| Hotline: 0983.970.780

'Rổ, rá' mây tre vươn ra thế giới

Thứ Sáu 25/12/2020 , 08:33 (GMT+7)

Từng đứng trước nguy cơ bị xóa sổ, thì nay sản phẩm mây tre đan lát làng nghề Bao La (Thừa Thiên- Huế) đã có mặt tại nhiều thị trường trong và ngoài nước.

Làng nghề hơn 600 năm tuổi

Nằm ở phía Bắc con sông Bồ, cách TP. Huế khoảng chừng 20km, làng nghề đan lát truyền thống Bao La (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên- Huế) đã được hình thành và phát triển đã hơn 600 năm. Trước đây, người dân trong làng chỉ làm những vật dụng để phục vụ cuộc sống và sản xuất hàng ngày như rổ, rá, thúng, mủng... Cuộc sống hiện đại, các vật dụng này từ chất liệu mây, tre đã dần bị thay thế bằng chất liệu nhựa; làng nghề đan lát Bao La đã phải trải qua những bước thăng trầm, có những lúc bị mai một và nguy cơ xóa sổ.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề Bao La. Ảnh: Tiến Thành.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề Bao La. Ảnh: Tiến Thành.

Thế nhưng, năm 2007, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế thực hiện việc khôi phục và phát triển nghề, làng nghề truyền thống. Theo đó, Hợp tác xã (HTX) mây tre đan Bao La đã chính thức được thành lập. Đây cũng được xem là bước đánh dấu sự phục hồi và đi lên mạnh mẽ của làng nghề truyền thống này.

Từ bàn tay khéo léo, sáng chế ra những sản phẩm chất lượng, đẹp mắt của các nghệ nhân, sản phẩm đan lát làng nghề Bao La dần khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Các sản phẩm truyền thống mỹ nghệ làng nghề Bao La cũng có mặt tại các Hội chợ Thương mại lớn, buổi triển lãm,… và được nhiều người biết đến.

Bên cạnh những sản phẩm với các loại vật dụng gần gũi trong gia đình như thúng mủng, rổ rá, nong, nia, lồng bàn… HTX mây tre đan lát Bao La đã sáng tạo thêm nhiều sản phẩm thủ công chất lượng cao. Đến nay, sản phẩm mây tre đan đan lát của HTX Bao La không còn là hàng đan mây, tre thông thường, mà là những tác phẩm nghệ thuật, giá trị văn hóa kết tinh ở trong đó, độc đáo như: Mô hình cầu ngói Thanh Toàn, tháp Linh Mụ, cầu Trường Tiền, các loại đèn treo trang trí, các linh vật như nghê,…

Giám đốc Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại tỉnh Thừa Thiên- Huế Nguyễn Lương Bảy đánh giá, các sản phẩm của HTX mây tre đan Bao La có mẫu mã đa dạng, dễ nhận diện là hàng thủ công mỹ nghệ và ược nhiều thị trường đón nhận và ưa thích. Thành công của làng nghề đan lát Bao La đến từ sự kết hợp của sự thích ứng với xu thế phát triển của thời đại và gìn giữ giá trị truyền thống. Có thể nói, đây là kinh nghiệm quý giá cho các làng nghề truyền thống khác tham khảo và vận dụng, trong hành trình khôi phục và làm sống lại những làng nghề đặc trưng của Thừa Thiên- Huế nói riêng và cả nước nói chung.

Vươn ra thế giới

Sau gần 14 năm hình thành và phát triển, hiện nay, HTX mây tre đan Bao La đã thiết kế và sản xuất hàng nghìn mẫu mã, tinh xảo, phục vụ nhu cầu tiêu thụ của các tỉnh, thành phố trong cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Trung bình, mỗi năm Hợp tác xã thiết kế và cho ra lò từ 7-10 mẫu mới. Ngoài những sản phẩm phục vụ cuộc sống hàng ngày của người dân, HTX  Bao La còn sản xuất các loại vật dụng phục vụ trong các khách sạn, nhà hàng.

Bộ sản phẩm đèn trang trí, rổ, rá của HTX mây tre đan Bao La vừa được đánh giá, công nhận là sản phẩm OCOP đạt 4 sao. Ảnh: Tiến Thành.

Bộ sản phẩm đèn trang trí, rổ, rá của HTX mây tre đan Bao La vừa được đánh giá, công nhận là sản phẩm OCOP đạt 4 sao. Ảnh: Tiến Thành.

Ông Võ Văn Dinh, Giám đốc HTX mây tre đan Bao La cho biết, nếu như trước đây, HTX phải chủ động tìm đơn hàng tại các tỉnh Lào Cai, Hà Nội, Quảng Nam, Bình Định… thì nay đã  có nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong cả nước đến trực tiếp đặt hàng với số lượng lớn. Một số đơn hàng còn được đưa đi xuất khẩu sang ra nước ngoài. Trong đó, vào đầu năm 2017, HTX Bao La nhận đơn hàng 2 ngàn sản phẩm tham gia Festival Nghề truyền thống Huế và 5 ngàn sản phẩm mây tre đan xuất khẩu sang Trung Quốc.

UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã ban hành Quyết định số 1614/QĐ-UBND về việc Công nhận kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm và cấp Giấy chứng nhận cho 6 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đợt 1, năm 2020, thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP. Theo đó, bộ sản phẩm đèn trang trí, rổ, rá của HTX mây tre đan Bao La được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 4 sao.

Cũng theo ông Dinh, đến nay, tại HTX Bao La trung bình mỗi tháng 2 lần xuất hàng đi, giá trị đơn hàng từ 80 - 100 triệu đồng. Đặc biệt, một số doanh nghiệp ở Hà Nội còn đặt hàng để đem di xuất khẩu ra thị trường các nước Trung Quốc, Thái Lan, các nước ở Châu Âu.

"Để phục vụ việc sản xuất  ở HTX thường xuyên có khoảng 120 công nhân, chủ yếu là người địa phương. Thu nhập bình quân của công nhân từ 150- 200 ngàn đồng/ ngày, họ được đóng đầy đủ các loại BHXH, BHYT...." ông Dinh vui vẻ chia sẽ.

Cũng theo Giám đốc HTX mây tre đan Bao La, việc chú trọng sản xuất ra những sản phẩm mẫu mã đẹp, đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng là mục tiêu hàng đầu của hợp tác hiện nay. Đồng thời, HTX cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp để đầu tư trang thiết bị và sản xuất ra những sản phẩm ngày càng tinh xảo, đẹp mắt hơn nhằm phục vụ thị trường trong và ngoài nước. 

Để phát triển các làng nghề truyền thống, phục vụ du lịch, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã tiến hành cấp vốn cho HTX mây tre đan Bao La để đầu tư, xây dựng nhà truyền thống phục vụ việc trưng bày, triển lãm tại cơ sở sản xuất. Đồng thời, HTX mây tre đan Bao La cũng đã được Sở Công Thương Thừa Thiên- Huế trao giấy chứng nhận quyền sử dụng “Con dấu nhận diện sản phẩm thủ công mỹ nghệ Huế”.

Gần đây nhất, tháng 11/2020 vừa qua, bộ sản phẩm đèn trang trí, rổ, rá của HTX mây tre đan Bao La đã được UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế công nhận và xếp hạng là sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt chất lượng 4 sao.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.