| Hotline: 0983.970.780

Chuyện về ‘vua ngô giống’ Trình Tương Văn

Chủ Nhật 27/06/2021 , 09:51 (GMT+7)

Ở tuổi 85, nhà khoa học cả đời nghiên cứu ngô Trình Tương Văn hy vọng sẽ có thêm nhiều người trẻ dấn thân vào lĩnh vực nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực.

Hơn 50 năm trên đồng ngô

Tự tay đi đặt những túi phấn hoa lên từng cờ ngô là công việc mà kỹ sư nông nghiệp Trình Tương Văn thường ngày trong hơn nửa thế kỷ. Đó là một kỹ năng cơ bản nhưng lại vô cùng quan trọng của người làm công tác nghiên cứu giống ngô và công việc này của ông Trình đã mang lại lợi ích cho nông dân và cả nền kinh tế.

Giáo sư Trình Tương Văn giới thiệu giống ngô mới với Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhân chuyến tham quan của nhà lãnh đạo Trung Quốc tại Viện nghiên cứu ngô do ông Trình lãnh đạo hồi năm 2011. Ảnh: THX

Giáo sư Trình Tương Văn giới thiệu giống ngô mới với Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhân chuyến tham quan của nhà lãnh đạo Trung Quốc tại Viện nghiên cứu ngô do ông Trình lãnh đạo hồi năm 2011. Ảnh: THX

Giáo sư Trình Tương Văn và các đồng nghiệp của ông thường phải làm việc hơn 10 giờ mỗi ngày trong khoảng thời gian thụ phấn cho ngô ngay giữa thời tiết nóng ẩm. Ông nói: “Đây chính là thời điểm quan trọng nhất để nhân giống ngô. Nếu công đoạn này bị trì hoãn, công sức của cả năm coi như bằng không vì để lai tạo ra một dòng ngô mới thường phải cần ít nhất từ 8 đến 10 năm".

Và giờ đây, thành quả lao động chăm chỉ và cống hiến trọn đời của ông Trình Tương Văn đã được ghi nhận ở cấp độ cao nhất- ông vừa được nhận được Giải thưởng Quốc gia về Tiến bộ Khoa học và Công nghệ trong lai tạo giống ngô.

Nhà khoa học kỳ cựu này cũng từng nhiều năm liền đứng đầu Học viện Khoa học Nông nghiệp thành phố Hạc Bích, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Tuy nhiên khi được phỏng vấn, “vua ngô giống” Trình Tương Văn chỉ khiêm tốn nhận xét: “Tôi chỉ là một công nhân làm ruộng, và tất cả những gì tôi đạt được là lai tạo ra những giống ngô được nông dân chấp nhận”.

Theo các quan chức nông nghiệp, giống ngô lai Xundan 20 của ông Trình được ngành nông nghiệp công nhận vào năm 2003, nay đã trở thành một trong những giống được trồng nhiều nhất ở Trung Quốc.

Tang Quanhe, một nông dân ở ngoại ô thành phố Hạc Bích, người đã trồng 1.200 mu ngô (80 ha) từ năm 2006 đến nay, nói rằng giống ngô của ông Trình năm nào cũng cho lợi nhuận cao nhất.

"Trước đây, tôi đã trồng nhiều giống ngô khác nhau và năng suất trung bình chỉ đạt khoảng 650 kg/mu, nhưng kể từ khi tôi chuyển sang trồng các giống ngô do giáo sư Trình phát triển, sản lượng đã đạt hơn 800 kg/mu và mức thu nhập của tôi đã đạt mốc 500.000 nhân dân tệ (79.000 USD) vào năm 2011”, ông Tang kể và cho biết thêm hiện nông dân trong làng đều đang trồng các giống ngô mới.

Ông Trình thừa nhận rằng, việc lai tạo ra một giống ngô xuất sắc không hề đơn giản, ngốn mất nhiều thời gian và công sức. “Mỗi khi thời tiết thay đổi đột ngột, có gió mạnh hoặc mưa lớn, chúng tôi đều phải ra đồng kiểm tra và so sánh kỹ lưỡng từng đặc tính của các chủng giống trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt để tìm ra ưu nhược điểm của chúng”, ông Trình cho hay.

Nhằm tận dụng hết quỹ thời gian của mình, nhà khoa học Trình Tương Văn đã ví mình giống như loài chim di cư kể từ năm 1963 - ở Hà Nam trong suốt mùa xuân và mùa hè và sau đó di chuyển đến đảo Hải Nam ở miền Nam Trung Quốc vào mùa thu và mùa đông. Lý do là thời tiết ấm áp ở đó có thể mang lại cho ông hai vụ thu hoạch ngô, điều mà ở quê nhà tỉnh Hà Nam không thể có được.

Kỹ sư Trình Tương Văn bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu ngô vào năm 1963, sau khi ông tốt nghiệp trường cao đẳng nông nghiệp địa phương và trở thành kỹ thuật viên tại một trang trại ở huyện Xunxian, nơi mà nông dân ở đó chỉ có thể đạt khoảng 100 kg ngô/mu vào thời điểm đó.

Sự nghiệp nghiên cứu miệt mài hơn 50 năm của ông đã được đền đáp, với thành quả lai tạo thành công tổng cộng 39 giống ngô khác nhau, trong đó nổi bật nhất là giống ngô Xundan 20 đạt năng suất cao hơn bất kỳ dòng nào khác. Còn nhớ, giống ngô đầu tiên mà ông Trình phát triển đã giúp nông dân làng Xunxian nâng sản lượng ngô từ 750 kg lên 3,75 đến 4,5 tấn/ha. Và con số này sau đó đã tăng liên tục lên khoảng 7,5 tấn/ha trong những năm đầu tiên của thế kỷ này.

Mong ước cuối đời

Tuy nhiên, mặc dù sản lượng ngô vẫn tăng liên tục ở trong nước nhưng nhu cầu ngô của cả nước vẫn tăng vọt trong những năm gần đây cùng với sự phát triển của chăn nuôi gia súc. Trung Quốc đã từng là nước xuất khẩu ngô trong gần 30 năm cho đến năm 2008, khi nước này bắt đầu phải nhập khẩu loại lương thực này.

Dù đã nghỉ hưu 5 năm nhưng hiện 'vua ngô giống' Trình Tương Văn vẫn gắn bó với sự công việc nghiên cứu ngô nhằm gia tăng năng suất. Ảnh: Chinadaily

Dù đã nghỉ hưu 5 năm nhưng hiện "vua ngô giống" Trình Tương Văn vẫn gắn bó với sự công việc nghiên cứu ngô nhằm gia tăng năng suất. Ảnh: Chinadaily

Một kỷ niệm xúc động, gần như thôi thúc được ông Trình kể lại rằng hồi mới ra trường ông đến ngôi làng nghèo Xingzhuang ở thị xã Juqiao để kiểm tra ngô phát triển thế nào, thì có một người phụ nữ đến gần với đôi mắt ngấn lệ và nói: "Anh là sinh viên đại học mà không thể tìm đường cho chúng tôi cách nào để tăng năng suất ngô thì chúng tôi làm sao có đủ bánh ngô hấp cho bọn trẻ con đây?"

Số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, lượng nhập khẩu ngô của Trung Quốc là 3 triệu tấn vào năm 2012 và đã tăng lên 16 triệu tấn vào năm 2020.

Trước tình thế này, ông Trình cho rằng các nhà khoa học nông nghiệp của chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để tạo ra những giống ngô tốt hơn, đồng thời cam kết sẽ bắt kịp các cộng sự Mỹ khi họ đã đạt sản lượng ngô cao nhất trong phòng thí nghiệm là 1.800 kg/mu, trong khi kỷ lục cao nhất của ông là 1.500 kg/mu.

Ở tuổi ngoại bát tuần, điều khiến “vua ngô giống” lo lắng nhất hiện nay không phải là thiếu hạt giống tốt mà chính là việc hầu hết nam thanh niên nông thôn đều từ bỏ công việc đồng áng để trở thành công nhân nhập cư vào các đô thị.

Nhà khoa học có 57 năm gắn bó với cây ngô chia sẻ: "Tôi sẽ không tiếc công sức để hoàn thành nhiệm vụ của mình với tư cách là một nhà nghiên cứu".

Sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn, nên ông Trình cho biết ông sẽ không bao giờ quên những cảnh đó, và nó chính là nỗi ám ảnh để ông quyết tâm theo đuổi công việc nghiên cứu ra những giống ngô năng suất cao.

Ngày nay, hạt giống ngô của giáo sư Trình đã được trồng trên hơn 20 triệu ha đất nông nghiệp trên toàn quốc và tạo ra doanh thu hơn 27 tỷ nhân dân tệ (4,2 tỷ USD).

Phát biểu trước truyền thông tại lễ vinh danh vừa qua, giáo sư Trình Tương Văn cho biết sự bùng phát của đại dịch coronavirus đã làm đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu, và cho thấy tầm quan trọng của an ninh lương thực. Ông luôn coi hạt giống chất lượng cao là "vi mạch" của nền nông nghiệp và hy vọng sẽ có nhiều người trẻ thành công trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ nông nghiệp.

Ông Trình nghỉ hưu năm 2016 ở tuổi 80 nhưng hiện vẫn duy trì các dự án nghiên cứu, trong đó có cánh đồng ngô rộng 0,6 ha ở đảo Hải Nam. "Tôi đã nghiên cứu về cây ngô trong suốt cuộc đời mình. Nó đã trở thành một phần của tôi. Những khi tôi không thể nhìn thấy ngô, tôi cảm thấy bất an", ông Trình chia sẻ.

(THX, Chinadaily)

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Vacxin Tembusu nhập khẩu chính ngạch đầu tiên về Việt Nam được đánh giá bài bản

Việc cho phép nhập khẩu vacxin Tembusu chính ngạch giúp người chăn nuôi thủy cầm có một công cụ quan trọng để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Mưa dông khiến nhiều diện tích sầu riêng bị gãy đổ, rụng quả la liệt

Những cơn mưa dông đầu mùa đã khiến nhiều diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị gãy đổ, quả rụng la liệt trước sự bất lực của người dân.

Lúa cỏ có ảnh hưởng đến ngành lúa gạo Việt Nam?

Cần xây dựng một chương trình dài hạn 15 năm (2030 - 2045) về 'Thực trạng và nguy cơ lúa cỏ ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam'.