Đó là chị Lê Thị Thương, công nhân tổ 8, Nông trường 9, Công ty Cao su Phú Riềng, Tập đoàn cao su Việt Nam. Gặp và trò chuyện với chị, tận mắt thấy cuộc sống gia đình chị, nhìn chị cười tươi rói, mới thấy, hạnh phúc đơn giản đến nhường nào.
Thành tích khó ai bì
Hơn 10 giờ sáng, chúng tôi đến khu nhà thu mủ của Nông trường Long Tân, Công ty Cao su Phú Riềng (huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước), mặc dù đã có hẹn trước, nhưng vẫn không gặp được chị Thương. Hỏi thăm các đồng nghiệp của chị mới biết, chị Thương đang đi trút mủ trong lô, sớm cũng phải 11 giờ mới ra tới điểm cân. Nghe vậy, chúng tôi nhờ một đồng nghiệp nam của chị Thương dẫn vào nơi chị đang làm.
Dù có người dẫn đường, biết khu vực chị Thương đang làm việc, nhưng chúng tôi cũng phải “quần” một hồi lâu trong vườn cao su, hỏi thăm vài công nhân đang làm việc, mới nhìn thấy nhân vật chính là chị Lê Thị Thương, đang lúi húi trút mủ vào 4 chiếc xô nhựa loại 30 lít.
“Em đang tranh thủ làm nhanh để ra gặp các anh đây. Vì đến giờ trút mủ, mình không để lâu được các anh ạ”, vừa thấy chúng tôi, chị Thương đã ngẩng mặt, vừa vuốt những giọt mồ hôi trên trán, vừa cười rất tươi, chào chúng tôi.
“Hôm nay hình như chị có bộ mặc đồng phục mới nhỉ?”, tôi cười hỏi. “Đúng rồi, hôm nay biết gặp nhà báo nên em phải thay bộ đồ mới chứ”, chị Thương cũng cười, đáp lời.
Thấy trên tay chị đang cầm một hộp nhựa tròn, trên mặt hộp có những lỗ nhỏ, khói từ trong hộp toả ra mùi nhang muỗi, tôi tò mò, chị giải thích: “Đây là hộp đựng nhang muỗi đó anh. Đây là sáng kiến của một người trong ngành cao su ở Bình Phước, em không biết của ai, nhưng nghe nói có cũng lâu lâu rồi. Mỗi ngày xài hết một vòng nhang này, cũng đỡ lắm”.
Sinh năm 1985, chị Thương đã có 17 năm gắn bó với cây cao su, trong đó có 16 năm trực tiếp thu hoạch mủ. Theo quy định đối với ngành cao su, chỉ cần có hơn 15 năm lao động trực tiếp (cạo mủ cao su) là đủ thời gian để hưởng chế độ, nhưng chị Thương vẫn tiếp tục làm. “Em thấy mình còn sức khỏe, chân tay còn nhanh nhẹn, nên cứ làm thôi. Em cũng thích công việc này, hàng ngày được gặp chị em, chứ nghỉ giờ chưa biết làm gì”, chị Thương cười nhẹ.
Nói về lý do gắn bó với cây cao su, chị Thương tâm sự: “Ở đây ngoài cao su chỉ có làm điều, nhưng làm hạt điều việc không đều, nên thu nhập bấp bênh, bình quân 1 tháng chỉ có 17-18 ngày làm việc, có khi ít hơn. Còn cao su thì công việc đều, thu nhập ổn định, các chế độ đầy đủ hơn. Ngoài ra, còn một lý do nữa là cha mẹ em xưa cũng là công nhân cao su, bản thân em gắn bó với vườn cao cao su từ nhỏ, nên những vườn cao su này là một phần cuộc sống tinh thần của em rồi, vài ngày không ngắm vườn cây là thấy nhớ”.
“Đó có phải là động lực để chị nỗ lực và đạt những thành tích cao trong công việc?”, tôi hỏi. “Cũng một phần thôi anh. Còn những lý do khác nữa chứ. Ngoài do mình cố gắng thì cũng có phần may mắn. Mình cũng nghĩ đến thành tích chung của đơn vị, rồi mình làm năng suất cao thì sẽ được thưởng, tức thu nhập cao hơn (cười). Đặc biệt là những lần tham gia các cuộc thi này cũng giúp tay nghề nâng cao”, chị Thương đáp.
Tính đến nay, chị Thương đã sáu lần đoạt giải thưởng “Bàn tay vàng”, trong đó có hai lần đoạt giải nhất cấp công ty, còn ở cấp tập đoàn, chị có bốn lần đoạt giải, gồm 2 giải nhì, 1 giải 3 và 1 giải khuyến khích. Với định kỳ hai năm tổ chức thi bàn tay vàng một lần, chị Thương có sáu lần giành giải, tức trong 12 năm. Một con số ấn tượng ít ai làm được. Ngoài ra, nhờ giỏi tay nghề, hưởng lương thi năng suất, nên chị Thương là người nằm trong top 5-6 người có mức thu nhập cao nhất công ty. Năng suất đạt tới 1,5 tấn mủ, đứng thứ 2 công ty.
“Nghe nói thi bàn tay vàng khó lắm?”, tôi hỏi. Chị Thương đáp: “Dạ, khó chứ anh. Ban đầu thi ở nông trường, sau đó thi lên công ty, đoạt giải mới thi cấp tập đoàn. Mỗi cấp thi đều phải đấu chọi với vài trăm thí sinh”.
Chị Thương cho biết, trước khi tham gia thi, các thí sinh phải có thời gian luyện tập rất áp lực, một ngày tập luyện bắt đầu từ 5 giờ sáng. Trong đó có bài tập thể lực, chạy tốc độ. Sau đó là bài thi thực hành ngoài lô cao su. “Điều đặc biệt ở Công ty Cao su Phú Riềng là tụi em tham gia thi là mỗi người có giáo án luyện riêng. Vì ban huấn luyện nắm rõ điểm mạnh, yếu của mỗi người nên xây dựng giáo án riêng cho từng người. Ví dụ như về tốc độ, em là người luôn chiếm ưu thế so với một bạn khác, nhưng về tay cạo thì bạn ấy lại chắc tay hơn. Còn về kỹ thuật, mỗi người có phương pháp tiếp cận, xử lý riêng, vì thế nên mới có giáo án huấn luyện riêng cho từng người, không theo khuôn mẫu”.
Chưa dư dả, nhưng cuộc sống rất bình yên
Theo chân chị Thương, chúng tôi về căn nhà nhỏ của gia đình chị ở thôn 1 xã Long Tân, huyện Phú Riềng. Ngôi nhà nằm trong con ngõ nhỏ yên tĩnh, sạch sẽ, ngăn nắp. Ngay ở phòng khách là 1 chiếc tủ đứng, bên trong chất đầy các loại cúp, huy chương, phần lớn là thành tích của chị Thương.
Lúc chúng tôi đến nhà, chỉ có cô con gái đầu sinh năm 2007 chuẩn bị đi học. Còn chồng chị Thương, anh Nguyễn Thành Trung, sinh năm 1978, cũng là một công nhân cao su, đi làm chưa về. Trò chuyện với chị, tôi cảm nhận, có lẽ trong ngôi nhà này, chỉ có tiếng cười, sự ấm áp chứ không có “sóng gió”.
“Ông xã em hiền, ít nói lắm, bình thường giờ này anh ấy có thể sắp về rồi, nhưng sợ gặp các anh không biết nói gì nên anh ấy ngại”, chị Thương nói. “Thế chắc ở nhà chị là “nữ tướng”?, tôi cười. “Anh ấy chỉ mỗi nhát thôi chứ ở nhà anh cũng quán xuyến, phụ vợ mọi việc nhà, cũng “đảm đang” như vợ vậy đó. Chỉ mỗi khi rủ đi đâu, nhất là mấy chỗ đông người hay tiệc tùng thì anh ấy ngại thôi”, chị Thương cười, cho biết. “Thế có khi nào chị bị bắt nạt” không?”. “Dạ không, anh ấy không bắt nạt được em đâu. Ảnh vừa nhỏ con hơn em, vừa hiền nên không dám”, chị Thương cười to.
“Có phải gia đình, nhất là ông xã, cũng góp một phần không nhỏ vào sự thành công trong công việc của chị?”, tôi hỏi. “Đúng rồi anh. Em có được những thành tích như vậy, cũng có công rất lớn của ông xã, ổng ủng hộ, hỗ trợ em mọi mặt. Nhất là thời gian luyện thi, chồng em cáng đáng mọi việc trong nhà. Nhìn thấy những điều chồng làm vì mình, em càng phải cố gắng hơn để không phụ lòng mọi người. Tất cả mọi cố gắng của em cũng vì gia đình, là tấm gương để các con noi theo. Cuộc sống gia đình em như các anh thấy, chưa có dư dả gì, nhưng rất bình yên”.
Chị Thương tâm sự, niềm vui, niềm tự hào của chị, không chỉ là những danh hiệu, những tấm bằng khen, mà là sự tin tưởng, yêu thương của tập thể đơn vị và một gia đình hạnh phúc. Đây chính là nguồn động viên to lớn để chị không ngừng nỗ lực, phấn đấu.
Với bề dày thành tích nổi bật, chị Lê Thị Thương vinh dự là 1 trong 10 cá nhân xuất sắc được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2021. Cũng trong năm này, tại lễ kỉ niệm 92 năm truyền thống ngành cao su Việt Nam, chị Thương được trao giải thưởng Cao su Việt Nam, là phần thưởng lớn của tập đoàn cao su trao cho những cá nhân, tập thể có những đóng góp xuất sắc, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành.
“Hiện chị còn thiếu cái giải nhất nữa là đủ bộ sưu tập cúp, huy chương, chị có tính phấn đấu cho đủ không?” tôi hỏi. “Em vẫn cố gắng, nhưng khó lắm anh, giờ mình cũng hơi lớn tuổi rồi, không còn nhanh nhẹn như các bạn trẻ bây giờ”, chị Thương cười, đáp.
“Có thể nói, chị Thương là người đứng đầu nông trường về tay nghề. Người khác cạo 1 nhát được 50-60kg mủ, nhưng một nhát cạo của chị Thương có thể đạt 70-80kg. Vườn cây do chị Thương quản lý, chăm sóc, cũng là một trong những vườn đẹp nhất nhờ chăm sóc tỉ mỉ, đúng kỹ thuật. Hiện nay, ngoài công việc chuyên môn, chị Thương còn là trợ giáo, chuyên kèm cặp các công nhân mới, có tay nghề chưa đạt chuẩn. Ngoài ra, chị còn là tổ trưởng nữ công, sâu sát với anh chị em công nhân để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, những vướng mắc cũng như khó khăn của người lao động để có hướng hỗ trợ kịp thời, tạo mối quan hệ khắng khít trong tập thể nông trường”, ông Phùng Đức Phương, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Nông trường Long Tân nói về chị.