Sử dụng phân, thuốc hữu cơ phục hồi vườn quýt hồng
Ông Nguyễn Văn Đầy ở ấp Long Hưng 1, xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp có hàng chục năm trong nghề trồng quýt hồng và có nhiều kinh nghiệm về quy trình khắc phục hiện tượng vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây quýt hồng vô cùng thành công, giúp cây từ suy yếu trở lại khỏe mạnh 100% và cho năng suất cao. Đặc biệt, dịp Tết Qúy Mão 2023 này, vườn quýt nhà ông sẽ mở cửa đón khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh.
Ông Đầy phấn khởi chia sẻ: Cách đây 2 năm, vườn quýt nhà ông được sự quan tâm của Chi cục Trồng trọt và BVTV Đồng Tháp, Phòng NN-PTNT huyện Lai Vung, UBND xã Long Hậu chọn để thực hiện mô hình khắc phục hiện tượng vàng lá thối rễ và chết xanh với diện tích 1,3 công.
Trước khi thực hiện mô hình, vườn quýt được 6 năm tuổi, có biểu hiện kém phát triển, xuất hiện bệnh vàng lá, thối rễ khá nặng với tỉ lệ trên 50% số cây bị bệnh, có nguy cơ đốn bỏ cả vườn. Kết quả kiểm tra cho thấy đất vườn có độ pH 3,61, cây bị nhiễm nấm Fusarium cấp 4 - 5, chiếm 95% vườn, nhiễm nấm Phytophthora cấp 1 - 3.
Về giải pháp thực hiện, trước nhất ông Đầy cho cải thiện đất như: Xeo đất độ sâu 35 - 40cm ở liếp vào cuối tháng Giêng (hay tháng 2 - 3 dương lịch) để ít làm tổn thương cây. Bón vôi 250 - 500g/cây (tùy tuổi cây); 5 - 10kg trấu, 2 - 4kg tro trấu cho mỗi gốc, Dolomite (Calmag) 200-300g/gốc (tùy tuổi cây). Bón phân hữu cơ (rơm mục, phân bò, Trichoderma) đã ủ hoai 30 - 50kg/gốc/năm.
Về quản lý bệnh, cho xử lý chế phẩm sinh học Trico, 3 tháng/lần (trị bệnh) và 4 - 6 tháng/lần (phòng bệnh), tốt nhất nên trộn sản phẩm Trico với phân hữu cơ đã hoai, kết hợp với phân hữu cơ chứa Humat, nếu vườn có cả 2 - 3 loại bệnh trên thì không nên sử dụng cùng lúc cả 3 loại sản phẩm mà nên cách nhau từ 7 - 10 ngày, hạn chế sử dụng thuốc trừ nấm bệnh chung với các sản phẩm Trico, nếu sử dụng nên xử lý cách nhau khoảng 7 - 10 ngày.
Khâu chăm sóc vườn, quan trọng là khâu bón phân để xử lý ra hoa từ sau xiết nước, lúc tưới trở lại (từ tháng 2 - 3 âm lịch), bón phân theo tỷ lệ 2 đạm - 3 lân - 2 kali (37gram Ure + 131gram DAP + 67 gram Clorua kali/gốc hay 86gram Ure + 375gram Super Lân + 66gram Clorua kali/gốc). Sau 7 - 10 ngày bón 120 - 150gram Dolomite (Calmag)/gốc để ổn định pH và cung cấp canxi, magie cho cây.
Ở giai đoạn trái non, sau ra hoa đến trái non nhỏ hơn 5cm, bón 1 lần theo tỷ lệ 3 đạm - 3 lân - 2 kali (65gram Ure + 140gram DAP + 62gram Clorua kali/gốc hay 121gram Ure + 400gram Super Lân + 63gram Clorua kali/gốc kết hợp 500g Fertisoa/gốc). Sau 7 - 10 ngày bón 150 - 200g Dolomite (Calmag)/gốc để ổn định pH và cung cấp canxi, magie cho cây.
Giai đoạn trái phát triển từ lớn hơn 5cm đến 2 tháng trước thu hoạch, bón cách 2 - 2,5 tháng/lần theo tỷ lệ 3,75 đạm - 3 lân – 2 kali (118gram Ure + 160gram DAP + 69 gram Clorua kali/gốc hay 180gram Ure + 460g Super Lân + 69g Clorua kali/gốc kết hợp 750g Fertisoa/gốc). Sau 7 - 10 ngày bón 150 - 200g Dolomite (Calmag)/gốc để ổn định pH và cung cấp canxi, magie cho cây.
Giai đoạn trái trưởng thành đến chín: Từ 1,5 - 2 tháng trước khi hái, bón 1 lần theo tỷ lệ 2 đạm - 2 lân – 3,5 kali (25gram Ure + 40g DAP + 55 gram Clorua kali/gốc hay 40gram Ure + 120gram Super Lân + 55gram Clorua kali/gốc). Lưu ý: Không kết hợp bón vôi và Calmag cùng lúc với phân hóa học có chứa đạm vì canxi sẽ làm thất thoát đạm, cần bón cách nhau tối thiểu 7 ngày.
Về mặt chăm sóc, đặt bẫy màu vàng nghệ nhằm theo dõi mật số rầy chổng cánh và rầy mềm ở các đợt ra đọt non để có biện pháp phòng trị kịp thời. Tỉa cành tạo tán giúp thông thoáng, vệ sinh gần gốc (cách gốc ít nhất 50cm) để hạn chế bệnh do nấm Phytophthora. Trồng các cây có mùi như sả để xua đuổi côn trùng, tuyến trùng, đồng thời tạo độ thoáng cho đất và có nguồn phân xanh để ủ phân hữu cơ cho vườn.
Kết quả, độ pH đất tăng, cây phục hồi tốt, đến năm nay gần như phục hồi hoàn toàn, năng suất cao trở lại, đợt mưa dồn dập cuối mùa năm nay cây quýt không bị nứt trái và rụng trái như trước đây. Sử dụng phân hữu cơ là căn bản, sử dụng đúng giai đoạn và số lượng sẽ giúp giảm rất nhiều vấn đề, ít sâu bệnh, giảm tỉ lệ cây chết do thối rễ, giảm chi phí thuốc BVTV, giảm phân bón hóa học, tăng chất lượng trái quýt, tăng tuổi thọ cây quýt, đặc biệt an toàn cho môi trường, an toàn cho người sử dụng.
Ông Đầy kiến nghị các cấp chính quyền địa phương, cấp ngành chuyên môn cần nghiên cứu đầu tư thêm về quy trình sản xuất quýt hồng theo hướng hữu cơ sinh học, ứng dụng quy trình IPM, giảm giá thành sản xuất, an toàn, giảm hóa học, ứng dụng sinh học.
Số lần sử dụng thuốc BVTV ít hơn nữa và tạo điều kiện cho nhà vườn gặp gỡ, trao đổi thông tin kinh nghiệm với nhau, cũng như tồ chức các buổi tọa đàm với các nhà khoa học đề có thêm những thông tin, kiến thức khoa học mới, kết hợp với các viện trường nghiên cứu về các bệnh mới như bệnh đốm trái và lan vàng...
Đến năm 2024 diện tích bảo tồn đạt hơn 546ha
Để phục hồi cây đặc sản quýt hồng Lai Vung, UBND tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt Đề án Bảo tồn vườn quýt hồng huyện Lai Vung, giai đoạn 2020 - 2024. Theo đó, bảo tồn vùng trồng quýt hồng tập trung theo bản đồ quy hoạch thuộc Dự án Tạo lập quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận quýt hồng Lai Vung tại các xã Long Hậu, Tân Phước, Tân Thành và phát triển sang vùng phụ cận thuộc xã Hòa Long; bảo tồn nguồn gen cây quýt hồng bản địa phục vụ công tác nhân giống và duy trì sản xuất bền vững.
Phấn đấu đến năm 2024, diện tích quýt hồng được bảo tồn đạt 546,63ha, trong đó khu vực khắc phục dịch bệnh là 198,71ha, khu vực trồng lại hoàn toàn là 347,92 a. Đề án cũng đưa ra 07 giải pháp thực hiện, bao gồm giải pháp về quy hoạch; khoa học công nghệ; đào tạo, tập huấn, thông tin - tuyên truyền; cơ giới hoá sản xuất; kỹ thuật canh tác; sản xuất và cung ứng giống; sản xuất, cung ứng phân hữu cơ.
Xuất phát từ yêu cầu vực dậy sản phẩm quýt hồng từng một thời đóng góp lớn cho GDP của huyện Lai Vung và cũng nhằm duy trì, phát triển loại trái cây đặc sản được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, nên việc xây dựng Đề án bảo tồn quýt hồng huyện Lai Vung là rất cấp thiết, góp phần giữ vững diện tích và tăng thu nhập cho nông dân, giúp Lai Vung nhanh chóng đạt tiêu chuẩn huyện nông thôn mới trong những năm tới.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, thời gian tới, địa phương sẽ cố gắng triển khai nhiều giải pháp phục hồi diện tích loại cây thế mạnh của Lai Vung. Trong đó, lưu ý hỗ trợ cho nông dân về kỹ thuật và định hướng, khuyến nông, truy xuất nguồn gốc, tìm đầu ra cho cây quýt hồng.
Đồng thời, chỉ đạo các ngành và địa phương thực hiện hiệu quả Đề án bảo tồn quýt hồng huyện Lai Vung giai đoạn 2020 - 2024. Khảo sát lại các diện tích trồng cây quýt hồng tại huyện, xem xét lại thực tế của nông dân về nguồn vốn và khả năng sản xuất. Chú trọng đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, ưu tiên hỗ trợ chính sách cho các HTX, khảo sát nghiên cứu tìm cây đầu dòng có giá trị và xem xét phát triển du lịch về cây có múi…