| Hotline: 0983.970.780

Chuyên gia khuyến cáo phòng trị hai loại dịch bệnh nguy hiểm trên tôm

Thứ Năm 18/05/2023 , 14:49 (GMT+7)

ĐBSCL GS.TS Đặng Thị Hoàng Oanh, chuyên gia cao cấp Trường Đại học Cần Thơ đưa ra khuyến cáo và cách phòng trị hai loại dịch bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi hiện nay.

GS.TS Đặng Thị Hoàng Oanh, giảng viên cao cấp Trường Thuỷ sản thuộc Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ về nguyên nhân, các loại dịch bệnh trên con tôm. Ảnh: Hồ Thảo.

GS.TS Đặng Thị Hoàng Oanh, giảng viên cao cấp Trường Thuỷ sản thuộc Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ về nguyên nhân, các loại dịch bệnh trên con tôm. Ảnh: Hồ Thảo.

Dịch bệnh khiến tỷ lệ nuôi tôm thành công rất thấp 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện tỷ lệ thành công trong nuôi tôm đạt thấp, chỉ khoảng 40%.

GS.TS Đặng Thị Hoàng Oanh, giảng viên cao cấp Trường Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ cho biết, năm 2022, tại ĐBSCL xuất hiện một nhóm dịch bệnh nguy hiểm trên tôm do vi bào tử trùng có tên là EHP, không làm cho tôm chết nhưng khiến con tôm chậm lớn. Xét về mặt sản lượng hay nói cách khác là hệ số chuyển hóa thức ăn thì đạt thấp.

Theo quan sát của GS.TS Đặng Thị Hoàng Oanh và nhóm cộng sự của Trường Đại học Cần Thơ, ngoài nhiễm EHP, trên tôm còn xảy ra hiện tượng cộng nhiễm với một số mầm bệnh khác. Đây là một trong những nguyên nhân cần được nhìn nhận và cần có sự đánh giá kỹ càng trong nuôi tôm.

Chia sẻ về nguyên nhân xảy ra các loại dịch bệnh nguy hiểm trên tôm, GS.TS Đặng Thị Hoàng Oanh cho biết, gần đây bộc phát hai loại bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp. Dù không phải là đối tượng phải khai báo với Tổ chức Thú y thế giới nhưng chúng đã xuất hiện ở nước ta khá lâu. Hai loại dịch bệnh nguy hiểm trên tôm này xuất hiện vào thời điểm trái ngược với nhau.

Bệnh đốm trắng xuất hiện vào thời điểm thời tiết có nhiệt độ hơi thấp ngược lại bệnh hoại tử gan tụy cấp xuất hiện vào những tháng nhiệt độ cao. Đặc biệt, thời điểm giao mùa khả năng bộc phát một trong hai loại bệnh nguy hiểm này là rất cao.

Hơn nữa, trong nuôi tôm thường xảy ra hiện tượng cộng nhiễm nhiều loại bệnh mà nguyên nhân là do ảnh hưởng bất lợi của yếu tố thời tiết, môi trường kích thích dịch bệnh bộc phát. Do đó, ngoài yếu tố thời tiết thì môi trường nước ảnh hưởng rất lớn đến sự bộc phát dịch bệnh trong nuôi tôm hiện nay.

Bà con nông dân thường thâm canh mật độ cao do đó mầm bệnh sẽ lây lan rất nhanh. Cùng với đó, tôm chết, thức ăn thừa tạo thành chất hữu cơ dưới đáy ao từ đó tạo môi trường xấu, điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát triển, vì vậy nuôi thâm canh mật độ cao sẽ rất khó xử lý dịch bệnh.

Triển vọng dùng thảo dược phòng bệnh cho tôm

Cũng theo GS.TS Đặng Thị Hoàng Oanh, con tôm là đối tượng có mức độ tiến hoá thấp, không có trí nhớ miễn dịch và thời gian nuôi ngắn nên không có hi vọng nhiều trong việc sử dụng vắc xin phòng bệnh.

Do đó, giáo sư cho rằng người nuôi tôm nên tập trung phòng bệnh hơn là trị bệnh. Khi mầm bệnh xuất hiện, trị bệnh cũng không còn hiệu quả bởi khi tôm bệnh sẽ bỏ ăn dù có trộn thuốc trị chúng cũng không ăn, chúng chìm xuống đáy ao càng khó phát hiện, mầm bệnh càng lây lan nhanh. Vì vậy, phát hiện bệnh sớm càng có ý nghĩa quan trọng.

Sử dụng sản phẩm thương mại từ thảo dược trong phòng bệnh cho tôm. Ảnh: Hồ Thảo.

Sử dụng sản phẩm thương mại từ thảo dược trong phòng bệnh cho tôm. Ảnh: Hồ Thảo.

Hiện nay, đa số người dân nuôi là tôm thẻ chân trắng, số ít tôm sú. Các nhà khoa học cũng chưa đưa ra được quy trình chuẩn mà phụ thuộc vào vùng nuôi, mô hình nuôi. Biện pháp an toàn sinh học và phòng bệnh nên được đặt lên hàng đầu.

Theo nhận định của nhiều nhà khoa học, hiện nay vấn đề nghiên cứu và sử dụng dược liệu (thảo dược) trong nuôi tôm gần như là xu hướng. Nước ta có nhiều loại thảo dược rất dễ tìm. Trong đó, có một số loại được người dân sử dụng rất nhiều và từ lâu không chỉ trên con tôm mà còn trên cá. Ví dụ như là tỏi hay như lá xoan trong nuôi cá và một số sản phẩm thương mại cũng chứa các thành phần được chiết xuất từ thảo dược.

GS.TS Đặng Thị Hoàng Oanh cũng cho rằng khi sử dụng thảo dược cần dùng trong thời gian dài, thường xuyên. Nhận định về hiệu quả của phương pháp này, các nhà khoa học đánh giá qua tỷ lệ chết so mức độ nhiễm bệnh hoặc mức tăng trọng.

Tuy nhiên, cách thức, nguyên liệu sử dụng ở mỗi trường hợp là khác nhau nên có thể thành công ở nơi này nhưng chưa chắc thành công ở nơi khác. Dù vậy, sử dụng thảo dược trong nuôi thuỷ sản, nhất là trên con tôm nhìn chung vẫn cho thấy triển vọng của nó.

Xem thêm
Thành lập hợp tác xã để nâng tầm giá trị cầy vòi hương

QUẢNG NAM Từ một hộ ban đầu, đến nay, mô hình nuôi cầy hương đã lan rộng ra toàn xã với hàng trăm hộ nhờ giá trị kinh tế cao mà loài vật này mang lại.

Nông dân nhận thưởng 43 triệu đồng nhờ trồng lúa giảm phát thải

KIÊN GIANG Mới đây, một số nông dân ở huyện Hòn Đất và Kiên Lương (Kiên Giang) nhận được tiền thưởng từ 2,6 – 43 triệu đồng khi tham gia dự án trồng lúa giảm phát thải.

Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha

YÊN BÁI Giống cà chua Beef có nguồn gốc Israel được trồng bằng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP ở Mù Cang Chải cho năng suất lên tới 100 tấn/ha, chất lượng tốt, giá bán cao.