| Hotline: 0983.970.780

Chuyển lúa sang cây trồng cạn, hiệu quả bất ngờ

Thứ Ba 02/04/2024 , 06:31 (GMT+7)

NGHỆ AN Trước tình thế nắng hạn cực đoan, nước tưới cho lúa ngày càng khó khăn, nhiều nơi ở Nghệ An mạnh dạn chuyển đổi lúa sang cây trồng cạn và cho hiệu quả bất ngờ.

Xu thế biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến nghiêm trọng, đồng nghĩa với tình trạng nắng nóng, hạn hán ngày càng gia tăng. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp cũng ngày càng gặp khó khăn lớn về nguồn nước phục vụ sản xuất, nhất là vùng sản xuất lúa.

Những năm gần đây, ngành nông nghiệp Nghệ An đã khuyến khích bà con nông dân chủ động chuyển đổi cây trồng trên vùng đất không có nguồn nước tưới chủ động sang gieo trồng các cây trồng có khả năng chịu hạn tốt như trồng dâu nuôi tằm, khoai lang, lạc, đậu, đỗ, bầu bí, dưa, rau, củ quả…

Đất khô cằn "đẻ" hàng trăm triệu đồng/ha

Những năm gần đây, trên các vùng đất cao cưỡng, khô hạn do không có đủ nguồn nước tưới, một số địa phương trước đây từng đã có nghề trồng dâu nuôi tằm đã họ mạnh dạn khôi phục lại nghề truyền thống, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Qua thực tế sản xuất tại Nghệ An cho thấy dâu là cây trồng có khả năng chống chịu nắng nóng và hạn hán tốt, chịu giá rét khá, ít bị sâu bệnh và đặc biệt chống chịu ngập úng tốt trong mùa mưa bão từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm ở Nghệ An.

Nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Khánh Sơn (Nam Đàn, Nghệ An) đã giúp nông dân nơi đây có thu nhập khá và ổn định từ chính đồng đất khó khăn về nước tưới. Ảnh: Huy Thư.

Nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Khánh Sơn (Nam Đàn, Nghệ An) đã giúp nông dân nơi đây có thu nhập khá và ổn định từ chính đồng đất khó khăn về nước tưới. Ảnh: Huy Thư.

Hiện nay ở Nghệ An có một số mô hình trồng dâu nuôi tằm phát triển tốt, trong đó điển hình như tại xã Khánh Sơn (huyện Nam Đàn). Đây là xã hoạt động sản xuất nông nghiệp lệ thuộc nhiều vào nguồn nước của các trạm bơm lấy nước từ sông Lam lên. Trong khi đó, mực nước sông Lam ngày càng cạn dần do vừa ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, vừa bị các nhà máy thuỷ điện ngăn giữ nước từ thượng nguồn sông Lam.

Từ đó, Đảng uỷ và chính quyền xã Khánh Sơn khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở vùng đất thường xuyên khô hạn sang trồng dâu nuôi tằm. Từ chủ trương đó, HTX Dâu tằm Đồng Tiến được thành lập với 7 thành viên, do ông Ngô Xuân Khánh làm Giám đốc. HTX đã thuê 16ha đất thuộc loại đất khô hạn, sản xuất kém hiệu quả để trồng dâu nuôi tằm.

Sau 3 năm nỗ lực xây dựng và phát triển, HTX Dâu tằm Đồng Tiến đã trở thành đơn vị đầu tiên và duy nhất ở Nghệ An chuyên về nghề trồng dâu nuôi tằm tập trung. Sản phẩm kén của HTX làm ra mỗi tuần từ 2,5 – 3 tạ, bán với giá 18 – 20 triệu đồng/tạ, mỗi năm cho thu nhập từ 2 – 2,5 tỉ đồng. Đặc biệt, sản phẩm làm ra được các cơ sở đầu mối và thương lái bao tiêu hết. Tính ra trung bình 1ha đất đem lại thu nhập từ 125 – 130 triệu đồng/năm.

Nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Khánh Sơn cho thu nhập 125 - 130 triệu đồng/ha/năm. Ảnh: Huy Thư.

Nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Khánh Sơn cho thu nhập 125 - 130 triệu đồng/ha/năm. Ảnh: Huy Thư.

Ở huyện Diễn Châu có xã Diễn Kim là địa phương mạnh dạn chuyển 60ha đất vùng khô hạn của 95 hộ dân sang chuyên trồng dâu nuôi tằm quanh năm. Bà Phan Thị Thanh ở xóm Xuân Châu, xã Diễn Kim cho biết: Gia đình bà trồng 10 sào dâu, nuôi 17 nong tằm quanh năm, cứ 20 ngày cho thu nhập 3 triệu đồng, một năm cho thu hập từ 50 – 55 triệu đồng, tính ra 1ha trồng dâu nuôi tằm thu về hơn 100 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Văn Trường – Giám đốc HTX nông nghiệp Diễn Kim cho biết: Nhiều diện tích đất ở xã Diễn Kim hiện nay bị khô hạn nặng và chuyển sang trồng dâu nuôi tằm là hướng đi rất phù hợp. Nghề này cũng không quá vất vả, lại có công ăn việc làm quanh năm, có thu nhập khá. Trung bình mỗi năm cả xã sản xuất được 4 – 4,2 tấn tơ các loại. Toàn bộ sản phẩm được tiêu thụ hết, một phần tiêu thụ ở Hà Nội, phần cung cấp cho làng nghề dệt thổ cẩm ở miền tây Nghệ An, phần bán sang Lào với giá ổn định từ 1 – 1,2 triệu đồng/kg tơ loại tốt, thấp nhất 800.000 đồng/kg loại chất lượng kém hơn, thu về hơn 4 tỉ đồng mỗi năm.

Ở huyện Đô Lương, việc chuyển đất canh tác ở vùng khô hạn sang trồng dâu nuôi tằm được nhiều địa phương hưởng ứng mạnh như ở các xã Đặng Sơn, Nam Sơn, Lưu Sơn, Thuận Sơn… Điển hình như tại xã Đặng Sơn có khoảng 20 hộ dân trồng dâu trên diện tích gần 10ha để nuôi tằm quanh năm.

Từng là vùng đất khô hạn, khó khăn về nước tưới, nghề trồng dâu nuôi tằm đã giúp đời sống người dân xã Diễn Kim (huyện Diễn Châu, Nghệ An) ngày càng khấm khá. Ảnh: Trần Cảnh Yên.

Từng là vùng đất khô hạn, khó khăn về nước tưới, nghề trồng dâu nuôi tằm đã giúp đời sống người dân xã Diễn Kim (huyện Diễn Châu, Nghệ An) ngày càng khấm khá. Ảnh: Trần Cảnh Yên.

Chị Mai Thị Loan ở xóm 3, xã Đặng Sơn cho biết, nghề trồng dâu nuôi tằm ở đây hiện có 2 cách khác nhau. Một số hộ trồng dâu nuôi tằm lấy kén, kéo tơ để bán, còn gia đình chị Loan trồng 1ha dâu nuôi 25 – 30 nong tằm, lá dâu hái về được thái nhỏ cho tằm ăn và bán tằm sống làm thực phẩm cho người tiêu dùng. Cứ khoảng 25 – 27 ngày gia đình chị Loan thu hoạch 1 lứa được 4 tạ tằm, bán với giá 100.000 đồng/kg, trừ hết chi phí thu về khoảng 30 triệu đồng cho 4 lao động, tính ra bình quân thu nhập 7 – 7,5 triệu đồng/người/tháng, cao hơn nhiều so với trồng dâu, nuôi tằm lấy kén, kéo sợi.

Bà Trần Thị Minh, một khách hàng chuyên mua tằm sống ở xã Đặng Sơn đem về TP Vinh bán cho biết, tằm xào với lá lốt hoặc chiên giòn với lá chanh hay rang ăn với bánh đa cực ngon, vì vậy loại thực phẩm này hiện nay bán rất chạy hàng.

Chuyển lúa trồng khoai lang, thu nhập 90 - 100 triệu đồng/ha

Anh Sơn (Nghệ An) là huyện vừa trung du, vừa miền núi, sản xuất nông nghiệp ở đây chủ yếu là cây lúa, ngô. Ngô được gieo trồng trên đất bãi ven sông Lam, lúa gieo cấy ở các vùng đồng bằng và được tưới nước từ các hồ đập nhỏ hoặc do các trạm bơm lấy nước từ sông Lam.

Từ bất lợi do khó khăn về nước tưới, việc chuyển lúa sang trồng khoai lang đã giúp bà con xã Phúc Sơn (huyện Anh Sơn) có thu nhập cao bất ngờ. Ảnh: Thái Hiền.

Từ bất lợi do khó khăn về nước tưới, việc chuyển lúa sang trồng khoai lang đã giúp bà con xã Phúc Sơn (huyện Anh Sơn) có thu nhập cao bất ngờ. Ảnh: Thái Hiền.

Hai năm trở lại đây, lượng mưa giảm dần, nắng nóng nhiều nên nguồn nước các hồ đập không đủ tưới, mực nước sông Lam cũng ngày càng xuống thấp khiến các trạm bơm điện không đủ nước để hoạt động. Vì vậy, UBND huyện Anh Sơn giao Phòng NN-PTNT chỉ đạo thực hiện phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên các vùng đất gặp khó khăn về nguồn nước tưới, nhất là một số diện tích gieo cấy lúa thường gặp hạn hán nặng chuyển sang trồng khoai lang ngay trong vụ đông xuân năm 2024. Phương án nói trên được kịp thời triển khai thực hiện ngay ở các xã Phúc Sơn, Vĩnh Sơn, Tào Sơn…

Tại xã Phúc Sơn, vụ đông xuân này trồng được 15ha khoai lang tại cánh đồng Cồn Kè thuộc các thôn 2, 3 và 4, hộ trồng nhiều nhất 5 sào, hộ ít nhất 1 – 2 sào, toàn xã có 50 hộ trồng.

Ông Nguyễn Văn Bắc ở thôn 2, xã Phúc Sơn cho biết: Gia đình ông trồng 2 sào, vụ khoai này cho thu hoạch được hơn 1 tấn củ, thật không ngờ thu hoạch đến đâu bán hết đến đó với giá từ 15 – 20 ngàn đồng/kg tuỳ loại củ to, nhỏ. "Nếu tính toán chi ly thì giá trị thu nhập 1 sào khoai gần bằng 3 sào lúa, có lẽ sắp tới bà con nông dân sẽ đua nhau mở rộng diện tích trồng khoai lang", ông Bắc cho biết.

Ông Đặng Đình Thuyết – Bí thư chi bộ kiêm xóm trưởng thôn 2, xã Phúc Sơn cho biết, vụ đông xuân năm nay thôn 2 trồng được hơn 2ha khoai lang. Hiện khoai đã thu hoạch xong, năng suất đạt bình quân 5,5 – 6 tạ/sào, có nhà đạt 7 tạ/sào, thu hoạch đến đâu bán hết đến đó, bà con rất phấn khởi.

Khoai lang trồng ở xã Phúc Sơn cho chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Ảnh: Thanh Phúc.

Khoai lang trồng ở xã Phúc Sơn cho chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Ảnh: Thanh Phúc.

"Với đà này thì vụ khoai sắp tới bà con sẽ trồng nhiều lắm. Đặc biệt khoai lang ở đây được trồng bằng giống khoai Chiêm Lương ăn vừa bột, vừa bùi, vừa bở, vừa thơm, lại được trồng trên nền đất chỉ bón phân chuồng được ủ hoai, không bón phân hoá học nên khoai ăn vừa ngon, vừa sạch", ông Thuyết phấn khởi.

Ông Thuyết cho biêt thêm, sau vụ khoai lang đông xuân này, chính quyền thôn sẽ khuyến khích bà con tiếp tục gieo trồng đậu xanh hoặc vừng vụ xuân hè và sau đó nữa là vụ hè thu. Đây đều là cây trồng ngắn ngày, chống chịu nắng hạn rất tốt và đều là những cây cho năng suất tuy không cao lắm nhưng đem lại giá trị thu nhập khá hơn nhiều loại cây trồng khác.

Vụ đông xuân 2023 - 2024, toàn huyện Anh Sơn đã trồng được 60ha khoai lang bằng giống khoai Chiêm Lương. Đây là giống khoai bản địa, vỏ đỏ, ruột trắng, nhiều bột, ăn thơm, ngon, chống chịu hạn tốt. Toàn bộ 60ha khoai được trồng từ đầu tháng 12/2023, đến trung tuần tháng 3/2024 cho thu hoạch, năng suất đạt bình quân 5,5 – 6 tạ củ/sào (110 – 120 tạ/ha). Khoai lang được bán sỉ cho các thương lái từ TP Vinh lên mua với giá 15.000 đồng/kg, bán lẻ với giá 20.000 đồng/kg, trừ hết chi phí, còn thu về khoảng 90 – 100 triệu đồng/ha/vụ.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm