| Hotline: 0983.970.780

Lan toả phong trào tái canh cà phê từ Dự án VnSAT

Thứ Năm 28/04/2022 , 08:06 (GMT+7)

ĐẮK NÔNG Từ các mô hình tái canh cà phê cho hiệu quả cao do Dự án VnSAT hỗ trợ triển khai, hàng nghìn nông dân đã chủ động tới học hỏi, tự đầu tư tái canh.

Nông dân rủ nhau làm theo Dự án VnSAT

Là một trong những vườn cà phê được Dự án VnSAT hỗ trợ vay vốn tái canh, ông Nguyễn Hữu Định (ngụ xã Nam Bình, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông, thành viên của HTX Nông nghiệp Đoàn Kết) vay vốn tái canh trên diện tích cà phê già cỗi.

Gia đình ông Định có hơn 3 ha cà phê được trồng từ năm 1996. Vườn cà phê của ông Định đã già cỗi và giống trước đây trồng cho trái nhỏ.

Ông Định được Dự án VnSAT hỗ trợ 555 cây giống và vay đối ứng để tái canh 5 sào. Sau 4 năm tái canh, hiện vườn cà phê này đã bắt đầu cho gia đình ông Định thu nhập ổn định.

“Giống cà phê do Dự án VnSAT tài trợ cho trái to và đồng đều, đạt chất lượng hơn so với giống cũ. Về năng suất, do diện tích cà phê tái canh còn tơ nên hiện chưa đánh giá được hết. Tuy nhiên, cây phát triển khỏe mạnh, trái vụ sau nhiều hơn vụ trước.

Nếu cứ làm theo kiểu cũ, không tham gia vào Dự án VnSAT chắc 5 sào rẫy của gia đình không được thế này. Trong xã, có mấy gia đình tái canh cùng lúc với gia đình tôi nhưng họ làm theo kiểu cũ nên tỉ lệ cây chết nhiều lắm. Cây chết thì họ lại mua cây con về trồng dặm nên thành ra cả vườn trông nhấp nhô cây lớn, cây nhỏ”, ông Định cho biết.

Vườn tái canh của gia đình ông Lưu Như Bính xanh tốt, cho năng suất cao sau khi tái canh. Ảnh: Minh Quý.

Vườn tái canh của gia đình ông Lưu Như Bính xanh tốt, cho năng suất cao sau khi tái canh. Ảnh: Minh Quý.

Cũng theo ông Định, nhờ cải tạo đất kỹ và thực hiện đúng kỹ thuật nên dịch bệnh được kiểm soát, cây phát triển mạnh. Nền đất được cải tạo kỹ nên có độ tơi xốp cao, vi sinh vật nhiều. 

“Vườn cây phát triển mạnh, vượt trội so với các vườn khác nên người dân trong khu vực thường lui tới hỏi về quy trình chăm sóc. Nhiều nông dân thấy giống tốt cũng ngỏ ý xin chồi về ghép cải tạo. Nhiều người muốn học hỏi kinh nghiệm, tôi đều lấy vốn kiến thức học được từ các chương trình tập huấn của Dự án VnSAT ra truyền đạt lại cho họ. Nhiều gia đình học kinh nghiệm xong chưa yên tâm, đến tận vườn vừa hướng dẫn vừa làm giúp”, ông Định nói thêm.

Ông Lưu Như Bính, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đoàn Kết cho biết, HTX được thành lập vào năm 2014 với hơn 50 thành viên, diện tích hơn 200 ha. Đến năm 2017, HTX qua giới thiệu được tiếp cận với Dự án VnSAT. Khi tham gia dự án, các thành viên HTX được hỗ trợ tập huấn khoa học kỹ thuật về chăm sóc cà phê, tái canh cà phê theo hướng bền vững.

Theo ông Bính, Dự án VnSAT cũng hỗ trợ HTX 3 mô hình tái canh cà phê bền vững với diện tích 1,5 ha. Ngoài ra, dự án còn kết hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông tập huấn kỹ thuật tái canh, kỹ thuật chăm sóc cà phê.

“Những vườn cà phê già cỗi năng suất tụt giảm từ 5 tấn xuống còn 2,5 tấn/ha. Sau khi được dự án hỗ trợ, HTX chọn 3 thành viên có tâm huyết, vùng đất phù hợp để hỗ trợ tái canh cà phê. Sau khi thực hiện tái canh, 3 năm sau vườn cà phê trở lại rất xanh tốt. Tái canh giúp vườn cà phê nghỉ ngơi 3 năm rồi cho thu hoạch ổn định, vượt trội cho hơn so với để vườn cà phê già cỗi. Đây là một trong những chương trình lan tỏa của ngành cà phê Việt Nam đúng theo tinh thần của dự án”, ông Bính chia sẻ.

Dự án VnSAT Đắk Nông đã hỗ trợ hàng nghìn hộ dân thực hiện tái canh cà phê hiệu quả. Ảnh: Đăng Lâm.

Dự án VnSAT Đắk Nông đã hỗ trợ hàng nghìn hộ dân thực hiện tái canh cà phê hiệu quả. Ảnh: Đăng Lâm.

Theo ông Bính, nhiều hộ dân khu vực thấy vườn cà phê của các gia đình sau khi tái canh phát triển tốt, năng suất cao nên cũng có ý tham gia mô hình.

“Qua trao đổi kinh nghiệm, người dân nắm bắt được quy trình kỹ thuật tái canh nên đã chuyển đổi theo từng mô hình phù hợp, giúp kinh tế ổn định. Sau khi nắm được quy trình kỹ thuật, người dân đã tự tái canh vườn cà phê già cỗi của gia đình. Hầu như hiện nay, các vườn cà phê già cỗi trong HTX đều đã được các thành viên tái canh, cắt ghép và cho sản lượng đạt hơn 4 tấn/ha”, ông Bính nói thêm.

Lan toả phong trào tái canh khắp tỉnh

Ông Lê Văn Thanh (ngụ xã Nam Bình, huyện Đắk Song) cho biết, gia đình có hơn 4 ha cà phê trồng gần 20 năm, đã già cỗi, năng suất thấp. Vừa qua, sau khi thăm quan các mô hình tái canh cà phê của Dự án VnSAT, thấy cây phát triển tốt, cho năng suất cao nên ông cũng đã tự học hỏi về thực hiện tái canh cho cà phê của gia đình.

Theo ông Thanh dẫn chứng, khi tái canh, người dân mất 3 năm không có nguồn thu để trang trải cho cuộc sống gia đình. Chưa kể, giai đoạn này người dân phải bỏ chi phí đầu tư tái canh vườn cà phê từ khâu cuốc đất, làm cỏ, bón phân, mua giống, chăm sóc… Tính từ lúc tái canh đến khi thu hoạch, người dân phải bỏ hàng trăm triệu đồng/ha.

Dự án VnSAT đã giúp loan tỏa chương trình tái canh ra bên ngoài khuôn khổ Dự án. Ảnh: Đăng Lâm.

Dự án VnSAT đã giúp loan tỏa chương trình tái canh ra bên ngoài khuôn khổ Dự án. Ảnh: Đăng Lâm.

“Mặc dù vậy, khi biết thực hiện tái canh theo quy trình mới khoa học, nhiều gia đình đã tự nguyện xin học tập và tự bỏ vốn để tái canh diện tích cà phê già cỗi của gia đình theo đúng quy chuẩn. Tái canh theo chương trình của Dự án VnSAT cần rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc, nhưng suy cho cùng đó là cách làm khoa học, kiểm soát được dịch bệnh, mang lại chất lượng cao nên tôi vẫn quyết tâm tái canh”, ông Thanh chia sẻ.

Để tạo thuận lợi cho bà con có kinh phí thực hiện tái canh cà phê, Dự án VnSAT còn cho nông dân vay vốn. Ông Phạm Hùng Vỹ, Phó Giám đốc Dự án VnSAT tỉnh Đắk Nông cho biết, từ khi đi vào hoạt động, Dự án đã cho vay tái canh 726,88 tỷ đồng, tương ứng hơn 4.000 ha cà phê được dự án hỗ trợ.

Đặc biệt, Dự án VnSAT cũng thực hiện 144 lớp với 5.519 nông dân được đào tạo. Từ đó, người dân trong vùng dự án nắm được kỹ thuật cũng như các bước chuẩn bị để thực hiện tái canh vườn cà phê của họ. Để giúp nông dân nắm được quy trình chăm sóc vườn cây đúng quy trình, Dự án VnSAT cũng xây dựng 110 điểm/110 ha mô hình.

Thông qua mô hình, các hộ tham gia được hướng dẫn canh tác theo quy trình sản xuất cà phê bền vững nên chi phí đầu vào giảm từ 10 - 15% so với trước khi làm mô hình, năng suất duy trì ổn định 4,2 tấn/ha, từ đó tăng thu nhập và canh tác cà phê đảm bảo bền vững, giảm thiểu tác động tới môi trường sinh thái.

Cà phê sau tái canh cho thu nhập tốt, giúp người dân ổn định cuộc sống. Ảnh: Minh Quý.

Cà phê sau tái canh cho thu nhập tốt, giúp người dân ổn định cuộc sống. Ảnh: Minh Quý.

Ngoài diện tích được hỗ trợ vay vốn, Dự án VnSAT cũng giúp loan tỏa mô hình tái canh ra những khu vực bên ngoài dự án. Ước đạt đến nay, người dân đã tái canh hàng chục ngàn ha cà phê trong thời gian triển khai Dự án VnSAT.

“Những năm qua, Đắk Nông đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp thực hiện tái canh cây cà phê theo hướng bền vững nhằm từng bước thay thế diện tích cây cà phê già cỗi, sâu bệnh, năng suất thấp bằng giống cà phê chất lượng cao. Với sự hỗ trợ của Dự án VnSAT, sau 5 năm thực hiện tái canh cà phê, đã cho thấy hiệu quả kinh tế và khẳng định đây là hướng đi đúng. Chương trình tái canh cà phê của dự án đã giúp tái cơ cấu ngành cà phê của tỉnh”, ông Phạm Hùng Vỹ nói.

Trang thông tin có sự đồng hành của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 2] Hỗ trợ tái đàn lợn sau dịch

Dịch tả lợn Châu Phi tạm lắng, tỉnh Bắc Kạn hỗ trợ người dân nhanh chóng tái đàn, sớm vực dậy ngành chăn nuôi vốn khánh kiệt khi dịch bệnh càn quét nhiều tháng qua.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.