| Hotline: 0983.970.780

Hơn 40 nghìn lượt khách tham quan Lễ hội quýt hồng huyện Lai Vung

Chủ Nhật 08/01/2023 , 17:15 (GMT+7)

ĐỒNG THÁP Sau 4 ngày tổ chức (từ 5-8/1), Lễ hội quýt hồng huyện Lai Vung với nhiều hoạt động sôi nổi đã thu hút trên 40 ngàn lượt khách tham quan, trải nghiệm và mua sắm.

dsc_6590-145932_712

Lễ hội quýt hồng Lai Vung sẽ là "cú hích" cho du lịch dịp Tết Quý Mão của vùng quýt hồng Lai Vung.

Mang đến trải nghiệm mới lạ cho du khách

Chiều 8/1, UBND huyện Lai Vung (Đồng Tháp) cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức bế mạc Lễ hội quýt hồng Lai Vung lần thứ I, năm 2023.

Theo ghi nhận, ngày cuối cùng diễn ra Lễ hội, vẫn có hàng nghìn lượt khách đến tham quan từ các tỉnh thành trên cả nước. Tại đây, nhiều người khá thích thú khi được tham quan, tạo dáng chụp ảnh bên những cây quýt hồng sum suê trĩu quả.

Bên cạnh đó, du khách còn thưởng thức các món ăn từ quýt hồng và một số đặc sản của huyện Lai Vung. Đa số du khách cho biết, họ rất hài lòng với những trải nghiệm mới lạ về món ăn và cảnh sắc Đồng Tháp, nhất là các sản phẩm từ quýt hồng.

_dsc0643-151918_649

Các vườn quýt hồng Lai Vung ngày càng thu hút đông đảo du khách tới tham quan.

Bà Nguyễn Ngọc Châu, đến từ TP.HCM cho biết: “Lần đầu tiên tôi đến Lai Vung tham gia Lễ hội, cảm thấy khá thoải mái vì được tham quan những vườn cây xanh mát và những con người ở đây rất mến khách. Đặc biệt là được tham quan và thưởng thức những múi quýt có độ ngọt vừa phải, thơm ngon. Dự định vài ngày nữa, tôi sẽ dẫn gia đình về đây để trải nghiệm thêm nhiều địa điểm hơn tại huyện Lai Vung và giới thiệu cho đồng nghiệp đến đây tham quan”.

Trước đây, đa số nhà vườn tại huyện Lai Vung chỉ trồng quýt hồng để bán trái. Bà Nguyễn Thị Hồng, ấp Tân Lợi, xã Tân Thành (huyện Lai Vung) cho biết: "Mấy năm gần đây, do du khách hiếu kỳ nên nông dân đã mở cửa cho khách du lịch vào tham quan vườn quýt. Nhà vườn phát triển mô hình này ngoài quảng bá được hình ảnh cây quýt hồng đến du khách gần xa còn bán trái tại vườn cho khách, nâng giá trị cho trái quýt hồng. Thời gian qua, bà con đang hướng đến sử dụng phân hữu cơ để tạo ra sản phẩm an toàn”.

z4022755715193_a42f228c2dad7f7fd5dd089eb2c2c060

Du khách đến tham quan vườn quýt hồng ở huyện Lai Vung. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tham quan vườn quýt hồng, thưởng thức ẩm thực là những hoạt động trong Lễ hội quýt hồng Lai Vung lần thứ I, năm 2023 nhằm quảng bá hình ảnh địa phương và sản phẩm quýt hồng đến các doanh nghiệp, nhân dân trong khu vực và cả nước. Từ đó khẳng định tiềm năng phát triển của quýt hồng, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, phát triển du lịch theo chiều sâu và bền vững. Đồng thời, nâng cao nhận thức từ hệ thống chính trị đến người dân Lai Vung về phát huy tiềm năng, khơi dậy nguồn lực và khát vọng phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao.

Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp có diện tích trồng cây có múi là 8.056ha, trong đó riêng huyện Lai Vung có diện tích 5.776ha, chiếm 72% diện tích toàn tỉnh, chủ yếu là quýt hồng, quýt đường và cam xoàn.

Toàn huyện Lai Vung hiện có hơn 2.000ha các loại quýt, trong đó có trên 840ha quýt hồng, tập trung nhiều nhất ở 3 xã Long Hậu, Tân Thành và Tân Phước, bình quân cho năng suất từ 30 - 50 tấn trái/ha. Từ lâu, quýt hồng Lai Vung là loại trái cây đặc sản có tiếng ở vùng ĐBSCL và là niềm tự hào của người dân Ðồng Tháp khi thương hiệu quýt Lai Vung đã "phủ sóng" tại nhiều thị trường trong nước.

Thu hút trên 40 ngàn lượt khách

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Lai Vung cho biết: Sau 4 ngày tổ chức (từ 5 - 8/1/2023), Lễ hội quýt hồng huyện Lai Vung lần thứ I, năm 2023 với nhiều hoạt động sôi nổi, phong phú và hấp dẫn đã thành công tốt đẹp. Những hoạt động trải nghiệm không gian sản xuất quýt hồng, hội thảo, tọa đàm, hội thi về cây quýt hồng đẹp, vườn quýt hồng kiểu mẫu, hoạt động trưng bày và giới thiệu các sản phẩm của địa phương và các chương trình văn nghệ và trò chơi dân gian... đã thu hút trên 40 ngàn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm và mua sắm.

Empty

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Lai Vung tuyên bố bế mạc Lễ hội quýt hồng Lai Vung lần I, năm 2023. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Qua các hội thảo và tọa đàm, các diễn giả, nhà khoa học, doanh nghiệp, các nhà cung ứng chuỗi tiêu thụ, phân phối và dịch vụ lữ hành đã gợi mở nhiều ý tưởng thiết thực, tạo điều kiện để gắn kết sản xuất sản phẩm quýt hồng với nhu cầu thị trường, đặt kỳ vọng vào công nghệ chế biến chuỗi sản phẩm từ quýt sau này, đồng thời kết nối du lịch bền vững nhằm tạo dựng hình ảnh địa phương.

Các hội thi cũng đã tạo được nhiều ấn tượng tốt đẹp. Nhiều tác phẩm tham dự các hội thi trong Lễ hội đã đạt các giải cao, thể hiện nhiều ý tưởng hay và tình yêu đối với quýt hồng, với quê hương Lai Vung. Những vườn quýt hồng kiểu mẫu, những cây quýt hồng đẹp là kết quả của sự tâm huyết và bàn tay cần mẫn chăm sóc của nông dân. Những sản phẩm đó không chỉ đơn thuần là sản phẩm nông nghiệp mà còn mang giá trị văn hoá lớn của vùng đất Lai Vung hiền hoà và trù phú.

Lễ hội lần này vừa mang đến những trải nghiệm về đặc sản quýt hồng Lai Vung, vừa mở ra cơ hội giao lưu, kết nối doanh nghiệp trong và ngoài huyện cũng như những người làm kinh tế về quýt hồng. Đây không chỉ là sự kiện để quảng bá về quýt hồng mà còn là cơ hội để Lai Vung khẳng định tiềm năng vốn có, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kinh tế về quýt hồng và ngành hàng cây có múi cùng với sản phẩm nem Lai Vung và các sản phẩm OCOP đặc sắc khác liên kết phát triển du lịch gắn với kinh tế nông nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, bền vững của huyện nhà. 

Ban tổ chức trao giải Ngất cho các đội ban ngành của huyện, xã tham gia hội thi mâm ngũ quả đẹp.

Ban tổ chức trao giải Nhất cho các đội ban ngành của huyện, xã tham gia hội thi mâm ngũ quả đẹp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

“Lễ hội quýt hồng huyện Lai Vung lần thứ I - năm 2023 đã khép lại, nhưng không gian sống động của Lễ hội và màu vàng cam rực rỡ của những trái quýt hồng cùng với hình ảnh những vườn quýt hồng Lai Vung trĩu quả sẽ mãi còn in đậm trong ký ức của mọi người”, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Lai Vung xúc động chia sẻ.

 Lai Vung sẽ bắt đầu sang trang sử mới 

Nói về sự thành công của Lễ hội, ông Võ Hoàng Cương, Bí thư Huyện Ủy Lai Vung cho biết: Lễ hội sẽ là dấu mốc khởi đầu cho sự thay đổi cả về nhận thức, khát khao và tầm nhìn mới… Cũng mảnh vườn, cây quýt và những ước vọng như xưa, nhưng suy nghĩ khác, cách làm khác nên kết quả và tương lai cũng khác.

"Dù năm tháng có đi qua, những tổn thất có đắng cay trong quá khứ đến đâu thì mỗi người dân xứ sở đất Lai Vung quê mình hãy tự tin, nuôi khát vọng lớn, có cả trí, dũng, kham, nhẫn để đi tới tương lai. Vì bên cạnh bà con quê mình sẽ mãi mãi có Đảng bộ, chính quyền luôn đồng hành và gắn bó thủy chung, cùng kiến tạo, dẫn dắt quê hương mình ngày càng phát triển, biến những giọt mồ hôi kết tinh thành giá trị, những tư duy thành nguồn lực để vun đắp cuộc đời", ông Cương nói.

Empty

Ông Võ Hoàng Cương, Bí thư Huyện ủy Lai Vung (ngoài cùng bên trái, hàng đầu) trao giải Nhất "Vườn quýt hồng kiểu mẫu" cho nông dân Nguyễn Văn Đầy ở ấp Long Hưng 1, xã Long Hậu, huyện Lai Vung. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Cương cũng kêu gọi bà con nông dân hãy nghĩ khác, hành động khác, dám ước mơ lớn để xây đắp tương lai, bởi quy luật cuộc đời là "gieo nhân lành sẽ gặt quả ngọt". Ta không phụ đất, phụ cây thì đất và cây cũng mãi mãi không phụ chúng ta, nhưng hãy "thuận thiên" để sống...

"Rất mong và tin tưởng từ nay quê hương Lai Vung sẽ bắt đầu sang trang sử mới, từ sự thay đổi của quýt hồng sẽ là “chìa khoá” để mở rộng, làm lan tỏa sự thay đổi trên nhiều lĩnh vực. Ngay từ bây giờ, chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ: Làm gì đây để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm nông nghiệp - nông thôn. Thành công của Lễ hội như ánh nắng xuân xua tan sương mù lạnh giá, xóa tan lời nguyền du lịch mùa vụ và nó nhen nhóm ngọn lửa đốt nóng khát vọng, niềm tin khôi phục quýt hồng, thúc giục tất cả mọi người hãy thay đổi cách nghĩ, cách làm để sớm thích nghi với hoàn cảnh mới đang đặt ra” ông Võ Hoàng Cương, Bí thư Huyện ủy Lai Vung đề nghị.

Nhân dịp này, Ban tổ chức Lễ hội đã trao các giải Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích cho các tổ chức, nông dân và HTX đã đạt giải trong các Hội thi như: “Vườn quýt hồng kiểu mẫu”, “Cây quýt hồng đẹp”, “Mâm ngũ quả đẹp”,  “Ẩm thực quê hương”...

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.