| Hotline: 0983.970.780

Coi chừng khi nuôi động vật hoang dã làm thú cưng

Thứ Năm 14/12/2023 , 10:37 (GMT+7)

Những năm gần đây, thú chơi nuôi động vật hoang dã làm thú cưng càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người nuôi.

Tại TP.HCM, bên cạnh những mô hình nuôi động vật hoang dã được cấp phép thì việc biến những loài này trở thành thú cưng đang ngày trở nên phổ biến. Đây còn được coi là thú chơi đẳng cấp, tốn kém hoặc thậm chí để kinh doanh… hái ra tiền.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc nuôi nhốt động vật hoang dã cũng khiến các loài này không được đảm bảo về sức khỏe, tâm lý. Không gian bí bách, động vật bị ngược đãi… sẽ khiến động vật có hành vi bất thường, căng thẳng. Điều này dễ khiến động vật hoang dã sẽ phản kháng lại theo bản năng.

Vết khỉ cắn khá sâu khiến anh Tùng phải tiêm 5 mũi vacxin phơi nhiễm dại. Ảnh: Lê Bình.

Vết khỉ cắn khá sâu khiến anh Tùng phải tiêm 5 mũi vacxin phơi nhiễm dại. Ảnh: Lê Bình.

Mới đây, anh Tùng (Quận 12, TP.HCM) cho biết đã phải nhận “kết đắng” khi cố tình chọc ghẹo con khỉ của người bạn nuôi. Không kịp phản ứng, anh này đã bị chú khỉ giành đồ ăn và cắn vào tay, gây chảy máu. Anh Tùng phải đến Viện Pasteur TP.HCM tiêm 5 mũi vacxin để ngừa bệnh dại.

Chưa hết, trào lưu này được cảnh báo gây khá nhiều rủi ro, không chỉ cho động vật hoang dã, môi trường sinh thái, mà còn cho cả sức khoẻ của người nuôi.

PGS.TS Lê Quang Thông, Trưởng khoa Chăn nuôi Thú y, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cảnh báo, động vật hoang dã có thể chứa nhiều mầm bệnh gây nguy hiểm cho con người. Đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, người già và những người có hệ miễn dịch yếu.

Ví dụ cụ thể, một số loài khỉ mang virus Herpes có thể lây nhiễm cho con người; động vật bò sát có thể mang vi khuẩn salmonella. Ngoài ra, động vật hoang dã cũng chứa ký sinh trùng như Ascaris, sán dây, sán lá và các sinh vật đơn bào có thể gây suy nhược cơ thể và chết người. Một số bệnh khác có thể lây truyền cho con người bao gồm bại liệt, lao, sốt gan bạch cầu, hắc lào và viêm gan.

 “Một thực tế là chúng ta vẫn chưa hiểu gì nhiều về động vật hoang dã. Chúng tôi cũng không thể dạy gì nhiều cho sinh viên về động vật hoang dã. Việc tiêm vacxin cho động vật hoang dã để phòng các bệnh cũng không khả quan vì chưa chứng minh được tính hiệu quả”, PGS.TS Lê Quang Thông thừa nhận.

Các loài động vật hoang dã thuộc về tự nhiên, là tài nguyên thiên nhiên quý giá, góp phần quan trọng trong việc tạo nên sự cân bằng sinh thái, bảo đảm môi trường sống trong lành cho con người. Vì vậy, PGS.TS Lê Quang Thông bày tỏ quan điểm, khi chưa hiểu biết về động vật hoang dã, hãy nói không với việc nuôi nhốt chúng.

Có cung ắt có cầu. Chính vì thế, trên các trang mạng xã hội không khó để tìm những địa chỉ để mua động vật hoang dã. Từ cá sấu, rùa, trăn cho đến mèo rừng, chồn hương và các loại bò cạp cũng được rao bán khá nhiều.

Khi truy cập vào một nhóm chuyên các loại rắn, mỗi ngày có hàng chục bài đăng tải tìm mua bán đủ các loại, từ không có độc cho đến cực độc, với giá dao động từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng. Chính việc mua bán dễ dàng như vậy mà không hết các tai nạn đau lòng đã xảy ra.

Mới đây, vụ việc bé trai 13 tuổi tại Hà Nội mua rắn lục đuôi đỏ về nuôi, sau đó bị rắn cắn nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Thế nhưng, dường như nó chưa đủ khiến nhiều người cảnh tỉnh.

Chưa kể, việc nuôi nhốt, buôn bán các loài động vật hoang dã nằm trong danh mục được bảo vệ cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mặt pháp lý. Người nuôi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc là bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định, việc nuôi nhốt phải tuân thủ theo các điều kiện nhất định như phải có mã số cơ sở nuôi, có các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, động vật được nuôi đảm bảo các yếu tố về vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh…

Động vật hoang dã khi nuôi, cần được đăng kí với lực lượng kiểm lâm và có chuồng nhốt, không gian thoải mái để vật nuôi không bị tác động đên sức khỏe, tâm lý. Ảnh: Lê Bình.

Động vật hoang dã khi nuôi, cần được đăng kí với lực lượng kiểm lâm và có chuồng nhốt, không gian thoải mái để vật nuôi không bị tác động đên sức khỏe, tâm lý. Ảnh: Lê Bình.

Ông Nguyễn Quang Hoàng, Phó trạm trưởng Trạm cứu hộ động vật hoang dã - Chi cục Kiểm lâm TP.HCM cho biết, hoạt động mua bán động vật hoang dã bất hợp pháp để làm vật nuôi đã trở thành mối đe dọa lớn đối với đa dạng sinh học cũng như sự sinh tồn của các loài động vật hoang dã hiện nay.

 “Tùy theo loài động vật hoang dã và số lượng nuôi là bao nhiêu. Quan trọng hơn cả, điều này sẽ kích thích nhu cầu tiêu thụ, trực tiếp thúc đẩy tình trạng săn bắt, buôn bán các loài động vật hoang dã để phục vụ cho nhu cầu nuôi nhốt. Do đó, chính chúng ta lại đẩy những loài động vật hoang dã, đặc biệt là loài nguy cấp, quý hiếm đến gần hơn với nguy cơ tuyệt chủng”, ông Hoàng thông tin.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, khoảng 70% các dịch bệnh mới nổi trong vòng 30 năm qua đã có nguồn gốc từ động vật và rất nhiều trong số đó có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Dẫn chứng cụ thể nhất là dịch SARS (năm 2002), dịch Ebola (năm 2014) và đại dịch COVID-19 (khởi phát năm 2018)… đều bắt nguồn từ động vật hoang dã. Đã đến lúc gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng này nếu con người không muốn trả giá.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.