Yến sào là mặt hàng chiếm số lượng khá lớn trong danh mục sản phẩm OCOP của nhiều tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, trong đó có Sóc Trăng. Nhờ mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong tất cả các khâu sản xuất, Công ty TNHH Yến sào Quốc Tín ở phường 1, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đã xây dựng được quy trình kỹ thuật mới khá hoàn thiện, khác biệt cho sản phẩm, điểm nhấn là quy cách đóng gói, bao bì, nhãn mác…
Nhờ đầu tư đồng bộ quy trình sản xuất, yến sào Quốc Tín đã nằm trong nhóm những sản phẩm OCOP có sức tiêu thụ tốt nhất tại thị trường tỉnh Sóc Trăng. Ngoài ra, sản phẩm đã phân phối tại các chuỗi siêu thị Coopmart ở một số tỉnh, thành lân cận.
Anh Trần Quốc Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Yến sào Quốc Tín đánh giá, để tạo được sức cạnh tranh cho sản phẩm OCOP, việc đảm bảo chất lượng và cải tiến mẫu mã sản phẩm là yếu tố quyết định. Thực tế tại doanh nghiệp này, thời gian đầu phát triển sản phẩm, phương pháp sấy chủ yếu bằng nhiệt khiến thành phần dinh dưỡng trong yến bị giảm. Với sự hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng, doanh nghiệp đã chuyển đổi công nghệ sang thiết bị máy sấy lạnh, sấy thăng hoa. Nhờ đó, tổ yến đẹp, bóng hơn, giữ được tối đa hàm lượng dinh dưỡng.
Hiện các sản phẩm yến của anh Thanh đã có mặt tại 13 chuỗi siêu thị Coopmart trên toàn quốc. Với nguồn nguyên liệu chính là tổ yến thô được thu hoạch từ các khu nuôi gia đình, doanh nghiệp đã cho ra đời đa dạng các sản phẩm chế biến từ yến. Đồng thời xây dựng kế hoạch liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước.
Hành tím Vĩnh Châu - mặt hàng nông sản đặc trưng của tỉnh Sóc Trăng hiện cũng đã được doanh nghiệp tiếp cận, đầu tư thiết bị máy móc hiện đại để đa dạng hóa sản phẩm. Công ty TNHH Techpal Sóc Trăng đã thực hiện hỗ trợ các HTX và bà con nông dân ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại theo từng công năng khác nhau để chế biến các sản phẩm từ hành tím. Doanh nghiệp này đang sở hữu các dòng sản phẩm như hành túi lưới, hành lát sấy, hành bột, hành đen và viên nang hành. Mỗi sản phẩm có công nghệ sản xuất khác nhau, từ phân loại, tách vỏ, rửa hành, cắt lát, sấy…, giúp thay thế đáng kể công lao động và gia tăng sản lượng, chất lượng, mẫu mã sản phẩm.
Trải qua gần 4 năm triển khai, Chương trình Quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tỉnh Sóc Trăng đã thu hút sự tham gia hưởng ứng mạnh mẽ từ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh. Giai đoạn đầu, các công đoạn sản xuất sản phẩm chủ yếu được thực hiện bằng phương pháp thủ công. Đến nay, nhiều chủ thể OCOP đã có sự đầu tư cải tiến, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình sản xuất, chế biến. Qua đó, tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm.
Quá trình hoàn thiện và củng cố các sản phẩm OCOP mang tính đặc trưng của từng địa phương. Hơn nữa, các chủ thể sản phẩm OCOP cũng quan tâm phát triển vùng trồng theo quy trình sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng đã có 206 sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, sản phẩm xếp hạng 4 sao, 5 sao vẫn còn hạn chế.
Theo bà Phương Ngọc Tuyết, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng: Các chủ thể sản phẩm OCOP cần đầu tư nhiều hơn máy móc, thiết bị công nghệ vào quy trình chế biến sản phẩm. Chi cục sẽ phối hợp với cơ quan liên quan để hỗ trợ các chủ thể cải tiến công nghệ, tham gia chứng nhận HACCP, ISO... Đây là cơ sở để các chủ thể đáp ứng đủ điều kiện tham gia tái công nhận sản phẩm OCOP, cũng như tham gia nâng hạng sản phẩm.
Việc khuyến khích, có chính sách hỗ trợ sẽ giúp các chủ thể OCOP chủ động ứng dụng máy móc, công nghệ vào sản xuất, chế biến nhằm xây dựng thương hiệu hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm.