| Hotline: 0983.970.780

Nhập khẩu giống gốc 'đóng băng' vì Covid-19

Chủ Nhật 12/04/2020 , 10:19 (GMT+7)

Do giống cụ kỵ, ông bà đa phần nhập từ nước ngoài, nếu đại dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến sự ổn định năng suất ngành chăn nuôi Việt Nam.

Việc không nhập khẩu được giống lợn cụ kỵ, ông bà sẽ ảnh hưởng tới năng suất đàn lợn của Việt Nam cũng như kế hoạch, chủ trương tăng đàn, tái đàn. Ảnh: Nguyên Huân.

Việc không nhập khẩu được giống lợn cụ kỵ, ông bà sẽ ảnh hưởng tới năng suất đàn lợn của Việt Nam cũng như kế hoạch, chủ trương tăng đàn, tái đàn. Ảnh: Nguyên Huân.

Trung Quốc vét lợn giống khắp thế giới

Với nền chăn nuôi hiện đại ngày nay, con giống đóng vai trò quan trọng hàng đầu bởi là tiền đề của sản xuất, của năng suất, của chất lượng và giá thành. Nền tảng quan trọng duy trì sự ổn định của ngành chăn nuôi của bất cứ quốc gia nào.

Ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi (ASF) nên đàn giống cụ kỵ, ông bà, bố mẹ của thế giới hầu hết đều bị ảnh hưởng, trong đó Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, theo nhiều báo cáo, Trung Quốc là nước đàn lợn hạt nhân bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch tả lợn Châu Phi.

Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu Chính phủ Trung Quốc xác định để khôi phục lại ngành chăn nuôi lợn là nhập khẩu con giống cụ kỵ, ông bà từ châu Âu và Mỹ về bổ sung cho đàn cụ kỵ, ông bà trong nước.

Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), hiện đang có đợt tái bùng phát dịch tả lợn Châu Phi tại Đông Nam Á và Trung Quốc. Việc ASF bùng phát tại hầu hết các quốc gia Đông Nam Á và một số tỉnh của Trung Quốc đang tạo ra áp lực lớn với ngành chăn nuôi thế giới trong năm 2020.

Theo The Pig Site, đầu năm 2020 hơn 4.000 con lợn giống chất lượng cao của Pháp đã đến Trung Quốc. Đây là lô lợn giống đầu tiên trong kế hoạch nhập hàng triệu lợn giống trong năm 2020 để khôi phục lại đàn lợn sau ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Hải quan Trung Quốc cũng đang xúc tiến để tiếp tục nhập khẩu lợn giống số lượng lớn từ Mỹ. Tuy nhiên, những hạn chế của đại dịch Covid-19 khiến kế hoạch nhập khẩu con giống năm 2020 của Trung Quốc khó hoàn thành mục tiêu và kế hoạch.

Số liệu báo cáo của nhiều tổ chức quốc tế, khoảng một nửa đàn lợn của Trung Quốc đã bị xóa sổ bởi dịch tả lợn Châu Phi từ năm 2018 đến nay. Chính phủ Trung Quốc hiện tung ra nhiều chính sách khác nhau để ổn định thị trường thịt lợn trong nước cũng như khuyến khích tái đàn, khi một số tỉnh đang hỗ trợ khoảng 2.000 nhân dân tệ (282 USD) cho mỗi con lợn.

Năm 2019 và 2020, để bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt do dịch tả lợn Châu Phi, Trung Quốc đã nhập khẩu tới 2,1 triệu tấn thịt lợn, tăng 75%. Không chỉ nhập khẩu thịt lợn, Trung Quốc cũng tăng cường nhập khẩu cả thịt gà để bù đắp lượng thực phẩm thiếu hụt trong nước, bởi Hồ Bắc, tâm dịch Covid-19 cũng chính là thủ phủ gà lớn nhất của Trung Quốc.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), năm 2020 nhu cầu tiêu thụ thịt gà của Trung Quốc dự kiến tăng lên xấp xỉ lên 16 triệu tấn nên nhu cầu nhập khẩu thịt gà của Trung Quốc được dự báo đạt xấp xỉ 700 nghìn tấn.

Ngoài nhập khẩu thịt gà từ các thị trường truyền thống là Mỹ, Brazil, Trung Quốc còn tăng cường nhập khẩu thịt gà của Nga và một số quốc gia khác với sản lượng lên tới hàng triệu tấn từ năm 2018 tới nay.

Áp lực thiếu giống với ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam thời gian tới rất lớn do thời gian khai thác của gà bố mẹ rất ngắn, chỉ 8 - 12 tháng. Ảnh: Tùng Đinh.

Áp lực thiếu giống với ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam thời gian tới rất lớn do thời gian khai thác của gà bố mẹ rất ngắn, chỉ 8 - 12 tháng. Ảnh: Tùng Đinh.

Bài học cho ngành chăn nuôi Việt Nam

Ngành chăn nuôi Việt Nam không chỉ giống Trung Quốc về việc phụ thuộc rất lớn nguồn giống lợn hạt nhân nhập khẩu từ nước ngoài mà ngay cả giống gia cầm ông bà, bố mẹ nước ta cũng phụ thuộc nốt. Các thị trường nhập khẩu lợn, gà cụ kỵ, ông bà, bố mẹ của Việt Nam chủ yếu là Mỹ, Canada, châu Âu, Đài Loan và Trung Quốc.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19 nên lưu thông, logictic gián đoạn, nhiều nước tạm dừng xuất khẩu giống gốc, đặc biệt sự cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp chăn nuôi của Trung Quốc khiến việc nhập khẩu lợn giống của các doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam từ cuối năm 2019 tới nay gặp muôn vàn khó khăn.

Trong khi chăn nuôi lợn tiếp tục phải sống chung với dịch tả lợn Châu Phi, chăn nuôi gia cầm còn đối diện rất nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác như cúm gia cầm, trong đó có dấu hiệu xuất hiện chủng mới như H9N2, H7N9, viêm khớp MS (Mycoplasma Synoviae), Leucosis,… trong đó có những loại bệnh hiện cũng chưa có vắc xin giống ASF.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ đầu năm 2020 đến nay rất ít doanh nghiệp tại Việt Nam nhập được giống cụ kỵ, ông bà. Việc nhập không đủ số lượng giống gốc thực sự tạo ra thách thức lớn trong kế hoạch tăng đàn, tái đàn, ổn định năng suất, cung cầu giá lợn tại Việt Nam trong thời gian tới.

Với giống gia cầm, tại Việt Nam, ngoài một số đơn vị như Viện Chăn nuôi, Dabaco có cơ sở nuôi giữ gà giống gốc ông bà, còn lại hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống gia cầm của Việt Nam hiện chỉ “ăn xổi” nhập giống bố mẹ để sản xuất giống thương phẩm.

Do đó, khi chuỗi logictic toàn cầu bị gián đoạn do đại dịch Covid-19, nguy cơ thiếu hụt con giống chất lượng cho ngành gia cầm Việt Nam trong 3 - 6 tháng tới là rất lớn bởi thời gian khai thác của gà bố mẹ rất ngắn, chỉ khoảng 8 - 12 tháng.

Hơn nữa, việc các nhà hàng, trường học, lễ hội buộc phải dừng hoạt động do Covid-19 đã khiến rất nhiều hộ sản xuất giống gia cầm trong nước từ đầu năm 2020 đến nay thua lỗ nặng nề phải phá bỏ đàn gà bố mẹ.

Áp lực phá đàn gà hậu bị để cắt lỗ cộng khó khăn trong nhập khẩu gà bố mẹ từ Trung Quốc và châu Âu vô hình chung tạo ra khoảng trống thiếu hụt rất lớn con giống phục vụ sản xuất chăn nuôi gia cầm trong thời gian tới.

Qua bài học chuỗi cung ứng giống chăn nuôi toàn cầu bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19 hiện nay chính là bài học cảnh tỉnh cho ngành giống của Việt Nam cần phải có chiến lược và kế hoạch dài hơn, chủ động hơn nữa. Đặc biệt, cần phải làm chủ được toàn bộ hệ thống chuỗi của ngành giống từ cụ kỵ, ông bà tới bố mẹ mới có thể làm chủ được ngành chăn nuôi trong tương lai.

Xem thêm
Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Cây mì Bình Định được mùa nhưng mất giá

Năm nay nhờ thời tiết thuận lợi và sử dụng giống sạch bệnh nên cây mì (sắn) ở Bình Định cho năng suất khá, nhưng do biến động thị trường nên giá mì giảm thấp.

Phê duyệt Đề án công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Ngày 24/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1639/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2030.