia đình thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng. Từ giờ tới cuối vụ, nếu giữ được số lượng quả còn lại thì gia đình còn thu được ít đồng bù vào chi phí, không là xác định treo niêu”, bà Duyên than thở.

Chú ý các biện pháp bảo vệ các trà vải

Theo ông Lưu Anh Đức, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lục Ngạn, mặc dù hiện tượng quả vải non rụng sinh lý bất thường trên trà vải u hồng nhưng nếu trà vải thiều chính vụ không gặp những rủi ro bất thường trong thời gian tới thì sẽ không ảnh hưởng đến sản lượng vải chung của huyện trong năm nay, vì diện tích vải u hồng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.

Theo ông Đức, ngay khi nắm bắt được tình hình quả vải u hồng non trà sớm rụng bất thường, Phòng NN-PTNT đã phối hợp với các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn người dân tập trung theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của các trà vải; phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp trên làm rõ nguyên nhân gây rụng quả vải bất thường.

Hiện tượng vải rụng sinh lý bất thường đang khiến các chủ vườn vải lo lắng vì chưa xác định được nguyên nhân. Ảnh: Trung Quân.

Hiện tượng vải rụng sinh lý bất thường đang khiến các chủ vườn vải lo lắng vì chưa xác định được nguyên nhân. Ảnh: Trung Quân.

Bên cạnh đó, chỉ đạo, hướng dẫn nông dân chăm sóc, vệ sinh vườn sạch sẽ, cắt tỉa thông thoáng, tỉa bỏ cành tăm, cành vượt, cành bị sâu bệnh để hạn chế nơi cư trú của sâu bệnh và giúp cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả; tưới nước đủ ẩm, bón phân cân đối, hạn chế bón đạm đơn hoặc NPK có hàm lượng đạm cao, bổ sung phân bón lá giàu vi lượng Bo, Canxi để hạn chế rụng quả sinh lý và nứt quả non.

Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến phát sinh gây hại của các đối tượng sâu bệnh như sương mai, thán thư, sâu đục cuống quả, bọ xít, sâu đo, sâu róm, rệp… để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

Phòng NN-PTNT huyện Lục Ngạn khuyến cáo: Đối với trà vải Thanh Hà và vải thiều chính vụ, để hạn chế rụng quả sinh lý trong thời gian tới, khuyến cáo người dân tăng cường vệ sinh vườn, khơi thông các rãnh thoát nước quanh vườn và rãnh giữa các hàng. Tiến hành cắt tỉa các cành tăm, cành sâu bệnh, cành dầy, cành trong tán. Tỉa thưa để cây thông thoáng, tạo điều kiện cho các cành quả chính phát triển tốt, giảm sự trú ngụ của sâu bệnh.

Bên cạnh đó, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh giúp cây sinh trưởng tốt, tăng cường sức đề kháng cho cây. Giai đoạn cây nuôi quả cần chọn các loại phân NPK có hàm lượng lân, kali cao, hàm lượng đạm thấp.

Giai đoạn phát triển quả cần giữ ẩm cho cây, tưới nước vào sáng sớm hoặc chiều mát, tưới đều xung quanh gốc dưới tán cây, tránh tưới đẫm gây hiện tượng sốc nước, nứt quả, rụng quả.

Phun phòng, trừ nấm bệnh sương mai và sâu hại vải kịp thời. Đồng thời, bổ sung phân bón qua lá giàu vi lượng để cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất