| Hotline: 0983.970.780

Có hồ sơ khống trong vụ phá rừng phòng hộ Ngọc Thanh

Thứ Ba 14/07/2020 , 16:43 (GMT+7)

Nguyên nhân của việc lập hồ sơ khống có thể xuất phát từ thời điểm thực hiện Nghị định 02 về việc giao khoán rừng, đất lâm nghiệp cho các hộ dân.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Kiểm lâm Vĩnh Phúc. Ảnh: HA.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Kiểm lâm Vĩnh Phúc. Ảnh: HA.

Liên quan đến vụ việc ông Dương Văn Trần (xã Ngọc Thanh, Thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) xâm phạm, tàn phá diện tích lớn rừng phòng hộ ở địa bàn xã này, trao đổi với PV NNVN, ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Vĩnh Phúc cho biết: Đối với vụ việc phá rừng phòng hộ ở xã Ngọc Thanh chúng tôi đã chỉ đạo xử lý. Cá nhân ông Dương Văn Trần đã có nhiều lần vi phạm, thậm chí từng có dấu hiệu hình sự, cơ quan công an cũng đã vào cuộc điều tra nhưng không khởi tố.

Hành vi của ông Dương Văn Trần lặp đi lặp lại nhiều lần. Đầu năm 2020, Chi cục Kiểm lâm Vĩnh Phúc có văn bản đề nghị UBND thành phố Phúc Yên kiểm tra xử lý thông tin tố cáo ông Trần “đang cướp đất rừng của nhiều người dân và sau đó được cơ quan kiểm lâm bao che, chặt phá rừng tự nhiên, cho các loại máy ủi, máy xúc đào bới làm thay đổi hiện trạng rừng”.

Theo ông Hùng, qua kết quả kiểm tra, xác minh ngày 6/4/2020 của Tổ xác minh thì người bị tố cáo là ông Dương Văn Trần đã có hành vi chặt, phát cây trên diện tích rừng là có cơ sở.

Tuy nhiên, quá trình kiểm tra, xác minh, đã từng có chuyện ông Dương Văn Trần cho người cản trở. “Hiện chúng tôi đang chỉ đạo kiên quyết không cho bất cứ ai thực hiện các hành vi gây ảnh hưởng đến rừng phòng hộ. Cần thiết sẽ kiến nghị thu hồi rừng vì không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao khoán. Ngày 15/7 này phải có tất cả báo cáo liên quan đến vụ việc”.

Ông Hùng cũng khẳng định, trách nhiệm trước hết phải thuộc về chủ rừng. Việc thực hiện hợp đồng giao khoán đã có các chế độ do nhà nước chi thông qua Ban quản lý dự án ở Thành phố Phúc Yên. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập đến việc số tiền đó đi đâu khi mà chủ rừng xác định không nhận thì ông Hùng trả lời không biết.

Về trách nhiệm của kiểm lâm, theo Chi cục trưởng Kiểm lâm Vĩnh Phúc, lực lượng kiểm lâm vẫn kiểm tra thường xuyên, còn theo chu kỳ thì 5 năm rà soát một lần, tuy nhiên lực lượng kiểm lâm mỏng nên việc thực hiện khá khó khăn.

Tiếp tục tìm hiểu về vụ phá rừng phòng hộ ở xã Ngọc Thanh, Báo NNVN nhận thấy có những dấu hiệu rõ ràng về việc lập hồ sơ không trong việc giao đất, giao rừng đến người dân.

Tại buổi làm việc với Báo NNVN, ông Lý Văn Lương khẳng định: Trong hồ sơ giao đất đúng là đứng tên tôi nhưng thực tế tôi không hề có đơn xin nhận giao đất lâm nghiệp, cũng không phải là chủ rừng.

“Ở đây có tình trạng khi giao đất lâm nghiệp, người có đất thì không có quyết định, người có quyết định thì không có đất, không phải riêng tôi mà có nhiều trường hợp như thế.  Rất nhiều và rất lộn xộn. Đến khi nẩy sinh các vấn đề tranh chấp, rà soát lại hồ sơ thì thấy giao cho ông Lý Văn Lương nhưng thực tế tôi khẳng định các lô rừng 35A và 38 không phải của tôi. Tôi cũng không hề chuyển nhượng diện tích rừng trên với ai cả”, ông Lương trao đổi với NNVN.

Sau khi phát hiện ra có tên nhưng không có rừng, ông Lý Văn Lương đã 3 lần làm đơn gửi UBND xã ngọc Thanh và UBND Thành phố Phúc Yên đề nghị UBND Thành phố Phúc Yên thu hồi và hủy bỏ quyết định 229/QĐ-UBND ngày 20/12/1996 của UBND huyện Mê Linh.

Theo ông Lương, bộ hồ sơ ông đứng tên bao gồm: Quyết định giao rừng và đất lâm nghiệp của UBND huyện Mê Linh, đơn xin nhận đất lâm nghiệp, khế ước giao rừng tự nhiên, khế ước giao rừng trồng, biên bản giao nhận đất lâm nghiệp tại thực địa, biểu thống kê số lượng, chất lượng rừng…

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh viết trong đơn: Thực tế tôi không làm đơn xin nhận đất lâm nghiệp, không ký tại các giấy tờ, hồ sơ, đồng thời không quản lý và sử dụng diện tích các lô nêu trên.

Cũng theo ông Lương, nguyên nhân của bộ hồ sơ khống này có thể xuất phát từ thời điểm thực hiện Nghị định 02 về việc giao khoán rừng, đất lâm nghiệp, phải làm sao đó để giao hết diện tích rừng tại địa phương cho người dân

Điều khó hiểu là ông Lý Văn Lương đã có đơn đến lần thứ 3 nhưng UBND Thành phố Phúc Yên vẫn chưa giải quyết.

Ông Lý Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh. Ảnh: HA.

Ông Lý Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh. Ảnh: HA.

Trước đó, ngày 10/7/2020, Báo NNVN có bài viết Ai là 'ông trời con' tàn phá rừng phòng hộ xã Ngọc Thanh? phản ánh tố cáo khẩn cấp của nhiều hộ dân ở xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc về việc ông Dương Văn Trần, một người dân tại địa phương này đã có những hành vi phá, hủy hoại hàng trăm ha rừng phòng hộ tại khu vực Đá Bia, xã Ngọc Thanh.

Trong số diện tích rừng phòng hộ Ngọc Thanh bị tàn phá có cả phần diện tích trong số 55,2 ha (chủ yếu là rừng tự nhiên) do gia đình ông Lý Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh nhận giao khoán

Việc người dân tố cáo ông Dương Văn Trần phá rừng diễn ra từ năm 2012 khi  Doanh nghiệp tư nhân Duy Thông do ông làm Giám đốc đã có những hành vi tổ chức chặt phá, đốt rừng phòng hộ tại khu vực Đá Bia. Hành vi của ông Trần diễn ra trong một thời gian dài và lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng chỉ bị cơ quan chức năng ở Vĩnh Phúc xử lý về mặt hành chính khiến người dân địa phương cho rằng đã có sự bao che.

Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Phúc Yên trả lời NNVN về vụ phá rừng phòng hộ Ngọc Thanh: Hiện UBND Thành phố Phúc Yên đã giao Công an thành phố Phúc Yên, Hạt Kiểm lâm thành phố Phúc Yên và UBND xã Ngọc Thanh kiểm tra, làm rõ, có kết quả báo cáo trước ngày 20/7/2020.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.