| Hotline: 0983.970.780

Công nhận giảng viên IPHM đầu tiên tại Việt Nam

Thứ Tư 15/06/2022 , 17:22 (GMT+7)

HƯNG YÊN 30 giảng viên quốc gia đầu tiên của Việt Nam đã được trao chứng nhận hoàn thành hóa học về chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM).

Ngày 15/6, Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Văn phòng FAO Việt Nam đã bế giảng khóa đào tạo giảng viên quốc gia về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (TOT-IPHM).

Chuyển biến mạnh mẽ ngành bảo vệ thực vật

Lễ bế giảng được tổ chức tại Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc (Hưng Yên) với sự tham dự của đại diện Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), Văn phòng FAO Việt Nam, Chi Cục Trồng trọt và BVTV các tỉnh phía Bắc…

Khóa đào tạo TOT-IPHM lần này diễn ra trong 115 ngày, với sự tham gia của 30 học viên (giảng viên tương lai) đến từ 17 tỉnh thành phố phía Bắc.

Ông Nguyễn Qúy Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV đánh giá cao các giảng viên, học viên đã vượt qua nhiều khó khăn hoàn thành xuất sắc khóa đào tạo IPHM. Ảnh: Trung Quân.

Ông Nguyễn Qúy Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV đánh giá cao các giảng viên, học viên đã vượt qua nhiều khó khăn hoàn thành xuất sắc khóa đào tạo IPHM. Ảnh: Trung Quân.

Khóa đào tạo này là 1 trong 2 khóa đào tạo TOT-IPHM do Cục BVTV tổ chức (theo kế hoạch, tổ chức đào tạo 30 giảng viên phía Bắc và 30 giảng viên phía Nam), nằm trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM - Plant Health)” do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tài trợ, đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt và giao Cục BVTV làm chủ dự án.

Theo đó, chương trình đào tạo sẽ trang bị cho các học viên những nội dung đa dạng, bao trùm liên quan tới xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp với nhiều vấn đề quan trọng như sức khỏe đất, nước, phát thải khí nhà kính, sử dụng hiệu quả vật tư sản xuất nông nghiệp, bảo vệ sức khỏe con người… Sau khi khóa học kết thúc, các giảng viên nguồn này sẽ trực tiếp đào tạo kiến thức cho các giảng viên ở địa phương để tập huấn cho nông dân.

Ông Rémi Nono Womdim, Trưởng Đại diện Văn phòng FAO tại Việt Nam chia sẻ: Thách thức đối với ngành nông nghiệp toàn cầu hiện nay là thực hiện cuộc cách mạng xanh, chuyển đổi mô hình sản xuất, giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của nạn đói và suy dinh dưỡng. Để làm được điều này, yêu cầu đặt ra là phải thay đổi phương pháp sản xuất, phân phối, tiêu thụ thực phẩm bổ dưỡng, góp phần tạo ra cuộc sống lành mạnh và hiệu quả cho loài người.

Ông Rémi Nono Womdim bày tỏ vui mừng khi chứng kiến Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ trong lĩnh vực BVTV. Bên cạnh đó, những học viên tham gia khóa đào tạo lần này sẽ là những giảng viên quốc gia đầu tiên về IPHM của Việt Nam. Những học viên này sẽ là lực lượng tham gia, đóng góp tích cực vào việc triển khai kế hoạch hành động quốc gia về IPHM đang được xây dựng dưới sự chủ trì của Bộ NN-PTNT, Cục BVTV và sự hỗ trợ kỹ thuật của FAO, các chuyên gia khác.

Ông Rémi Nono Womdim, Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam chia sẻ: FAO sẽ luôn sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc chuyển đổi và xây dựng các hệ thống nông sản hiệu quả, rộng lớn, linh hoạt và bền vững. Ảnh: Trung Quân.

Ông Rémi Nono Womdim, Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam chia sẻ: FAO sẽ luôn sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc chuyển đổi và xây dựng các hệ thống nông sản hiệu quả, rộng lớn, linh hoạt và bền vững. Ảnh: Trung Quân.

Trên cơ sở đó, ông Rémi Nono Womdim khẳng định, FAO sẽ luôn sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc chuyển đổi và xây dựng các hệ thống nông sản hiệu quả, rộng lớn, linh hoạt và bền vững.

Phát biểu tại lễ bế giảng, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của ban quản lý lớp học, đội ngũ giảng viên, học viên đã vượt qua rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, học tập trung trong thời gian dài… để hoàn thành khóa học một cách xuất sắc.

Bên cạnh đó, ông Dương cũng bày tỏ sự vui mừng khi các học viên lớp TOT-IPHM nắm rất vững, trả lời thấu đáo được câu hỏi IPHM giống và khác gì IPM trước đây. Đặc biệt, những người nông dân thông qua các lớp FFS cũng đã nắm rõ những nguyên tắc cơ bản của IPHM, một số hộ đã áp dụng thử nghiệm vào canh tác lúa trong vụ xuân 2022 đã cho những kết quả rất khả quan.  

Nước đầu tiên Đông Nam Á triển khai IPHM 

Theo ông Dương, chương trình IPHM sẽ là chương trình làm giàu cho nông dân và tạo cơ sở vững chắc để Việt Nam vươn ra thế giới. Bởi lẽ, trong chương trình đào tạo IPHM áp dụng những biện pháp canh tác tiên tiến như SRI, "3 giảm 3 tăng"… Nhờ đó, lượng phát thải khí nhà kính trong sản xuất giảm 30 - 40% so với canh tác thông thường. Bên cạnh đó, nhiều nội dung mới như sức khỏe đất, mã số vùng trồng, xây dựng nông dân chuyên nghiệp (trang bị kiến thức về sản xuất an toàn, thị trường, chuyển đổi số 4.0…) cũng được triển khai.

Mô hình sản xuất lúa áp dụng IPHM do khóa đào tạo triển khai tại tỉnh Hưng Yên trong vụ đông xuân 2022. Ảnh: Trung Quân.

Mô hình sản xuất lúa áp dụng IPHM do khóa đào tạo triển khai tại tỉnh Hưng Yên trong vụ đông xuân 2022. Ảnh: Trung Quân.

Đặc biệt, 6 nguyên tắc cơ bản của IPHM mà chương trình đào tạo xây dựng được hoàn toàn phù hợp với những định hướng, mục tiêu lớn mà ngành NN-PTNT Việt Nam đang hướng tới: Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh.

Cũng theo ông Dương, Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á triển khai chương trình IPHM. Do đó, mục tiêu lớn nhất của khóa đào tạo là rà soát lại nội dung chương trình IPHM đã xây dựng, đánh giá mức độ phù hợp của các nội dung, phương pháp để tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện, tiến tới ban hành một quy chuẩn chung về IPHM... Chi cục Trồng trọt và BVTV các tỉnh sẽ lấy quy chuẩn chung này làm cơ sở để xây dựng chương trình hoạt động của mình trong 10 năm tới.

Trên cơ sở đó, ông Dương lưu ý: Các học viên không được tự bằng lòng với kết quả đạt được vì đây mới là sự khởi đầu cho một chặng đường rất dài ở phía trước. Bên cạnh đó, các học viên với kiến thức học được, tham gia tích cực cùng với ngành nông nghiệp địa phương lan tỏa những điều tốt đẹp của chương trình IPHM, xây dựng được chương trình IPHM không chỉ trên cây lúa mà nhân rộng ra nhiều cây trồng chủ lực khác theo định hướng phát triển của tỉnh nhà.

Lãnh đạo Cục BVTV và Trưởng Đại diện Văn phòng FAO tại Việt Nam công bố quyết định công nhận kết quả học tập và trao giấy chứng nhận hoàn thành hóa học IPHM cho 30 học viên. Ảnh: Trung Quân.

Lãnh đạo Cục BVTV và Trưởng Đại diện Văn phòng FAO tại Việt Nam công bố quyết định công nhận kết quả học tập và trao giấy chứng nhận hoàn thành hóa học IPHM cho 30 học viên. Ảnh: Trung Quân.

Ông Dương cũng đề nghị Chi cục Trồng trọt và BVTV các tỉnh sớm xây dựng chương trình IPHM cho địa phương mình, trước mắt là trên cây lúa, tiến tới nhân rộng ra các cây trồng chủ lực khác. Tổ chức các lớp tập huấn IPHM để các học viên lớp nguồn áp dụng các kiến thức được học đào tạo đội ngũ giảng viên TOT cấp tỉnh, lớp FFS cho nông dân.

Về phía mình, Cục BVTV sẽ giao cho Phòng BVTV phối hợp với các trung tâm, chi cục, giảng viên, chuyên gia... hoàn thiện nội dung, chương tình tập huấn TOT, FFS để ban hành được kế hoạch hành động, bộ tài liệu cho IPHM, làm cơ sở cho các địa phương triển khai hoạt động. Bên cạnh đó, xây dựng khung chương trình tập huấn TOT phù hợp với đặc thù riêng của các địa phương; đẩy mạnh công tác truyền thông để lan tỏa mạnh mẽ IPHM trong thời gian tới.

Tại lễ bế giảng, lãnh đạo Cục BVTV và Trưởng Đại diện Văn phòng FAO tại Việt Nam đã công bố quyết định công nhận kết quả học tập và trao giấy chứng nhận hoàn thành hóa học IPHM cho 30 học viên. Sau khi hoàn thành khóa học, các học viên sẽ trở thành những giảng viên quốc gia đầu tiên về IPHM của Việt Nam.

Xem thêm
Nâng cao chất lượng đào tạo ngành chăn nuôi thú y: [Bài 2] Sinh viên ngồi ghế nhà trường đã khỏi lo đầu ra

Đào tạo ngành chăn nuôi và thú y là yếu tố quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững với nguồn nhân lực chất lượng.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.