Thiệt hại từ bão số 3 đã ảnh hưởng sâu rộng đến ngành chăn nuôi cả nước, với khoảng 98.000 chuồng trại bị hư hỏng, 25.000 gia súc và hơn 3 triệu gia cầm mất trắng, gây thiệt hại lên tới 11.000 tỷ đồng. Những tổn thất này không chỉ ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm mà còn đe dọa sinh kế của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, vốn là lực lượng chính trong việc cung ứng thực phẩm cho thị trường dịp cuối năm.
Theo ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), tuy số lượng thiệt hại do bão số 3 so với tổng đàn của cả nước không quá lớn, vấn đề đáng lo ngại nằm ở chỗ, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là đối tượng bị ảnh hưởng lớn nhất. Ở nông thôn, chăn nuôi không chỉ là nguồn thu nhập chính mà còn đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội.
Trong bối cảnh này, Cục Chăn nuôi đã tham mưu Bộ NN-PTNT ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất, thống kê thiệt hại vật nuôi để làm cơ sở bồi thường và hỗ trợ chính sách thiên tai. Đồng thời, đề xuất các tổ chức tín dụng và Chính phủ hỗ trợ vốn, giãn nợ, giảm lãi suất cho nông dân để bà con phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, việc tái đàn chỉ nên diễn ra khi đảm bảo được các yếu tố về an toàn sinh học và vệ sinh môi trường.
Hiện tại, vấn đề vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng cần được ưu tiên hàng đầu. Sau đó, các địa phương cần chuẩn bị con giống và thức ăn chăn nuôi đảm bảo chất lượng để tái đàn. Ông Phạm Kim Đăng nhấn mạnh rằng, với điều kiện sau mưa bão, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao, do đó, việc quản lý dịch bệnh và chăm sóc nuôi dưỡng phải được thực hiện nghiêm ngặt, đặc biệt là áp dụng các quy trình an toàn sinh học.
Ngoài ra, Cục Chăn nuôi cũng kêu gọi sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi để giúp đỡ các nông hộ, trang trại lớn bị thiệt hại. Mục tiêu là hỗ trợ tài chính ban đầu, giúp nông dân có thể tái sản xuất kịp thời để đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho dịp Tết.
Về cơ cấu đàn vật nuôi, số liệu cho thấy khoảng 25.000 gia súc và 3 triệu con gia cầm bị thiệt hại, nhưng với năng lực sản xuất hiện tại, ông Phạm Kim Đăng khẳng định, chúng ta hoàn toàn có thể cung cấp đủ đa dạng chủng loại, số lượng con giống, đủ thời gian để tái đàn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong dịp Tết Nguyên đán.
Bên cạnh các giải pháp ngắn hạn, ông Phạm Kim Đăng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng các chiến lược dài hạn để ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai. Theo ông, bão số 3 vừa là thách thức vừa là cơ hội để ngành chăn nuôi chuyển đổi theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 của Chính phủ đã đề ra nhiều đề án ưu tiên, trong đó có các lĩnh vực như sản xuất thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, xử lý chuồng trại và chất thải chăn nuôi. Gần đây nhất, Nghị định 106 về nâng cao hiệu quả chăn nuôi đã được ban hành, cùng với việc đưa đất chăn nuôi tập trung vào quy hoạch đất đai nhằm giải quyết những vướng mắc lâu nay.
“Với một thể chế hoàn thiện và nhiều nguồn lực từ các đề án, chiến lược và chính sách hỗ trợ, đây là thời điểm vàng để ngành chăn nuôi Việt Nam chuyển đổi theo hướng phát triển bền vững. Điều này không chỉ giúp nông dân nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai mà còn đảm bảo ngành chăn nuôi phát triển ổn định trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt”, ông Phạm Kim Đăng nhận định.