Để khắc phục tình trạng gà chết do rét đậm, rét hại, ông Trần Quang Đạo, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cầu Gồ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang đã thiết kế thành công kiểu chuồng úm, nuôi gà cải tiến đảm bảo an toàn cho đàn gà và tiết kiệm nhiên liệu. Giải pháp này đã đạt giải ba hội thi “Sáng tạo kỹ thuật” tỉnh Bắc Giang lần thứ III năm 2009.
Từ nhiều năm nay, gia đình ông Đạo thường xuyên nuôi gà thả vườn với số lượng lớn. Trong đợt rét đậm, rét hại kéo dài cuối năm 2007, đầu năm 2008, đàn gà của gia đình ông bị chết vài trăm con. Để giữ ấm cho gà, lúc đầu ông sử dụng bếp than tổ ong nhưng khói từ bếp than đã gây ra nhiều tác hại. Sau nhiều ngày trăn trở, ông đã vận dụng nguyên lý của “bếp Hoàng Cầm” thường sử dụng hồi kháng chiến chống Mỹ kết hợp với cách thức vận hành của lò sấy thuốc lá thủ công. Sau nhiều lần thử nghiệm, ông Đạo đã thiết kế thành công kiểu chuồng úm gà với hệ thống dẫn nhiệt toả đều, sử dụng nguyên liệu dễ kiếm, rẻ tiền như mùn cưa, lá cây.
Theo ông Đạo, kỹ thuật xây chuồng không khác nhiều so với những chuồng gà thông thường. Cửa chuồng được mở về hướng Đông Nam nhằm bảo đảm ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Tường xây cao 0,8m, cột cao từ 1,8-2m, hai đầu hồi để ô thoáng, mở một cửa ra vào về phía Đông. Dùng lưới mắt nhỏ bao quanh hai sườn từ tường đến mái, dùng bạt che bên ngoài lưới để tránh mưa hắt và gió lùa (bạt có thể cuốn lên khi thời tiết nóng bức). Trên nền chuồng đào đường ống dẫn nhiệt. Bầu dẫn nhiệt sâu 0,5 m, rộng 0,6 m, dài 1,5 m. Ống khói có thể làm bằng ống nhựa to, cao hơn nóc chuồng để khói thoát lên cao, không ảnh hưởng đến đàn gà. Mặt phẳng của đường ống dẫn nhiệt phải nghiêng khoảng 20 độ để khói được hút lên trên, nếu xây chuồng dài thì cứ khoảng 7 m tạo một đường ống dẫn khói ngang sang hai bên sườn tường.
Tạo nhiệt cho chuồng úm và nuôi gà bằng cách đốt nguyên liệu ở bầu nhiệt. Từ đây, nhiệt được dẫn theo đường ống tỏa đều vào nền chuồng, làm cho nền chuồng luôn khô ráo, nhiệt độ trong chuồng không vượt quá 35oC. Khi muốn giảm nhiệt độ dùng một tấm ván đậy cửa bầu nhiệt lại, dần dần nhiệt sẽ hạ theo yêu cầu. Ông Trần Quang Đạo cho biết: “Nếu đốt bằng các vật liệu như than, củi nhiệt sinh ra sẽ lớn, điều chỉnh nhiệt trong chuồng khó và chi phí cao. Tốt nhất là đốt bằng mùn cưa vì nguyên liệu này cháy âm ỉ, nhiệt sinh ra không quá cao và giá rất rẻ, dễ kiếm tại địa phương”.
Qua quá trình chăn nuôi thực tế có sự so sánh đối chứng cho thấy, chuồng gà cải tiến do ông Đạo sáng chế có những ưu điểm như giảm được 550.000đồng/1.000 gà so với phương pháp dùng điện hoàn toàn để sưởi ấm, chiếu sáng. Hiện nay, toàn huyện Yên Thế đã có khoảng 500 chuồng gà cải tiến được xây dựng.