| Hotline: 0983.970.780

Chuyện chưa từng có ở ĐBSCL: "Nhái" cả cá linh non

Thứ Ba 12/07/2011 , 11:13 (GMT+7)

Chuyện cá linh non xuất hiện tại các chợ sớm hơn thường lệ, tức khi lũ chưa về cứ tưởng là tín hiệu vui cho cư dân vùng sông nước. Không ngờ đó chỉ là “hàng dỏm”.

Chuyện cá linh non xuất hiện tại các chợ sớm hơn thường lệ, tức khi lũ chưa về cứ tưởng là tín hiệu vui cho cư dân vùng sông nước vì sẽ có được một mùa lũ đẹp. Không ngờ đó chỉ là “hàng dỏm” làm nhiều người rất bức xúc, thất vọng.

Cá về trước lũ

Hiện nay, tại nhiều chợ ở trung tâm TP Long Xuyên (An Giang) có nhiều kệ sạp bày bán “cá linh non”. Không ít người tỏ ra bất ngờ vì cá linh non xuất hiện sớm hơn những năm trước, ngay khi con nước trên sông Mekong chưa đổi sang màu đỏ gạch, đục ngầu. Suốt mấy ngày gần đây, lượng cá này đổ về các chợ với số lượng lớn và vẫn bán hết sạch ngay trong buổi sáng. Tại các chợ Mỹ Xuyên, Mỹ Bình, Bình Khánh, TP Long Xuyên, nhiều bạn hàng chuyển sang bán loại cá này đều cười hớn hở vì đắt hàng, không đủ bán.

 Sáng sớm các thau cá đều đầy ắp, một nửa được móc hầu, lấy ruột sẵn, một số còn sống bơi lội trong thau nước có dưỡng khí ôxy. Thấy nhiều người vây quanh thau cá, tôi tiến lại hỏi giá. Chị Hường, người bán đang nhanh tay hốt cá vào bọc cân cho khách rồi quay lại trả lời gọn lỏn: 150.000 đồng/kg. Bà Nguyễn Thị Bích đang chờ lấy bọc cá linh đứng kế bên, cho hay giá bữa đầu chỉ 120.000 đồng/kg, thấy đắt hàng, ngày sau đã tăng lên 150.000 đồng/kg. “Dù giá cao gần gấp đôi năm trước nhưng bạn hàng vẫn không bớt, người mua không có cơ hội kỳ kèo, trả giá”.

Vì chỉ xuất hiện mỗi năm một lần vào đầu mùa nước nổi (mùa lũ ở ĐBSCL) và trở thành món ăn quen thuộc của người dân miền sông nước nên thấy có cá linh non nhiều người mua ngay không chút nghi ngờ. Song những người thận trọng thì cho rằng đó không phải là cá linh non ngoài tự nhiên vì nước lũ chưa về, mà là “hàng nhái”. Quan sát kĩ, chúng tôi phát hiện một điều khá lạ: Những con cá linh này “rất hiền” và “điềm đạm” chứ không đúng như cốt cách của nó là hay nhảy xoi xoi, chẳng chịu nằm yên bao giờ.

Đứng cạnh bên, ông Phan Thành Chinh, một cán bộ đang công tác ở phường Mỹ Xuyên cho biết, nghe có cá linh mấy ngày nay nên quyết mua bằng được về chiên bột. Ông Chinh khoe, nhờ có một người quen ở chợ nên mới mua được 0,5kg cá linh non. Song khi chúng tôi bảo coi chừng “cá dỏm” thì ông mới giật mình. Lật đật mở bọc, ông Chinh lôi ra cả đống cá và phát hiện có nhiều con chẳng giống…cá linh non.

 “Cá linh non gì mà to bằng ngón tay áp út, còn màu trên lưng cá thì xanh đậm đen không giống như cá linh có màu trắng ngả vàng. Nhìn kỹ cá này giống cá duồn hơn”, bằng kinh nghiệm của mình ông Chinh nhận định. Bà Phan Thị Ngọc Trinh, Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản An Giang cũng quả quyết chưa tới mùa cá linh non vì chu kỳ mùa lũ chưa tới.

Cá duồn hay cá trôi?

Bà Phan Thị Ngọc Trinh, cho biết đã nghe thông tin về cá linh non được bày bán sớm đến bất thường mấy ngày qua tại các chợ, song do bận nhiều việc nên chưa kiểm tra thực tế. Bà Trinh cho hay một số nơi như Trường ĐH Cần Thơ đã từng  làm đề tài nghiên cứu, nhân giống cá linh ống và đã thành công. Song tất cả mới chỉ dừng lại ở đó chứ chưa sản xuất giống đại trà cung ứng cho người nuôi.

Còn tại Trung tâm Giống thủy sản An Giang cũng đã lai tạo thành công giống cá linh ống, giống hệt như loài cá linh ngoài tự nhiên. Tuy nhiên, bà Trinh khẳng định, đến sáng 30/6, trung tâm mới xuất bán chuyến hàng cá linh giống đầu tiên cho một đơn vị ở TX Tân Châu nên không thể có chuyện cá linh nuôi đem bán chợ.

“Nếu đây không phải là cá linh, mà là cá duồn hay cá trôi thì rõ ràng người tiêu dùng bị lừa gạt, mà giá trị rất lớn. Trong khi giá trị thực của cá trôi, cá duồn chỉ khoảng 30.000 đồng/kg, còn cá linh non gấp 5 lần, tính ra rất lớn. Tôi nghĩ cần sớm kiểm tra việc lừa đảo này” - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang Trần Anh Dũng.

“Hơn nữa thời điểm này ngoài tự nhiên cũng chưa có cá linh non vì lũ chưa về nhiều ở các huyện đầu nguồn. Cá linh đầu mùa rất nhỏ, chỉ cỡ đầu đũa. Nếu cá to bằng ngón tay áp út thì chắc chắn không phải cá linh non. Về hình dạng bên ngoài, cá duồn và cá trôi lúc còn nhỏ giống như cá linh nhưng thịt, xương thì không ngon mềm như cá linh. Hai loại cá này có giá trị thấp hơn cá linh rất nhiều lần, chỉ khoảng 30.000 đồng/kg. Có thể vì biết tâm lý người dân thích ăn cá linh non nên họ đem bán cá duồn, song khi ăn sẽ biết ngay có phải cá linh hay không”- bà Trinh phân tích.

Trong khi đó, ông Trần Anh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang, khẳng định vùng đầu nguồn tỉnh An Giang chưa có nước lũ nên không thể có cá linh non ngoài tự nhiên vào thời điểm này. Cũng theo ông Dũng, năm trước cũng đã có tình trạng nhiều người lợi dụng hình dạng giống na ná cá linh (thực tế là cá duồn) để đem ra chợ bán, lừa gạt người dân.

 Ông Dũng nói thêm rằng, để biết rõ có phải là cá linh, cá duồn hay cá trôi (tên khoa học là Labeo Rohiat, tên tiếng Anh là Rohu) chỉ cần bắt về kiểm tra, phân loại là sẽ biết. Song ông Dũng cho rằng chỉ khi nào có người dân khiếu nại đã bị lừa, mua nhầm loại cá không phải cá linh thật thì lúc đó Chi cục Thủy sản mới tiến hành kiểm tra.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.