| Hotline: 0983.970.780

Chuyển đổi cây trồng để “sống chung” với hạn

Thứ Hai 09/09/2019 , 09:57 (GMT+7)

Thời tiết miền Trung ngày càng khắc nghiệt, khô hạn không chỉ ở vùng “chảo lửa” mà tại tất cả các tỉnh thành. Việc chuyển đổi đất lúa sang trồng các loại cây sử dụng ít nước là bài toán cấp thiết.

Những năm vừa qua, sản xuất nông nghiệp ở Bình Định thường xuyên bị hạn hán kéo dài gây thiệt hại. Trước bối cảnh này, ngoài việc tiết kiệm nguồn nước tưới và có kế hoạch tưới hợp lý, Bình Định còn “tăng tốc” thực hiện chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang canh tác cây trồng cạn. Đây là giải pháp căn cơ để sản xuất vừa có thể “chung sống” với hạn hán, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế canh tác trên cùng diện tích.

Đồng thuận

Nhiều địa phương trên địa bàn Bình Định đã vận động nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển diện tích lúa thiếu nước sang canh tác các loại cây trồng cạn như lạc (đậu phụng), ngô (bắp), vừng (mè) hoặc rau màu các loại. Công cuộc chuyển đổi này đã mang lại hiệu quả trông thấy khiến nông dân đồng thuận.

Theo ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, sau 5 năm triển khai công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tính đến nay Bình Định đã chuyển đổi khoảng 5.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng cạn vừa ít cần nước tưới hơn lúa, vừa có hiệu quả kinh tế cao như ngô, lạc, vừng.

“Bình Định có chủ trương, chính sách chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa kém hiệu quả, phát triển vùng SX các loại cây trồng tập trung, có lợi thể cạnh tranh như lúa giống, ngô, lạc, rau màu... gắn với hình thức cánh đồng mẫu lớn, phát triển liên kết chuỗi từ SX đến tiêu thụ”, ông Châu cho hay.

Trồng ngô lai trên đất lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao tại phường Nhơn Hưng (TX An Nhơn, Bình Định).

Ngoài chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa kém hiệu quả, nông dân Bình Định còn chuyển đổi từ các loại cây trồng cho hiệu quả kém sang trồng các loại cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao hơn. Ví như nông dân huyện Phù Cát đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 1.000ha đất trồng sắn (mì)kém hiệu quả sang trồng lạc, dưa, ớt.

Hơn ai hết, nông dân thấy rất rõ hiệu quả kinh tế của việc chuyển đổi cây trồng. Sau khi tính toán chi li, chính họ đưa ra những con số đầy lợi ích. Ví như canh tác 1ha ngô lai họ chi phí hơn 27,5 triệu/vụ, nhưng có tổng doanh thu 39 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi ròng gần 11,5 triệu đồng/ha/vụ. Trong khi đó làm cây lúa có chi phí hơn 22,1 triệu đồng/ha/vụ, tổng doanh thu 27,5 triệu đồng, mức lãi ròng chỉ đạt gần 5,4 triệu đồng.

Hoặc như trồng lạc có chi phí SX hơn 33 triệu đồng/ha/vụ, tổng doanh thu gần 49,5 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi ròng gần 16,4 triệu đồng/ha. Trong khi đó làm lúa chỉ lãi gần 5,4 triệu/đồng/vụ. Rõ ràng hiệu quả từ SX lạc cao hơn SX lúa là 11.000.000 đồng/ha/vụ.

“Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là cây màu trên đất lúa được thực hiện trên cơ sở có quy hoạch cụ thể theo vùng, gắn với triển khai các giải pháp mùa vụ, cơ cấu cây trồng, công thức luân canh hiệu quả, phù hợp với từng chân đất, tập quán canh tác nên đã phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, bước đầu hình thành các vùng SX nông sản tập trung gắn với liên kết chuỗi từ SX đến tiêu thụ. Việc chuyển đổi đã làm tăng hiệu quả SX nên nông dân rất đồng thuận”, ông Trần Châu khẳng định.

Trồng rau thu nhập cao hơn lúa.

Giải pháp đối phó với hạn hán

Công cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Bình Định không những làm tăng hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích mà còn là giải pháp để ứng phó với thời tiết ngày càng cực đoan dẫn tới hạn hán kéo dài.

Ở xã Bình Thuận (huyện Tây Sơn), trong những năm qua địa phương này đã tích cực vận động nông dân các thôn Thuận Nhứt, Thuận Truyền, Thuận Hiệp, Thuận Hạnh chuyển những diện tích canh tác cây lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng cạn ít cần nước tưới với diện tích 40ha/vụ.

Cùng với Bình Thuận, các xã Bình Tân, Bình Hòa, Bình Nghi (huyện Tây Sơn) cũng chuyển đổi thành công nhiều diện tích đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn. Chị Mai Thị Mỹ Lệ, một người trồng rau ở xã Bình Tân, phấn khởi cho biết: “Chúng tôi chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng bầu, mướp, dưa leo, khổ qua, ớt...”.

Trồng đậu xanh hiệu quả cao.

Đến nay, huyện Tây Sơn đã chuyển đổi được gần 150ha đất lúa kém hiệu quả sang canh tác các loại cây trồng cạn khác như bắp, mè, dưa, rau các loại. Trên các diện tích đã chuyển đổi, bình quân mỗi năm nông dân thu lãi 30 - 40 triệu đồng/ha, có nơi lên đến 60 - 70 triệu đồng/ha, tăng gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa.

Ông Hồ Thành Phi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát, quy hoạch những diện tích cần chuyển đổi; tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng phù hợp với yêu cầu; đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ.

Xây dựng một số mô hình như: Vùng nguyên liệu đậu xanh phục vụ hoạt động chế biến một số đặc sản của huyện, mở rộng vùng rau an toàn, trồng cỏ, trồng bắp làm thức ăn chăn nuôi. Không chỉ làm tăng thu nhập cho nông dân, việc chuyển đổi cây trồng còn là giải pháp tiết kiệm nước tưới trong điều kiện nắng nóng kéo dài”.

“Đối với cây màu chỉ cần tưới đủ độ ẩm để cây trồng phát triển, chu kỳ tưới cũng cách xa hơn so với tưới cây lúa, nắng nóng gay gắt thì 5 - 7 ngày tưới 1 lần, ít nắng nóng thì 10 - 15 ngày tưới 1 lần. Trong vụ hè thu bình quân 1ha lúa cần phải tưới 10.000m3 nước, trong khi đó cây màu chỉ cần tưới 5.000m3, vị chi trồng các loại cây màu sẽ giảm được 50% lượng nước tưới so với cây lúa”, ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Cty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định nói.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm