| Hotline: 0983.970.780

Chuyện về những tỷ phú Trung Quốc

Thứ Hai 29/03/2010 , 10:14 (GMT+7)

Những tỷ phú nước láng giềng của chúng ta làm cách nào mà giầu thế? Loạt bài này sẽ trả lời phần nào câu hỏi đó.

Theo bình chọn của Tạp chí Forbes (Mỹ), năm 2009, lần đầu tiền Trung Quốc đại lục có số lượng tỷ phú đô la nhiều thứ 2 thế giới (sau Mỹ), với 64 người. Vậy, những tỷ phú nước láng giềng của chúng ta làm cách nào mà giầu thế? Loạt bài này sẽ trả lời phần nào câu hỏi đó.

“Kỹ thuật cuồng nhân” Vương Truyền Phúc

Vương Truyền Phúc - Người giầu nhất TQ

Nắm trong tay hàng tỷ USD, làm tổng giám đốc một Cty lớn với hàng ngàn nhân viên. Giàu có, nổi tiếng, quyền uy, Vương Truyền Phúc được coi là hình mẫu tiêu biểu của giới kỹ thuật và doanh nhân Trung Quốc. Nhiều tờ báo gọi Vương là “Kỹ thuật cuồng nhân” – người say mê và có kiến thức kỹ thuật hơn người! 

Xây ước mơ của các bạn 

Tháng 2/1995, Vương vay họ hàng 300.000 USD để thành lập Cty BYD, chuyên sản xuất pin và pin sạc điện thoại. BYD là chữ viết tắt của Build Your Dream (Xây ước mơ của các bạn). Khi đó, thị trường pin Trung Quốc đang là sân chơi riêng của người Nhật, Vương đặt kế hoạch cho mình phải là Cty số một về pin không những của Trung Quốc mà còn vươn tầm châu Á.

Xuất thân là chuyên gia vật lý, thạc sỹ công nghệ sản xuất pin, Vương cho rằng: “Cái gì người ta làm được, mình cũng làm được. Cái gì người ta không dám nghĩ thì mình nghĩ”. Lúc Cty mới thành lập, Vương vừa tròn 29 tuổi, vị giám đốc trẻ luôn nhắc nhở nhân viên của mình: “Hãy coi các chuyên gia châu Âu và Nhật Bản như những con hổ giấy. Chúng ta nhất định vượt trên họ”.

Giống như các Cty khác, công nghệ sản xuất pin Nikel – Cadmium của Cty BYD cần nhiều nguyên liệu phụ. Tuy nhiên, Vương không chọn cách nhập khẩu thiết bị, máy móc nước ngoài, mà tận dụng tối đa máy móc hiện có. Đồng thời, BYD bắt tay với các Cty sản xuất nguyên liệu, nghiên cứu kỹ các thương hiệu nổi tiếng thế giới, tự mày mò chế tạo nguyên liệu phục vụ cho BYD. Bằng cách này, mỗi năm Vương tiết kiệm được hàng chục triệu nhân dân tệ (NDT) tiền nhập khẩu nguyên liệu.

Cuối năm 1995, BYD tung sản phẩm sang thị trường Đài Loan chào hàng. Ưu thế chất lượng và giá thành khiến pin của hãng ngay lập tức nhận được hàng loạt đơn đặt hàng. Hai năm sau, BYD từ một Cty vô danh đã được xếp hạng Cty hạng trung ở TQ với doanh thu 100 triệu NDT mỗi năm.

Năm 1997, khi nhiều nước chịu ảnh hưởng từ cơn bão tài chính Đông Nam Á thì BYD lại không ngừng lớn mạnh do giữ ưu thế giá thành thấp hơn nhiều so với các thương hiệu khác. Lúc này, pin BYD đã chiếm 40% thị phần trên thị trường thế giới.

BYD mở rộng hoạt động sang lĩnh vực ô tô từ năm 2003, xây dựng một nhà máy lắp ráp rộng 1,5 triệu mét vuông và tuyển dụng một nhóm thiết kế ô tô đã qua đào tạo tại Ý. Mặc dù ô tô động cơ xăng truyền thống của BYD bán khá chạy tại TQ, nhưng như thế chưa đủ với tham vọng của Vương, khi mục tiêu ông nhắm tới là xe hybrid.

Theo Tạp chí Tài chính TQ, năm 2009, ước tính giá trị tài sản của BYD do Vương đứng đầu là xấp xỉ 40 tỷ NDT. Nói về thành công của mình, Vương cho biết: “Tôi từ khi bắt đầu lập nghiệp tới nay, luôn nghĩ rằng mình cần phải cố gắng thực hiện ước mơ của mình. Khi ước mơ thành hiện thực, tiền bạc sẽ tự nhiên mà đến thôi!”. 

Phải giỏi hơn người khác

Bài học về thành công của Vương đang cực kỳ “nóng” tại TQ, khi mà ai cũng biết ông xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo khó.

Ngày 15/2/1966, tại một ngôi làng nhỏ ở tỉnh An Huy, cậu bé Vương Truyền Phúc cất tiếng khóc chào đời. Vương có 5 người chị, một anh trai và một em gái. Cả gia đình mười miệng ăn trông vào người cha làm thợ mộc, mẹ nội trợ, đồng áng.

Năm Vương 13 tuổi, cha anh lâm bệnh qua đời, kinh tế gia đình từ đó ngày càng đi xuống. Những người chị lần lượt đi lấy chồng, em gái phải gửi nhờ người khác nuôi. Anh ruột là Vương Truyền Phương phải bỏ học để san sẻ gánh nặng gia đình cùng mẹ. Tuy thế, mọi người trong nhà kiên quyết yêu cầu Vương Truyền Phúc tiếp tục học, học giỏi hơn nữa.

Người trong làng kể lại, đứa trẻ Vương khi đó rất ít khi chơi bời, tụ tập cùng bạn bè. Phần lớn thời gian được Vương dành cho việc học, đọc sách. Gia cảnh khó khăn khiến Vương ý thức được, kỳ vọng của mọi người đặt vào mình rất lớn. Sau này, Vương kể lại: “Tôi biết cha mẹ, anh chị em luôn muốn tôi học giỏi. Học để sau này mở mày mở mặt, hơn nữa, càng nghèo càng phải cố gắng vượt lên hoàn cảnh, cha mẹ dạy chúng tôi như thế. Khi cha mất, tôi nghĩ, nhà mình khó khăn như vậy, thì mình phải luôn luôn giỏi hơn người khác!”.

Năm Vương 15 tuổi, mẹ anh đột ngột từ trần đúng lúc Vương đang thi tốt nghiệp cấp 2. Tang lễ khiến anh phải nghỉ thi một vài môn, không đủ điểm vào trường trung học chuyên nghiệp, được coi là lựa chọn rất “mốt” thời kỳ đó, Vương đành học ở một ngôi trường mới thành lập trong huyện.

Bắt đầu từ cấp 3, Vương học nội trú, mỗi tuần về nhà xin anh và chị dâu 10 NDT sinh hoạt phí. Có lần nhà không còn tiền, chị dâu đi vay mượn khắp nơi được gần… 5NDT cho Vương. Nhưng dù thiếu thốn như thế, năm 1985, Vương vẫn đỗ vào Đại học Công nghiệp Trung Nam, khoa Vật lý luyện kim.

Ở trường, anh là một trong những sinh viên có thành tích học tập xuất sắc. Nhưng Vương nổi tiếng nhất với tài khiêu vũ, bạn bè trong trường tặng anh danh hiệu “bậc thầy khiêu vũ”. Nhiều nhà báo nghiên cứu tư liệu về cuộc đời Vương đã ví von: “Anh ta là người ưa hoạt động, luôn cố gắng vượt lên đám đông. Đây là một trong những lý do khiến sau này Vương Truyền Phúc làm mưa làm gió trên thương trường!”.

Đến năm 1990, Vương đã là thạc sỹ chuyên ngành pin, pin sạc điện thoại. Hai năm sau, anh được bổ nhiệm làm Phó chủ nghiệm phòng nghiên cứu công nghệ pin. Năm năm sau, nhận thấy TQ quá phụ thuộc vào công nghệ pin nước ngoài, trong khi nhân lực, vật lực dư thừa, Vương quyết định thành lập Cty BYD để rồi sau này trở thành một trong những Cty sản xuất pin hàng đầu thế giới.

Suốt quá trình học tập, làm việc của mình, bí quyết của Vương Truyền Phúc chỉ một câu ngắn gọn: “Phải giỏi hơn người khác!”. (Còn nữa)

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm