| Hotline: 0983.970.780

Con cá, trái cây trong cảnh 'nước sôi lửa bỏng'

Thứ Hai 06/09/2021 , 17:55 (GMT+7)

ĐBSCL Nông dân như ngồi trên đống lửa khi cá nuôi quá lứa nhưng thương lái không thể vào thu mua, trái cây chín rục nhưng nông dân không thể ra đồng thua hoạch...

Tại Tiền Giang, công tác kiểm soát phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại các địa phương vẫn đang được siết tất chặt. Hoạt động sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ các mặt hàng nông, thủy sản nhiều nơi ở tỉnh này vẫn đang vấp phải những câu chuyện dở khóc, dở cười.

Những ruộng khóm (dứa) ở huyện Tân Phước (Tiền Giang) đã chín rục, nhưng nhiều người trồng khóm vẫn rất gian nan khi ra ruộng thu hoạch. Ảnh: Minh Đảm.

Những ruộng khóm (dứa) ở huyện Tân Phước (Tiền Giang) đã chín rục, nhưng nhiều người trồng khóm vẫn rất gian nan khi ra ruộng thu hoạch. Ảnh: Minh Đảm.

Khóm chín rục, nhưng không thể thu hoạch

Chẳng hạn như tại huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, địa phương này đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng. Để giữ vững và mở rộng vùng xanh, huyện này quy định chỉ những người dân ở xã vùng xanh mới được đến xã vùng xanh, và phải có giấy test nhanh âm tính với SARS-CoV-2 có hiệu lực trong vòng 72 giờ.

Các xã vùng đỏ, cam, vàng không thể đến vùng xanh. Điều này vẫn đang khiến việc nông dân ra đồng sản xuất gặp rất nhiều phiền toái.

Ở xã Phú Mỹ (huyện Tân Phước), nhiều người dân có ruộngkhóm (dứa) ở khác xã, dù được lãnh đạo địa phương nơi đi cho phép lẫn nơi đến đồng ý tiếp nhận, nhưng vẫn không thể đi sang ruộng khóm nhà mình ở khác xã để chăm sóc, thu hoạch chỉ vì thiếu giấy test Covid-19.

Anh Bùi Văn Thiện, có hộ khẩu thường trú tại xã Phú Mỹ nhưng có ruộng khóm ở xã Tân Hoà Đông và xã Thạnh Mỹ (cùng huyện Tân Phước) lo lắng cho biết: Ruộng khóm nhà anh hiện đã chín nhưng mấy ngày nay anh vẫn không đi được từ xã Phú Mỹ sang xã Tân Hòa Đông và Thạnh Mỹ để thu hoạch, vận chuyển khóm vì thiếu giấy test Covid-19 khi qua chốt chặn.

Ngặt nỗi, tại huyện Tân Phước, có rất ít cơ sở có năng lực thực hiện xét nghiệm và cấp giấy test nhanh Covid-19 cho người dân. Bên cạnh đó, các cơ sở này nghỉ lễ 2/9 vừa qua tới 4 ngày nên anh Thiện đành phải sốt ruột mà chờ đợi, không thể ra đồng thu hoạch khi khóm đã chín rũ.

Người nuôi cá lồng bè ở cồn Thới Sơn (TP. Mỹ Tho, Tiền Giang) như ngồi trên lửa khi cá lớn không xuất được, cá bé nguy cơ bỏ đói do thiếu thức ăn. Ảnh: Minh Đảm.

Người nuôi cá lồng bè ở cồn Thới Sơn (TP. Mỹ Tho, Tiền Giang) như ngồi trên lửa khi cá lớn không xuất được, cá bé nguy cơ bỏ đói do thiếu thức ăn. Ảnh: Minh Đảm.

Nông dân ra đồng đã khó, cánh thương lái đi thu mua nông sản càng khó hơn. Nhiều thương lái do không thể đáp ứng được yêu cầu để qua các chốt kiểm soát dịch bệnh nên mới xuất hiện tình trạng trăm người bán mà “hổng có ai mua”.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Chủ tịch UBND xã Tân Hoà Đông cho biết: Tại địa phương có rất ít thương lái, mà nông sản, trái cây chủ yếu do thương lái bên ngoài. Trong khi đó, do việc vào địa bàn xã để thu mua nông sản gặp khó khăn nên số thương lái vào thu mua nông sản cho người dân rất ít. Ngay cả các vựa thu mua tại địa bàn xã cũng chỉ hoạt động cầm chừng, uỷ thác cho nhân công đi thu mua...

Người nuôi cá gửi đơn kêu cứu

Tại xã Thới Sơn (TP. Mỹ Tho), do có ca F0 tại ấp Thới Thạnh nên UBND xã này đã phong toả toàn xã trong 10 ngày qua. Nhiều thương lái do đó thời gian qua đã không thể vào thu mua cá cho nông dân ở địa bàn xã này.

Theo các hộ nuôi cá ở xã Thới Sơn, nhiều ngày qua, thức ăn cho cá cũng đã hết, ảnh hưởng đến khoảng 1.000 bè cá ở đây với sản lượng khoảng 1.000 tấn. Bên cạnh đó, giá thức ăn cũng liên tục tăng nên chi phí giữ lại đàn cá sẽ tăng cao. 

Gia đình ông Nguyễn Tấn Bỉnh ở xã Thới Sơn nuôi 16 bè cá với sản lượng khoảng 40 tấn, trọng lượng cá hiện đã từ 1,3 - 1,4 kg/con, cần được thu hoạch lo lắng: Do không bán được cá nên cánh đại lý không chịu đưa thức ăn về cho lớp cá nhỏ ăn. Cả đàn cá lớn bé đang đối diện nguy cơ bị bỏ đói.

Những bè cá nêm cứng do không xuất bán được do hơn 10 ngày thương lái không thể vào mua cá, nông dân đã gửi đơn kêu cứu. Ảnh: Minh Đảm.

Những bè cá nêm cứng do không xuất bán được do hơn 10 ngày thương lái không thể vào mua cá, nông dân đã gửi đơn kêu cứu. Ảnh: Minh Đảm.

"Thông thường, bán cá lớn thì mới xoay vòng lấy tiền về mua thức ăn cho cá nhỏ ăn. Bây giờ đại lý không thu mua cá được, nên không có thức ăn cho cả cá lớn và cá bé. Đàn cá lớn càng giữ lại nuôi báo cô cũng không xong, mà bán cũng không được, trong khi cá bé không có thức ăn thì nguy cơ chết đói...”.

Trước tình cảnh "nước sôi lửa bỏng" này, ngày 3/9, nhiều nông dân, doanh nghiệp đã không thể ngồi yên được nữa, họ gởi đơn kêu cứu đến các ngành chức năng cùng với chính quyền địa phương.

Ông Lê Hữu Khanh, một thương lái bán thức ăn và bao tiêu cá cho gần 1.000 bè cá ở cồn Thới Sơn đã gởi đơn kêu cứu thay cho các hộ dân liên kết với ông để vào mua được cá. Ông Lê Hữu Khanh chia sẻ: “Từ lúc xã Thới Sơn có mấy ca F0 đã phong tỏa ấp Thới Thạnh nhưng giờ xét nghiệm 3 lần đều đã âm tính hết, mà xã vẫn không cho phép thương lái đi bắt cá”.

Do đó, ngày 4/9, UBND xã Thới Sơn (TP. Mỹ Tho) đã có văn bản trả lời và hướng dẫn ông Lê hữu Khanh để khẩn cấp vào thu mua cá cho người dân ở đây.

Cho nông dân ra đồng là giãn cách tốt nhất

Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty Huy Long An (huyện Mỹ Bình, tỉnh Long An) cho rằng: Trong tình hình hiện nay, các loại nông sản được xuất khẩu chính ngạch, nhất là sang thị trường Trung Quốc cơ bản vẫn tiêu thụ tốt.

Cho nên, cần tạo điều kiện để các ngành hàng nông sản này hoạt động tốt nhất. Trong đó, bên cạnh ưu tiên tiêm vacxin cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, cũng nên ưu tiên cho lực lượng sản xuất "3 tại chỗ". Bên cạnh đó, phải có cơ chế để nông dân có thể ra đồng để duy trì hoạt động sản xuất, chăm sóc, thu hoạch... nông sản. 

Theo ông Huy, giãn cách ở đô thị nơi mật độ dân số rất đông đúc phải khác so với nơi có mật độ dân số rất thấp như ở nông thôn, đặc biệt là ở vùng ĐBSCL rất thưa thớt. Nông dân ra đồng sản xuất, ruộng nhà ai nhà ấy làm, không gặp gỡ trao đổi với ai, ra đồng xong rồi chỉ về nhà mình thì vẫn hoàn toàn đảm bảo việc giãn cách xã hội, đảm bảo phòng chống dịch bệnh, mà vẫn duy trì được sản xuất... 

"Để nông dân ra đồng, có khi lại là phương án giãn cách tốt nhất. Nếu giãn cách phù hợp thì sản xuất sẽ phục hồi tốt nhất. Con cá, cọng rau của nông dân không còn phải gian nan như bây giờ nữa”.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm