| Hotline: 0983.970.780

Chuyển từ ‘lượng’ sang ‘chất’ trong xây dựng NTM

Thứ Ba 18/01/2022 , 11:28 (GMT+7)

QUẢNG NINH Năm 2022 là năm quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ từ "lượng" sang "chất" của chương trình xây dựng NTM ở Quảng Ninh trong giai đoạn 2021-2025.

Chuyển từ "lượng" sang "chất"

Triển khai chương trình xây dựng NTM, năm 2022, Quảng Ninh đã đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng, cùng các giải pháp nhằm hoàn thành kế hoạch đề ra. Cụ thể, tỉnh sẽ lồng ghép nguồn lực thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh ở các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh sẽ nâng cao chất lượng chương trình NTM bằng việc nâng chất các chỉ tiêu, tiêu chí theo các bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025; tiếp tục xây dựng xã NTM nâng cao, kiểu mẫu. Đồng thời, triển khai có hiệu quả chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) gắn với phát triển du lịch, dịch vụ; hướng mạnh việc sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung theo chuỗi giá trị; xây dựng nhãn hiệu, bảo đảm quy mô, tính chuyên nghiệp để khẳng định thương hiệu OCOP Quảng Ninh.

Các huyện Tiên Yên, Đầm Hà phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2022. 

Các huyện Tiên Yên, Đầm Hà phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2022. 

Nhằm phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy tính năng động của người dân, tỉnh phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021-2025 trong năm 2022.

Cùng với tỉnh, các địa phương cũng đã đặt ra những mục tiêu cụ thể. Trong đó, TP Hạ Long phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; các huyện Vân Đồn, Ba Chẽ, Bình Liêu đạt chuẩn NTM; các huyện Tiên Yên, Đầm Hà đạt chuẩn NTM nâng cao. Khi hoàn thành mục tiêu trong năm 2022, Quảng Ninh sẽ là địa phương đầu tiên trong cả nước có huyện đạt chuẩn NTM nâng cao.

Bên cạnh đó, các huyện Hải Hà, Cô Tô sẽ tiếp tục nâng chất tiêu chí đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM giai đoạn 2021-2025. Các địa phương: Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều, Quảng Yên nâng chất tiêu chí đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.

Toàn tỉnh cũng phấn đấu có thêm 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, nâng tổng số các xã đạt chuẩn NTM nâng cao trên địa bàn là 51/98 xã, bằng 52% số xã. Đồng thời, có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, nâng tổng số các xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu bằng 25,5% số xã. Tất cả các xã đã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2010-2021 sẽ tiếp tục thực hiện nâng chất tiêu chí, đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống nhân dân là tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM, tỉnh đã đặt ra mục tiêu đưa thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2022 đạt khoảng 56 triệu đồng/người. Giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 0,11%.  

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí thực hiện chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh cũng đưa ra các bộ tiêu chí mới để thực hiện. Trên cơ sở đó, toàn tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ các tiêu chí huyện NTM, huyện NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu, xã NTM nâng cao và thôn, xã đạt chuẩn NTM. 

Thực hiện hiệu quả đột phá chiến lược, tỉnh sẽ tiếp tục lồng ghép các nguồn đầu tư trọng tâm, trọng điểm và bền vững. Đồng thời, ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho các dự án, công trình hạ tầng nông thôn thực sự cần thiết, cấp bách, công trình về giáo dục, văn hóa, giao thông chiến lược kết nối liên vùng, liên xã phục vụ đời sống của người dân để hoàn thiện hạ tầng KT-XH vùng nông thôn theo chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025.

Cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM

Nhằm thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập, phát triển KT-XH, Quảng Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững, hiện đại, gắn với nhiệm vụ xây dựng NTM và đô thị hóa.

Đối với lĩnh vực trồng trọt, Quảng Ninh sẽ quan tâm đổi mới cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế của từng tiểu vùng để phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao, gắn với củng cố chương trình OCOP. Từng bước tái cơ cấu ngành chăn nuôi, phát triển chăn nuôi phù hợp với nền kinh tế thị trường, đáp ứng cơ bản các loại thực phẩm thiết yếu, tiến tới xuất khẩu sản phẩm có tiềm năng.

 Quảng Ninh đã phát triển được 500 sản phẩm OCOP, trong đó trên 230 sản phẩm đạt sao. Ảnh: Nguyễn Thành

 Quảng Ninh đã phát triển được 500 sản phẩm OCOP, trong đó trên 230 sản phẩm đạt sao. Ảnh: Nguyễn Thành

Xác định OCOP là chương trình kinh tế nông thôn quan trọng trong xây dựng NTM, Quảng Ninh sẽ phê duyệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án OCOP giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, tăng cường phổ biến chính sách hỗ trợ chương trình của tỉnh; phát triển thêm ít nhất 50 sản phẩm mới theo chu trình OCOP chuẩn; công nhận thêm 30-40 sản phẩm đạt từ 3 đến 4 sao, trong đó ít nhất có 1-2 sản phẩm đạt 5 sao đề xuất dự thi đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia. Bên cạnh đó, đảm bảo 85-90% sản phẩm được dán tem điện tử, hoặc có mã số, mã vạch truy xuất nguồn gốc.

Đáng chú ý, ngày 12/1 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị công bố quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tổ chức lại mô hình quản lý Ban xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh và công tác cán bộ.

Ông Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, qua 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM đã khẳng định rõ vai trò tham mưu của Ban xây dựng NTM tỉnh và là cầu nối giữa tỉnh với nông dân, với Trung ương trong tổ chức thực hiện chương trình.

"Việc tổ chức lại mô hình quản lý Ban xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh thành Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia NTM nhằm thống nhất lại theo tổ chức bộ máy từ trung ương đến địa phương. Mô hình mới sẽ tăng thêm sức mạnh và thực hiện nhiệm vụ trong tổng thể ngành NN-PTNT", ông Thành nói.

Do đó, ông Phạm Văn Thành đề nghị Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia NTM tỉnh khẩn trương rà soát bộ máy, phân công nhiệm vụ cho các cán bộ, nhân viên tiếp tục phát huy sức mạnh và sớm cụ thể hóa nội dung công việc, nhất là việc tham mưu hoàn thành Đề án chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và chương trình OCOP theo hướng rõ tiêu chí, rõ địa chỉ, quy mô.

Đồng thời tham mưu cho tỉnh trong việc phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực của chương trình với mục tiêu phục vụ tốt hơn nữa đời sống của người dân khu vực nông thôn, phấn đấu trong năm 2022, tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, kết quả xây dựng NTM ở Quảng Ninh năm 2021 là sự tổng hòa chuyển động trong toàn ngành. Điều này, thể hiện ở cách điều hành hết sức linh hoạt, ban hành những chính sách hợp lý và hiệu quả của tỉnh. Đặc biệt, việc triển khai sản xuất, chế biến, kết nối tiêu thụ nông sản của các ban, ngành chuyên môn, doanh nghiệp và người dân đã góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế và xây dựng NTM.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 9/13 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành xây dựng NTM. 98/98 xã đạt chuẩn NTM và có 43 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 19 xã đạt NTM kiểu mẫu. Qua đó đã đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh điển hình trong xây dựng NTM và chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.