| Hotline: 0983.970.780

Con tôm… trả nợ!

Thứ Ba 15/03/2011 , 10:17 (GMT+7)

Sáng hôm qua, đang lom khom dọn cỏ vạt rau cải phía sau vườn, đứa con gái lớn của tôi chạy ra kêu: “Có khách, ba ơi!”. Thì ra là anh Sáu Vĩnh Nam đến từ vùng quê nghèo Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Chưa kịp hỏi han câu nào, anh Sáu thúc: “Lâu quá không gặp, thôi mặc đồ lẹ, ra cái quán cà phê xập xình tiếng nhạc ngoài kia làm ly đen nóng cho dzui dzẻ. Nghỉ phép, mần chi mà bận bịu dữ rứa?”. Vốn nghiện cà phê, trời lại se se lạnh, ngồi nhấm nháp cái vị đăng đắng ấy thì còn gì bằng. Tôi liền gật đầu.

Hàn huyên đủ chuyện trên đời, tôi quay sang hỏi anh Sáu: “Lâu nay làm ăn có khấm khá không mà thằng em này thấy ông anh phấn khởi rứa?”. Anh Sáu Vĩnh Nam cười sảng khoái: “Cũng nhờ trời, chú mi ơi. Năm rồi vợ chồng tui trúng đậm tôm thẻ chân trắng nên cuộc sống cũng bớt khốn khó rồi”. Anh Sáu có 5 sào tôm, nhờ nguồn con giống chất lượng cao, thời tiết thuận lợi, môi trường nước không bị ô nhiễm, thả nuôi với mật độ thích hợp, chú trọng đầu tư thâm canh nên cả hai vụ đều thắng lớn.

Anh Sáu tâm sự: “Ông biết không, vụ 2 vừa rồi, năng suất bình quân 1 sào đạt hơn 250 kg tôm thịt, tăng gấp 3 lần so với cùng vụ sản xuất năm trước. Đâu chỉ vậy, giá mỗi ký tôm thịt thu mua tại hồ cũng tăng từ 70 nghìn đồng lên 90 nghìn đồng nên rất có lãi”. Theo anh Sáu, với sản lượng và giá bán như vừa nêu thì 1 sào tôm cho tổng giá trị gần 23 triệu đồng, trong khi đó vốn đầu tư cho khâu giống, thức ăn chỉ chiếm chừng 35%.

Tôi còn nhớ như in, vụ 1 năm 2008, vừa xin cha mẹ ra ở riêng, vợ chồng anh Sáu liền bán 7 chỉ vàng cưới để lấy tiền trút hết xuống mấy hồ tôm ấy những mong làm cuộc đổi đời. Nhưng oái ăm thay, khi con tôm đang nhanh ăn, chóng lớn thì nắng nóng khốc liệt, nguồn nước nhiễm bẩn trầm trọng, bệnh đốm trắng hoành hành dữ dội khiến những “đứa con cưng” của anh Sáu chết nổi đỏ hồ. Toàn bộ vàng bốn bên nội ngoại cho “đội nón ra đi” ngay vụ đầu tay, đôi vợ chồng trẻ chỉ còn biết ôm nhau… khóc. Quyết không từ bỏ ý định làm giàu, năm 2009, mượn bà con họ hàng được mấy chục triệu đồng, anh Sáu tiếp tục “đổ” xuống ao tôm. Và, thêm một lần nữa, chất lượng con giống kém, dịch bệnh bùng phát mạnh, sản lượng tôm thấp lè tè, người thanh niên 37 tuổi này lại bị thâm vốn nghiêm trọng.

Nghe tôi nhắc lại chuyện cũ, anh Sáu Vĩnh Nam liền vỗ vai: “Thôi, đó là nỗi buồn của quá vãng. Bây giờ, con tôm không chỉ giúp vợ chồng tui trả hết nợ nần, lấy lại mấy chỉ vàng cưới mà còn thừa rủng rỉnh tiền nữa đây”. Tôi tiếp lời: “Lấy lại những gì đã mất rồi, thôi thì vợ chồng anh nên dứt tình với con tôm đi là vừa, bởi tui thấy gần đây bà con xứ Quảng mình nuôi nó không khác gì đánh bạc với trời”. Anh Sáu Vĩnh Nam lắc đầu: “Chú mi bớt giỡn. Nó là con vật nuôi siêu lợi nhuận. Thất bại hai vụ nhưng trúng đậm lại một vụ thì cũng đã lời rồi. Anh vừa dọn hồ, giữa tháng 3 ni sẽ tiếp tục đánh cuộc với con tôm, biết đâu ông trời ổng thương!”.

Cách đây vài ngày, về xã vùng cát Duy Nghĩa, tôi vô tình gặp lại thím Ba Hồng Triều. So với cách đây chừng 2 năm, dạo này trông thím mập và trẻ hơn nhiều. Chỉ tay về phía đồng tôm nằm sát nhánh sông Trường Giang, thím Ba Hồng Triều không giấu được niềm vui: “Nói chú mi mừng, vợ chồng tui vừa lên ngân hàng lấy lại cái sổ đỏ. Hú hồn, nhà báo ơi. May mà con tôm vẫn còn thương mình!”. Thất bại 3 vụ liên tiếp, nợ nần lút mặt, cuối năm 2009 vợ chồng thím Ba phải ngậm ngùi ôm toàn bộ giấy tờ nhà đất lên Nam Phước thế chấp cho ngân hàng để vay 70 triệu đồng về trả tiền con giống, thức ăn, công cải tạo hồ cho người ta. Chạy đôn, chạy đáo mượn được 30 triệu đồng, đánh cú liều, năm rồi họ tiếp tục đầu tư nuôi gần 1 hécta tôm. Và, lần này thần may mắn đã gõ cửa. Cả 2 vụ không bị dịch bệnh gây hại, toàn bộ diện tích ao nuôi đều cho năng suất cao, giá tôm thịt lại tăng mạnh nên trừ mọi chi phí vợ chồng thím Ba Hồng Triều lãi ròng hơn 140 triệu đồng.

Sau nhiều vụ “gặm” sổ đỏ, giờ đây con tôm đã… trả nợ cho người dân Duy Xuyên. Còn gì mừng hơn. Tuy nhiên, để nghề nuôi tôm ở Quảng Nam không còn là một canh bạc, mà canh bạc này phần thua thường thuộc về nông dân thì chẳng còn cách nào khác là phải phát triển nó theo hướng bền vững và an toàn dịch bệnh. Lâu nay, các cơ quan có trách nhiệm đã hô hào quá nhiều về vấn đề này nhưng thực tế thì chuyện “được, mất” của con tôm vẫn cứ mãi phụ thuộc vào sự… rủi may. Buồn thay!

Xem thêm
Người Mông trung thành với lợn đen

YÊN BÁI Đồng bào Mông ở Yên Bái tập trung phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa quy mô hàng hóa, phù hợp với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt lại giúp nâng cao thu nhập.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Trang trại nho trĩu quả bên dòng Sê San

Vài năm nay, huyện Ia Grai không chỉ nổi tiếng bởi có dòng Sê San, là vựa cà phê lớn nhất tỉnh Gia Lai mà còn nổi lên với những vườn nho trĩu quả.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất