| Hotline: 0983.970.780

Nuôi thủy sản thích ứng biến đổi khí hậu

Thứ Ba 23/06/2020 , 09:00 (GMT+7)

Mô hình nuôi kết hợp tôm, cua, cá đối rất thích hợp với các ao đất vùng triều trong điều kiện môi trường nước mất cân bằng sinh thái, lại giảm rủi ro.

Các đại biểu tham quan mô hình nuôi thủy sản kết hợp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các đại biểu tham quan mô hình nuôi thủy sản kết hợp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã triển khai dự án “Xây dựng vùng nuôi thủy sản kết hợp thích ứng với biến đổi khí hậu” tại xã Bình Dương, với qui mô 02 ha, 05 hộ tham gia, thời gian thực hiện 3 tháng.

Ngân sách huyện hỗ trợ giống, thức ăn và kinh phí phí triển khai, với tổng số tiền 180 triệu đồng. Số lượng giống thả trên 02 ha, gồm cua 10.000 con, tôm thẻ chân trắng 80 vạn con, cá đối 6.000 con.

Mục tiêu của phương án là phổ biến phương thức nuôi kết hợp tôm – cua – cá nhằm thích ứng với điều kiện môi trường không còn thuận lợi như trước đây đối với các vùng triều nuôi tôm độc canh ao đất, giảm thiểu rủi ro cho người nuôi trồng thủy sản.

Xã Bình Dương là một trong những địa phương trong huyện Bình Sơn có nghề nuôi tôm phát triển khá lâu, trước đây là nuôi tôm sú, sau này hầu hết chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng với hình thức nuôi bán thâm canh, nuôi thâm canh mật độ cao.

Quá trình nuôi tôm lâu năm tạo ra một lượng chất thải khá lớn, đi kèm với đó là lượng hóa chất, kháng sinh và vật tư thủy sản khác đã sử dụng trong quá trình nuôi tôm làm cho môi trường ao nuôi ô nhiễm, mất cân bằng sinh thái. Từ đó dẫn đến việc nuôi tôm độc canh, thường xuyên xảy ra dịch bệnh, đặc biệt là ở các ao đất vùng triều khi điều kiện ao nuôi, trang thiết bị phục vụ nuôi tôm không đảm bảo. 

Ông Nguyễn Trung Thành ở thôn Đông Yên 2, xã Bình Dương thu hoạch tôm, cua trong mô hình.

Ông Nguyễn Trung Thành ở thôn Đông Yên 2, xã Bình Dương thu hoạch tôm, cua trong mô hình.

Để quá trình nuôi trồng thủy sản thích ứng với điều kiện môi trường có sự biến đổi như hiện nay cần thiết sử dụng biện pháp nuôi chung các đối tượng tôm - cua – cá đối trong một ao.

Khi nuôi chung cá đối với cua và tôm thẻ chân trắng trong cùng một ao sẽ có các lợi ích như sau: Vì cá đối ăn mùn bả hữu cơ nên góp phần làm giảm ô nhiễm đáy ao, chúng sẽ chuyển hóa các chất gây hại ở đáy ao thành những chất ít gây hại hơn đối với vật nuôi.

Ngoài ra, tảo trong ao cũng là thức ăn cho cá đối, do vậy sẽ giảm được nguy cơ tảo bùng phát làm biến động các yếu tố môi trường, đặc biệt là vào mùa nắng nóng khi quá trình quang hợp của tảo diễn ra mạnh mẽ.

Các đối tượng nuôi kết hợp trong mô hình đều là những đối tượng có giá trị kinh tế cao và có tính tương hỗ lẫn nhau góp phần cân bằng môi trường sinh thái, giúp cho môi trường ao nuôi ổn định hơn, từ đó giảm thiểu nguy cơ xảy ra dịch bệnh trong quá trình nuôi. 

Tôm, cua trong mô hình sau 3 tháng thả nuôi đạt trọng lượng cao.

Tôm, cua trong mô hình sau 3 tháng thả nuôi đạt trọng lượng cao.

Theo cán bộ kỹ thuật của trung tâm, mật độ thả nuôi ghép gồm: Tôm thẻ chân trắng 40 con/m2, cua biển 01 con/m2, cá đối 01 con/3m2. Nguyên tắc thả giống đối với mô hình nuôi kết hợp tôm – cua – cá đối là thả cua và cá đối mục trước khi thả tôm giống 01 tháng vì cua và cá đối có thời gian sinh trưởng dài ngày hơn tôm thẻ chân trắng.

Điều quan trọng hơn là sau một tháng thả nuôi, cua và cá đối hoạt động tốt trong ao, làm cho đáy ao thông thoáng, các loại tảo có lợi trong ao phát triển tốt, nhờ vậy các chỉ tiêu môi trường nước ao ổn định, sinh vật phù du phát triển thuận lợi cho việc thả tôm.

Các hộ dân có nhiều ao nuôi thì dành riêng một ao nhỏ để ương tôm, sau khoảng 20 ngày đến một tháng thì chuyển tôm vào nuôi chung với cua và cá đối. Đối với các hộ dân chỉ có 01 ao nuôi thì có thể dùng phương thức khuynh lưới (hoặc giai) khoảng ¼ diện tích ao để ương tôm, sau thời gian 20 ngày đến 01 tháng thì tháo lưới để nuôi chung với cua và cá.

Sử dụng thức ăn cho các đối tượng nuôi gồm cám chuyên dùng cho tôm và cá tạp. Tùy theo giai đoạn phát triển của vật nuôi để chọn cỡ thức ăn, hàm lượng đạm cho phù hợp. Cua có tính ăn tương đối giống tôm, có thể sử dụng thức ăn công nghiệp. Tuy nhiên, để nuôi cua nhanh lớn và chắc thịt cần phải cho cua ăn mồi tanh (cá tạp, vẹm sông...). Cá đối vẫn sử dụng một phần thức ăn cám tôm, ngoài ra cá đối ăn rong tảo và mùn bã hữu cơ trong ao.

Sau một thời gian nuôi ghép 3 tháng, tôm thẻ chân trắng có thể đạt cỡ trung bình từ 60 - 80 con/kg, cua đạt trọng lượng từ 200 – 250g/con, cá đối đạt trọng lượng khoảng 200g/con thì tiến hành thu hoạch.

Tổng thu cả 3 đối tượng tôm, cua và cá đối trung bình đạt trên 687 triệu đồng/ha, trừ chi phí 450 triệu đồng/ha, còn lãi trung bình trên 237 triệu đồng/ha.

Mô hình nuôi kết hợp tôm, cua, cá đối rất thích hợp với các ao đất vùng triều trong điều kiện môi trường nước mất cân bằng sinh thái, phương tiện thiếu thốn. Với phương thức nuôi kết hợp như mô hình này thì khả năng rủi ro cho bà con nuôi trồng thủy sản ở ao đất vùng triều là thấp nhất.

Xem thêm
Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.