| Hotline: 0983.970.780

Chuyện giống lúa Thụy Hương 308 trên đồng đất Thanh Hóa

Thứ Bảy 20/05/2023 , 07:19 (GMT+7)

'Vụ lúa nào nhà tôi cũng đổ đầy ắp 2 chum sành. Bây giờ cấy giống mới mà lúa không đổ đầy 2 chum thì các anh phải tự bù vào cho gia đình tôi...'.

Nếu không đạt năng suất, cán bộ phải bù lúa cho dân

“Vụ lúa nào nhà tôi cũng đổ đầy ắp hai chum sành. Nếu bây giờ cấy giống mới mà lúa không đổ đầy 2 chum thì các anh phải tự bù vào cho gia đình tôi. Các anh làm thế nào thì làm”, một người dân xã Các Sơn đặt điều kiện trước mặt ông Trường khi cán bộ xã đi vận động người dân thay đổi tập quán canh tác và chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương.

Giống lúa lai 3 dòng Thụy Hương 308 mang bội thu cho bà con nông dân xứ Thanh. Ảnh: Quốc Toản.

Giống lúa lai 3 dòng Thụy Hương 308 mang bội thu cho bà con nông dân xứ Thanh. Ảnh: Quốc Toản.

Vì gắn bó với Hợp tác xã nông nghiệp Các Sơn (Nghi Sơn, Thanh Hóa) khá lâu năm, nên ông Giám đốc HTX Nguyễn Như Trường nắm khá vững đặc tính, chất lượng của các giống lúa đã và đang gieo cấy. Bởi vậy, việc bà con đưa ra điều kiện cũng không làm khó được ông Trường: “Anh cứ mạnh dạn cấy giống mới. Nếu vụ tới, lúa không đổ đầy chum, tôi đền cho anh”, ông Trường nói với giọng tự tin.

Ông Trường bảo, từ trước đến nay, người dân chỉ “chung thủy” với giống lúa cũ, nên chưa mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên các xứ đồng.  

“Bà con quen lối sản xuất tự do, nhưng lại thích “ăn chắc mặc bền”, nên nhiều người không dám mạo hiểm thay đổi. Bên cạnh đó, nhiều hộ bây giờ không chỉ quan tâm đến năng suất mà còn chú trọng đến cả chất lượng lúa. Bởi vậy, việc vận động và thuyết phục người dân thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp là điều cực kỳ khó khăn. Muốn làm được việc này, cán bộ, đảng viên phải là người đi trước để bà con làm theo”, ông Trường chia sẻ.

Lần khác, ông Trường bị các hộ dân tiếp tục làm khó khi cán bộ này đi vận động người dân gieo cấy giống lúa Thụy Hương 308.

Ông Nguyễn Như Trường (trái), Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Các Sơn (Nghi Sơn, Thanh Hóa). Ảnh: Thái Học.

Ông Nguyễn Như Trường (trái), Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Các Sơn (Nghi Sơn, Thanh Hóa). Ảnh: Thái Học.

“Mặc dù giống lúa đã được đưa vào cơ cấu gieo cấy tại địa phương, nhưng người dân vẫn chưa thật tin tưởng. Họ thắc mắc với cán bộ: Khi gieo cấy các giống lúa khác, trung bình năng suất phải đạt 3 tạ/sào. Nếu cấy giống mới không được năng suất như vậy thì cán bộ có đền cho nông dân được không? Trước thắc mắc của người dân, nếu cán bộ không am hiểu đồng đất hoặc đặc tính từng loại giống sẽ bị người dân bắt bẻ và chắc chắn thất bại khi đưa giống mới vào gieo cấy”, ông Trường kể.

Bài liên quan

Trước sự quả quyết của người dân, ông Trường phải giải thích một hồi: “Gia đình cứ làm đúng như tôi nói thì năng suất sẽ đạt và vượt kế hoạch. Ví dụ 1 sào phải sử dụng 500kg phân chuồng và 25kg phân lân cho hai lần bón/vụ. Bên cạnh đó, bà con phải áp dụng đúng quy trình kỹ thuật từ khi gieo mạ cho tới khi thu hoạch để đảm bảo lúa phát triển. Nếu làm đúng mà năng suất thấp tôi xin chịu trách nhiệm”.

Để vận động người dân thay đổi tập quán canh tác, đưa giống mới có năng suất, chất lượng vào gieo cấy, Hợp tác xã nông nghiệp Các Sơn và Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) đã tổ chức hội thảo giới thiệu giống lúa mới để bà con được tận mắt kiểm chứng.

“Nông dân có quan điểm "trăm nghe không bằng một thấy". Do đó, để người dân tin tưởng đưa giống lúa Thụy Hương 308 vào gieo cấy, cán bộ Hợp tác xã và Vinaseed đã trực tiếp nấu cơm tại UBND xã và mời bà con dùng thử. Bên cạnh đó, người dân còn được cán bộ tập huấn kỹ thuật từ quá trình gieo mạ đến khi thu hoạch. Khi bà con được Vinaseed giải thích và cam kết về năng suất, chất lượng, họ bắt đầu tin tưởng và đưa giống mới vào gieo cấy”, ông Trường chia sẻ.

Giống lúa Thụy Hương 308 đã có mặt tại nhiều địa phương trong tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Giống lúa Thụy Hương 308 đã có mặt tại nhiều địa phương trong tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Vụ xuân năm 2023, toàn xã Các Sơn gieo cấy khoảng 100ha giống lúa Thụy Hương 308. Thời điểm này lúa đã bắt đầu chín rộ và hứa hẹn cho năng suất cao. Đặc biệt, vụ xuân 2023, giống lúa này không hề nhiễm bệnh như một số giống khác.

“Cả cánh đồng nhiều nơi bị nhiễm bệnh khô vằn, nhưng riêng lúa Thụy Hương 308 hoàn toàn không nhiễm bệnh. Giống lúa này đẻ nhánh khỏe, chịu rét, chống chịu được sâu bệnh tốt. Dự kiến năng suất lúa Thụy Hương tại xã Các Sơn đạt từ 3,3 - 3,5 tạ/sào", ông Trường nói.

Ông Trường cho biết thêm, vụ xuân 2023 - 2024, Hợp tác xã sẽ cơ cấu giống lúa Thụy Hương 308 trên diện tích 300 - 350ha, bằng nửa diện tích lúa gieo cấy tại xã Các Sơn.

Cả vụ không phải phun thuốc trừ sâu

Cánh đồng thôn 8, xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) tứ bề bao quanh là núi. Do chân đất cao, Hợp tác xã nông nghiệp xã Thọ Xương thường xuyên phải bơm nước lên ruộng để phục vụ sản xuất. Đây cũng là năm đầu tiên giống lúa Thụy Hương 308 được đưa vào sản xuất tại địa phương này.

Vụ xuân năm 2023, bà Đỗ Thị Sa (xã Thọ Xương) gieo cấy lúa Thụy Hương 308 trên diện tích 3 sào. Hiện thửa ruộng của bà sắp cho thu hoạch.

Bà Sa phấn khởi vì giống lúa Thụy Hương 308 cho năng suất cao. Anh: Quốc Toản.

Bà Sa phấn khởi vì giống lúa Thụy Hương 308 cho năng suất cao. Anh: Quốc Toản.

Bà Sa chia sẻ: “Tôi đã thử cấy nhiều loại giống khác nhau, nhưng riêng giống Thụy Hương 308 có đặc điểm hoàn toàn khác biệt. Mặc dù năm nay thời tiết diễn biến thất thường, nhưng giống Thụy Hương 308 không hề phải phun thuốc trừ sâu mà thân và lá vẫn khỏe, lúa đẻ nhánh tốt, hạt chắc”.

Vụ  xuân 2023, xã Thọ Xương đưa vào cơ cấu nhiều giống lúa lai và lúa thuần. Riêng giống lúa Thụy Hương 308 được trình diễn trên diện tích 13ha.

Ông Nguyễn Tây Nguyên, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thọ Xương đánh giá: “Giống lúa Thụy Hương 308 có ưu điểm vượt trội như tỷ lệ nảy mầm khi gieo mạ đạt cao; cây mạ khỏe, cấy bén rễ nhanh, phát triển tốt, chống chịu được sâu bệnh và chịu rét tốt. Đến thời điểm hiện tại, lúa sắp thu hoạch nhưng bộ lá vẫn rất khỏe…

Chắc chắn trong vụ tới, giống Thụy Hương 308 sẽ là sự thay thế hoàn hảo đối với các giống lúa trước đây đã gieo cấy tại xã Thọ Xương".

Thụy Hương 308 là giống có năng suất cao, phạm vi thích ứng rộng, cứng cây, chống đổ, chịu sâu bệnh khá, gạo trong, cơm thơm, mềm và ngon. Ảnh: Thái Học.

Thụy Hương 308 là giống có năng suất cao, phạm vi thích ứng rộng, cứng cây, chống đổ, chịu sâu bệnh khá, gạo trong, cơm thơm, mềm và ngon. Ảnh: Thái Học.

Ông Hồ Hữu Thanh, Giám đốc Vinaseed Thanh Hoá cho biết: "Qua khảo nghiệm thực tế, giống lúa Thụy Hương 308 thích ứng với các chân đất và được bà con trong và ngoài tỉnh đón nhận. Đây là giống có năng suất cao, phạm vi thích ứng rộng, cứng cây, chống đổ, chịu sâu bệnh khá, gạo trong, cơm thơm, mềm và ngon. Kết quả này là cơ sở để Vinaseed tiếp tục nhân rộng giống lúa này tại các vùng sinh thái khác nhau”.

Thụy Hương 308 là giống lúa lai 3 dòng, do Công ty TNHH Giống cây trồng Thụy Hằng (Trung Quốc) nghiên cứu và chọn tạo, được Vinaseed sản xuất và phân phối tại thị trường Việt Nam. Đây là giống lúa cảm ôn, gieo cấy được cả 2 vụ.

Thời gian sinh trưởng tại các tỉnh phía Bắc vụ xuân từ 130 - 135 ngày; vụ mùa từ 105 - 110 ngày. Chiều cao cây từ 110 - 115cm; đẻ nhánh khỏe, kiểu hình gọn; lá đòng nhỏ, xanh đậm; bông to, dài từ 28 - 30cm. Số hạt trên bông từ 250 - 270 hạt. Năng suất bình quân từ 8 - 8,5 tấn/ha, thâm canh tốt đạt 9 - 10 tấn/ha.

Hiện nay, diện tích gieo cấy giống lúa Thụy Hương 308 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt khoảng 3.000ha. Thời gian tới, với sự ủng hộ của bà con nông dân, Vinaseed sẽ tiếp tục cung ứng giống, trình diễn, chuyển giao khoa học cho bà con nông dân nhằm đem lại những vụ mùa bội thu.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Chủ quan khi cho rằng chó, mèo nhà nuôi không bị bệnh dại

Nhiều người nuôi chó, mèo tại Long An vẫn còn rất chủ quan, thiếu hiểu biết về bệnh dại khi cho rằng chó, mèo nhà nuôi không bị bệnh dại.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.