Tuy không rõ là những “vườn treo” này được xây ở thời điểm nào nhưng một số tác giả cổ đại đã rất ấn tượng với những công trình trên cao này, đến mức họ gọi chúng là kỳ quan của thế giới.
Vào khoảng năm 250 trước Công nguyên, tác giả Philo của đế quốc Đông La Mã (Byzantine) viết rằng hệ thống vườn treo “trồng cây trên cao, rễ cây ăn vào các nền đất được đắp cao chứ không chạm xuống mặt đất”.
Vườn treo… Nineveh?
Tuy được coi là một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại, nhưng các nhà khảo cổ đã khai quật nhiều nơi ở Babylon nhưng không phát hiện thấy tàn tích của một khu vườn nào phù hợp với lời miêu tả của các nhà văn cổ đại. Chuyện này khiến một câu hỏi hoàn toàn nghiêm túc được đặt ra: có thực những vườn treo ấy đã tồn tại?
Phế tích ở Nineveh |
Năm 2013, Stephanie Dalley, một nhà nghiên cứu của Đại học Oxford, nêu ra giả thuyết mới trong một cuốn sách, rằng các vườn treo không thể gắn với thành phố Babylon, vì chúng thực ra nằm ở thành phố Nineveh, thuộc vương quốc Assyria (ngày nay là miền bắc Iraq).
Trong số bảy kỳ quan của thế giới cổ đại, chỉ duy nhất kỳ quan “vườn treo” là còn mơ hồ về địa điểm.
Tuy nhiên, theo học giả của Đại học Oxford, bà tin rằng mình đã giải mã được một trong những bí ẩn khảo cổ vĩ đại nhất thế giới khi tìm ra địa điểm chính xác của các khu vườn treo Babylon (chúng ta tạm gọi là như vậy bởi tất cả mới chỉ là giả thuyết).
Tiến sỹ Stephanie Dalley tập trung các nghiên cứu của bà vào việc tìm kiếm trong phạm vi hàng trăm dặm về phía bắc kể từ nơi từng có thành cổ Babylon (gần khu vực Hillah, miền trung Iraq), để củng cố giả thuyết của mình rằng các kỳ quan sum suê cây trái trong thực tế đã được xây dựng gần thành phố Nineveh, miền bắc Iraq.
Kết nối những bằng chứng đặt trong bối cảnh lịch sử xa xưa, tiến sỹ Dalley đã phát hiện những bằng chứng cho thấy các khu vườn treo trong thực tế không phải do người Babylon với đức vua Nebuchadnezzar xây dựng như các quan niệm xưa nay, mà do những người “hàng xóm”, thực tế là kẻ thù của họ, người Assyria với quốc vương trị vì là Sennacherib, xây dựng, khoảng 2.700 năm trước.
Kinh đô của Assyria, tức thành phố Nineveh, nay là địa điểm gần Mosul, một vùng lãnh thổ của Iraq cho đến nay vẫn chìm trong bạo loạn do xung đột tôn giáo và sắc tộc, và mặc dù tiến sỹ đã tới vùng đất này, các cộng sự của bà vẫn cho rằng quá nguy hiểm khi tới địa điểm chính xác của thành phố cổ Ninevah.
Tuy nhiên, sử dụng các loại bản đồ, tiến sỹ Dalley vẫn có thể chỉ đạo đội quay phim địa phương, với một nhóm vũ trang hộ tống, tới được địa điểm cần thiết, ngay cạnh đống phế tích của cung điện nhà vua.
Các đoạn phim của đội cho thấy một đống đổ nát gồm đất và gạch vụn, chất thành đống, đổ dài xuống dưới, nơi có các bãi cỏ và cánh đồng.
Tiến sỹ Dalley nói với tờ Telegraph (Anh): “Đây là nơi nhiều khả năng nhất vườn treo từng được xây dựng. Cần phải nghiên cứu thêm địa điểm này, nhưng điều đáng buồn là tôi không nghĩ điều đó có thể thực hiện được trong thời gian còn lại của đời tôi. Kết luận của tôi, rằng vườn treo được xây dựng ở Nineveh, là không hề suy suyển”.
Đoạn phim nói trên là đỉnh điểm của cuộc nghiên cứu kéo dài hơn 20 năm của tiến sỹ Dalley, thuộc Viện Nghiên cứu Phương Đông thuộc Đại học Oxford, nhằm minh chứng địa điểm thực của vườn treo Babylon.
Vườn treo không tồn tại?
Chưa từng có một bằng chứng khảo cổ nào về vườn treo Babylon được tìm thấy, nhiều người đã bác bỏ thuyết về kỳ quan cổ đại này, coi đó chỉ là câu chuyện huyễn hoặc. Các kiến thức về chúng chỉ dựa trên vài mô tả, được biết từ hàng trăm năm trước. Những người nói công trình vườn treo được xây dựng cũng chưa từng trông thấy nó.
Hình ảnh dựng lại của vườn treo Babylon |
Một trong những mô tả nói rằng vườn treo do vua Nebuchadnezzar tạo ra ở thời điểm năm 600 trước Công nguyên. Vườn treo Babylon là một thiên đường nơi sa mạc, là quà tặng hoàng hậu, người luôn nhớ nhung những ngọn núi xanh của quê hương bà.
Tuy nhiên, trong các tác phẩm văn chương thời đó, bao gồm các văn bản của vua Nebuchadnezzar, không hề nhắc đến bất cứ khu vườn treo nào và hơn một thế kỷ đào bới, khai quật, người ta không hề tìm thấy thứ gì.
Tiến sỹ Dalley đã chuyển hướng tìm kiếm lên phía bắc Babylon sau khi giải mã một đoạn thư tịch cổ có từ thời Babylon và đế chế Assyria, thứ khiến bà tin rằng người ta đã xác định sai người cho xây, thời điểm và địa điểm của vườn treo. Tiến sỹ Dalley là một trong số ít người trên thế giới có thể đọc được chữ tượng hình Ba Tư. Một lần bà phát hiện trong Bảo tàng Anh một vật thể hình lăng trụ có chữ tượng hình Ba Tư mô tả cuộc đời của vua Sennacherib, người sống ở thời đại 100 năm trước khi vua Nebuchadnezzar xây dựng một đế chế trải dài từ miền nam Thổ Nhĩ Kỳ tới Israel ngày nay. Các ký tự cổ mô tả một cung điện, nơi vua Sennacherib cho xây một khu vườn bên hông, gọi đây là “kỳ quan cho mọi người”.
Những dữ liệu khác củng cố thêm cho giả thuyết này là một bức phù điêu, được lấy từ thành cổ Nineveh và mang về Bảo tàng Anh. Phù điêu mô tả cung điện của vua Sennacherib và một khu vườn cây hình bậc thang, cây mọc lên từ các mái vòm.
Vì Nineveh cách xa Babylon, bằng chứng này trước đó bị bỏ qua. Tuy nhiên, tiến sỹ Dalley phát hiện ra rằng người Assyria đã chiếm đóng Babylon và thủ đô của họ được gọi là “Babylon mới”, có thể điều này đã gây ra nhầm lẫn.
Trong hai thập kỷ qua, cả Babylon và Nineveh đều phải chịu tàn phá từ các cuộc chiến và nạn cướp bóc, nên rất khó, nếu không muốn nói là không thể giải mã hoàn toàn những bí ẩn xung quanh câu chuyện vườn treo. |