| Hotline: 0983.970.780

Chung tay tiêu thụ bưởi Đào cho nông dân

Thứ Ba 23/02/2021 , 16:36 (GMT+7)

Sau Tết, hàng trăm tấn bưởi Đào ở ấp Suối Nhát, xã Xuân Đông (Cẩm Mỹ, Đồng Nai) chín rộ nhưng không có đầu ra, khiến nhiều nhà vườn lao đao…

BƯỞI CHÍN ĐẦY VƯỜN

Ghi nhận của NNVN tại nhiều vườn bưởi Đào trên địa bàn 3 xã Sông Ray, Xuân Tây, Xuân Đông thuộc huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai), mặc dù đã đến ngày thu hoạch nhưng vẫn không có thương lái đến mua. Thậm chí, từ trong Tết người trồng bưởi ở địa phương đã nhiều lần gọi điện cho thương lái nhưng hầu như chẳng có hồi âm.

Sau Tết, mặc dù đã đến ngày thu hoạch nhưng vẫn không có thương lái, doanh nghiệp nào đến thu mua bưởi Đào cho nhà vườn. Ảnh: MS.
Sau Tết, mặc dù đã đến ngày thu hoạch nhưng vẫn không có thương lái, doanh nghiệp nào đến thu mua bưởi Đào cho nhà vườn. Ảnh: MS.

Sau Tết, mặc dù đã đến ngày thu hoạch nhưng vẫn không có thương lái, doanh nghiệp nào đến thu mua bưởi Đào cho nhà vườn. Ảnh: MS.

Trước tình cảnh này, có chủ vườn đành phải hái bưởi đem ra đường bán lẻ nhưng do đang mùa dịch Covid nên cũng chẳng có ai mua. Ông Bùi Duy Nam, Trưởng ấp Suối Nhát, thành viên Tổ hợp tác bưởi Đào cho biết: “Mùa thu hoạch bưởi rơi vào thời điểm cuối năm và cận Tết, nhưng vì dịch Covid-19 bùng phát nên chẳng có thương lái hay doanh nghiệp nào đến thu mua cho bà con. Do vậy, sau Tết lượng bưởi chín còn tồn trong vườn của người dân ở Tổ hợp tác khoảng trên 500 tấn khiến người trồng bưởi rơi vào tình cảnh khốn khó”.

Theo ông Nam, Tổ hợp tác hiện có 63 ha bưởi Đào, trồng theo quy trình VietGAP, cũng là cây trồng chủ lực trong xã, ấp. Hiện, toàn bộ diện tích bưởi Đào của ấp vẫn còn “treo cây” vì không có đầu ra. Chỉ trong vài tuần nữa nếu bưởi vẫn không thu hoạch thì có thể trái sẽ chín rụng hàng loạt, nguy cơ nhà vườn thất thu. 

Giống bưởi Đào được nhập từ miền Bắc vào trồng trên vùng đất Cẩm Mỹ đang phát triển tốt, cho năng suất cao và chất lượng ngon. Sản phẩm bưởi Đào vỏ vàng ruột đỏ, có vị ngọt thanh và hơi chua dốt. Ảnh: MS.

Giống bưởi Đào được nhập từ miền Bắc vào trồng trên vùng đất Cẩm Mỹ đang phát triển tốt, cho năng suất cao và chất lượng ngon. Sản phẩm bưởi Đào vỏ vàng ruột đỏ, có vị ngọt thanh và hơi chua dốt. Ảnh: MS.

Ông Ngô Bá Mẫn, chủ vườn bưởi Đào hơn 20 năm tuổi, ấp Suối Nhát tâm sự: “Vườn bưởi của gia đình tôi từ trước Tết mới chỉ bán được một ít, hiện vẫn còn khoảng 2/3 lượng trái trên cây (khoảng hơn 20 tấn bưởi Đào), nếu không kịp thu hoạch trong một vài tuần nữa thì trái sẽ hư và rụng sạch. Bữa nay thấy có đoàn về bàn cách “giải cứu” bưởi, bà con chúng tôi mừng quá!”.

Theo ông Mẫn, những năm trước đến thời điểm cận Tết gia đình ông đã thu hoạch xong bưởi, bán giá cao nhất được 22.000 - 25.000 đồng/kg, còn thấp nhất cũng được 17.000 - 18.000 đồng/kg. Đầu ra tương đối dễ tiêu thụ, nhưng từ khi dịch Covid -19 bùng phát khiến thương lái rất hạn chế thu mua. 

Mùa thu hoạch bưởi rơi vào thời điểm cuối năm và cận Tết, nhưng vì dịch Covid-19 bùng phát nên chẳng có thương lái hay doanh nghiệp nào đến thu mua cho bà con. Ảnh: MS.

Mùa thu hoạch bưởi rơi vào thời điểm cuối năm và cận Tết, nhưng vì dịch Covid-19 bùng phát nên chẳng có thương lái hay doanh nghiệp nào đến thu mua cho bà con. Ảnh: MS.

Gia đình bà Đặng Thị Túy có hơn 200 gốc bưởi Đào, trước Tết mới chỉ kịp bán được gần phân nửa sản lượng trái trong vườn. Sau Tết do để lâu chưa bán được nên vườn bưởi bắt đầu có biểu hiện trái già quá lứa, rụng, cây suy dần. “Những năm trước thương lái thường đến vườn đặt cọc từ sớm và thu mua hết trước Tết, nhưng năm nay do dịch Covid nên bán rất chậm. Thậm chí bưởi nhà tôi đã đến ngày cắt nhưng vẫn không có người mua. Mỗi ngày ra vườn nhìn bưởi chín rụng bà con chúng tôi sốt "nổ" ruột, nhưng biết kêu ai bây giờ!”, bà Túy than vãn.

KÊU GỌI CHUNG TAY “GIẢI CỨU”

Ngay sau Tết, đoàn xe “giải cứu” bưởi do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP.HCM (HANE) cùng Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam và doanh nghiệp đã kéo về xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) để khảo sát thực tế tình trạng bưởi Đào tồn đọng; đồng thời họp bàn các giải pháp hỗ trợ bà con nông dân tìm đầu ra cho hàng trăm tấn bưởi Đào của Tổ hợp tác bưởi Đào Suối Nhát.

Hội HANE cùng Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam và doanh nghiệp về khảo sát thực tế tình trạng bưởi Đào tồn đọng và họp bàn các giải pháp hỗ trợ bà con nông dân tìm đầu ra. Ảnh: MS.

Hội HANE cùng Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam và doanh nghiệp về khảo sát thực tế tình trạng bưởi Đào tồn đọng và họp bàn các giải pháp hỗ trợ bà con nông dân tìm đầu ra. Ảnh: MS.

Chị Cồ Thị Phi Hường, Phó Chủ nhiệm CLB Hiệp sĩ Môi trường (trực thuộc HANE) chia sẻ: “Ngay sau khi chúng tôi kêu gọi các cá nhân, đơn vị cùng “đồng hành” với người dân trồng bưởi Đào ở Đồng Nai thì đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhiều doanh nghiệp”.

Các đoàn tích cực vận động và tham gia 'giải cứu' bưởi Đào cho nhà vườn. Ảnh: MS.

Các đoàn tích cực vận động và tham gia "giải cứu" bưởi Đào cho nhà vườn. Ảnh: MS.

Được biết, giống bưởi Đào được nhập từ miền Bắc vào trồng trên vùng đất Cẩm Mỹ đang phát triển tốt, cho năng suất cao và chất lượng ngon. Sản phẩm bưởi Đào vỏ vàng, ruột đỏ, có vị ngọt thanh và hơi chua dốt, sau khi thu hoạch có thể để được khá lâu. Những năm gần đây, diện tích bưởi Đào đang tăng nhanh, chỉ riêng xã Xuân Đông và Xuân Tây (huyện Cẩm Mỹ) mỗi xã đã phát triển trên 100 ha bưởi Đào, năng suất mỗi cây cho thu từ 500 – 600 kg trái/vụ/năm.

Ths.Phạm Anh Cường, Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho rằng, đặc sản bưởi Đào là giống có nguồn gốc từ miền Bắc nhưng giá bán chỉ rẻ bằng một nửa giá bưởi da xanh miền Nam. Giống bưởi này vẫn cho lợi nhuận cao so với nhiều cây trồng khác vì cây ít sâu bệnh, ít công chăm tưới nhưng năng suất lại rất cao. Tuy nhiên, hiện bưởi Đào đang rơi vào tình trạng phải “giải cứu”, do vậy ngành nông nghiệp cần phải có giải pháp căn cơ dài hơi để người nông dân yên tâm đầu tư sản xuất.

Theo lãnh đạo xã Xuân Đông, chưa năm nào nhà vườn trồng bưởi Đào trong xã lại gặp tình cảnh khó khăn đầu ra như thế này. Ảnh: MS.

Theo lãnh đạo xã Xuân Đông, chưa năm nào nhà vườn trồng bưởi Đào trong xã lại gặp tình cảnh khó khăn đầu ra như thế này. Ảnh: MS.

Ông Đào Ngọc Minh, Bí thư xã Xuân Đông cho biết: “Năm nay đúng thời điểm bưởi chín rộ thì bị dịch Covid -19 bùng phát khiến thương lái và doanh nghiệp phải đóng kho không về thu mua sản phẩm nữa. Do vậy, chúng tôi đã phải kêu gọi người dân ở các địa phương lân cận mua ủng hộ nhưng cũng không được nhiều. Hiện các nhà vườn trong xã đang gặp nhiều khó khăn chưa biết giải quyết như thế nào”.

Theo ông Minh, chưa năm nào nhà vườn trồng bưởi Đào trong xã lại gặp tình cảnh khó khăn đầu ra như thế này. Hiện đa số các vườn vẫn còn “treo trái”, càng để lâu không thu hoạch càng khiến chi phí chăm sóc tăng và cây sẽ bị suy, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng trái của vụ sau. Do vậy, nếu được các đoàn, hội về “giải cứu” bưởi thì sẽ giúp hạn chế thiệt hại cho bà con địa phương”.  

Văn bản của UBND huyện Cẩm Mỹ vận động hỗ trợ người dân trồng bưởi tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: UBND huyện Cẩm Mỹ cung cấp.

Văn bản của UBND huyện Cẩm Mỹ vận động hỗ trợ người dân trồng bưởi tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: UBND huyện Cẩm Mỹ cung cấp.

Trao đổi với NNVN, bà Nguyễn Thị Điệp, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cẩm Mỹ cho biết: Diện tích bưởi Đào chủ yếu trồng tập trung ở xã Xuân Đông và Xuân Tây. Thời điểm trước Tết các nhà vườn trồng bưởi Đào đã bán được khoảng 350 tấn trái, hiện số bưởi trong Tổ hợp tác Suối Nhát chưa tiêu thụ được còn khá nhiều. Do vậy, địa phương rất cần sự chung tay hỗ trợ đầu ra của các đoàn hội để nhà vườn nhanh chóng giải phóng vườn và giúp cây được nghỉ sớm, bớt suy”.

Theo bà Điệp, chất lượng bưởi Đào rất ngon nhưng địa phương vẫn chưa kêu gọi được các doanh nghiệp tham gia liên kết thu mua chế biến sản phẩm. Hướng sắp tới sẽ xây dựng các chuỗi liên kết, sản xuất theo quy trình sạch hữu cơ sẽ giúp tiêu thụ sản phẩm tốt hơn và hướng đến xuất khẩu.

“Cây bưởi đào trước kia do người dân đưa giống từ ngoài Bắc vào và trồng tự phát, nhưng cho thu nhập khá cao và ổn định. Ấp Suối Nhát chính là địa bàn đầu tiên trồng cây bưởi Đào và hiện đang dần phát triển thành vùng chuyên canh. Hiện chính quyền địa phương cũng đang xây dựng thương hiệu cho giống bưởi này”, ông Lê Văn Tưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ cho biết.

“Qua khảo sát hai xã Xuân Đông và Xuân Tây (Cẩm Mỹ, Đồng Nai), tuy là giống bưởi ngon nhưng do dịch Covid -19 bùng phát trước Tết nên số lượng bưởi còn tồn đọng hàng trăm tấn trong vườn nhà dân. Do vậy, Hội HANE phối hợp với các Sở ngành, doanh nghiệp tổ chức xuống bàn giải pháp “giải cứu”, kêu gọi người dân các địa phương, đặc biệt là TP.HCM hỗ trợ tiêu thụ hết bưởi tồn, giúp giảm thua lỗ cho bà con”, ông Ngô Xuân Chinh - Phó Chủ tịch Hội HANE.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.