Trong khi vô vàn các hàng hóa khác thì trưng bày ê hề ở ngoài quầy, buổi tối chỉ được quây sơ lại bằng vải bạt. Thấy sự lạ, tôi mới hỏi và vỡ lẽ ra về chuyện của những chiếc lồng bàn giá vài ba chục triệu nhưng không dùng để đậy thức ăn mà trưng bày như một món đồ quý báu.
Chiếc lồng bàn giúp cả nhà qua nạn đói 1945
Làng Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) xưa là Phú Hoa Trang vốn nổi danh về nghề đan với nhiều lối nhất cả nước, hàng trăm kiểu. Ngoài quy tắc chung giống như mọi làng nghề đan trong nước và trên thế giới gồm nong mốt, nong hai, nong ba và bỏ lỗi của các lóng để tạo thành hoa văn, tranh ảnh, phong cảnh, chân dung…
Làng còn có kỹ năng xử lý mây đặc biệt, chẻ, vót bằng tay đều tăm tắp và nuột nà; đan tranh đen trắng bằng cách nhuộm lá cây, nhuộm bùn, hun khói tạo màu đen, còn màu trắng ngà là sắc tự nhiên của mây; luộc nguyên liệu để chống mốc, mọt. Bức bình phong có tuổi đời hàng trăm năm tả cảnh thành cổ đang trưng bày ở bảo tàng Huế mang đặc trưng lối đan của Phú Vinh xưa.
Chính quyền thời thuộc Pháp đã tổ chức các cuộc thi đấu xảo để tôn vinh các nghề thủ công mỹ nghệ, làng Phú Vinh có tới 9 sản phẩm đoạt giải qua các kỳ. Bố của ông Nguyễn Văn Tĩnh là ông Nguyễn Văn Khiếu trước năm 1945 chuyên làm những đồ mây để bán cho giới nhà giàu như lồng bàn, tráp, hoành phi, câu đối, giỏ đựng ấm tích, ba toong.
Nếu như lồng bàn nhà nghèo đan bằng tre kiểu nong mốt, tự làm hoặc mua sẵn ở chợ thì lồng bàn nhà giàu đan bằng mây. Mây róc ra mà da vàng như đậu tương là loại đã 4 năm tuổi trở lên và dài từ 3 m trở lên; giang đốt dài từ 80 cm trở lên, gõ xuống đất kêu thanh và đanh, da bóng hơi ngả màu úa là loại già, chỉ chọn lấy phần cật để dùng làm xương lồng bàn còn lại là bỏ. Chúng được nhuộm màu bằng lá cây hay ngâm bùn tới ba bốn lần.
Xưa ông Khiếu đan lồng bàn đen trắng với hình rồng phượng, đường kỷ hà, khoảng trống và khoảng hoa văn được bố trí hài hòa và quý phái. Theo chị gái ông Tĩnh kể, nghề đan lồng bàn đã cứu cả gia đình mình không ai bị chết đói 1945 khi mỗi chiếc bán đủ mua 10 kg gạo trong khi một ngôi nhà gỗ ba gian hồi đó đổi 10-15 kg gạo cũng còn trầy trật.
Ông Khiếu đông con nhưng có mỗi một mụn con trai là Tĩnh nên kỳ vọng rất nhiều vào cậu. Tuy nhiên ông cũng rất nghiêm khắc: “Đã là con nhà nghề thì không được hỏi, chỉ cần nhìn vào người khác làm là học được”. Hễ các con đan sai là cái roi mây trên tay ông lại vút lên thay cho lời chấn chỉnh.
Có những kỹ thuật khó tột bực như đan đen trắng thành hình phong cảnh hay chân dung không thể dạy được mà phải tự cảm nhận. Buổi sáng cậu bé Tĩnh đi học, chiều về làm nghề hoặc đi chơi vì dù sao cũng là độc đinh trong nhà. Một lần ông Khiếu đi vắng, bỏ lại bức bình phong đang đan dở khiến cậu tò mò đứng nhìn. Mắt có vẻ thuộc kỹ thuật nên cả buổi chiếu đó cậu thử đan được 5 đường.
Về nhà, ông Khiếu phát hiện ngay sự khác lạ nhưng lần này không lấy roi mây để phạt con mà mắt còn lấp lánh niềm vui bởi cậu bé đan đúng kỹ thuật dù còn lỏng, độ căng, độ rền chưa có. Năm đó Tĩnh chỉ mới 8-9 tuổi. Ông Khiếu là 1 trong 9 nghệ nhân đầu tiên được phong tặng đợt đầu ở miền Bắc năm 1961 khi tham gia dạy nghề tại Trường Thủ công Mỹ nghệ Hà Nội và có nhiều sản phẩm độc đáo làm quà tặng cho các lãnh đạo…
Cách đây hơn 1 năm, ông Tĩnh đón một vị khách đặc biệt tên là Hị đã hơn 90 tuổi ở huyện Quốc Oai, TP Hà Nội tìm đến để hỏi về người bố của mình.
Ông kể, khi còn nhỏ có đến chơi nhà cậu ruột là một gia đình giàu có và mê mẩn ngắm cái giỏ ấm tích và tấm hoành phi được đan bằng mây rất cầu kỳ và đẹp. Hỏi ra mới biết đó là các tác phẩm của ông Khiếu.
Những vật dụng đó được người cậu quý đến mức không cho đứa cháu sờ vào vì sợ bẩn. Từ đó ông tâm niệm trong đời mình, thế nào cũng phải mua được một sản phẩm như vậy.
Hơn 80 năm sau, khi dò hỏi, biết được con ông Khiếu còn giữ nghề tổ, ông đã tìm đến đặt mua một cái giỏ ấm tích. Chiếc giỏ trị giá 3 triệu nhưng cảm động vì một vị khách biết trọng nghề, ông Tĩnh chỉ lấy giá bằng 1/3.
Năm 1984 làng nghề Phú Vinh được trung ương chọn mấy người trong đó có ông Tĩnh đi học hệ tập trung về thiết kế để hiểu các quy tắc tỷ lệ, kiểu dáng, gần xa, sự kết hợp giữa giá trị sử dụng và giá trị nghệ thuật. Năm 1987 ông Tĩnh đã cải tiến mẫu lồng bàn đen trắng của bố bằng các hoa văn trên trống đồng và đoạt huy chương vàng trong hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam lần thứ hai.
Đói vàng mắt, bụng người đang sôi lên vì bo bo, mì hạt, ngô khoai độn thì ban giám khảo có chấm cho nó giải nhất nhưng kiếm được người mua vẫn đỏ con mắt. Phải 2 năm sau ông Tĩnh mới bán được nó cho một người giàu ở Hà Nội với giá tương đương chỉ vàng. Số tiền đó, nửa ông để mua sắm đồ ăn, nửa để dành mua nguyên liệu đan tiếp.
Mỗi chiếc lồng bàn được ông chế tác trong vòng 40-50 ngày với mỗi ngày làm việc từ 8, 10 thậm chí 12 tiếng. Cả đời ông đã chế tác khoảng vài chục chiếc như vậy nhưng 20 năm gần đây thì bỏ không làm kiểu đó nữa bởi chẳng mấy người biết thưởng thức. Hơn thế đan lồng bàn đen trắng rất tốn công, không chia nhỏ công đoạn ra để nhiều người làm được. Giờ ông chỉ làm kiểu lồng bàn chung của làng, đan tết nhiều loại hoa văn, còn nét riêng là người 5 loại hoa văn, người 7 loại hoa văn, người 10 loại hoa văn. Nguyên liệu cũng không được nhuộm bằng lá, bằng bùn nữa mà chỉ hun khói.
Loại lồng bàn này trung bình bán 7-10 triệu, hàng kỹ bán 25 triệu. Mỗi chiếc lồng bàn hàng kỹ làm lâu tới 60 ngày, tính ra mỗi ngày công được 300.00đ, còn tiền nguyên liệu tốn 1-2 triệu. Loại lồng bàn này trong 20 năm nay ông Tĩnh đã làm được vài chục chiếc nhờ phân nhỏ công đoạn cho nhiều người. Mỗi người như một nhạc công trong dàn nhạc còn ông là nhạc trưởng chỉ bảo họ đan kiểu này, đan kiểu kia rồi ghép lại thành phẩm.
“Đa số lồng bàn của tôi bán không dùng để đậy thức ăn mà để cất vào tủ kính, sưu tầm. Có ông hiệu phó trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp dùng một chiếc để úp cơm nhưng bị chuột cắn, mang cho tôi xử lý lại, về sau cũng cất vào tủ trưng bày”, ông Nguyễn Văn Tĩnh cho hay.
Lồng bàn ra thế giới
Năm 2019 Đài Loan mời giao lưu văn hóa 5 nước Châu Á - Thái Bình Dương, mỗi nước một nghệ nhân tham gia thì ông Tĩnh là đại diện cho Việt Nam. Ông đã mang chiếc lồng bàn của mình sang, vừa mới bày ra thì trưởng ban tổ chức đã gạ hết triển lãm sẽ mua luôn bởi Đài Loan có nghệ nhân về tre nhưng không có nghệ nhân về mây. Nể lời ông Tĩnh mới bán nó với giá 1.000 USD.
Ông trưởng ban tổ chức mua được của hiếm đã không ngớt lời xuýt xoa thán phục và mong nhiều người Đài Loan cũng mua được những chiếc lồng bàn như vậy để trưng bày nhưng chỉ mấy tháng sau, dịch Covid 19 xảy ra khiến cho việc xuất khẩu chúng bị ngắt quãng. Cũng tại cuộc giao lưu văn hóa ấy mà ông Tĩnh quen với nghệ nhân về tre của Đài Loan. Bà được Nhà nước nuôi để giữ nghề, truyền nghề cho các thế hệ trẻ, mỗi năm chỉ làm 2-3 tác phẩm để ngành văn hóa trưng bày tại Trung tâm Thủ công Mỹ nghệ, trở thành niềm tự hào của hòn đảo.
Cũng kiểu lồng bàn làng Phú Vinh này, năm 1986 cụ Ngóng đem chiếc lồng bàn của mình đi thi đoạt huy chương vàng triển lãm Giảng Võ. Mới đây nhất, vợ chồng ông Trần Văn Khá, bà Nguyễn Thị Tiến đã mang nó đi thi, đoạt giải nhất Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2020 do Bộ NN-PTNT tổ chức.
Hiện cả làng Phú Vinh có 700-800 hộ làm nghề đan nhưng chỉ 2 nhà làm lồng bàn kiểu kỹ là nhà ông Khá và nhà ông Tĩnh tuy nhiên chúng trông rất khác nhau. Lồng bàn nhà ông Tĩnh sợi mây to hơn, chắc chắn hơn, còn lồng bàn nhà ông Khá sợi mây nhỏ, mịn đến nỗi người làng gọi là “lồng bàn màn tuyn”.
Tôi đến nhà ông Khá, được nghe kể trước đây họ làm những sản phẩm thông thường như mọi gia đình nhưng kiếm sống khó khăn, đến năm 2003 thì quyết định làm cái lồng bàn để đời để tạo ra sự khác biệt. Mỗi chiếc lồng bàn như vậy được cả hai vợ chồng làm trong 16-20 ngày, ông làm nguyên liệu, cạo, chuốt những sợi mây chỉ nhỉnh hơn sợi tóc sao cho óng ả như tơ, còn bà thì đan. “Tôi có thể vừa xem ti vi vừa đan hay vừa nhắm mắt vừa đan”, bà Tiến cười tủm tỉm.
Năm 2020 cái lồng bàn đoạt giải nhất đó đã được một lãnh đạo mua với giá 22 triệu. Giờ mỗi chiếc như vậy ông bà đang bán 27 triệu. Vừa rồi có khách Thái Lan đặt 2 chiếc nhưng ông bà nể lắm mới nhận lời làm 1 chiếc. Nó đang trên tay tôi đây, trọng lượng đúng 290 gram, nhẹ bẫng như mây, xuyên thấu như vải màn, những hoa văn tinh xảo đến nỗi tưởng như được đan bằng tay tiên chứ không phải người phàm.
Tiếc nỗi, họ đều ở tuổi trên 70 với 5 người con, 21 cháu, chắt nhưng không ai chịu theo nghề chế tác lồng bàn cả. Bà thở dài: “Chúng tôi xưa làm nghề để xây nhà, nuôi con nhưng giờ đây già rồi, chỉ làm vì đam mê và chắc cũng chỉ duy trì được vài năm nữa là cùng”.