| Hotline: 0983.970.780

Tư duy kinh tế nông nghiệp:[Bài 3] Tập trung tăng sức cạnh tranh cho nông sản

Thứ Tư 02/11/2022 , 16:53 (GMT+7)

Đồng Nai Đẩy mạnh nông nghiệp hữu cơ và cấp mã số vùng trồng là cơ sở để Đồng Nai tăng sức cạnh tranh cho nông sản ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

Đẩy mạnh phát triển hữu cơ

Theo Sở NN-PTNT Đồng Nai, tỉnh có diện tích tự nhiên gần 600.000 ha trong đó diện tích sản xuất nông nghiệp chiếm trên 350.000 ha, hơn 60% dân số sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp hữu cơ là một trong 4 nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã có nhiều chương trình, kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Sầu riêng đang là một trong những cây trồng được ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai quan tâm. Ảnh: Trần Trung.

Sầu riêng đang là một trong những cây trồng được ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai quan tâm. Ảnh: Trần Trung.

Ông Trần Lâm Sinh - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện tỉnh có trên 1.667 ha cây trồng được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP và tương đương. Đồng Nai đang tập trung phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Đây cũng là hướng đi phù hợp được nông dân tích cực tham gia vì là giải pháp giảm chi phí sản xuất khi các loại phân, thuốc hóa học tăng giá gấp nhiều lần so với trước.

Nông dân cũng ngày càng nhận thức rõ sản xuất theo hướng hữu cơ là giải pháp sản xuất để ra sản phẩm an toàn, chi phí rẻ, có thể ứng dụng đại trà. Bên cạnh đó, phong trào tự sản xuất, ứng dụng lợi khuẩn Probiotic (IMO) và nấm men rượu (MEVI) để tạo ra phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất trồng trọt được nông dân quan tâm ứng dụng, đến nay đã thực hiện trên 270 ha cây ăn quả, rau màu, tăng 30 ha so năm 2021.

Người dân Đồng Nai từng bước thay đổi nhận thức sang canh tác hướng hữu cơ. Ảnh: Minh Sáng.

Người dân Đồng Nai từng bước thay đổi nhận thức sang canh tác hướng hữu cơ. Ảnh: Minh Sáng.

Ông Trần Lâm Sinh cho hay, hiện tỉnh có nhiều chương trình, kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2025. Việc hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ đang được triển khai lồng ghép thông qua một số chính sách đã được ban hành.

“Nhằm phấn đấu hoàn thành mục tiêu của tỉnh đề ra đến năm 2025 là diện tích nhóm đất nông nghiệp hữu cơ đạt khoảng 33 ngàn ha, Sở NN-PTNT phối hợp với các ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh; dự án Đánh giá chất lượng đất nông nghiệp, đặc biệt là nghiên cứu xây dựng chính sách đặc thù của tỉnh về phát triển nông nghiệp hữu cơ”, ông Sinh nhấn mạnh.

Đẩy nhanh cấp mã số vùng trồng

Được thiên nhiên ưu đãi về đất đai, khí hậu, nguồn nước… nhiều địa phương ở Đồng Nai thích hợp cho việc trồng cây ăn trái nhiệt đới và có giá trị kinh tế cao. Hiện diện tích cây ăn trái ở Đồng Nai đã đạt trên 52.000 ha. Đồng Nai đã hình thành các vùng chuyên canh với diện tích lớn như 1.700 ha sầu riêng, 7.700 ha xoài, 700 ha bưởi,… và hàng năm tỉnh đã cung cấp ra thị trường trên 400 nghìn tấn sản phẩm.       

Canh tác hữu cơ là một trong điều kiện cần để mở ra cơ hội trái sầu riêng địa phương xuất khẩu. Ảnh: Trần Trung.

Canh tác hữu cơ là một trong điều kiện cần để mở ra cơ hội trái sầu riêng địa phương xuất khẩu. Ảnh: Trần Trung.

Xác định việc cấp mã số vùng trồng cũng như thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc là cơ hội để tăng sức cạnh tranh cho nông sản ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đang tập trung đẩy mạnh hỗ trợ nông dân thực hiện cấp mã số vùng trồng cho các cây trồng chủ lực của địa phương.

“Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm thuận lợi theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng. Để được cấp mã số vùng trồng, nông dân phải sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn; ghi sổ tay canh tác hoặc nhật ký đồng ruộng trong quá trình canh tác... Đặc biệt, chương trình này giúp nông dân nâng cao nhận thức về chất lượng, an toàn thực phẩm. Có thể xem đây là chìa khóa xây dựng lòng tin về chất lượng, uy tín nông sản ở cả thị trường trong nước và quốc tế”, ông Trần Lâm Sinh nói.

Theo đó, thời gian qua, ngành nông nghiệp Đồng Nai đã tập trung hỗ trợ nông dân, HTX, doanh nghiệp liên quan đến mã cơ sở đóng gói xuất khẩu cho những cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh. Chỉ tính riêng năm 2022, toàn tỉnh có thêm 5 vùng trồng chuối với diện tích hơn 465 ha và 7 vùng trồng sầu riêng với diện tích hơn 533 ha được cấp mã số vùng trồng. Ngoài ra, có 4 vùng trồng chuối với diện tích gần 824 ha đang chờ Tổng cục hải quan Trung Quốc phê duyệt mã số vùng trồng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 120 mã số vùng trồng xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, Úc, New Zealand… với tổng diện tích hơn 24 ngàn ha.

Sầu riêng trên con đường xuất khẩu chính ngạch. Ảnh: Minh Sáng.

Sầu riêng trên con đường xuất khẩu chính ngạch. Ảnh: Minh Sáng.

Ngành nông nghiệp địa phương vừa ban hành kế hoạch thực hiện thiết lập, quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu đến năm 2025. Theo đó, công tác kiểm tra, thiết lập các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói có nhu cầu xuất khẩu nông sản được thực hiện hằng năm. Triển khai thực hiện cấp mới mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trên các đối tượng cây trồng có giá trị kinh tế cao, phục vụ xuất khẩu theo đúng quy định, tiêu chuẩn và yêu cầu của nước nhập khẩu.

Để đạt mục tiêu đặt ra trong việc nhân rộng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói phục vụ thị trường xuất khẩu, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai tiếp tục triển khai đồng loạt nhiều giải pháp. Trong đó, công tác tuyên truyền được chú trọng thông qua các hoạt động: tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các quy định của các nước nhập khẩu. Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói về các quy định, tiêu chí liên quan đến thiết lập, kiểm tra và giám sát, từ đó sẽ tập huấn cho các tổ chức, cá nhân để phục vụ cấp và quản lý mã số.

Đặc biệt, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai sẽ tập trung hình thành liên kết chuỗi sản phẩm từ vùng trồng, nhà đóng gói, nhà xuất khẩu, địa phương và cơ quan quản lý nhà nước. Tăng cường mối liên kết với các vùng trồng, các cơ sở đóng gói để kiểm soát hàng hóa xuất khẩu từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói để tránh việc mạo danh mã số, đưa sản phẩm từ ngoài vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói chưa có mã số vùng trồng vào chuỗi sản phẩm và kiểm soát khâu xuất khẩu, cũng như các hành vi vi phạm liên quan đến sử dụng mã số.

“Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, toàn tỉnh xây dựng 20 chuỗi liên kết tiêu thụ các loại nông sản xuất khẩu, trong đó có 100% diện tích cây trồng của các chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh được cấp mã số vùng trồng”, ông Trần Lâm Sinh nhấn mạnh.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.