| Hotline: 0983.970.780

Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp: Đồng bộ như thế nào?

Thứ Ba 23/06/2020 , 19:32 (GMT+7)

Cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp là hướng đi tất yếu, nhưng đồng bộ như thế nào, cần làm gì trước để đạt hiệu quả cao nhất?

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hồng Thủy.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hồng Thủy.

Đó là nội dung chính trong buổi Hội thảo về Cơ giới hóa đồng bộ nông nghiệp diễn ra tại TP.HCM ngày 23/6. Hội thảo do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam và ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn chủ trì.

Cùng tham dự có các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo, chế tạo máy nông nghiệp và các doanh nghiệp trong cả nước.

Theo Bộ NN-PTNT, những năm qua, cơ giới hóa nông nghiệp ngày một tăng nhanh. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt, làm đất lúa đạt 95%; gieo trồng đạt 42%; chăm sóc, bảo vệ thực vật và các cây trồng khác 77%; thu hoạch lúa đạt 70%.

Nhờ đó, đã nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao.

Trong đó, nổi bật là hệ thống trang bị động lực, số lượng, chủng loại máy, thiết bị nông nghiệp tăng nhanh. So với 10 năm trước, số lượng máy kéo cả nước tăng 48%, máy gặt đập liên hợp tăng 79%; máy sấy nông sản tăng 29%.

Đến nay, ngành cơ khí trong nước đã sản xuất được động cơ, máy kéo công suất đến 30 mã lực (HP), chiếm hơn 30% thị phần trong nước; máy liên hợp gặt lúa chiếm 15% thị phần. Cả nước hiện có 7.803 doanh nghiệp cơ khí (có 95 doanh nghiệp có vốn hơn 500 tỷ đồng) và gần 100 cơ sở chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp.

Cơ giới hóa nông nghiệp đã giải quyết khâu lao động nặng nhọc, tính thời vụ, đồng thời thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất, hình thành các tổ chức dịch vụ ở nông thôn. Điển hình như hình thành nhiều mô hình liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân sản xuất trên cánh đồng lớn kết hợp các dịch vụ làm đất, cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, sấy khô, cho thuê kho bảo quản...

“Việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg đã góp phần nâng cao mức độ cơ giới hóa và khuyến khích thúc đẩy các cơ sở cơ khí chế tạo máy nông nghiệp đầu tư chiều sâu, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng máy móc, thiết bị sản xuất có hiệu quả.

Thủ tướng đã ban hành dự thảo Nghị định về đẩy mạnh cơ giới hoá đồng bộ trong nông nghiệp. Nghị định ra đời sẽ có nhiều hỗ trợ thuận lợi hơn cho người nông dân và cả doanh nghiệp nông nghiệp”, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn nói.

Nông dân Đồng Tháp thu hoạch lúa bằng máy liên hợp. Ảnh: Hồng Thủy. 

Nông dân Đồng Tháp thu hoạch lúa bằng máy liên hợp. Ảnh: Hồng Thủy. 

Tuy nhiên, mức độ cơ giới hóa cũng chưa đồng đều ở các khâu, các lĩnh vực. Cụ thể, mới tập trung chủ yếu vào làm đất, chăm sóc lúa, mía; thu hoạch lúa. Ở nhiều khâu, mức độ cơ giới hóa còn thấp, như chăm sóc cây ăn quả, thu hoạch mía, cà phê.

Riêng đối với lĩnh vực lâm nghiệp, hiện vẫn có tới 70% khối lượng công việc làm thủ công, áp dụng cơ giới hóa chỉ mới thực hiện hai khâu chặt hạ và vận chuyển, còn nhiều khâu sản xuất quan trọng chiếm tỷ lệ khối lượng công việc lớn như trồng, chăm sóc, chữa cháy, bốc xếp thì tỷ lệ cơ giới hóa thấp.

Trang bị động lực máy nông nghiệp Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực, mới đạt trung bình 1,6 mã lực (HP)/ha canh tác, thấp hơn nhiều so với Thái Lan 4 HP/ha, Trung Quốc 8 HP/ha, Hàn Quốc 10 HP/ha.

Trong khi đó, ngành cơ khí chưa đáp ứng được nhu cầu cơ bản về máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp về chủng loại, số lượng cũng như chất lượng máy.

Hiện nay, Việt Nam phải nhập khẩu gần 70% máy móc nông nghiệp từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Ngoài ra, còn phải kể đến cơ chế hỗ trợ tín dụng đầu tư phát triển cho các cơ sở chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp chưa thật sự hấp dẫn.

Trước thực tế đó, để đạt mục tiêu đến năm 2030, mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp đạt từ 80 đến 100%; công suất máy trang bị bình quân cả nước đạt từ 5 đến 6 HP/ha… là điều không dễ dàng. Chính vì vậy, thời gian tới cần nhiều giải pháp đồng bộ và triển khai hiệu quả từ các địa phương.

Theo Bộ NN- PTNT, cần sớm đầu tư nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phù hợp việc đưa máy móc, thiết bị vào phục vụ sản xuất. Chú trọng xây dựng các cánh đồng cơ giới hóa đồng bộ ở những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, với các cây trồng chính như lúa, rau màu...

Đồng thời hình thành các tổ chức dịch vụ cơ giới hóa, phân công lại lao động để nâng cao hiệu quả áp dụng cơ giới hóa. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công nghiệp chế tạo máy, thiết bị phục vụ nông nghiệp đồng thời với việc đào tạo nhân lực cho lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp.

Nhà giáo nhân dân Phan Hiếu Hiền: 'Cần đầu tư chế tạo máy nông nghiệp 'Made in Việt  Nam', phục vụ sản xuất nông nghiệp trong nước, để không phải nhập máy cũ từ nước ngoài'. Ảnh: Hồng Thủy.

Nhà giáo nhân dân Phan Hiếu Hiền: "Cần đầu tư chế tạo máy nông nghiệp "Made in Việt  Nam", phục vụ sản xuất nông nghiệp trong nước, để không phải nhập máy cũ từ nước ngoài". Ảnh: Hồng Thủy.

Mục tiêu đến năm 2030, những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung đều được cơ giới hóa đồng bộ và tiến tới tự động hóa.

Trong lĩnh vực trồng trọt, tỷ lệ áp dụng máy ở khâu chăm sóc đạt 95% và khâu thu hoạch đạt 90% đối với các sản phẩm cây trồng chủ lực quốc gia. Lĩnh vực lâm nghiệp, tại các vùng trồng rừng tập trung, quy mô lớn có áp dụng máy móc các khâu làm đất đạt 75%, trồng cây đạt 50%, phòng trừ sâu bệnh và phòng, chống cháy rừng đạt 90%, thu hoạch đạt 50%.

Trong lĩnh vực thủy sản, đối với nuôi trồng thủy sản ở các ao nuôi quy mô công nghiệp đạt 90% diện tích sử dụng máy móc. Riêng về đánh bắt hải sản, tăng số lượng tàu khai thác hải sản trên biển có công suất hơn 90CV lên 50 nghìn chiếc.

Phát biểu tại hội thảo, Nhà giáo nhân dân Phan Hiếu Hiền, nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng và Máy nông nghiệp - Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, người đưa máy sấy thương hiệu Việt xuất ngoại, nêu quan điểm: “Cơ giới hoá tức là dùng máy móc thay con người. Nhưng những khâu nào cần đồng bộ, khâu nào không? Và nên đầu tư cho khâu chế tạo máy móc cơ giới hóa. Vì giá thành rẻ, đáp ứng nhanh và phù hợp với môi trường đồng ruộng Việt Nam hơn.

Theo tôi, đồng bộ khâu chế biến, sau thu hoạch thì được. Còn đồng bộ cơ giới hóa ngoài đồng ruộng thì chúng ta cần nghiên cứu kỹ.

Ví dụ, máy móc đưa cho hộ cá nhân thì họ làm rất tốt, nhưng đưa vào hợp tác xã thì sử dụng 100 giờ là hư. Nhiều nước có nền nông nghiệp tiên tiến, họ cũng chỉ có hợp tác xã trong khâu chế biến, tiêu thụ chứ không có hợp tác xã ngoài đồng”.

“Buổi hội thảo nhằm góp ý cho dự thảo Nghị định về đẩy mạnh cơ giới hoá đồng bộ trong nông nghiệp của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi Nghị định chính thức ban hành, nông dân, doanh nghiệp dịch vụ nông nghiệp sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong cơ giới hóa đồng bộ nông nghiệp”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.