| Hotline: 0983.970.780

Chuyện một kỳ nhân mê gỗ đá

Thứ Năm 07/02/2008 , 07:30 (GMT+7)

Thật khó tin nổi một người đã bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua một cái gốc cây, một hòn đá tưởng như vô tri vô giác rồi thổi hồn mình vào đó, khiến cho gỗ đá cũng trở nên lung linh, sống động. Người đã từ chối cả trăm triệu đồng chỉ với một điều là không muốn xa chúng, tựa như chúng là một phần đời của mình. Người ấy là Lê Quang Tùng ở Suối Giàng, người bình thường gọi Tùng là kỳ nhân...

Suối Giàng mây tụ vào gỗ đá

Mấy năm nay hầu như năm nào tôi cũng lên Suối Giàng, nơi từ cánh đồng Mường Lò nhìn lên luôn ẩn khuất trong bạt ngàn mây trắng, nơi có rừng chè tuyết Shan cổ thụ hàng trăm tuổi là niềm tự hào của đất chè Yên Bái. Quả thật, tôi ít để ý tới Lê Quang Tùng, người đang làm trong xí nghiệp chè Suối Giàng. Tháng tư năm nay tôi tình cờ gặp anh đang hí húi cùng một người thợ cọ rửa một phiến đá, cạnh đó là một gốc gù hương to bằng cả gian nhà mà anh vừa thuê người kéo từ trên núi xuống. Tôi không thể nào hiểu nổi sao anh lại tha cái của nợ này về, nếu định làm một cái bàn uống nước bằng gốc cây thì phải để trong gian nhà rộng vài chục mét vuông, đó sẽ là chiếc bàn đại tôi chưa từng thấy với chiều dài xấp xỉ 3m, đấy là chưa kể rễ tua tủa xoải ra tứ phía. Bởi thế, cái gốc cây với hơn 4m3 gỗ, đối với tôi công dụng hữu ích nhất… làm củi.

Tùng nhìn tôi với con mắt đầy kinh ngạc: Thưa anh, em mua nó với giá hơn 30 triệu đồng đấy, cộng với một chiếc răng cửa này chứ chẳng rẻ đâu…Nói rồi Tùng quay ra cùng với người thợ cọ rửa những những phiến đá có nhiều vân xanh đỏ tím vàng. Tôi nhìn vào nhà Tùng, chỗ nào cũng thấy đá, những phiến đá đủ loại màu sắc kích cỡ khác nhau được Tùng bày trang trọng trên sàn gỗ, cạnh đó là những gốc cây với nhiều kiểu dáng mà tôi chẳng hiểu đó là những hình gì, chỉ những nghệ sĩ theo phái trừu tượng mới hình dung nổi.

Chiếc sập bằng gốc gù hương biệt danh “sập lộc phát”

Tôi hỏi Tùng những phiến đá cảnh này là loại đá gì, sao có nhiều màu sắc và hoa văn như mây ngàn, sông núi và cuộc sống con người hiện hình lên từng phiến đá lung linh và sống động như vậy. Tùng lắc đầu: Em chẳng biết đây là loại đá gì mà sao lại đẹp mê hồn đến thế. Theo tưởng tượng của em, có thể Suối Giàng là chốn cao xanh nơi mây ngàn hội tụ, ngay từ khi khai thiên lập địa màu mây ngũ sắc đã kết tụ vào gỗ đá nơi này để làm nên những tác phẩm vô giá cất giấu trong lòng núi hàng chục triệu năm nay mới phát lộ?

Sau đó ít lâu tại đất Suối Giàng diễn ra cơn sốt đá cảnh chưa từng thấy, cho đến lúc này vẫn chưa dứt. Những tay săn đá cảnh nổi tiếng ở Hà Nội, Hải Phòng, TP.Hồ Chí Minh…đổ xô lên Suối Giàng tìm kiếm mua bán đá cảnh, họ tung tiền thuê các “cửu vạn” là người địa phương lên núi đào bới, tìm kiếm đá cảnh, mỗi ngày có tới 200-250 người. Điều bất ngờ cơn sốt đá cảnh lại bắt nguồn từ thú chơi đá cảnh của Tùng. Anh kể: Người dân Văn Thi ở thị trấn Sơn Thịnh vốn chỉ chơi đá cảnh theo kiểu xếp đá hình non bộ, khi lên Suối Giàng thấy những phiến đá cảnh của em có vân tựa những bức tranh thuỷ mạc với rất nhiều hình dáng, màu sắc đã khiến họ mê. Thế là tạo ra một cơn sốt đá cảnh, những phiến đá to bằng nửa gian nhà được các “cửu vạn” dùng búa, chòng đục thủ công tách ra thành những phiến mỏng vận chuyển xuống Sơn Thịnh, TX.Nghĩa Lộ chế tác thành bàn uống nước, những bộ sập đá với rất nhiều hoa văn như rồng bay phượng múa, được bán với giá hàng chục triệu đồng.

Trước cơn sốt đá cảnh khiến Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Văn Chấn có văn bản cấm khai thác đá cảnh. Tất nhiên chẳng thể nào cấm nổi, bởi cuộc sống người dân quanh khu vực Suối Giàng còn rất nhiều khó khăn, cấm ban ngày họ đào ban đêm, rừng núi trăm ngả không thể nào kiểm soát nổi. Trước cơn sốt đá cảnh đó Tùng đứng ngồi không yên, anh vô cùng xót xa khi thấy những hòn đá có hình thù và hoa văn lạ bị khai thác chuyển đi mất tăm. Bởi thế thấy hòn nào ưng là anh vét tiền ra mua, vợ Tùng là Triệu Thị Oanh đã tốt nghiệp Trường Văn hoá-Nghệ thuật Yên Bái cũng đam mê đá cảnh không kém chồng, nên họ chẳng ngần ngại vay tiền mua cho bằng được hòn đá mình thích. Oanh chẳng ngần ngại nói với tôi: Vợ chồng em có tham vọng sẽ xây dựng ở đây một bảo tàng đá cảnh Suối Giàng, nên kiếm được đồng nào là bỏ ra mua đá hết.

Tùng lo ngại: Cứ tình trạng khai thác đá cảnh như thế này thì chẳng mấy chốc Suối Giàng hết sạch đá cảnh…Tùng chỉ vào từng hòn đá cảnh cho tôi hay: Đây là hòn Tổ quốc và người mẹ, được in hình lên phiến đá tựa cọc gỗ Bạch Đằng. Còn đây là hòn Trống-Mái, với màu tím pha màu hồng ngọc, những hoa văn nom như các con sóng, đó là vũ điệu của biển cả. Có người gọi hòn Trống-Mái là trái tim người mẹ, còn kia là hòn Vị bá tước và người đẹp, cạnh đó là Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, di sản văn hoá quốc gia, tiếp đến là Làm duyên… Nhìn những phiến đá với rất nhiều hình dáng, màu sắc tôi thật sự bất ngờ và kinh ngạc bởi sự tưởng tượng của Lê Quang Tùng. Điều vô cùng kỳ diệu là tạo hoá trải qua hàng chục triệu năm để tạc nên những tác phẩm nghệ thuật độc nhất vô nhị đã được Tùng đặt tên.

Từ chối cả trăm triệu đồng

Vợ chồng Tùng bên chiếc bàn bằng gốc cây

Chiếc sập bằng gốc gù hương của Tùng có thể là lớn nhất Việt Nam, với chiều dài 2,7m, mặt hình bán nguyệt, hai đầu rộng 2,5m, chỗ hẹp nhất 2,2m có 6 chân vững chãi, mọi người nói vui: Chủ nhân nằm ngồi trên chiếc sập này thì “lộc phát”. Bởi thế mà vị giám đốc tập đoàn nọ không ngần ngại móc túi gần tỷ đồng để mua chiếc sập độc nhất vô nhị nhưng cũng bị từ chối. Có lẽ vì thế mà người ta gọi Lê Quang Tùng là kỳ nhân của gỗ đá... 

Tùng chỉ vào hòn đá cảnh có hình dáng tựa con sư tử đang vươn vai kể: Cách đây ít lâu nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương và phu nhân Chủ tịch lên thăm Suối Giàng, ông có ghé thăm nhà em, được biết ông là kỹ sư địa chất cũng rất mê đá. Thấy hòn sư tử này ông ưng lắm, có lẽ ông ngại không dám hỏi, nên vợ ông hỏi: Cháu để cho cô hòn sư tử này nhé. Em bảo: Có người đã trả cháu 80 triệu đồng rồi đấy. Cô ấy gật đầu: Thì cháu lấy bao nhiêu cô cũng trả… Cô ấy nài nỉ mãi nhưng em nhất định không bán. Quả thật, kiếm được hòn đá cảnh đẹp như thế này không dễ. Vả lại, bán là vĩnh viễn mất, nên em giữ lại, mặc dù sau đó có người trả em một trăm hai mươi triệu. Những hòn đá cảnh em để trong nhà này đều có người đến hỏi mua, hòn Tổ quốc và người mẹ họ trả 50 triệu, hòn Trống-Mái 30 triệu…nhưng vợ chồng em không bán, tuy trong nhà nhiều lúc chẳng còn đồng nào tiêu. Cũng như chiếc sập tạc bằng gốc gù hương này có người đã trả em 600 triệu rồi đấy, vợ em bảo 800 triệu cũng không bán, nó không chỉ quí làm bằng gốc gù hương, mà chính nó khi vận chuyển về đây em đã mất một cái răng cửa vì lao xe xuống vực…

Chuyện Tùng vận chuyển được gốc gù hương từ trên núi Cang Kỷ cách nhà 7km là cả một kỳ công. Mỗi ngày anh thuê 30 người đào cùng hai chiếc máy ba lăng xích để kéo, rồi thuê xe cẩu… vận chuyển được gốc gù hương về tới nhà mất đúng 15 ngày. Riêng tiền đền bù khi kéo qua nương ngô của người dân đã mất 5 triệu, tổng số tiền thuê đào, vận chuyển hết hơn 30 triệu. Tùng mỉm cười: Khi mang gốc gù hương về tới đây có người trả em 300 triệu, tất nhiên là em chẳng bán. Rất hay là gốc gù hương này nguyên khối, chỉ vài lỗ hổng không đáng kể. Khi em đang tạc chiếc sập thì nhà sư Hiền- em nhớ mang máng thế, trụ trì chùa Pháp Vân đã lên đây, thấy gốc gù hương này thì kinh ngạc lắm, nhà sư xin những mảnh gỗ vụn rửa sạch mang về nói là để dưới chân các phật cho thơm. Anh có thấy không, trong nhà em lúc nào cũng thơm thoảng mùi trầm, mùi gỗ gù hương đấy. Hôm rồi Tổng giám đốc tập đoàn Vinashin lên đây mê chiếc sập này lắm. Tiếng lành đồn xa, một vị giám đốc tập đoàn khác cũng lên đây trả em 600 triệu nhưng em không bán. Để ở ngoài bất tiện quá em phải thuê 30 người khiêng vào nhà, cũng phải mất mấy tiếng đồng hồ mới khiêng vào được, hơn bốn khối gỗ chứ ít đâu…

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm