| Hotline: 0983.970.780

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vừa hạn chế bỏ ruộng vừa tăng thu nhập

Thứ Bảy 23/04/2022 , 08:56 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Nhiều địa phương ở Hải Phòng đã và đang tìm cách khắc phục diện tích bỏ ruộng không canh tác gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả.

Tăng thu nhập

Hoa cây cảnh là mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở An Dương, mang lại thu nhập cao cho nông dân và được quan tâm mở rộng những năm gần đây.

Các địa phương mở rộng được nhiều là các xã: Quốc Tuấn, Đặng Cương, Tân Tiến, An Hưng, Đại Bản, còn lại rải rác tại một số xã khác như: Lê Thiện, An Hồng và thị Trấn An Dương.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Đại Bản, huyện An Dương. Ảnh: Đinh Mười.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Đại Bản, huyện An Dương. Ảnh: Đinh Mười.

Chủng loại diện tích mở rộng bao gồm cây hoa đào, hoa lay ơn, đây là các sản phẩm tiêu thụ tốt trên thị trường, ngoài ra một số loại Hoa cao cấp khác như: hoa lan, hoa ly, hoa loa kèn Đan Mạch là những loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Một số mô hình tích tụ ruộng đất trên địa bàn có thể kể đến như: HTX Mây Sanh 5,7 ha- xã Tân Tiến, hộ Trương Thị Út 30 ha (xã Đại Bản); HTX nông nghiệp Hà Nhuận 30 ha (xã An Hòa); HTX dịch vụ NN Tân Tiến 55 ha (xã Tân Tiến), hộ Phan Tiến Dũng 10 ha (xã An Hưng),...

Tính đến thời điểm tháng 4/2022, cả huyện An Dương đã có 12 xã đã thực hiện chuyển đổi trên diện tích đất lúa kém hiệu và đất bỏ hoang hóa nhiều năm, gồm: Đại Bản, An Hòa, Lê Thiện, Quốc Tuấn, An Hưng, An Hồng, Đồng Thái, Hồng Thái, Nam Sơn, An Đồng, Lê Lợi và thị trấn An Dương.

Bên cạnh đó, có 4 xã mới thực hiện chuyển đổi trên diện tích đất lúa kém hiệu quả, chưa vận động các hộ dân thực hiện chuyển đổi trên diện tích đất bỏ hoang hóa nhiều năm là Hồng Phong, Bắc Sơn, Tân Tiến và Đặng Cương.

Những địa phương thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là chuyển sang trồng hoa cây cảnh, nguồn thu của người dân đều tăng lên trông thấy.

Theo thống kê, thu nhập về hoa cây cảnh trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 của huyện An Dương đạt 210 tỷ đồng, trong đó nhiều xã đạt từ 60 -70 tỷ đồng như Đặng Cương, Đồng Thái,...

Theo phòng NN-PTNT huyện An Dương, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thủy sản, tích tụ ruộng đất hình thành vùng hàng hóa tập trung đã được địa phương triển khai xuyên suốt trong thời gian qua với các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp cụ thể.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Đồng Thái, huyện An Dương. Ảnh: Đinh Mười.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Đồng Thái, huyện An Dương. Ảnh: Đinh Mười.

Việc TP Hải Phòng ban hành kịp thời các Nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021-2025, đã tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản, góp phần tích cực trong việc xây dựng nông thôn mới, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Trên cơ sở các nghị quyết đã ban hành, các địa phương, đơn vị đã từng bước chủ động xây dựng kế hoạch của địa phương, đơn vị mình và có những giải pháp tổ chức thực hiện bước đầu mang lại hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Mặt khác, việc quy hoạch các khu, vùng sản xuất nông nghiệp tập trung trên địa bàn huyện đã góp phần thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng năng suất, sản lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm nông sản, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân nông thôn, hình thành một số chuỗi liên kết giá trị giữa doanh nghiệp với người nông dân.

Hạn chế việc bỏ ruộng

Ông Nguyễn Văn Toản - trưởng phòng NN-PTNT huyện An Dương cho biết, đến nay, diện tích bỏ ruộng không canh tác 626,8 ha, trong đó diện tích khắc phục cấy lúa trở lại 89,9 ha tại các xã Đại Bản, Bắc Sơn, An Hòa, An Hồng, Tân Tiến, còn diện tích khắc phục chuyển đổi sang thủy sản và trồng cây lâu năm 45 ha.

Trồng lan công nghệ cao. Ảnh: Đinh Mười.

Trồng lan công nghệ cao. Ảnh: Đinh Mười.

Diện tích thực hiện chuyển đổi năm 2021 là 140,785 ha/155,6 ha, diện tích chuyển đổi trên diện tích bỏ đất không canh tác 45 ha, chuyển đổi trên đất đang canh tác 89,9 ha.

Sau khi chuyển đổi, các mô hình đã phát triển kinh tế với hiệu quả rõ rệt, nguồn thu trên một đơn vị diện tích tăng cao và từng bước giải quyết được vấn đề bỏ hoang đất nông nghiệp.

Bên cạnh những thuận lợi trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các địa phương cũng gặp những khó khăn nhất định, đáng chú ý là tình hình diến biến dịch bệnh Covid-19 kéo dài, phức tạp, gây ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất, tiêu thụ nông sản của nông dân, giá cả các loại nông sản bấp bênh.

Thời tiết diễn biến bất thường, sinh vật gây hại phát sinh, làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, đặc biệt một số bệnh hại như: Bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ, lùn sọc đen, bệnh khô vằn,...

Bên cạnh đó, việc thiếu lao động sản xuất do lực lượng lao động trẻ vào làm trong khu công nghiệp, một số khác tham gia trong lĩnh vực phi nông nghiệp kinh doanh, thương mại, dịch vụ… những khu vực có thu nhập tốt hơn.

Mặt khác, do phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nhà máy, xí nghiệp phá vỡ quy hoạch sản xuất như xen kẹt, thiếu nước canh tác, ô nhiễm… Một số dịch vụ trong các khâu gieo, cấy, thu hoạch, sấy còn hạn chế, dẫn đến chi phí trong sản xuất còn cao, hiệu quả sản xuất thấp.

Trồng đào cảnh cho hiệu quả kinh tế cao ở xã Đặng Cương. Ảnh: Đinh Mười.

Trồng đào cảnh cho hiệu quả kinh tế cao ở xã Đặng Cương. Ảnh: Đinh Mười.

Hơn nữa, việc tích tụ, quy vùng sản xuất tập trung còn chậm, việc cơ giới hoá đồng bộ trong sản xuất lúa gặp nhiều khó khăn, phần lớn diện tích canh tác lúa manh mún, một số HTX dịch vụ nông nghiệp đã chủ động làm tốt một số khâu như: Dịch vụ vật tư nông nghiệp, dịch vụ làm đất,…

“Các tổ chức thực hiện hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hộ nông dân còn hạn chế về số lượng và năng lực. Số mô hình sản xuất theo quy trình an toàn, mô hình nông nghiệp công nghệ cao, mô hình sản xuất lớn còn hạn chế. Đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, trên địa bàn chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp”, ông Toản cho hay.

Được biết, huyện An Dương đang rà soát một số vị trí quy hoạch vùng nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của TP Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, gồm 10 vị trí, với tổng diện tích khoảng 547,8 ha, trong đó, vùng sản xuất rau LÀ 341,2 ha, vùng sản xuất hoa, cây cảnh là 206,6 ha.

Trước mắt trong năm 2022, triển khai hỗ trợ, xây dựng một số mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp tại các xã Tân, Hồng Thái, thị trấn An Dương và xã Đại Bản.

Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 của huyện An Dương là mở rộng diện tích hoa cây cảnh 800 ha, vùng trồng rau màu tập trung 1.200 ha, vùng trồng lúa chất lượng cao theo hướng cánh đồng mẫu lớn, sản xuất an toàn thực phẩm 1.500 ha.

Mặt khác, sẽ tăng cường khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện, triển khai thực hiện hiệu quả mô hình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.