| Hotline: 0983.970.780

'Bác sĩ tôm Bạc Liêu' giúp giảm nỗi lo bệnh hoại tử gan trên tôm

Thứ Ba 05/07/2022 , 12:27 (GMT+7)

Thành công từ công trình nghiên cứu của TS Lê Anh Xuân, 'bác sĩ tôm Bạc Liêu' giúp các hộ nuôi giảm bớt nỗi lo về bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm.

Năm 2019, bệnh hoại tử gan tụy cấp bắt đầu bùng phát trên tôm nuôi. Ảnh: Kim Anh.

Năm 2019, bệnh hoại tử gan tụy cấp bắt đầu bùng phát trên tôm nuôi. Ảnh: Kim Anh.

Thực trạng bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm

Vào năm 2009, bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm hay còn gọi là hội chứng tôm chết sớm, lần đầu tiên được ghi nhận tại Trung Quốc và bắt đầu lan rộng sang nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, trở thành mối nguy hại hàng đầu đối với ngành nuôi tôm công nghiệp.

Tại ĐBSCL, trong hai năm 2010 và 2011, bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm, lây lan diện rộng và bùng phát thành dịch, khiến hơn 97.000 ha diện tích tôm nuôi bị thiệt hại, tập trung ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre...

Bệnh hoại tử gan cấp xảy ra ở giai đoạn đầu tôm nuôi thương phẩm, đối với cả tôm thẻ chân trắng và tôm sú, khả năng gây thiệt hại có thể lên đến 100% trong vòng 20 – 30 ngày sau khi thả nuôi. Tôm bị bệnh có gan tụy sưng hoặc teo, trắng nhạt; vỏ mềm, tăng trưởng chậm, khi sắp chết tôm chìm xuống ở đáy ao.

Một số nghiên cứu đã xác định, nguyên nhân gây bệnh hoại tử gan tụy cấp ở tôm nuôi bắt nguồn từ tôm giống có chất lượng không đảm bảo, thả nuôi trong điều kiện môi trường bất lợi.

Thống kê của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), năm 2012 diện tích tôm nuôi nước lợ bị bệnh hoại tử gan tụy cấp là 46.000ha, chiếm 45,7% diện tích tôm nuôi bị bệnh. Và đến năm 2017 theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), tổng diện tích tôm nuôi thiệt hại do bệnh hoại tử gan tụy cấp trên cả nước là 6.793ha, chiếm hơn 17,9% tổng diện tích tôm nuôi bị bệnh. Một con số khá lớn cho thấy mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp gây ra trên con tôm.

Riêng đối với ĐBSCL, năm 2015 bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm thẻ chân trắng gây thiệt hại 8,9 triệu USD và trên tôm sú là 1,8 triệu USD. Ngoài ra, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại do dịch bệnh năm 2018 là 12.359 ha.

TS Lê Anh Xuân thành công ứng dụng vi khuẩn Bacillus sp. đối kháng với Vibrio parahaemolyticus trong nuôi tôm công nghiệp. Ảnh: Kim Anh.

TS Lê Anh Xuân thành công ứng dụng vi khuẩn Bacillus sp. đối kháng với Vibrio parahaemolyticus trong nuôi tôm công nghiệp. Ảnh: Kim Anh.

Từ năm 2013, Tổng cục Thủy sản đã đưa ra kết luận tác nhân gây bệnh hoại tử cấp trên tôm là do nhóm vi khuẩn Vibrio, chủng V. Parahaemolyticus gây ra. Ngoài tác nhân lớn nhất gây bệnh này, các nhóm vi khuẩn khác cũng góp sức hình thành, phá hủy hệ thống gan tụy, gây bệnh cho tôm.  

Từ thực tế đó, năm 2020 sau nhiều năm nghiên cứu, phân tích tác nhân gây bệnh hoại tử gan tụy cấp, công trình nghiên cứu “Ứng dụng vi khuẩn Bacillus sp. đối kháng với Vibrio parahaemolyticus trong nuôi tôm công nghiệp” của TS Lê Anh Xuân ra đời và thành công khi ứng dụng vào thực tiễn.

TS Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho hay, công trình nghiên cứu này vừa có tính khoa học, vừa phục vụ rất tốt cho sản xuất. Nghiên cứu đã lựa chọn được những dòng vi sinh vật có thể đối kháng, kiểm soát được tác nhân gây bệnh hoại tử gan tụy cấp, cụ thể là Bacillus. Quan trọng hơn, nghiên cứu này được thực hiện trên các chủng vi khuẩn được phân lập ở ĐBSCL. Từ đó, kết quả gắn liền với thực tế điều kiện vùng nuôi tôm ở ĐBSCL.

GS.TS Vũ Ngọc Út, Phó trưởng Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ đánh giá, từ kết quả nghiên cứu trên có thể ứng dụng và nhân rộng các dòng vi khuẩn Bacillus sp. đối kháng với Vibrio parahaemolyticus để tạo ra những chế phẩm vi sinh, chế phẩm sinh học sử dụng trong đại trà của ngành nuôi tôm hiện nay.

Chân dung TS Lê Anh Xuân, bác sĩ tôm Bạc Liêu. Ảnh: Kim Anh.

Chân dung TS Lê Anh Xuân, bác sĩ tôm Bạc Liêu. Ảnh: Kim Anh.

Thành công của vị bác sĩ chữa bệnh cho tôm

TS Lê Anh Xuân, người được xem là “bác sĩ tôm” ở xứ sở Bạc Liêu đã dành 2 năm để thu thập các mẫu nước, bùn và mẫu tôm từ các ao tôm công nghiệp ở các tỉnh ĐBSCL, để tiến hành các thí nghiệm, phân tích đối với 149 chủng vi khuẩn nghi là Bacillus và 51 chủng vi khuẩn Vibrio đã được phân lập từ tuyến tiêu hóa tôm, bùn và nước.

Kết quả, khi thử nghiệm trên mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ở quy mô 100 lít, các chủng vi khuẩn này giúp phòng chống hiệu quả bệnh hoại tử gan tụy cấp với tỷ lệ sống của tôm sau 36 giờ cảm nhiễm, lần lượt từ 76% đến trên 85%. Kết quả này đã góp phần giải quyết được nỗi lo đau đáu về căn bệnh trên con tôm của bà con nông dân ĐBSCL.

Theo vị “bác sĩ tôm” này, cũng như các loại bệnh khác có căn nguyên là vi khuẩn, bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm có thể được điều trị bằng các loại kháng sinh. Tuy nhiên, hậu quả của việc lạm dụng kháng sinh trong phòng chống bệnh là tồn dư kháng sinh hoặc chất cấm vượt quá mức quy định.

Bên cạnh đó, việc sử dụng kháng sinh trong thời gian dài sẽ phát sinh tính kháng thuốc ở tác nhân gây bệnh trong môi trường nuôi tôm. Nhiều giải pháp mang tính căn cơ để phòng bệnh hoại tử gan tụy cấp ở tôm đã ra đời, nhưng từ nhiều nguyên nhân khác nhau các giải pháp đó chưa mang lại hiệu quả tối ưu, bền vững. Từ thành công của nghiên cứu trên, TS Lê Anh Xuân đã nghiên cứu, sản xuất và cho ra mắt dòng sản phẩm vi sinh thế hệ mới với tên gọi “Kill Para” chuyên phòng và điều trị bệnh hoại tử gan tụy cấp.

Nhiều nông dân tỉnh Bạc Liêu được hỗ trợ, chuyển giao các mô hình nuôi tôm sạch. Ảnh: Kim Anh.

Nhiều nông dân tỉnh Bạc Liêu được hỗ trợ, chuyển giao các mô hình nuôi tôm sạch. Ảnh: Kim Anh.

Ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, đánh giá rất cao việc tìm ra những chủng vi sinh giúp kháng lại vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp. “Nghiên cứu này rất có giá trị trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đồng thời giúp cho những người nuôi tôm có thể sử dụng những vi sinh ngay bản địa có chất lượng. Quan trọng hơn nữa là giải quyết được vấn đề môi trường trong ngành nuôi tôm công nghiệp hiện nay và giảm việc sử dụng hóa chất kháng sinh, tăng giá trị ngành tôm, hướng đến xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam có chất lượng, giá trị và đảm bảo công tác truy xuất nguồn gốc”, ông Luân nhấn mạnh.

TS Lê Anh Xuân chia sẻ thêm, thời gian tới, để tiếp tục nhân rộng, chuyển giao các mô hình nuôi tôm sạch này đến với bà con nông dân, ông Xuân cam kết hỗ trợ bà con nông dân thông qua các "gói hỗ trợ 10 tỷ".

“Cầm tay chỉ việc cho bà con, hạn chế tối đa tôm bị bệnh hoại tử gan tụy cấp, từ con giống, thuốc cho đến kỹ thuật miễn phí cho bà con trong giai đoạn đầu 40 ngày. Giai đoạn sau đó, khi bà con thành công chúng tôi sẽ thu lại 50% và tiếp tục nhân rộng, bổ sung thêm nguồn quỹ này để tăng số lượng bà con được hỗ trợ”, ông Xuân cho hay.

Trước tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, dịch bệnh ngày càng gia tăng luôn gây bất lợi cho người nuôi tôm. Kết quả từ công trình nghiên cứu khoa học của TS Lê Anh Xuân trong việc phòng, điều trị bệnh hoại tử gan tụy cấp đã tạo một bước tiến mới, giảm rủi ro cho bà con nuôi tôm, góp phần đưa ngành tôm Việt phát triển bền vững.

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, năm 2010, khoảng 40.000ha nuôi tôm ở ĐBSCL có mức độ thiệt hại vì dịch bệnh tôm chết sớm hay còn gọi là bệnh hoại tử gan tụy cấp, mức độ từ 20 - 80%. Các tỉnh bị nặng là Cà Mau, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang. Đỉnh điểm vào năm 2012, diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại vì dịch bệnh ở khu vực này khoảng trên 100.000ha, trong đó tôm sú là 91.174ha và tôm thẻ 7.068 ha. Bệnh ở tôm nuôi thường gặp nhất là hoại tử gan tụy cấp, sau đó là đốm trắng, đầu vàng.

Xem thêm
Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.