| Hotline: 0983.970.780

Cổ tích bên dòng Đà giang

Thứ Hai 02/03/2015 , 06:15 (GMT+7)

Khoảng cách địa lý không ngăn được tình yêu của chàng thi sĩ tật nguyền và cô gái hiền lành, giàu lòng nhân ái. Cô gái trẻ tuổi quê Nam Định nguyện gắn đời mình với chàng trai tật nguyền ở tận Hòa Bình.

Nhà đài se duyên

Vượt con đường rừng hơn 100km, tôi tìm về xã Hợp Thịnh (huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình) để gặp anh chị. Hỏi về anh, bất kỳ ai trong xã cũng đều biết rõ, họ bảo chuyện tình yêu của anh Tuấn và chị Thư là một điều kỳ diệu bên dòng sông Đà.

Chu Phạm Minh Tuấn sinh năm 1962, là con trưởng trong một gia đình đông con. Từ nhỏ anh đã phải lam lũ nơi ruộng đồng phụ việc cùng cha mẹ. Học dở lớp 6 thì căn bệnh viêm đa khớp đã làm Tuấn bị liệt hoàn toàn hai chân, phải nằm một chỗ.

Mỗi ngày bệnh càng nặng thêm, nằm mãi một chỗ, tay trái của Tuấn cũng không cử động được nữa.

Anh nằm trên giường từ ngày ấy đến nay đã một phần tư thế kỷ. Cũng từ ngày đó, bố mua cho anh một chiếc đài nhỏ, và nó thành người bạn đồng hành cùng anh từ mờ sáng tới đêm thâu.

Thời gian từ năm 1995, chương trình Thời sự và âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam mở mục “Kết bạn”. Qua các địa chỉ thông báo trên làn sóng phát thanh, Tuấn nằm viết những lá thư gửi khắp các miền đất nước.

Đáp lại tình cảm của anh, rất nhiều người bạn mọi miền đã biên thư lại cho anh, trong đó có Đặng Anh Thư ở huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, là người vợ của anh bây giờ.

Anh Tuấn chia sẻ: “Trong các lá thư biên lại, anh cảm thấy ấn tượng nhất với lá thư mà Anh Thư viết vì nó gần gũi, có sự chân thành trong đó”.

Thời gian trôi qua, những người bạn qua thư của Tuấn vì nhiều lý do khác nhau đã biên thư ngày một ít. Duy chỉ còn một người bạn gái rất trẻ là Đặng Anh Thư vẫn đều đều hồi âm cho anh bằng những lá thư thấm đẫm tình cảm. Những lá thư của chị đều dài, có khi dài đến 30 trang giấy.

Còn với anh Tuấn, để biên thư đáp lại tình cảm cô gái ở miền đất xa đấy thì thật không đơn giản. Tuấn nằm trên giường, co hai chân đã teo tóp của mình lên, kê tấm bìa vào đó rồi dùng cánh tay phải còn lại vừa viết vừa giữ giấy cho khỏi trôi, khỏi lệch.

Trong tư thế ấy, để viết vài dòng chữ đã khó, nhưng anh đã viết hàng chục trang giấy để gửi xuống vùng quê Nam Định cho Anh Thư.

304 lá thư, 2.000 ngày chờ đợi một tình yêu

Như định mệnh, những lá thư, dòng tâm sự cho nhau vẫn cứ dài bất tận. Trong gần 2.000 ngày đêm họ đã gửi cho nhau 304 lá thư. Bao nhiêu yêu thương, nỗi nhớ họ đã gói trọn vào những con chữ dành cho nhau.

17-02-19_4
Báu vật tình yêu, tập thư 304 bức của vợ chồng Tuấn Thư

Vợ chồng anh Tuấn luôn xem những bức thư đó là báu vật vì nó là kỷ vật tình yêu của hai người nên luôn cất giữ cẩn thận trong hơn một thập kỷ qua.

Cuối năm 2000, Thư vượt hơn 200 cây số, từ Nam Định lên Hòa Bình thăm nhà Tuấn trong 3 ngày, nhưng bảo với gia đình anh là em gái kết nghĩa.

Chị tâm sự, trước khi vào nhà anh Tuấn, chị đã chuẩn bị tâm lý trước, nhưng khi gặp anh, cả hai đều cảm động không cầm được nước mắt, lúc đó chỉ muốn chạy thật nhanh lại ôm lấy anh.

Sau lần gặp gỡ đầu tiên, Thư càng hiểu về Tuấn nhiều hơn, chị nhận thức rõ tình yêu mà chị trao cho Tuấn, đó không còn là suy nghĩ bồng bột của một cô gái mới lớn, mà đó là sự gắn bó, chị muốn cả cuộc đời này bên Tuấn để cùng chia sẻ vui buồn trong cuộc sống.

Chị xin gia đình mình được làm vợ Tuấn. Khi nghe cô con gái xin được cưới chàng trai tật nguyền ở tận huyện miền núi Kỳ Sơn - Hòa Bình làm chồng, mọi người trong gia đình đều bất ngờ. Mẹ và anh, chị, em đều phản đối, khuyên Thư đừng theo cảm xúc nhất thời mà khổ cả đời.

Nhưng Thư vẫn tin vào tình yêu của mình, chị bảo: “Nếu không lấy được Tuấn, con sẽ không lấy ai khác”.

Còn về phía nhà Tuấn, con trai bảo lấy vợ, gia đình Tuấn rất bất ngờ. Bà Điểm, mẹ anh Tuấn, cho biết: “Nghe tin, tôi mừng vì con trai lấy được vợ, lại là cô gái có ăn học,  tính tình tốt, nhưng tôi cũng lo, vì sợ hai đứa suy nghĩ chưa kỹ, Tuấn bị liệt toàn thân, đầu óc thì tỉnh táo nhưng không làm được gì, ai mà lấy nó thì phải khổ. Sau này, không chịu được mà chia tay nhau thì hại đời con gái người ta”.

Để được sự đồng ý của gia đình Thư, Tuấn đã đi xe lăn lên đường cùng em trai xuống Nam Định. Ở đây, bằng tình cảm chân thành Tuấn đã thuyết phục được sự đồng ý của mọi người trong nhà, nhất là sự cảm thông của bố Thư.

17-02-19_5
Chị Thư đọc những lời thư mà anh Tuấn gửi

Bố Thư bảo: “Thương con gái bao nhiêu thì tôi thương Tuấn như thế, tôi không ngăn cản mà chúc hai đứa hạnh phúc”. Trước tình yêu và sự quyết tâm của Tuấn và Thư, hai gia đình đã đồng ý qua lại và chọn ngày tốt lành để tổ chức hôn lễ cho hai con.

Anh Tuấn không khỏi xúc động khi tâm sự: “Lúc sắp đến ngày cưới, biết đó là ngày quan trọng nhất của một người con gái, không muốn vợ mình chịu thiệt thòi so với người ta, tôi bảo Thư thuê váy cưới, xe hoa, trao cho em nhẫn cưới, khi đón dâu sẽ cho em trai đi thay mình.

 Nhưng lúc đó Thư chỉ bảo: Em không cần váy cưới, xe hoa và em anh đón dâu thay anh đâu, em sẽ tự lên nhà anh. Còn nhẫn cưới thì không có cũng được, anh trao nhẫn cỏ cho em, kỷ vật tình yêu của chúng mình đã có những bức thư, em chỉ cần có anh luôn ở bên em là hạnh phúc rồi”.

Trái ngọt tình yêu

Đầu tháng 11/2001, đám cưới của hai người được tổ chức trong sự chúc phúc của mọi người. Người dân Hợp Thịnh còn nhắc mãi hình ảnh cô dâu xinh đẹp đi bên chiếc xe lăn. Nỗi buồn đã qua đi, hạnh phúc lại quay trở về với Tuấn.

Bài thơ “Chiếc xe lăn” của Tuấn đã đạt giải khuyến khích trong cuộc thi thơ lại được ngân vang: “Chiếc xe lăn ngày ngày đưa anh/ Đến thăm sân trường đầy lá/ Gặp anh tìm nỗi buồn thơ ấu/ Chỉ thấy tiếng cười trong trẻo giữa hư không/ Và ngày ngày cứ thế những chiều/ Chiếc xe lăn quen đường/ Chở tiếng cười về/ Chở nỗi buồn đi”.

Sau đám cưới, họ bắt đầu một cuộc sống mới hạnh phúc. Chị Thư chia sẻ: “Tôi sẽ không bao giờ hối hận khi làm vợ anh Tuấn. Hằng ngày phải chăm sóc anh nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc khi được chăm sóc người mình yêu, dù có phần vất vả”.

Lấy nhau đã lâu, nhưng do bị bệnh tật lại nằm một chỗ nên khả năng sinh con của Tuấn thấp hơn những người bình thường khác. Mòn mỏi đợi chờ suốt 3 năm không có kết quả, vợ chồng Tuấn - Thư lại đưa nhau đi khắp các bệnh viện lớn nhỏ, tìm mọi phương pháp để họ có con.

17-02-19_2
Bé Đạt con gái đầu lòng của anh chị Tuấn - Thư

Tiền đi chữa bệnh dành dụm bao lâu đã hết, nghĩ mọi chuyện đã hết hi vọng; đúng lúc đó một có nhà hảo tâm kinh doanh thực phẩm chức năng biết được chuyện tình hai người đã gửi thuốc cho anh Tuấn uống miễn phí.

Điều kỳ diệu cũng đã đến khi một thời gian sau thì Thư có bầu. Ngày 27/5/2009, bé gái đã ra đời trong sự chào đón của gia đình, nay em đã học mẫu giáo lớn. Em là quả ngọt của tình yêu của bố mẹ, là một cái kết có hậu cho chuyện cổ tích tình yêu giữa đời thường bên dòng Đà giang.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm