Công nghệ dành giúp thay đổi làn da cũng rất phong phú, từ tiêm các chất botox, filler, dùng máu tự thân đến chiếu laser, lăn kim rồi sau đó là các loại kem dưỡng nhan, dưỡng thể… Nếu công nghệ cao phải tốn tiền triệu trở lên là giới hạn nhất định về lượng người có khả năng tham gia thì mặt nạ dưỡng da là một thị trường mênh mông không giới hạn.
Ảnh minh họa |
Đắp mặt nạ dưỡng da là một biện pháp chăm sóc da lâu đời nhất nhưng nguyên liệu của nó vẫn là cơ bản cho ngành chăm sóc da hiện đại lấy nó mà phát triển. Ví như ngàn năm trước, tổ tiên chúng ta đã biết tẩy tế bào chết bằng đất sét, bã cám, bột gạo, bằng a-xit nhẹ của trái cây; đã biết dưỡng ẩm bằng lòng đỏ trứng, hoa quả tươi. Ngày nay, thị trường mặt nạ dưỡng da phát triển mạnh mẽ hơn bất cứ khi nào. Từ các nhãn hiệu mỹ phẩm cao cấp đến không tên hoặc tên không ai biết, các sản phẩm mặt nạ vô cùng phong phú. Từ đắp mặt nạ dạng hỗn hợp sệt, đến đắp trên giấy, dạng gel và giờ đây, trên thị trường lại bùng lên các sản phẩm tự làm, từ bột gạo, bột cám đến các loại cao đắp mặt theo công thức cổ truyền…
BS. Phan Hồng Hải, bác sĩ da liễu Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho biết, cần lưu ý khi mua các sản phẩm cao tự chế, bởi chúng ta không biết người ta cho gì vào trong đó. Để tăng hiệu quả làm đẹp da, có không ít cơ sở đã bổ sung thêm dược liệu Tây y như coirticoid. Coirticoid là chất độc bảng B, có tác dụng hỗ trợ trị mụn, làm sáng da. Tuy nhiên nếu dùng lâu dài sẽ gây giảm hệ miễn dịch, viêm da do ngộ độc da và việc điều trị lâu dài và hết sức khó khăn.
BS. Hồ Ngọc Liễng, phụ trách chuyên sâu da liễu của Bệnh viện Y học cổ truyền cho biết nhiều người nghĩ bôi trên da nên coi thường, tự quyết định bôi đắp lên mặt bất cứ thứ gì mình… thấy thích và “nghe nói” có tác dụng dưỡng da, làm đẹp da. Đa số sẽ không sao, có thể tác dụng nhiều hoặc ít. Nhưng một tỷ lệ không nhỏ sẽ bị dị ứng và phải tốn không ít thời gian và tiền bạc để điều trị. Nhiều người cũng đến đây đề nghị mua những loại cao dưỡng da do bệnh viện sản xuất vì “nghe nói” xài rất được. Tuy nhiên, mỗi loại da mỗi khác và chúng tôi không bốc thuốc chung cho các loại da.
Nói về các công thức điều chế cao dưỡng da hướng dẫn trên mạng được cho là theo công thức y học cổ truyền, BS Liễng chia sẻ: Hầu hết các bài thuốc y học cổ truyền được truyền tụng dựa trên số lượng người dùng có hiệu quả nhưng chưa có số liệu nghiên cứu thực tế. Ngày nay, một sản phẩm đưa ra cho người tiêu dùng sử dụng đại trà, dù là trên da như mỹ phẩm, cũng phải qua quá trình thử nghiệm trên động vật trước, đảm bảo an toàn mới dùng trên người.
ThS. dược sĩ Huỳnh Trần Quốc Dũng, người phụ trách việc điều chế cao dưỡng da của Bệnh viện Y học cổ truyền, cho biết: Những loại cao tự sản xuất, có một số là cao phân tử không dễ thẩm thấu qua da. Cao dưỡng da của Bệnh viện Y học cổ truyền là sản phẩm Đông - Tây y kết hợp được sản xuất với mục đích làm lành các tổn thương trên da, bổ sung dưỡng chất cho da. Được sản xuất từ nguyên liệu chiết xuất từ thảo dược kết hợp tá dược để tăng khả năng thẩm thấu, mau lành vết thương. Và tất cả đều được điều chế trên công thức do bác sĩ kê toa cho từng bệnh nhân. Đôi khi, ngay cả sản phẩm của bệnh viện điều chế cho từng người cũng không có nghĩa an toàn tuyệt đối. Đó là trường hợp bệnh nhân dị ứng với một thành phần nào đó trong thuốc, ví dụ khá đông người dị ứng với mật ong.
DS. Dũng nhấn mạnh, hiện nay loại cao được tự chế nhiều nhất là cao bí đao. Tuy nhiên, có một tỷ lệ nhất định người nhập viện vì dị ứng mật ong trong cao. Do vậy, khi bạn quyết định tự làm cao bí đao vì sắc đẹp an toàn thì cần phải kiểm soát được nguồn mật ong sử dụng trong cao.