Theo những tài liệu được công bố rộng rãi, vào tháng 6/1947 (có tài liệu nói là tháng 2/1948), nhiều tàu đi trên tuyến hải lộ thương mại nhộn nhịp ngang qua eo biển Malacca, ngoài khơi Sumatra và Malaysia nói họ nhận được tín hiệu cấp cứu SOS, cảnh báo đang lâm nguy từ một con tàu nào đó.
Tất cả đã chết
Trang misteriesofuniverse.org thuật lại thông điệp mà các tàu nghe được từ con tàu bí ẩn: “Mọi sỹ quan trên tàu, bao gồm cả thuyền trưởng đều đã chết, nằm trong phòng điều khiển và đài chỉ huy. Có lẽ tất cả thủy thủ đoàn đã chết”. Rồi có một tín hiệu Morse (mã Morse là một loại mã hóa ký tự dùng để truyền các thông tin điện báo trong những năm 1870-1967) nào đó mà người ta không thể đọc ra được. Và cuối cùng là một thông điệp: “Tôi chết”. Rồi tất cả chìm vào im lặng.
Eo biển Malacca, hải trình nhộn nhịp, nơi được nói là xảy ra vụ việc bí ẩn |
Tín hiệu của tàu lạ đã được hai tàu Mỹ, hai trạm bưu điện của Anh và Hà Lan cùng bắt được. Các nhân viên bưu điện định vị tín hiệu và xác định đó là từ một tàu hàng của Hà Lan có tên SS Ourang Medan, đang di chuyển trên eo biển Malacca.
Tại thời điểm đó, một tàu hàng của Mỹ tên là Silver Star ở vị trí gần tàu Ourang Medan nhất. Nhận thấy tình thế nguy cấp của tàu hàng Hà Lan qua tín hiệu cấp cứu, thuyền trưởng và các thủy thủ tàu Silver Star ngay lập tức thay đổi lộ trình, hướng tới vị trí con tàu gặp nạn. Chỉ trong vài giờ, tàu Silver Star đã nhìn thấy tàu Ourang Medan trôi dạt bập bềnh trên những con sóng lúc biển đang động của eo Malacca.
Khi xuồng của tàu Silver Star cập mạn tàu gặp nạn, đoàn cứu hộ nhận thấy không có dấu hiệu của sự sống trên tàu Ourang Medan. Họ gọi lớn nhiều lần nhưng trên con tàu mang cờ Hà Lan, không có dấu hiệu hồi đáp. Vỗ tay, huýt gió, tất cả đều vô ích.
Thuyền trưởng tàu Silver Star quyết định cho người leo lên boong tàu Ourang Medan mà không nghĩ rằng họ sắp phải chứng kiến một cơn ác mộng ngay giữa ban ngày.
Ngay khi đặt chân lên boong tàu Ourang Medan, các thủy thủ Silver Star nhận ngay ra rằng tín hiệu cấp cứu thê thảm vài giờ trước không phải là phóng đại, vì khung cảnh quá đỗi kinh hoàng: các xác chết đông cứng, nằm trên sàn tàu, mặt hướng lên trời, mồm há ra, mắt trợn trừng. Ngay cả con chó trên tàu cũng chết đông cứng. Xác thuyền trưởng được tìm thấy trên đài chỉ huy, nhân viên liên lạc vô tuyến vẫn ngồi trên bàn làm việc, tay vẫn còn đặt trên bàn điện đài.
Những người chứng kiến mô tả lại, vẻ mặt của người chết rất giống nhau: mắt đều mở trừng trừng. Các xác chết cứng, tay còn đang giơ lên như thể thủ thế trong khi đánh nhau với ai đó hoặc cái gì đó. Người ta xác định thủy thủ đoàn Ourang Medan đã chết cách đó 6-8 giờ.
Hình ảnh xác chết của tàu Ourang Medan trên một số tạp chí thế giới |
Bên dưới hầm tàu, đội tìm kiếm phát hiện một số xác chết trong buồng máy và điều đáng sợ là ai cũng cảm thấy hơi lạnh khủng khiếp, dù ngoài trời đang như thiêu như đốt với nhiệt độ lên đến hơn 43 độ C. Mặc dù các xác chết đều thể hiện vẻ mặt đau đớn, tuy nhiên, đội tìm kiếm không phát hiện bất cứ dấu hiệu thương tích nào trên cơ thể họ. Con tàu Ourang Medan cũng không có dấu vết hư hại nào mới cả.
Thuyền trưởng quyết định nối cáp với tàu Ourang Medan để kéo nó vào bờ, nhưng khi đang thực hiện việc này, các thủy thủ phát hiện con tàu gặp nạn bốc hỏa, khói tuôn lên từ sàn tàu phía đuôi. Các thủy thủ chỉ kịp cắt dây kéo và quay về tàu Silver Star ngay khi tàu Ourang Medan phát nổ. Sức nổ mạnh đến nỗi nó bị tung lên khỏi mặt nước và rồi nhanh chóng chìm nghỉm.
Nhiều điểm mâu thuẫn
Cho đến ngày nay, số phận của con tàu Ourang Medan và thủy thủ đoàn vẫn là một điều bí ẩn. Một số người cho rằng họ đã bị cướp biển giết hại và tàu bị phá hủy, có người lại cho rằng tàu chở hóa chất cấm, ví dụ như potassium cyanide và nitroglycerine (hai chất này đều rất nguy hiểm khi kết hợp với nước biển). Tình trạng của các xác chết, tín hiệu cấp cứu đầy ám ảnh đã khiến nhiều đồn đoán nở rộ xung quanh vụ tàu Ourang Medan. Nhưng cuối cùng vẫn không ai biết thực sự điều gì đã xảy ra.
Tất cả những gì chúng ta biết được cho đến nay đều do những người có mặt tại hiện trường thuật lại, hoặc những gì thu thập được sau các cuộc điều tra của chính quyền. Và còn đó rất nhiều điểm chưa rõ, thậm chí mâu thuẫn về chuyện con tàu Ourang Medan.
Thứ nhất, nhiều tàu nhận được tín hiệu cấp cứu tại khu vực eo Malacca, nhưng không ai đảm bảo tất cả là tín hiệu từ tàu Ourang Medan, chỉ biết rằng có nhiều tàu nhận được tín hiệu SOS trong đó có tàu Silver Star.
Và tất cả những thông báo về tình hình tàu Ourang Medan đều đến từ tàu Silver Star, không có tàu khác. Sự việc xảy ra trên một eo biển rộng chưa quá 100km, rất nhộn nhịp tàu bè qua lại. Vì sao không có tàu cứu hộ nào đến nhanh hơn tàu Silver Star? Trong khi thủy thủ đoàn của Ourang Medan được nói là đã chết cách đó 6-8 giờ?
Tàu hàng Ourang Medan |
Hơn nữa, nhân viên điện đài nói một cách chắc chắn là “các sỹ quan gồm cả thuyền trưởng” đã chết và vị trí xác họ được xác định rất rõ ràng là “phòng điều khiển và đài chỉ huy”. Điều đó có nghĩa là người xác nhận thông tin này rất chắc chắn và “mối nguy” hoặc không còn nghiêm trọng, hoặc đã biến mất. Tuy nhiên, nhân viên điện đài lại được tìm thấy trong tình trạng đã chết, tay còn đặt trên bàn điện đàm? Và các xác chết trên boong bị đông cứng, trong tư thế thủ thế chống lại một mối nguy nào đó không giống như bị ngộ độc khí như có người suy luận, cũng không phải tư thế của những người bị ảo giác do hóa chất…
Dù thế nào đi nữa, cho đến nay chúng ta chỉ có thể suy luận, đưa ra giả thiết. Có thể kể ra đây một vài giả thiết được cho là khả dĩ hơn cả. Có người cho rằng tàu Ourang Medan chuyên chở hóa chất để sản xuất khí độc (thời điểm này là năm 1947, sau Thế chiến 2 chưa lâu) và vì lý do nào đó bị nhiễm nước biển và khiến thủy thủ đoàn thiệt mạng, đồng thời khiến tàu bị nổ. Một số người tin rằng tàu đã được đổi tên để giấu đi việc chuyên chở hóa chất độc hại. Nhưng vì sao tàu không nổ ngay, mãi khi tàu khác đến cứu hộ mới bốc cháy và phát nổ?
Giả thuyết thứ hai cho rằng tàu gặp nạn vì một nồi hơi phát nổ, gây ra rò rỉ khí carbon monoxide. Thủy thủ đoàn dưới hầm tàu hít phải loại khí này và thiệt mạng. Nhưng vì sao những người trên boong vẫn không qua khỏi?
Giả thuyết thứ ba nghiêng về khả năng khí metan thoát lên từ các bong bóng khí dưới đáy đại dương đã gây ra tai họa. Nhưng giả thuyết này cũng không vững vàng vì những bong bóng khí ở đáy biển không thể làm nổ tàu.
Có người lại cho rằng đây là hậu quả của một vụ cướp biển nhưng lý luận này lập tức bị bác bỏ vì không thấy có dấu hiệu bị tấn công, bị thương tích trên cơ thể các thủy thủ.
Cũng có người tin rằng nguyên nhân thực sự bắt nguồn từ thế lực siêu nhiên, những nguyên nhân mà con người chưa đủ năng lực biết tới.