| Hotline: 0983.970.780

Chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ 'nâu' sang 'xanh' ở đất mỏ

Thứ Sáu 15/12/2023 , 08:50 (GMT+7)

Phát triển lâm nghiệp bền vững là một trong những nhiệm vụ chiến lược đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện trên hành trình chuyển đổi kinh tế từ 'nâu' sang 'xanh'.

Quảng Ninh có diện tích đất rừng lớn, thuận lợi để phát triển kinh tế lâm nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thành.

Quảng Ninh có diện tích đất rừng lớn, thuận lợi để phát triển kinh tế lâm nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thành.

Rừng Quảng Ninh có vị trí đặc biệt quan trọng trong phòng hộ, bảo vệ đầu nguồn, vùng ven biển, bảo tồn đa dạng sinh học, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo chiến lược an ninh nguồn nước, cân bằng hài hòa giữa phát triển công nghiệp, khai khoáng và bảo vệ môi trường, gắn với chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh" của tỉnh, từng bước phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trên địa bàn tỉnh.

Quảng Ninh có diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 435.000ha, chiếm hơn 70% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, trong đó có 370.000ha đất có rừng, đứng thứ 18/63 tỉnh, thành trong cả nước.

Tận dụng lợi thế sẵn có, các địa phương khu vực miền đông của tỉnh Quảng Ninh như Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà... đã vận động người dân nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng, đổi mới cây giống, chăm sóc rừng, trồng những loại cây mang lại giá trị kinh tế cao, chuyển dần từ phương thức sản xuất quảng canh sang thâm canh. 

Bên cạnh đó, người dân đã từng bước chuyển hóa trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn. Thực tế cho thấy, trên cùng một diện tích, chu kỳ trồng rừng gỗ lớn mang lại giá trị kinh tế cao hơn gấp 2,5-3 lần so với thực hiện liên tục 2 chu kỳ kinh doanh gỗ nhỏ. Năm 2020 và 2021, toàn tỉnh đã trồng được trên 24.000ha rừng, tập trung phần lớn vào các cây gỗ lớn và cây bản địa nhằm từng bước nâng cao chất lượng rừng toàn tỉnh.

Các địa phương đã ưu tiên phát triển những vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến gỗ, sản xuất giấy, ván nhân tạo. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có vùng trồng thông nhựa với diện tích hơn 18.000ha, tập trung tại Uông Bí, Đông Triều, Vân Đồn, Ba Chẽ, Móng Cái. Sản lượng nhựa thông khai thác mỗi năm trên địa bàn tỉnh là 2.400 tấn.

Vùng trồng các cây lâm sản ngoài gỗ, như ba kích, hồi, sở, quế và các cây dược liệu khác với diện tích hơn 9.500ha, tập trung tại Hạ Long, Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà… 

Đối với gỗ rừng trồng, trong 2 năm qua, toàn tỉnh đã khai thác 18.900ha rừng trồng với sản lượng 1,1 triệu m3, tăng gần 30% so với giai đoạn 2018-2019. Các lâm sản khác ngoài gỗ cũng tăng đáng kể, sản lượng khai thác nhựa thông đạt 4.400 tấn, hoa hồi đạt 1.050 tấn, vỏ quế đạt  trên 4.000 tấn, hạt sở đạt 320 tấn; ngoài ra đã hình thành vùng sản xuất dược liệu với sản lượng khai thác ba kích 1,5 tấn, trà hoa vàng 25 tấn hoa tươi hàng năm.

Năng suất rừng trồng, sản lượng khai thác gỗ bình quân đạt trên 60m3/ha, tăng gần 20% so với giai đoạn 2018-2019. Có thể thấy, giá trị rừng sản xuất trên đơn vị diện tích có dấu hiệu tăng, năng suất rừng trồng dần được cải thiện.

Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất, khai thác bền vững, nhiều mô hình kinh tế hợp tác, liên kết theo chuỗi sản phẩm, quản lý rừng bền vững trong lâm nghiệp đã và đang được triển khai nhằm tăng giá trị kinh tế.

Hiện toàn tỉnh có 336 cơ sở chế biến lâm sản. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ mới, hiện đại, nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến, hạn chế các sản phẩm thô, băm dăm, ván bóc và sản phẩm chế biến sơ.

Người dân huyện miền núi Bình Liêu phát triển kinh tế nhờ quế, hồi. Ảnh: Nguyễn Thành.

Người dân huyện miền núi Bình Liêu phát triển kinh tế nhờ quế, hồi. Ảnh: Nguyễn Thành.

Một số doanh nghiệp còn đầu tư sản xuất sản phẩm xuất khẩu từ phế liệu, mùn cưa, dăm gỗ thành viên nén năng lượng, đơn cử là Công ty Lâm nghiệp Cẩm Phả, Công ty TNHH Thanh Lâm. Thị trường xuất khẩu sản phẩm chế biến gỗ và lâm sản của Quảng Ninh được mở rộng sang Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hoa Kỳ, Nga, EU.

Giai đoạn 2022-2025, Quảng Ninh thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng năng suất rừng trồng từ 10m3/ha hiện nay lên 15m3/ha; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng bình quân khoảng 400.000m3/năm; sản lượng nhựa thông từ 2.500 tấn lên 3.000 tấn/năm; sản lượng các lâm sản ngoài gỗ và dược liệu từ 3.500 tấn lên 4.000 tấn/năm. Phát triển để thu dịch vụ môi trường rừng tăng bình quân 5%/năm.

Ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh, cho biết, trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, tỉnh luôn quan tâm triển khai phát triển rừng gắn với chăm lo sinh kế cho người dân. Hàng năm, tỉnh Quảng Ninh phát triển các mô hình quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng có sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, thông qua khoán bảo vệ rừng, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên; góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biển đảo.

Đến năm 2025, Quảng Ninh đặt mục tiêu có 5.000ha rừng lim, giổi trên địa bàn; tỷ lệ lao động làm việc trong lâm nghiệp được đào tạo nghề đạt 45%; có 50% số hộ miền núi, người dân tộc thiểu số sống ở vùng có rừng tham gia sản xuất lâm nghiệp hàng hóa; khoảng trên 60.000 người có việc làm với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/lao động/tháng.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.