| Hotline: 0983.970.780

Cơ hội nào cho gạo Việt Nam?

Thứ Sáu 28/06/2019 , 08:32 (GMT+7)

5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo giảm cả về lượng và giá trị do những khó khăn về thị trường. Dự báo trong nửa cuối năm, xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục gặp khó. Tuy nhiên, vẫn có những cơ hội cho gạo Việt Nam.

Thu hoạch lúa ở ĐBSCL.

Theo ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo đạt 2,76 triệu tấn, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2018, trị giá đạt khoảng 1,18 tỷ USD, giảm 20,4%.

Xuất khẩu gạo trong nửa đầu năm nay gặp khó vì thiếu hợp đồng tập trung với khối lượng lớn để dẫn dắt thị trường. Đây cũng là một áp lực cho việc tiêu thụ lúa gạo vụ hè thu trong thời gian tới.

Các thị trường nhập khẩu gạo lớn, truyền thống như Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh đều đồng loạt giảm nhập khẩu trong nửa đầu năm và dự báo sẽ là cả năm 2019 với những lý do khác nhau: Tồn kho vụ cũ cao ở Trung Quốc, năm bầu cử ở Indonesia hay khôi phục sản xuất sau lũ lụt ở Bangladesh.

Sự sụt giảm nhập khẩu cùng lúc từ 3 thị trường nói trên đã làm cho kết quả xuất khẩu gạo của 3 nước xuất khẩu hàng đầu là Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam đều khá ảm đạm. Việt Nam nhờ có sự tăng trưởng mạnh từ thị trường Philippines (đạt 1,064 triệu tấn; trị giá 423 triệu USD; tăng tới 296,6% về lượng và 239,5% về giá trị) nên lượng gạo xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm tuy có giảm nhưng đã không bị giảm mạnh như một số nước khác.

Những khó khăn về mặt thị trường đã tác động không nhỏ tới tình hình tiêu thụ và giá lúa hàng hóa ở ĐBSCL. Ông Phạm Thiện Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết, hiện giá lúa hè thu IR50404 tại ruộng trên địa bàn tỉnh này chỉ còn 3.800 đồng/kg, giảm tới 1.500 đồng/kg so với cùng kỳ 2018.

Nhận định về thị trường trong nửa cuối năm 2019, bà Bùi Thị Thanh Tâm, TGĐ TCty Lương thực Miền Bắc, cho rằng, xuất khẩu gạo vẫn sẽ tiếp tục khó khăn bởi nhu cầu trên thế giới vẫn thấp. Trong khi đó, gạo Việt Nam không chỉ phải cạnh tranh ngày càng gay gắt với những đối thủ truyền thống như Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan… mà còn phải cạnh tranh với cả những đối thủ mới như Myanmar. Đặc biệt là cạnh tranh với Trung Quốc khi nước này dù vẫn đang nhập khẩu với số lượng lớn, lại cũng đẩy mạnh xuất khẩu gạo tồn kho giá rẻ sang châu Phi.

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cũng cho rằng trong những tháng tới, nhu cầu trên thị trường gạo thế giới sẽ tiếp tục yếu, khi mà trong thời gian qua, nhiều nước nhập khẩu đã gia tăng khả năng tự túc lương thực, đồng thời sản lượng tăng ở nhiều nước xuất khẩu.

Tồn kho gạo của Trung Quốc đã tăng từ 76 triệu tấn mùa vụ năm 2014/2015 lên 113 triệu tấn mùa vụ 2018/2019, kéo theo tỷ lệ tồn kho/sử dụng tăng từ 54% niên vụ 2014/2015 đến 79% niên vụ 2018/2019. Để giảm bớt tồn kho này, Trung Quốc đang xuất khẩu một lượng lớn gạo cũ sang thị trường châu Phi. Việc này đã được Trung Quốc thực hiện trong năm 2018. Tuy nhiên, đến những tháng đầu năm 2019, xuất khẩu của nước này mới tăng mạnh, trong khi đó, nhập khẩu gạo giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Đây là nguyên nhân quan trọng khiến cho xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc sẽ còn tiếp tục gặp khó trong thời gian tới.

Tuy nhiên, vẫn có những hy vọng cho gạo Việt Nam trong nửa cuối năm nay. Theo ông Khánh, Trung Quốc tuy giảm mạnh nhập khẩu gạo Việt Nam trong nửa đầu năm nay, nhưng các nhà nhập khẩu lớn của nước này vẫn giành sự quan tâm cho gạo Việt Nam thông qua những buổi tiếp xúc, gặp gỡ, làm việc mới đây. Philippines với cơ chế nhập khẩu gạo mới đã tạo thuận lợi nhiều hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang nước này. Hay có thể nói là các doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng nắm bắt được những cơ hội mới mẻ từ thị trường Philippines khi nước này thay đổi chính sách nhập khẩu gạo. Bằng chứng là xuất khẩu gạo sang Philippines đã tăng rất mạnh trong 5 tháng đầu năm, qua đó đưa Philippines trở thành thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam.

Nhu cầu gạo ở châu Phi vẫn vững. Với thị trường Hàn Quốc, Việt Nam và Hàn Quốc vừa đàm phán xong về hạn ngạch xuất khẩu gạo sang nước này với giá tốt. Trong thời gian ngắn sắp tới, nếu châu Âu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam (EVFTA), gạo Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội để xâm nhập vào thị trường này.

Nên chủ động thu mua tạm trữ

Theo bà Bùi Thị Thanh Tâm, TGĐ TCty Lương thực Miền Bắc, dù thị trường vẫn đang ảm đạm, nhưng các doanh nghiệp vẫn nên chủ động thu mua tạm trữ lúa gạo hàng hóa, nhất là khi chất lượng lúa hè thu đang tốt lên.

Việc chủ động thu mua tạm trữ là nhằm có sẵn lượng gạo tồn kho có thể đáp ứng được ngay những đơn hàng lớn khi xuất hiện nhu cầu trên thị trường.

Thực tế cho thấy trong những năm qua, một số nước thường tuyên bố không cần phải nhập khẩu thêm gạo, nhưng rồi vẫn phải mua với khối lượng lớn.

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tiến Nông được bình chọn là thương hiệu mạnh ASEAN 2024

Với sự ghi nhận này, Tiến Nông tự tin vươn tầm khu vực, trở thành thương hiệu của nông dân ASEAN.