| Hotline: 0983.970.780

'Thay da đổi thịt' nhờ khoa học công nghệ

Thứ Năm 23/11/2023 , 08:00 (GMT+7)

Từ đổi mới công nghệ, nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện Hải Hà (tỉnh Quảng Ninh) đã tạo được vị thế nhất định trên thị trường.

Vực dậy vùng chè

Trước đây, trồng chè trên địa bàn huyện Hải Hà (tỉnh Quảng ninh) còn mang tính tự phát và thủ công. Từ định hướng phát triển vùng chè nguyên liệu, huyện Hải Hà đã tuyên truyền, vận động người dân áp dụng khoa học kỹ thuật đồng bộ vào sản xuất, từ giống, phương pháp chăm sóc, thu hái và chế biến.

Để tiếp tục nâng cao vị thế cây chè, từ năm 2022, huyện Hải Hà thực hiện dự án cơ cấu ngành chè thông qua việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và chế biến; tổ chức quảng bá và xây dựng kênh tiêu thụ sản phẩm.

Người dân huyện Hải Hà sử dụng máy thu hoạch chè. Ảnh: Nguyễn Thành.

Người dân huyện Hải Hà sử dụng máy thu hoạch chè. Ảnh: Nguyễn Thành.

Theo đó, huyện Hải Hà khuyến khích người dân tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống chè, đầu tư thâm canh diện tích chè kinh doanh theo quy trình VietGAP, chú trọng khâu thu hoạch chè búp tươi, hình thành thói quen thu hái chè đạt tiêu chuẩn “1 tôm 2 - 3 lá”…

Đến hết năm 2022, có gần 2.000 hộ dân ở Hải Hà trồng chè với tổng diện tích trên 800ha, trong đó diện tích chè giống mới chiếm hơn 74%. Hiện toàn huyện sở hữu khoảng 40ha chè có chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ trồng giống mới, chất lượng chè ở Hải Hà thơm ngon, vị đậm đà hơn và bà con tiêu thụ cũng dễ dàng hơn.

Ông Hoàng Văn Thường, một hộ trồng chè có diện tích lớn ở huyện Hải Hà cho biết, mỗi vụ thu hoạch, ngoài lực lượng lao động của gia đình, ông và nhiều hộ trồng chè còn thuê thêm nhân công để thu hái, vận chuyển chè đi tiêu thụ. Điều này góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn. Hiện năng suất chè gia đình ông Thường đạt 10 - 12 tấn/ha/năm.

Không chỉ thúc đẩy mở rộng vùng sản xuất, huyện Hải Hà còn kêu gọi doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào chế biến, sản xuất, tiêu thụ chè trên địa bàn và hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình sản xuất. Cùng với đó, vận động các doanh nghiệp, cơ sở chế biến đổi mới, nâng cấp công nghệ, đặc biệt là công nghệ chế biến chè xanh cao cấp.

Tổng diện tích trồng chè ở huyện Hải Hà khoảng trên 800ha. Ảnh: Nguyễn Thành.

Tổng diện tích trồng chè ở huyện Hải Hà khoảng trên 800ha. Ảnh: Nguyễn Thành.

Hiện nay, huyện Hải Hà có 3 cơ sở chế biến chè với công suất khoảng 15 tấn/ngày và 8 cơ sở chế biến nhỏ. Từ năm 2022 đến nay, huyện chuyển giao 4 quy trình công nghệ chế biến chè chất lượng cao gồm quy trình công nghệ chế biến chè xanh thơm; quy trình công nghệ chế biến chè xanh sợi; quy trình công nghệ chế biến chè mao tiêm và quy trình công nghệ chế biến hồng trà.

Qua đó, một số cơ sở chế biến đã sản xuất được các sản phẩm đặc trưng như chè xanh thơm, xanh sợi chất lượng cao, tiêu biểu như cơ sở chè Dũng Nga, cơ sở Thắng Hóa với nguyên liệu là chè trung du, Ngọc Thúy, Hương Bắc Sơn; sản phẩm hồng trà của cơ sở Đào Thị Bính; một số sản phẩm sản xuất thử nghiệm của cơ sở chè Dũng Nga...

Bên cạnh chuyển giao công nghệ, huyện Hải Hà đã hỗ trợ các cơ sở sản xuất thiết kế mẫu mã bao bì cho những sản phẩm chè được sản xuất theo dây chuyền và quy trình mới; đăng ký nhãn mác cho các cơ sở chế biến có nhu cầu và tham gia vào chương trình OCOP.

Ngoài ra, huyện Hải Hà còn triển khai xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Hiện sản phẩm chè của cơ sở chế biến chè Dũng Nga là sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 3 sao. Huyện cũng phát triển mới 2 sản phẩm (chè tôm nõn và hồng trà) của cơ sở chế biến chè Đào Thị Bính tham gia chương trình OCOP và được đánh giá xếp hạng 3 sao.

Thương hiệu chè Hải Hà đang dần khẳng định được chỗ đứng nhờ áp dụng đồng bộ kỹ thuật vào sản xuất, chế biến. Ảnh: Nguyễn Thành.

Thương hiệu chè Hải Hà đang dần khẳng định được chỗ đứng nhờ áp dụng đồng bộ kỹ thuật vào sản xuất, chế biến. Ảnh: Nguyễn Thành.

Ông Trần Sỹ Dũng, Giám đốc Cơ sở chế biến chè Dũng Nga cho biết, thời gian qua, đơn vị đã nhận được sự hỗ trợ rất tích cực từ huyện để đổi mới công nghệ. "Ngoài sản xuất nguyên liệu chè thô để xuất sang thị trường Trung Quốc và các nước Trung Đông, tôi cũng đầu tư sản xuất các sản phẩm tinh chế. Những sản phẩm tinh chế tiêu thụ rất tốt ở thị trường trong và ngoài tỉnh", ông Dũng chia sẻ.

Từ đổi mới công nghệ, cây chè Hải Hà đã tạo được vị thế nhất định trên thị trường. Trong 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng chè búp tươi trên địa bàn huyện đạt gần 3.000 tấn. Việc nâng cấp các cơ sở và dây chuyền chế biến để sản xuất những sản phẩm chè chất lượng, có giá trị cao cũng đã làm thay đổi cơ cấu thị trường và giá thu mua nguyên liệu tươi của các cơ sở chế biến.

Thị trường tiêu thụ chè búp tươi hiện được duy trì ổn định với mức giá bình quân 6.000 đồng/kg đối với chè trung du, 8.000 - 10.000 đồng/kg đối với chè Ngọc Thúy. Đời sống của người dân vùng chè huyện Hải Hà nhờ đó ngày càng được nâng cao.

Khoa học công nghệ thay đổi diện mạo nông nghiệp

Những năm qua, huyện Hải Hà đã tập trung chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp và thu nhập của người dân. Nhiều sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của địa phương bước đầu được hình thành thông qua chuỗi từ sản xuất đến cung ứng, tiêu thụ, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Huyện Hải Hà hiện có 3 cơ sở chế biến chè quy mô lớn với công suất khoảng 15 tấn/ngày. Ảnh: TT.

Huyện Hải Hà hiện có 3 cơ sở chế biến chè quy mô lớn với công suất khoảng 15 tấn/ngày. Ảnh: TT.

Huyện Hải Hà xác định 10 sản phẩm nông, lâm, thủy sản thế mạnh cần tập trung đầu tư thúc đẩy phát triển gồm cây chè, rau các loại, thịt gà và trứng gà, thịt lợn, tôm thẻ chân trắng, nhuyễn thể, cá lồng bè, gỗ, trà hoa vàng, quế. Từ việc xác định các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có thế mạnh, huyện đã xây dựng, thực hiện các tiểu dự án đối với từng sản phẩm và xác định rõ hướng đầu tư, kinh phí thực hiện, lộ trình triển khai.

Trên cơ sở đó, huyện Hải Hà đã quy hoạch các vùng sản xuất tập trung ở cả 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Đến nay, toàn huyện đã hình thành được 17 vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa theo chuỗi. Đồng thời, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, hình thành và phát triển các trang trại, vùng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ.

Để phát triển thương hiệu của địa phương, từ năm 2016, huyện đã triển khai đề án tổng thể phát triển vùng chè tập trung chất lượng cao, triển khai các mô hình đầu tư thâm canh diện tích chè kinh doanh theo quy trình VietGAP. Cùng với đó, dành nguồn lực cho sửa chữa, cải tạo, nâng cấp nhà xưởng.

Đồng thời, chuyển giao quy trình kỹ thuật, công nghệ chế biến; khuyến khích trồng mới những giống chè mới có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh như Ngọc Thúy, Hương Bắc Sơn, Kim Tuyên. Đặc biệt, người trồng chè cùng với doanh nghiệp đã có sự phối hợp, liên kết ngày càng chặt chẽ hơn trong sản xuất, chế biến, kinh doanh để tạo sản lượng, chất lượng và giá bán ổn định cho sản phẩm.

Khởi công xây dựng khu chăn nuôi công nghệ cao tại huyện Hải Hà. Ảnh: Nguyễn Thành.

Khởi công xây dựng khu chăn nuôi công nghệ cao tại huyện Hải Hà. Ảnh: Nguyễn Thành.

Bên cạnh đó, huyện Hải Hà xác định chăn nuôi là lĩnh vực có lợi thế của địa phương. Huyện đã quy hoạch tổng thể và chi tiết các khu chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao gắn với an toàn dịch bệnh trên địa bàn các xã, trong đó quy hoạch xây dựng khu chăn nuôi công nghệ cao tại 3 xã (Quảng Sơn, Quảng Thành, Quảng Chính).

Địa phương đã khuyến khích, hỗ trợ người dân trong việc phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại hiệu quả cao, thân thiện với môi trường; quy hoạch các điểm giết mổ tập trung và có cơ chế, giải pháp phát huy hiệu quả hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.

Phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa là một trong những giải pháp quan trọng để huyện Hải Hà cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo UBND huyện Hải Hà, từ đầu năm đến nay, tổng giá trị sản xuất ngành nông - lâm - ngư nghiệp toàn huyện đạt 944 tỷ đồng. Diện tích gieo trồng đạt 3.200ha. Riêng sản lượng chè đạt 4.500 tấn búp tươi. Trồng rừng sau khai thác đạt 330ha, diện tích trồng rừng gỗ lớn các loại lim, giổi, lát đạt 19ha. Sản lượng thuỷ sản đạt 13.000 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng 5.300 tấn.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Cay đắng vì mua nhầm giống cúc mâm xôi lạ, chậm trổ bông

Bến Tre Hiện tượng cúc mâm xôi chậm phân cành, chậm phân hóa mầm hoa xảy ra với 70 hộ, số lượng khoảng 149.000 chậu, chiếm khoảng 10% tổng lượng cúc mâm xôi của huyện Chợ Lách.