| Hotline: 0983.970.780

Có nên chọn lợn thịt làm nái để hạ nhiệt lợn giống?

Thứ Ba 28/04/2020 , 16:37 (GMT+7)

Trước việc người chăn nuôi nhỏ lẻ khó tiếp cận được nguồn lợn giống do khan hiếm, giá cao, nhiều chuyên gia hiến kế giải pháp tạm thời là chọn lợn thịt làm nái.

Để bù đắp nguồn cung con giống thiếu hụt, một số địa phương có thể tính đến chính sách hỗ trợ chọn lợn thịt thành lợn nái. Ảnh: Hưng Giang.

Để bù đắp nguồn cung con giống thiếu hụt, một số địa phương có thể tính đến chính sách hỗ trợ chọn lợn thịt thành lợn nái. Ảnh: Hưng Giang.

Đầu tiên, phải nhấn mạnh việc lấy lợn thịt làm lợn nái về mặt di truyền giống là không khuyến khích. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi quy mô lớn, chuyên nghiệp không nên áp dụng giải pháp này bởi năng suất, chỉ tiêu, chất lượng đàn nái bao nhiêu năm gây dựng có thể bị thụt lùi về số liệu.

Tuy nhiên, với những tỉnh bị thiệt hại quá lớn đàn nái do dịch tả lợn Châu Phi, trong khi trên địa bàn tỉnh không có trang trại nuôi lợn bố mẹ có thể tính tới các phương án, kế hoạch hỗ trợ người dân chọn một vài lứa lợn thịt đẹp để làm lợn nái, nhằm cung cấp kịp thời con giống cho người chăn nuôi trong lúc thị trường quá khan hiếm.

Theo số liệu thống kê được Cục Chăn nuôi công bố tại nhiều hội nghị, tổng đàn lợn cụ kỵ, ông bà của Việt Nam hiện còn khoảng 110.000 con, đủ đáp ứng nhu cầu chăn nuôi trong nước. Tuy nhiên, tổng số lượng đàn lợn nái ở thời điểm hiện tại còn bao nhiêu triệu con thì còn nhiều tranh cãi về cách tính.

Theo số liệu rà soát, công bố chi tiết của một số tỉnh chăn nuôi lợn trọng điểm thuộc đồng bằng sông Hồng gần đây, đa phần đàn nái đều giảm từ 40 - 60%. Điển hình như Hà Nam từ 60.000 nái trước dịch tả lợn Châu Phi hiện còn khoảng 28.000 con, tỉnh Bắc Giang giảm 52% đàn nái hiện chỉ còn 48% so với trước dịch.

Riêng tỉnh Thái Bình, sau dịch thống kê chỉ còn trên 77.000 nái. Trong khi trước dịch tổng đàn nái của Thái Bình có thời điểm lên tới xấp xỉ 200.000 con. Theo ông Phạm Thành Nhương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y Thái Bình, từ đầu năm đến nay Thái Bình đã tăng đàn nái lên thành 88.000 con, nhưng đa phần là nái hậu bị mới gây, hiện chưa cho sản phẩm.

Trong tất cả các giải pháp đồng bộ để điều hành và bình ổn giá lợn trên thị trường hiện nay, Bộ NN-PTNT luôn xác định và coi tái đàn, tăng đàn là giải pháp căn cơ, bền vững nhất. Muốn tái đàn thành công, đầu tiên phải có đàn nái đủ dầy để sản xuấn ra con giống thương phẩm nuôi lấy thịt.

Nhưng do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi năm 2019 khiến đàn lợn nái cả nước bị sụt giảm lớn, trong đó lại chủ yếu rơi vào chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ. Bước sang năm 2020 lại xảy ra đại dịch Covid-19 trên toàn cầu khiến ngành hàng không quốc tế bị gián đoạn, việc vận chuyển lợn giống nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn từ đầu năm đến nay, chưa kể vấp phải sự cạnh tranh rất lớn từ các doanh nghiệp của Trung Quốc.

Trong nước thiếu lợn, nhập khẩu gặp khó khiến giá lợn giống trong nước thời gian vừa qua tăng rất cao. Hiện lợn giống cai sữa tách mẹ nuôi lấy thịt ngoài thị trường giá dao động từ 2,5 - 3 triệu đồng/con 7kg.

Thực tế, hiện các doanh nghiệp, trang trại đang đẩy mạnh tối đa việc tăng đàn, tái đàn lợn nái, nhưng qua tìm hiểu của chúng tôi, hầu như các doanh nghiệp, trang trại đều để lại lợn nái, lợn giống để tự nuôi chứ không bán ra ngoài.

Điều này cũng dễ hiểu, bởi dịch tả lợn Châu Phi bùng phát tháng 2/2019 đến nay không chừa bất cứ doanh nghiệp lớn nhỏ nào của Việt Nam. Với giá lợn trên thị trường đang rất tốt như hiện nay, việc các doanh nghiệp chăn nuôi lớn chủ động để lại con giống phục vụ tái đàn, tăng đàn nội bộ là điều đương nhiên.

Chính bởi những lý do cộng hưởng trên khiến việc tiếp cận con giống với người chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ hiện tại vô cùng khó khăn, có tiền chưa chắc đã mua được giống hoặc nếu có mua được cũng phải xếp hàng đợi một vài tháng, lúc đấy chưa biết giá lợn trên thị trường sẽ như thế nào?.

Tại cuộc họp về giống gần đây tại Bộ NN-PTNT, ông Nguyễn Văn Bách, Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh thuốc thú y Amavet hiến kế, trong lúc con giống thương phẩm quá khan hiếm như hiện nay, ngành chăn nuôi và một số địa phương có thể tính tới giải pháp chọn số lượng nhất định lợn thịt để làm lợn nái.

Đặt trường hợp xấu nhất, con nái được tuyển chọn từ lợn thịt chỉ đạt 6 con 1 lứa, 12 con một năm thì với giá giống hiện nay theo ông Nguyễn Văn Bách vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế. Nhưng để làm đồng bộ, nhanh chóng, hiệu quả giải pháp này, theo ông Bách vẫn cần có chính sách hỗ trợ tín dụng cho nông dân chứ cơ bản người chăn nuôi nhỏ lẻ giờ đều kiệt quệ rồi.

Ngoại chọn lợn thịt làm lợn nái, dùng lợn Móng Cái và lợn VCN-MS15 làm nái cũng là giải pháp khá tốt hiện nay. Ảnh: Hưng Giang.

Ngoại chọn lợn thịt làm lợn nái, dùng lợn Móng Cái và lợn VCN-MS15 làm nái cũng là giải pháp khá tốt hiện nay. Ảnh: Hưng Giang.

Tham khảo chuyên môn từ một số chuyên gia, kỹ sự chăn nuôi và người làm giống hiện nay, nếu quyết định lấy lợn thịt làm lợn nái bà con nông dân cần lưu ý một số tiêu chí. Thứ nhất, chọn những con lợn thịt có tỷ lệ máu Landrace, Yorkshire cao, tỷ lệ Duroc, Pietrain thấp để có được tính di truyền theo hướng sinh sản tốt nhất.

Về ngoại hình, chọn những con lợn có bộ khung dài, to, thon, đẹp, nhiều vú để tận dụng lợi thế di truyền và khả năng nuôi con. Bên cạnh đó, cũng có một giải pháp khác là dùng các giống lợn nội của Việt Nam như Móng Cái, VCN-MS15 để lai với đực ngoại, sau đó dùng con F1 nuôi làm thương phẩm cũng khá tốt.

Tuy nhiên, như chúng tôi đã khuyến cáo từ đầu, đây chỉ nên được coi là giải pháp tình thế trước mắt giúp giảm áp lực nguồn giống lợn thương phẩm quá khan hiếm. Do đó, những đàn lợn nái chọn từ lợn thịt chỉ nên khai thác giai đoạn ngắn nhất định trong lúc chờ đợi đàn nái ngoại siêu sinh sản cho ra sản phẩm.

Theo Cục Thú y, trong 3 tháng đầu năm 2020 Việt Nam đã nhập khẩu 1.808 con lợn giống từ nước ngoài về phục vụ tái đàn. Theo kế hoạch, năm 2020 này các doanh nghiệp trong nước sẽ nhập khẩu thêm hàng chục nghìn con, nhưng do các chuyến bay từ quốc tế về Việt Nam chưa được nối lại bởi Covid-19 nên nhiều đơn vị dù đã ký được hợp đồng những chưa mang được giống gốc về.

Tại cuộc làm việc mới đây với các doanh nghiệp chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến và Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông cho biết, Bộ NN-PTNT sẽ tạo điều kiện tối đa về thủ tục kiểm dịch động vật để các doanh nghiệp nhập khẩu lợn giống về phục vụ tái đàn, tăng đàn, qua đó sớm bù đắp nguồn cung bị thiếu hụt do dịch tả lợn Châu Phi năm 2019 gây ra để ổn định mặt hàng thịt lợn trong nước.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.