| Hotline: 0983.970.780

Nhiều điều ngạc nhiên ở nơi có năng suất lạc cao nhất nước

Thứ Tư 05/04/2023 , 08:32 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Từ vùng đất vô danh trên bản đồ nông nghiệp Bình Định, hiện xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát) trở thành 'thủ phủ' đậu phộng (lạc) của tỉnh, có năng suất cao nhất nước…

Chuyển đổi, hướng đi không thể đúng hơn

Từ năm 2006, Bình Định đã sớm khởi động công cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Bước đầu thực hiện, ngành chức năng Bình Định đã gặp không ít khó khăn, bởi để thay đổi tập quán canh tác của nông dân là không dễ.

Khi ấy, những người có tâm huyết với ngành nông nghiệp từ tỉnh xuống đến địa phương không quản ngại nắng mưa, bám sát nông dân tuyên truyền, xây dựng nhiều mô hình chuyển đổi để nông dân tận mắt trông thấy hiệu quả. Sau khi “tai nghe, mắt thấy” lợi ích của việc chuyển đổi, nông dân tin và bắt đầu làm theo.

Mô hình bón phân sinh học cho cây đậu phộng ở xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Mô hình bón phân sinh học cho cây đậu phộng ở xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát). Ảnh: V.Đ.T.

Đến năm 2013, Bình Định đã thực hiện chuyển đổi sang cây trồng cạn trên đất lúa kém hiệu quả được hơn 3.630ha, thế nhưng vẫn mới chỉ đạt được 54% theo kế hoạch. Bước sang năm 2014, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Bình Định tăng lên được 5.433ha, một tín hiệu vui!

Càng về sau, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Bình Định càng hấp dẫn nông dân, nhất là ở những vùng không chủ động nước tưới, canh tác lúa cho hiệu quả kém. Sau khi chuyển sang các loại cây trồng cạn có nhu cầu nước tưới ít hơn, thu nhập lại tăng cao, dần dà việc chuyển đổi lan tỏa rộng rãi từ vùng đồng bằng lên đến miền núi đến tận bây giờ.

Đến năm 2022, Bình Định tiếp tục thực hiện chuyển đổi được 3.078ha đất trồng lúa sang các loại cây trồng cạn, trong đó chuyển sang trồng đậu phụng (lạc) được 1.047ha, rau màu 917ha, cỏ chăn nuôi gia súc 541ha, bắp (ngô) 104ha, đậu các loại 27ha. Hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa mang lại thu nhập cao hơn gấp nhiều lần. Ngoài ra, chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa tiết kiệm được nước tưới, luân canh cây trồng góp phần cải tạo đất, hạn chế sâu bệnh hại.

Bước sang năm 2023, Bình Định đăng ký với Bộ NN-PTNT thực hiện chuyển đổi 1.775ha, trong đó chuyển sang cây trồng cạn 1.735ha, chuyển sang trồng cây lâu năm 36ha, trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản 4ha. Đồng thời, Bình Định ban hành chính sách khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật thông qua các mô hình phù hợp. 

Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả đã tạo ra bước đột phá cho xã Cát Hiệp. Ảnh: V.Đ.T.

Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả đã tạo ra bước đột phá cho xã Cát Hiệp. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, đơn vị này đang phối hợp với các địa phương rà soát, xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng năm 2023 theo mùa vụ, đảm bảo việc chuyển đổi phù hợp với từng địa phương, điều kiện sản xuất.

Bình Định sẽ ưu tiên chuyển đổi loại cây trồng phù hợp với khả năng cấp nước, điều kiện tự nhiên của địa phương; thay các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế kém sang các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn, tăng lợi nhuận trên cùng một đơn vị diện tích; vùng chuyển đổi được xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thực tế cho thấy Bình Định rất nỗ lực trong công cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đồng thời tạo những vùng chuyên canh lớn, đủ điều kiện triển khai các vùng nguyên liệu cho các chuỗi liên kết, tăng lợi nhuận cho người dân. Tuy nhiên, đến nay Bình Định chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm các loại cây trồng cạn, việc tiêu thụ sản phẩm còn lệ thuộc vào thương lái với giá thu mua bấp bênh.

Mười năm nhờ đậu "đổi đời" quê nghèo

Nhìn nụ cười không thể rạng rỡ hơn trên khuôn mặt đen sạm vì nắng gió của anh Nguyễn Đình Phi ở xóm Hiệp Hội, thôn Hội Vân, xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát), tôi hiểu anh yêu lắm cây đậu phộng khi nói về loại cây trồng này. Mà không yêu sao được khi năm nay Phi mới 47 tuổi, mà đã có gần 25 năm gắn bó với cây đậu phộng. “Lúc còn nhỏ tôi đã theo cha đi trỉa đậu phộng, lớn lên cũng lấy cây đậu phộng làm nguồn thu chính cho gia đình và rồi gắn bó với nó cho tới bây giờ”, anh Phi nhớ lại.

Nụ cười rạng rỡ của nông dân Nguyễn Đình Phi, người làm 2 ha đậu phộng ở Cát Hiệp (huyện Phù Cát, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Nụ cười rạng rỡ của nông dân Nguyễn Đình Phi, người làm 2ha đậu phộng ở Cát Hiệp (huyện Phù Cát). Ảnh: V.Đ.T.

Hiện anh Phi đang sản xuất 2ha đậu phộng ở vùng đất nằm xa hệ thống 2 kênh tưới Văn Phong và Thuận Ninh. Do không có hệ thống thủy lợi tưới trực tiếp nên Phi đào giếng có đường kính rộng 3 - 4m, sâu hàng hàng chục mét để lấy nước tưới.

Từ một vùng đất cát bạc màu, hiện nay, đậu phộng trồng ở Cát Hiệp có năng suất cao hàng đầu cả nước. Để đậu phộng đạt năng suất cao như vậy, thời gian qua, nông dân Cát Hiệp liên tục được ngành chức năng tập huấn, chuyển giao quy trình sản xuất đậu phộng xen cây mì (sắn), phòng trừ sâu bệnh. Nhờ từng bước nắm bắt các tiến bộ khoa học kỹ thuật và áp dụng đồng bộ, nên mô hình trồng đậu phộng xen mì ở Cát Hiệp mang lại hiệu quả cao.

Theo nông dân Nguyễn Đình Phi, năm 2000, điện lưới về đến xã Cát Hiệp, khi ấy bà con đóng giếng kéo ống tưới cho những ruộng đậu phộng. Tưới tràn kiểu này vừa hao nước, vừa tốn công, 1 sào đậu phộng nông dân phải lặn lội ngoài ruộng tưới 1 tiếng đồng hồ mới đầy nước. Bây giờ, 98% hộ sản xuất đậu phộng ở Cát Hiệp đã chuyển sang tưới phun sương bằng béc cố định, vừa đỡ hao nước vừa đỡ tốn công.

“Đầu tư lắp đặt hệ thống tưới bằng béc phun tự động cho 1 sào đậu phộng khoảng 5 triệu đồng, thời gian sử dụng được 5 năm. Nông dân không cần phải ra ruộng nữa, cứ ở nhà làm việc khác, đúng giờ bật cầu dao mở nước tưới cho ruộng đậu phộng, đúng giờ dập cầu dao tắt nước. 1 sào đậu phộng cho béc quay khoảng 1 tiếng đồng hồ là đủ nước”, anh Phi cho hay.

Mức năng suất đậu phộng ở xã Cát Hiệp cao nhất nước. Ảnh: V.Đ.T.

Từ vùng đất cát bạc màu, năng suất đậu phộng ở xã Cát Hiệp hiện nay thuộc hàng cao nhất nước. Ảnh: V.Đ.T.

Kỹ thuật sản xuất đậu phộng của nông dân Cát Hiệp bây giờ cũng khác xưa nhiều lắm. Trước đây, bà con cứ cố chăm sóc cho cây đậu phộng thật tốt, nhưng thực ra cây đậu tốt chỉ phát triển dây với lá chứ ít cho trái, bây giờ nông dân thay đổi cách chăm sóc, cho cây đậu xấu đi thì lại cho hiệu quả cao.

Theo ông Lương Văn Khoa, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phù Cát, làm đậu phộng bây giờ nông dân Cát Hiệp chủ yếu dùng vôi, lân và phân hữu cơ chứ ít sử dụng phân hóa học như trước đây. Thời gian sinh trưởng của cây đậu phộng từ 90 - 100 ngày. Trước khi xuống giống ít nhất 20 ngày, bà con bón lót chủ yếu bằng phân hữu cơ, sau đó rắc vôi để độ pH trong vôi giúp phân hữu cơ phân hủy nhanh, đồng thời cải tạo đất, sau đó cày ải phơi đất.

Sau khi xuống giống, bụi đậu phát triển, lá đậu hấp thụ phân ngay nên phát triển xanh tốt ngay trong tháng đầu và tập trung phân cành, ra hoa. Từ tháng thứ 2, bà con khống chế không cho bụi đậu ra dây và lá bằng cách không bón phân nữa, chỉ dùng chế phẩm sinh học khích thích cây đậu ra hoa. Nếu hoa không ra tập trung thì tỷ lệ trái chắc sẽ đạt thấp, chỉ khoảng 30%, còn lại 70% là trái non. Nhờ cải tiến phương thức sản xuất nên đậu phộng ở Cát Hiệp cho năng suất rất cao.

Hiện nay, 98% diện tích đậu phộng ở xã Cát Hiệp được tưới bằng bét tự động. Ảnh: V.Đ.T.

Hiện nay, 98% diện tích đậu phộng ở xã Cát Hiệp được tưới bằng béc tự động. Ảnh: V.Đ.T.

Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, Cát Hiệp là xã có diện tích trồng đậu phộng tập trung nhiều nhất tỉnh Bình Định và cũng là nơi đậu phộng có năng suất cao nhất nước.

Cây đậu phộng đã làm “đổi đời” nông dân vùng đất cát, là cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào thành công trong công cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương. Cũng là loại cây trồng mang lại diện mạo mới cho vùng đất trước đây được mệnh danh là “xứ sở chó ăn đá, gà ăn muối” với những cánh đồng đậu phộng mênh mông, những căn nhà khang trang của chủ nhân những ruộng đậu phông xanh mướt…

“Trước đây, UBND tỉnh Bình Định kết nối 1 doanh nghiệp với nông dân Cát Hiệp để bao tiêu sản phẩm đậu phộng. Khi ấy doanh nghiệp thu mua với giá 10.000đ/kg tươi, trong khi tư thương mua đến 14.000đ/kg, nông dân kiến nghị doanh nghiệp tăng giá nhưng bất thành, vậy là mối liên kết này đổ vỡ, bây giờ đầu ra của đậu phộng Cát Hiệp hầu hết trông vào tư thương. Còn mì thì đến vụ thu hoạch các doanh nghiệp chế biến tinh bột mì ở huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh về tận địa phương đặt bàn cân thu mua nên không lo ế”, ông Đào Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Hiệp cho hay.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.