Gần trưa, cô gái Nguyễn Thị Lê, nhân viên cứu hộ của Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng), đẩy chiếc xe rùa chở thức ăn đến trước chuồng trại số 1 là nơi nuôi nhốt con hổ đực đầu đàn có tên gọi là Đô, rồi cất tiếng: "Ra đây em ơi, ra với chị nào. Pừ rừ, pừ rừ...".
Sau vài lần gọi như thế, con hổ tuổi trưởng thành nặng gần tạ rưỡi đang ở góc chuồng lướt đến như một cơn gió. Rồi con hổ cứ nghiêng đầu kê tai cà cà vào cánh cửa sắt. Lê cười bảo: “Nó cứ quen vậy đó. Mỗi khi em gọi là nó lại chạy đến kê đầu vào đó như ý bảo em gãi tai cho thôi. Em Đô này lớn nhưng lại hiền nhất trong bảy em hổ ở đây".
Đưa hổ về miền di sản…
Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (VQG Phong Nha - Kẻ Bàng), còn nhớ như in những ngày đầu tiên bảy cá thể hổ con được chuyển từ VQG Pù Mát (Nghệ An) về đây.
Đó là vào một ngày của tháng 8/2021, VQG Pù Mát tiếp nhận từ Công an tỉnh Nghệ An bảy con hổ khoảng 40 ngày tuổi trong một vụ án vận chuyển hổ trái phép về để nuôi dưỡng chăm sóc và bảo tồn.
Sau gần hai năm được nuôi dưỡng tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, đàn hổ lớn nhanh và khỏe mạnh. Hai con hổ đực đầu đàn đã có trọng lượng xấp xỉ 150 kg.
“Chúng tôi bắt đầu thực hiện kế hoạch chuyển đàn hổ sang khu nuôi mới. Nơi ở mới sẽ có nhiều giá thể để hổ tự dần quen với cuộc sống tự nhiên hơn để đảm bảo sau này khi đưa ra khu nuôi dưỡng bán hoang dã thì đàn hổ sẽ thích nghi nhanh”, ông Phạm Hồng Thái cho hay.
Khu chăm sóc, nuôi dưỡng đàn hổ Đông Dương mới có diện tích gần 3.500 m2, có đầy đủ các hạng mục công trình đáp ứng điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng tốt hơn, giúp các cá thể hổ sinh trưởng và phát triển tốt cũng như đảm bảo phúc lợi cho các cá thể hổ. Đồng thời, nâng cao năng lực cứu hộ và bảo tồn động vật hoang dã của Trung tâm cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật VQG Phong Nha – Kẻ Bàng.
Quá trình di chuyển đàn hổ Đông Dương quý hiếm được diễn ra theo một quy trình hết sức chặt chẽ, nghiêm ngặt do các chuyên gia quốc tế về động vật hoang dã có nhiều kinh nghiệm thực hiện.
Anh Nguyễn Ngọc Anh, Phó Giám đốc Trung tâm cho hay: “Quy trình kiểm tra sức khỏe cho đàn hổ khá phức tạp, từ xét nghiệm, lấy mẫu, cân trọng lượng. Qua kiểm tra sức khỏe các cá thể hổ phát triển tốt, chứng tỏ điều kiện nuôi dưỡng đúng quy trình, đáp ứng tốt. Về thiết kế chuồng thì đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, có nơi ăn, ngủ, vui chơi, vận động cho đàn hổ”.
Chúng tôi đến một khu nuôi dưỡng mới, nằm sát con đường cạnh một khoảng rừng rộng, cây xanh tốt. “Đây là nhà ở mới của em Đô, bây giờ em nó đã nặng gần 150 ký rồi đó. Theo các chuyên gia đánh giá là hơi bị mập nên cần nhiều giá thể cho em nó vận động”, giọng chị Lê vẫn nhẹ nhàng bên tai.
Tôi bước lên đưa máy ảnh lên để ghi tấm hình chú hổ tên Đô. Máy chưa định được nét thì con hổ như một tia chớp vằn sáng lướt đến sát cánh cửa sắt. Không kiêng dè, chú đưa chân trước lên như bíu vào cánh cửa sắt làm tôi bất giác lùi lại. Hai giây đủ cho thời gian bốn mắt của người và hổ nhìn nhau. Tôi thấy một mũi dùi lạnh buốt kéo như ánh chớp từ đỉnh đầu xuống sống lưng. Lạnh toát…
Dù biết vẫn có cái cửa sắt, có cái ổ khóa to tướng, nhưng giây phút bất thần đối diện ánh mắt chúa sơn lâm làm tôi choáng đến nghẹn thở, tim như ngừng đập. Không thể chịu nổi, giây thứ 5 là cả người tôi bật như dây cung né sang một bên và tôi phóng ánh mắt nhìn lên núi, tìm đến màu xanh dịu chứ không phải là màu vàng có những vằn đen…
“Em ơi… ra đây chị cho ăn nào…”
Từ khi mới đưa đàn hổ về, các nhân viên cứu hộ, bác sỹ thú y của trung tâm cứu hộ đã được tập huấn quy trình chăm sóc, an toàn cho người và vật nuôi. Khi được hỏi chuyện, anh Cao Quý Hà, nhân viên cứu hộ, là những người được phân công nuôi dưỡng đàn hổ ngay từ đầu cho hay: “Hổ được ví như chúa tể sơn lâm, hung dữ bậc nhất, nhưng chúng tôi xem như bạn, đặt tình yêu thương giống như con, em của mình. Qua ánh mắt, cử chỉ của hổ đã nhận ra được điều thân thiện”, anh Hà nói.
Anh Hà dẫn chúng tôi đến tham quan khu vực "nhà ở” mới của 7 con hổ. Thấy người lạ, con hổ đầu chuồng có tên là Đô đứng lên nhìn một thoáng rồi vươn người phóng nhanh đến cánh cửa, một chân trước đưa lên víu vào cửa sắt. Con hổ cũng chẳng gầm gừ, nhưng nó cứ bíu chân trước lên cánh cửa, phút chốc lại lùi lại, đảo một vòng quanh chuồng, lại chợt phóng đến, chân víu lên.
Các động tác như thuần thục cứ lặp lại như thế đến mấy lần. Anh Hà bảo, khu nhà này là nơi nuôi dưỡng hai con hổ đực. Con hổ mới được đặt tên là Đô này khá điềm tĩnh, nó ít khi tỏ thái độ khó chịu và cũng hay vận động chứ ít khi nằm lì.
“Nếu thấy có người lạ là Đô sẽ đi tới đi lui và đưa chân trước lên như dọa một chút vậy đó. Nếu là người quen thì em nó lại đến nghiêng tai ra cửa ý chừng như muốn được gãi tai. Mỗi lần như vậy là anh em cũng cẩn thận gãi tai cho Đô. Quen dần nên em nó cũng hay làm nũng như vậy”, anh Hà bộc bạch thêm.
Đến giờ ăn, chị Lê đẩy xe đựng thức ăn gồm thịt bò, gà, thỏ, xương sườn lợn... Các loại thức ăn này đảm bảo sạch, được chia theo khẩu phần và thay đổi qua từng ngày. Lấy miếng thịt bò đưa vào phía trong cửa sắt, chị Lê gọi vừa đủ nghe: “Em ơi, ra ăn nào. Em ơi, ra ăn nào...”. Tuy nhiên thấy chúng tôi còn thấp thoáng ở ngoài nên Đô chưa mạnh dạn ra ngay mà cứ chạy tới lui thái độ chần chừ, cảnh giác.
Chị Lê lại ấm giọng: “Em ơi, người nhà cả đó, em ra ăn nào. Đô ơi người nhà đấy, em ra ăn đi, chị cho nào”. Chừng một phút sau, em Đô mới lướt đến bên cánh cửa, nó chưa chịu ăn miếng thịt bò ngay mà lại nghiêng người, cọ đầu vào cửa như muốn điều gì đó. Chị Lê đưa tai gãi nhẹ vào tai nó. Chỉ cần vậy là Đô xoay người ngoạm miếng thịt đi về góc chuồng ngồi xổm ăn bữa ngon lành.
Khi đến ngăn nuôi chú hổ thứ hai thì mọi việc lại khác. Thoáng thấy bóng chúng tôi, con hổ này cảnh giác lùi lại và chạy nấp khuất sau giá thể chứ không chịu ra ăn. Chị Lê lại nhẹ nhàng gọi: “Em ơi, em ơi...” đến cả chục lần mà nó vẫn chưa chịu ra. Chị quay lại nói với chúng tôi: “Con hổ này vẫn chưa bắt nhịp được ở nhà mới do vừa mới được di chuyển sang nên đang khó chịu. Khi thấy có điều gì đó khác thường là nó bỏ ăn ngay. Thôi các anh cứ tạm tránh đi nhé để cho em nó ăn kẻo cũng đang đói đấy”.
Sau khi di chuyển đàn hổ đến nơi ở mới, các nhân viên cứu hộ thường xuyên có mặt ở ngoài khu trại hơn. Họ nói chuyện với hổ như người trong nhà, ai cũng xưng hổ bằng “em”, “bạn”. Do chuyển chỗ ở nên hổ chưa quen với các giá thể ở đây và thái độ cũng thất thường. Các nhân viên phải nhận biết ánh mắt và cử chỉ biểu lộ của từng con hổ nói lên độ thân thiết với nhân viên. Anh Hà bảo: “Chúng em đến gần chuồng là phải cất tiếng gọi “em ơi, em à” để hổ không giật mình hoảng sợ. Hổ ở đây nhớ được từng giọng nói và khuôn mặt của nhân viên chăm sóc đó”.
Đón chúng tôi ở con đường, anh Nguyễn Ngọc Anh cho biết thêm, hàng ngày, nhân viên chăm sóc hổ nhẹ nhàng dùng cây cắp thức ăn thừa ra ngoài, cân số lượng và ghi chép cẩn thận, rồi phun nước rửa sạch chuồng, khay đựng nước uống, thức ăn.
“Phương thức bảo tồn của trung tâm là nuôi duy trì, bảo đảm đủ chất dinh dưỡng và phát triển giống như ngoài tự nhiên, không để hổ quá mập. Mỗi ngày cho hổ ăn hai lần, và thường xuyên thay đổi món ăn”, anh Anh cho hay.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Ban Quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết: “Sau gần 2 năm nuôi dưỡng, đàn hổ đang trong giai đoạn trưởng thành. Mỗi năm, chúng tôi phải chi khoảng 2 tỷ đồng tiền thức ăn cho cả đàn. Hiện VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đang phải liên kết với một số doanh nghiệp hảo tâm, yêu thích động vật hoang dã, hỗ trợ tiền thức ăn cho đàn hổ này”.
Được biết thời gian tới, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng sẽ tiếp tục thực hiện quy trình nuôi đàn hổ theo kiểu bán hoang dã. Việc 7 con hổ này có thả về rừng tự nhiên và có sinh sản được hay không cũng như việc thả hổ về rừng có ảnh hưởng đến an toàn cho du khách hay không. Tất cả những câu hỏi này phải được trả lời bằng công trình nghiên cứu khoa học mới đưa ra quyết định”, ông Phạm Hồng Thái nói.