Nghiên cứu mới do nhóm trường Đại học Maryland (Hoa Kỳ) cho biết, chủng cúm gia cầm hiện “khác biệt hoàn toàn” so với các đợt bùng phát bệnh trước đây do số lượng chim chết vì cúm tăng nhiều chưa từng thấy.
Bà Jennifer Mullinax, đồng tác giả của nghiên cứu và là trợ lý giáo sư tại Khoa Khoa học và Công nghệ Môi trường của Đại học Maryland cho biết: “Chúng tôi đã nghiên cứu virus cúm gia cầm có khả năng gây bệnh thấp đối với ngành chăn nuôi gia cầm trong nhiều năm qua, nhưng lần này thì khác. Chủng virus có khả năng gây bệnh cao này đang quét sạch mọi thứ với số lượng mà chúng tôi chưa từng thấy trước đó”.
Nghiên cứu được đăng tải trên trang Conservation Biology là quá trình theo dõi sự bắt đầu và phát triển của dịch cúm gia cầm trên thú lông vũ tại Bắc Mỹ và so sánh với các đợt bùng phát trước đó.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích 5 nguồn dữ liệu khác nhau cho thấy thông tin về sự tồn tại của cúm gia cầm trên chim hoang dã và gia cầm tại Mỹ và Canada cũng như trên cơ sở dữ liệu toàn thế giới thu thập từ năm 2014 đến 2023.
Không giống với đợt vùng phát cúm H5N8 năm 2015, đợt bùng phát H5N1 hồi cuối năm 2021 đã khiến chim hoang dã chết trên diện rộng với chủng virus gây bệnh cao và rất khó để dập dịch. “Không giống với H5N8, bệnh này đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới cộng đồng chim hoang dã”, theo bà Johanna Harvey, thuộc nhóm tác giả nghiên cứu cho biết.
Bà cũng chia sẻ thêm rằng rất khó để xác định có bao nhiêu con chim thực sự bị cúm trong quần thể hoang dã song nhóm nghiên cứu đã chứng kiến ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bện trên nhóm chim ăn thịt, chim biển…
Khoảng 58 triệu gia cầm chết hoặc bị tiêu hủy tại Mỹ và khoảng 7 triệu tại Canada nhằm ngăn chặn lây lan cúm gia cầm.
Trước đây cúm gia cầm thường bùng phát vào mùa thu, nhưng đợt dịch bệnh gần đây nhất lại diễn ra quanh năm, dịch bùng phát ở chim hoang dã vào mùa hè và gia cầm vào mùa xuân, và mùa thu.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng tác động ngày càng nguy hiểm bệnh cúm gia cầm hiện nay đối với các loài chim hoang dã và sự thay đổi thời gian bùng phát dịch có thể là tín hiệu cho thấy tính nguy hiểm trong diễn biến dịch cúm gia cầm ở Mỹ.
Nhóm nghiên cứu cũng kết luận rằng dịch cúm gia cầm có thể sẽ trở thành bệnh đặc hữu, gây ảnh hưởng đến an ninh lương thực và nền kinh tế.
Nghiên cứu kêu gọi các nhà lãnh đạo cấp quốc gia và khu vực phối hợp để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. “Nghiên cứu chứng minh mức độ chưa từng thấy của dịch bệnh và mô tả viễn cảnh mà chúng tôi cho rằng sẽ xảy ra,” bà Mullinax nói.
Tính đến tháng 12 năm ngoái, hơn 140 triệu con gia cầm đã chết ở Hoa Kỳ, Anh và EU do cúm gia cầm.
Chủng này cũng đã được tìm thấy ở một số động vật có vú, bao gồm cả gấu ở Mỹ và chó hoang trong vườn thú ở Anh, cũng như một số trường hợp lẻ ở người.
Trong một báo cáo vào tháng 3 năm nay, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ cho biết: “Năm 2022, mặc dù có sự lây lan rộng về mặt địa lý của virus cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) A (H5N1) ở chim hoang dã và gia cầm trên toàn thế giới nhưng ít xảy ra trường hợp lây sang người.
“Tất cả các trường hợp được báo cáo ở người kể từ năm 2022 đều có liên quan đến việc tiếp xúc với gia cầm gần đây và không có trường hợp lây truyền từ người sang người.”
Dịch bệnh khiến giá gia cầm và sản phẩm gia cầm, bao gồm cả trứng, tăng 60% tại Mỹ vào năm 2022.