| Hotline: 0983.970.780

Chuyện về người ‘nặng nợ’ với cây quýt hồng trên đất Tây Đô

Chủ Nhật 15/01/2023 , 15:11 (GMT+7)

Cần Thơ Hơn 40 năm gầy dựng, ông Mui là người hiếm hoi sở hữu vườn quýt hồng lớn nhất Cần Thơ, cung cấp hàng tấn trái cho thị trường vào dịp Tết.

Ông ba Mui người cả đời tâm quyết với cây quýt hồng. Ảnh: Hồ Thảo.

Ông ba Mui người cả đời tâm quyết với cây quýt hồng. Ảnh: Hồ Thảo.

Ông ba Mui (tên thật là Phạm Văn Mui) được biết đến là người hiếm hoi sở hữu vườn quýt hồng rộng và đẹp nhất tại quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ, ở thời điểm hiện tại.

Theo lời kể của ông Mui, hơn 50 năm trước vườn tược nơi đây còn trù phú, trong đó có cả những vườn quýt hồng, bạt ngàn xum xuê, trĩu quả. Lúc ấy, đến 3 ngày Tết, cậu bé Mui háo hức cùng bà ra vườn hái quýt hồng về chưng mâm ngũ quả. Thời gian thấm thoát, cậu bé Mui lớn lên và thành gia lập thất, cũng là lúc những vườn quýt hồng dần trở nên thưa thớt và mất đi trên vùng đất Tây Đô. Do người trồng “bó tay” với bệnh thối rễ, chết cây.

Vốn có niềm đam mê làm nông từ nhỏ, cùng với những kỷ niệm thời thơ ấu gắn với liền với cây quýt hồng, ông Mui quyết tâm làm sống lại loài cây khó trồng này tại nơi chôn nhau cắt rốn. Thế là, ông lặn lội sang tận Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp (thủ phủ quýt hồng) mua cây giống về trồng. Trước sự ngỡ ngàng của bà con lối xóm. Có người nói ông suy nghĩ viển vông, thích chơi ngông, bị bệnh hết thuốc chữa.

Bỏ ngoài tai, lão nông âm thầm quyết tâm thực hiện hoài bão của mình. Tuy nhiên, đam mê không là chưa đủ, vườn quýt hồng2 năm tuổi của ông Mui đang sắp cho trái, bỗng chết sạch. Năm đó, kinh tế gia đình ông rơi vào cảnh khó khăn, kiệt quệ. Người thân nhiều lần khuyên ngăn ông Mui nên chuyển sang canh tác loại cây khác, để gỡ gạc. Thế nhưng, sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, ông Mui quyết định đi vay ngân hàng về làm vốn, tiếp tục bám rễ cho cây quýt hồng trên đất quê hương. Khiến người thân trong gia đình cũng dần trở mặt với ông.

Rút kinh nghiệm mùa quýt trước, lần này khi phát hiện cây nào có dấu hiệu vàng lá, lão nông bới gốc đổ thuốc xử lý nấm bệnh, và độ PH trong đất. Kết quả năm đó ông Mui cứu được một nửa số cây trong vườn. Sang vụ thứ 3, người đàn ông nặng nợ với quýt hồng, bắt đầu tự tìm hiểu những kỹ thuật và thuốc đặc trị cho loài cây khó tính này. Cộng thêm những kinh nghiệm thực tiễn, cuối cùng ông đã thành công cho đến nay.

Nói về bí quyết để giữ vườn quýt ăn dai, xanh tốt ông Mui chia sẻ: "Chuẩn bị đất là khâu quan trọng nhất, vi khuẩn trong đất là nguyên nhân dẫn đến bệnh thối rễ, chết cây. Theo đó, bà con nên trồng khoảng cách từ 2.5-3m/cây, nếu chăm sóc đúng kỹ thuật quýt hồng khoảng 2,5 tuổi bắt đầu cho trái. Người trồng nên thường xuyên theo dõi, phun xịt kịp thời nếu phát hiện sâu bệnh".

Năm nay, tuy thời tiết mưa nhiều, không thuận lợi nhưng với kinh nghiệm hơn 40 năm gắn bó với nghề, ông Mui xử lý vườn quýt ra trái sai trĩu quả, bóng đẹp. Thương lái đến mua mão vườn quýt 6.000 m2 của ông Mui với giá gần 1 tỷ đồng. Từ đó, ai cũng biết đến và khâm phục ông Mui như một tấm gương nông dân sản xuất giỏi tại địa phương.

“Ở xứ này, không có người thứ hai sở hữu vườn quýt hồng rộng và đẹp như ông Mui. Từ nghèo khó ông đi lên từ cây quýt, cho con cái ăn học đến nơi, đến chốn. Và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho hàng xóm xung quanh, nên xóm tôi ai cũng quý ông”, bà T.K.C, hàng xóm ông Mui cho biết.

Không chỉ dành hết tâm quyết cho cây quýt hồng, ông Mui còn muốn lan tỏa tình yêu về loài cây này cho mọi người biết đến. Hai năm nay, ông Mui mở cửa vườn cho bà con đến tham quan. Đa số du khách điều bất ngờ và thích thú khi đến thăm vườn quýt của ông Mui, vì ở Cần Thơ hiếm còn vườn quýt hồng nào rộng và xum xuê trĩu quả như vậy.

 Giới trẻ thích thú khi được tham quan chụp ảnh bên vườn quýt vào dịp Tết. Ảnh: Hồ Thảo.

 Giới trẻ thích thú khi được tham quan chụp ảnh bên vườn quýt vào dịp Tết. Ảnh: Hồ Thảo.

Theo một số chuyên gia, cây quýt hồng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, việc phát triển những năm trước đây do bà con nông dân tự phát, canh tác chủ yếu dựa theo tập quán kinh nghiệm, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật chưa được đồng bộ. Sử dụng nhiều phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, dẫn đến chi phí đầu tư cao, phát sinh bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh gây tỷ lệ chết cây hàng năm rất cao, chất lượng nông sản không ổn định, chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường.

Các chuyên gia khuyến cáo, bệnh thối gốc do nấm Phytophthora nicotianae gây hại (bệnh xì mủ gốc, ngủ ngày, héo xanh) nông dân nên sử dụng chế phẩm sinh học Trico-Phytop (ĐHCT) từ 10-15g/gốc kết hợp bón 5kg/gốc phân hữu cơ ủ hoai và phun thêm Trico-Phytop lên tán, thân cây (2-3g/lít) và luân phiên với phun vôi (5g/lít vôi CaO). Đồng thời kết hợp với quét vôi từ gốc kéo dài lên thân cây khoảng 1-1,5m (10g/lít vôi CaO adao) hay dùng vôi quét tường từ đầu đến cuối mùa mưa (tháng 5-11 dương lịch, cách 2 tháng/lần để ngừa bệnh lây lan.

Còn theo PGS. TS Nhan Minh Trí, trường Đại học Nông nghiệp Cần Thơ cho biết thêm, ngoài bị bệnh thối gốc, quýt hồng còn bị tổn thất trước thu hoạch do quá trình rụng sinh lý diễn ra trong vòng 30 ngày đầu với tỉ lệ rụng trái là 31,9%. Giai đoạn từ 45-165 ngày rụng trái vẫn diễn ra và có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, giai đoạn từ 180 - 240 ngày sự rụng trái lại tăng, tổng lượng trái rụng trong thời gian này khoảng 25%, theo đó đây là thời điểm rụng trái trước thu hoạch.

Để bảo tồn giống quýt hồng ngành nông nghiệp địa phương cần có những định hướng, chiến lược lâu dài trong việc quy hoạch, tổ chức lại sản xuất cho nông dân. Theo đó, công nghệ sau thu hoạch và chế biến các sản phẩm từ quýt cần được quan tâm và nghiên cứu để thấy được bức tranh tổng thể về ngành, về đa dạng thị trường, bảo quản và phong phú sản phẩm giúp vận chuyển sản phẩm xa, ổn định chất lượng và đầu ra cho trái quýt từ đó tăng thu nhập cho người nông dân.

  • Tags:
Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.