| Hotline: 0983.970.780

Hậu Giang có 7 sản phẩm dự thi OCOP 5 sao cấp Trung ương

Thứ Hai 02/10/2023 , 15:01 (GMT+7)

Hậu Giang Đến nay tỉnh Hậu Giang có 175 sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó có 7 sản phẩm đã đăng ký dự thi sản phẩm OCOP 5 sao cấp Trung ương.

Ông Huỳnh Thành Hữu, Chánh Văn Phòng, Văn phòng điều phối các Chương trình Mục tiêu quốc gia tỉnh Hậu Giang cho biết: Hầu hết các sản phẩm OCOP đều được quan tâm đến chất lượng, mẫu mã, đồng thời trên bao bì sản phẩm đều có mã QR Code để khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Nhờ đó, sản phẩm OCOP của Hậu Giang có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước thông qua một số hệ thống bán hàng lớn như: Bách hóa xanh, Coop Mart, Vinmart… Một số sản phẩm trái cây đã xuất khẩu sang các thị trường quốc tế như EU, Hong Kong, và sản phẩm từ cá thát lát cũng gián tiếp xuất qua thị trường Hàn Quốc, Đài Loan...

Đến nay, tỉnh Hậu Giang có 39 xã đạt chuẩn NTM, 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Ảnh: Hồ Thảo.

Đến nay, tỉnh Hậu Giang có 39 xã đạt chuẩn NTM, 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Ảnh: Hồ Thảo.

Chương trình OCOP đã thành công trong việc phát triển các sản phẩm đặc trưng từng địa phương, đồng thời giúp tăng thu nhập cho nông dân nông thôn. Ngoài ra, chương trình còn lan tỏa giá trị văn hóa, truyền thống, cũng như đặc sản địa phương ra mọi miền đất nước.

Sản phẩm OCOP hiện đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách qua đó góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh cho tỉnh Hậu Giang. Chương trình đã tạo sự kết nối giữa doanh nghiệp và những người sản xuất để tạo cơ hội chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương với nhau.               

Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đến nay toàn tỉnh có 175 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao, 4 sao, riêng trong năm 2022 công nhận mới 70 sản phẩm, và 1 sản phẩm thăng hạng từ 3 sao lên 4 sao.

Đặc biệt tỉnh có 7 sản phẩm đăng ký dự thi sản phẩm OCOP 5 sao cấp Quốc gia gồm cá thát lát rút xương tẩm gia vị, rượu lão tửu đông trùng hạ thảo, sữa chua dê sấy khô, bưởi da xanh, chanh không hạt, bưởi năm roi, gạo sạch Vị Thủy. Số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh đã vượt qua chỉ tiêu đề ra hàng năm.

Thưa ông, để đạt được mục tiêu trên tỉnh Hậu Giang đã đề ra những giải pháp gì?

Tỉnh đã đặt ra chỉ tiêu thi đua cho từng địa phương giúp họ xác định sản phẩm đặc trưng của từng ấp, xã, huyện để phát triển. Hậu Giang cũng đầu tư máy móc, trang thiết bị và cải thiện thiết kế bao bì của sản phẩm để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Hơn nữa, Hậu Giang đã tư vấn cho các doanh nghiệp và đơn vị tham gia quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, tiếp thị và phát triển thương hiệu, nhằm tăng cường chất lượng của sản phẩm.

Ngoài ra, tỉnh cũng thúc đẩy việc áp dụng khoa học và công nghệ, đổi mới và hoàn thiện công nghệ chế biến cho các doanh nghiệp và cơ sở nhỏ và vừa, đặc biệt là đối với các sản phẩm OCOP đã được công nhận đạt tiêu chuẩn. Tiến hành rà soát và xây dựng các tiêu chuẩn và quy chuẩn cho sản phẩm OCOP đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt là các sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

Đến nay Hậu Giang có 175 sản phẩm OCOP vượt kế hoạch đặt ra. Ảnh: Trung Phạm.

Đến nay Hậu Giang có 175 sản phẩm OCOP vượt kế hoạch đặt ra. Ảnh: Trung Phạm.

Xin ông cho biết, tỉnh Hậu Giang đã triển khai các chương trình, kế hoạch gì trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay đã đạt kết quả như thế nào?

Tỉnh đã triển khai một loạt các chương trình gồm chuyển đổi số (CĐS), áp dụng Khoa học Công nghệ (KHCN) trong sản xuất nông nghiệp, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP...

Năm 2023, Hậu Giang đã lên kế hoạch thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia từ nguồn ngân sách Trung ương, với tổng nguồn vốn khoảng 147 tỷ đồng.

Hậu Giang cũng đề xuất với Bộ NN-PTNT việc sớm sửa đổi và hoàn thiện bộ tiêu chí NTM cho các giai đoạn trong khoảng 2021-2025, cũng như quy định về điều kiện, trình tự và thủ tục công nhận NTM. Đồng thời, ban hành văn bản quy định cụ thể về cơ cấu bộ máy giúp việc thực hiện chương trình tại cấp tỉnh và huyện.

Từ giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hậu Giang đã được Trung ương hỗ trợ nguồn lực để thực hiện 3 Chương trình MTQG, và nguồn ngân sách Trung ương đã đóng góp một phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế và xã hội của địa phương, đặc biệt là khi ngân sách tỉnh đang gặp khó khăn.

Hiện tại, đời sống của người dân trong tỉnh đã ổn định, và nhận thức của cán bộ đảng viên ngày càng được nâng cao. Cả tỉnh đang tích cực tham gia vào phong trào thi đua "Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2021-2025.

Hậu Giang hiện có 51 xã triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, trên địa bàn 8 huyện, thị, thành phố. Đến nay, toàn tỉnh có 39/51 xã đạt chuẩn NTM, 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (huyện Châu Thành A, TP Ngã Bảy và TP Vị Thanh), các xã còn lại đều đạt từ 12 tiêu chí trở lên. Số tiêu chí đạt bình quân của toàn tỉnh là 17,7 tiêu chí/xã. Riêng trong năm 2022 tỉnh đã công nhận mới 3 xã NTM, 2 xã NTM nâng cao.

Người dân trong tỉnh đang rất hài lòng với các xã được công nhận đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao trong năm vừa qua. 

Đối với chương trình OCOP, công nhận ít nhất 24 sản phẩm đạt 3-4 sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh; thăng hạng cho sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh đủ điều kiện lên 4 sao. Ảnh: Hồ Thảo.

Đối với chương trình OCOP, công nhận ít nhất 24 sản phẩm đạt 3-4 sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh; thăng hạng cho sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh đủ điều kiện lên 4 sao. Ảnh: Hồ Thảo.

Như ông đã đề cập ở trên thời gian qua tỉnh Hậu Giang đã ban hành một loạt các kế hoạch xây dựng NTM trong đó có chuyển đổi số. Ông có thể chia sẻ về vấn đề này trong việc phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh?

Để đáp ứng những yêu cầu và nhiệm vụ mới đang đặt ra một trong những giải pháp căn cơ mà tỉnh tập trung là đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.

Đồng thời phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, môi trường xanh, sạch, đẹp; đời sống người dân được phát triển, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.

Tỉnh đã đẩy mạnh chuyển đổi số vào quy trình sản xuất, nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời tạo điều kiện tăng thu nhập cho người dân.

Một số mô hình thí điểm dự kiến thực hiện trong thời gian tới như mô hình sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm tự động tại xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, với nội dung hỗ trợ máy bơm, hệ thống điều khiển khoảng 500ha, với kinh phí dự kiến 45 tỷ đồng; Mô hình xã NTM thông minh tại xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, với kinh phí dự kiến khoảng 34 tỷ đồng.

Ngoài ra, tỉnh cũng tăng cường huy động nguồn lực để thu hút đầu tư vào phát triển sản xuất nông thôn.

Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng đang triển khai một cách hiệu quả, tập trung vào sản xuất hàng hóa, chuyên canh, và liên kết chuỗi sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp.

Những nỗ lực trên nhằm mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cải thiện chất lượng giáo dục và y tế, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, và tạo điều kiện sống tốt hơn cho người dân nông thôn. Đồng thời, đảm bảo đời sống của người dân ổn định, môi trường nông thôn sạch đẹp, duy trì trật tự an toàn xã hội.

Năm 2023, tỉnh Hậu Giang đề ra mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng đối với các xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao và huyện đạt chuẩn NTM, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đối với chương trình OCOP, công nhận ít nhất 24 sản phẩm đạt 3-4 sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh; thăng hạng cho sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh đủ điều kiện lên 4 sao; tái công nhận đối với sản phẩm OCOP hết thời gian chứng nhận (36 tháng) trên địa bàn tỉnh; hoàn thiện hồ sơ cho 3 sản phẩm OCOP đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp quốc gia

 Xin cám ơn ông!

(thực hiện)

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tinh hoa làng nghề và đặc sản 30 tỉnh thành hội tụ TP.HCM

500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM.