| Hotline: 0983.970.780

Dự án VnSAT giúp hình thành chuỗi liên kết sản xuất cà phê chất lượng cao

Thứ Sáu 06/05/2022 , 08:05 (GMT+7)

LÂM ĐỒNG Tại tỉnh Lâm Đồng, được Dự án VnSAT hỗ trợ, các tổ chức nông dân đã liên kết để cùng sản xuất cà phê chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường.

Liên kết sản xuất cà phê từ Dự án VnSAT

Những năm gần đây, nhờ sự hỗ trợ của Dự án VnSAT, nông dân trồng cà phê tại xã Nam Hà (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) đã liên kết lập ra Tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững Nam Trưng. Ông Tạ Quang Việt, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững Nam Trưng cho biết, tổ được thành lập vào cuối năm 2016 với 60 thành viên ban đầu, đến nay có khoảng hơn 100 thành viên với tổng diện tích sản xuất cà phê khoảng 300ha.

Được sự hỗ trợ của VnSAT, các thành viên Hợp tác xã Tân Nghĩa (xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, Lâm Đồng) liên kết sản xuất cà phê một cách khoa học, tăng chất lượng sản phẩm. Ảnh: Minh Hậu.

Được sự hỗ trợ của VnSAT, các thành viên Hợp tác xã Tân Nghĩa (xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, Lâm Đồng) liên kết sản xuất cà phê một cách khoa học, tăng chất lượng sản phẩm. Ảnh: Minh Hậu.

Sau khi được thành lập, tổ hợp tác nhận được sự hỗ trợ của Dự án VnSAT về các mô hình sản xuất cà phê bền vững, được Dự án hỗ trợ xây dựng nhà kho, sân phơi và 2,6km đường giao thông nội đồng. Theo ông Tạ Quang Việt, thời gian qua, cùng với việc hỗ trợ về vật chất, Dự án VnSAT đã đào tạo, tập huấn cho các thành viên về cách trồng, chăm sóc cà phê đúng kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Do vậy, nhận thức của các thành viên về sản xuất cà phê đã được cải thiện, cách làm cũ kém hiệu quả dần được thay thế bằng cách làm mới.

Theo gia đình ông Đỗ Văn Toàn, thành viên của Tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững Nam Trưng, khi tham gia vào Tổ hợp tác, gia đình ông được cán bộ Dự án VnSAT đào tạo về kỹ thuật canh tác và hỗ trợ về phân bón, thuốc BVTV. Theo đó, gia đình ông Toàn hiện có khoảng 1,6ha cà phê và cây đã bước vào năm thứ 17, năng suất cà phê khoảng 2 tấn nhân/năm. Nhờ phát triển mô hình trồng xen bơ nên hiện nay, cùng với việc thu hoạch cà phê, gia đình ông Toàn có thêm nguồn thu nhập từ việc thu hoạch 8 tấn bơ/năm.

Trong khi đó, tại xã Tân Nghĩa (huyện Di Linh, Lâm Đồng), nhờ Dự án VnSAT hỗ trợ nên những hộ dân sản xuất cà phê đã liên kết và thành lập HTX Tân Nghĩa. Ông Nguyễn Minh Ngọc, Giám đốc HTX Tân Nghĩa cho biết, đến nay, HTX có khoảng trên 100 thành viên. Thông qua HTX, các kiến thức sản xuất cà phê được cập nhật, phổ biến đến từng thành viên.

Những kiến thức phổ biến từ trên xuống sau đó được các thành viên áp dụng vào thực tiễn sản xuất để nâng cao hiệu quả. Ông Nguyễn Minh Ngọc chia sẻ: "Khi chưa thành lập HTX, nông dân trồng cà phê mạnh ai nấy làm. Mỗi người làm mỗi cách nên hiệu quả không cao. Bây giờ cùng nhau liên kết nên những cách làm hay, cách làm hiệu quả được các thành viên trao đổi, chia sẻ cho nhau. Các thành viên cũng tập trung sản xuất sản phẩm sạch, chất lượng để đáp ứng nhu cầu thị trường".

Thông qua các HTX, những kiến thức được phổ biến giúp nông dân hiểu sâu và áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Ảnh: Đăng Lâm.

Thông qua các HTX, những kiến thức được phổ biến giúp nông dân hiểu sâu và áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Ảnh: Đăng Lâm.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Ngọc, thời gian qua, HTX được Dự án VnSAT hỗ trợ về mô hình cà phê tái canh, cà phê bền vững, mô hình tưới nước tiết kiệm… Các mô hình Dự án VnSAT hỗ trợ đều có sự phát triển vượt trội nên đã tạo ra sự lan tỏa nhanh chóng.

"Những hộ thành viên không được hỗ trợ về tái canh nhưng thấy mô hình của Dự án mang lại hiệu quả cao nên đã chủ động đầu tư, tái canh. Những gia đình không được hỗ trợ về tưới tiết kiệm cũng học hỏi để làm theo. Việc liên kết, hỗ trợ và lan tỏa các mô hình ở HTX đã hình thành phong trào sản xuất cà phê hiệu quả", ông Nguyễn Minh Ngọc thổ lộ.

Theo Ban quản lý Dự án VnSAT Lâm Đồng, thời gian qua, Dự án đã hỗ trợ cơ sở hạ tầng, xây dựng, nâng cấp được 22,26km đường giao thông nông thôn cho 10 tổ chức nông dân. Xây dựng 8 nhà kho hỗ trợ cho 8 tổ chức nông dân với tổng diện tích 1.392m2, tổng sức chứa ở vào khoảng 2.783 tấn và xây dựng 6 sân phơi cà phê cho 4 tổ chức nông dân với tổng diện tích khoảng 3.962m2, năng lực phơi gần 80.000 tấn tươi/lần.

Sản xuất cà phê hướng hữu cơ

Theo ông Tạ Quang Việt, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững Nam Trưng, hiện nay, các thành viên của Tổ đang chung tay thực hiện mô hình cà phê hướng hữu cơ để phát triển thị trường. Các thành viên thống nhất không dùng các loại phân bón hóa học, không sử dụng thuốc BVTV độc hại.

Mô hình canh tác cà phê bền vững (cà phê xen bơ) được triển khai tại các hộ thành viên Tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững Nam Trưng (xã Nam Hà, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng). Ảnh: Minh Hậu.

Mô hình canh tác cà phê bền vững (cà phê xen bơ) được triển khai tại các hộ thành viên Tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững Nam Trưng (xã Nam Hà, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng). Ảnh: Minh Hậu.

Thay vào đó, cà phê và cây ăn trái trồng xen trong vườn được bón phân hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ dịch bệnh, sâu hại. "Hiện nay, sản phẩm cà phê của Tổ hợp tác đã đạt chứng nhận UTZ và chúng tôi đang mở rộng quy mô và tập trung sản xuất các sản phẩm cà phê mật ong, cà phê chất lượng cao để phát triển thị trường", ông Tạ Quang Việt, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững Nam Trưng chia sẻ.

Cũng từ sự hỗ trợ của Dự án VnSAT, năm 2019, Tổ hợp tác sản xuất cà phê Chi Lăng – Đông Anh (tại Thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) đã phát triển thành HTX Nông nghiệp Nam Ban với 24 thành viên. Hiện nay, diện tích sản xuất cà phê của HTX này khoảng 50ha. HTX đang liên kết với hàng chục hộ dân địa phương để phát triển nguyên liệu cà phê hướng hữu cơ.

Ông Trần Văn Xuất, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Nam Ban cho biết, các thành viên của hợp tác xã đã liên kết, cùng sản xuất cà phê chất lượng cao. Việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV được thực hiện theo hướng hạn chế các chất có thành phần độc hại. Thay vào đó là tăng cường biện pháp sản xuất hướng hữu cơ để tăng hệ vi sinh cho đất, tạo mùn và tăng độ ẩm cho nền vườn. Các loại thuốc BVTV hóa học trước đây cũng được chuyển sang sử dụng bằng các loại chế phẩm sinh học để bảo vệ cây trồng, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.

Mô hình tái canh cà phê của Dự án VnSAT mang lại hiệu quả cao nên được người dân chủ động đầu tư, mở rộng. Ảnh: Đăng Lâm.

Mô hình tái canh cà phê của Dự án VnSAT mang lại hiệu quả cao nên được người dân chủ động đầu tư, mở rộng. Ảnh: Đăng Lâm.

"Toàn bộ diện tích cà phê của HTX đều được phát triển theo mô hình chất lượng cao và đã đạt chứng nhận UTZ", ông Trần Văn Xuất, Giám đốc HTX Nông nghiệp Nam Ban nói và cho biết thêm, để sản phẩm cà phê đạt chất lượng cao, HTX yêu cầu các thành viên tổ chức thu hoạch chọn lọc, thu hái trái chín 100% để phục vụ sơ chế, chế biến.

Cà phê sau khi được thu hoạch chọn lọc sẽ được chuyển vào ngâm, rửa sạch rồi cho vào nhà kính phơi khô, sau đó chuyển qua công đoạn chế biến. Với cách làm khoa học, kỹ thuật hiện đại, HTX Nông nghiệp Nam Ban đã tự sản xuất ra dòng sản phẩm cà phê honey (cà phê mật ong) và cà phê nhân cao cấp.

Ông Trần Văn Xuất thổ lộ, hiện nay, mỗi năm HTX Sản xuất trên 250 tấn cà phê nhân các loại. Đối với sản phẩm cà phê nhân cao cấp, HTX Nông nghiệp Nam Ban đã đạt được hợp đồng bao tiêu với một doanh nghiệp chế biến với sản lượng 100 tấn nhân/năm. Nhờ cách làm kỷ luật, khoa học, hiện đại nên HTX có được thị trường tương đối ổn định, giúp các thành viên cải thiện nguồn thu nhập, phát triển kinh tế.

Theo ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, Dự án VnSAT Lâm Đồng đã triển khai hỗ trợ hàng loạt tổ chức nông dân về quy trình sản xuất cà phê theo hướng bền vững và hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác về hệ thống nhà kho, sân phơi, máy sấy, máy sơ chế… giúp các HTX, tổ hợp tác hoàn thiện quy trình chế biến cà phê của mình. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng cà phê. Các mô hình như tái canh, cà phê bền vững được xây dựng tại Lâm Đồng đạt hiệu quả cao và có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng.

Trang thông tin có sự đồng hành của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất