Những năm qua, nhằm thích nghi với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn tại tỉnh Bạc Liêu, Trung tâm Giống nông nghiệp Bạc Liêu đã không ngừng nghiên cứu, chọn tạo giống lúa mới phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Phương Hùng, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu chia sẻ: Nhiều năm nay, Trung tâm đã khẳng định vai trò tiên phong và là địa chỉ tin cậy của bà con nông dân trong hoạt động cung ứng giống lúa chất lượng cao; hỗ trợ kỹ thuật canh tác và chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật cho nông dân.
Trung tâm đã bước đầu thành công khi tuyển chọn, lai tạo được 3 bộ giống lúa triển vọng thích nghi với điều kiện địa lí gồm: Bộ giống chịu mặn trên vùng đất tôm - lúa; bộ giống thích nghi có năng suất, chất lượng cao và bộ giống lúa thơm phẩm cấp cao đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Các giống lúa này đều thích nghi với điều kiện, tập quán canh tác của nông dân Bạc Liêu. Trong đó, giống lúa BL9 thuộc nhóm giống lúa thơm phẩm cấp cao được Trung tâm chọn làm giống lúa chiến lược ưu tiên phát triển trong thời gian tới nhằm quảng bá lúa gạo, đáp ứng được tiêu chuẩn gạo phẩm cấp cao mang thương hiệu Bạc Liêu.
Theo ông Hùng, sau khi được công nhận lưu hành, mục tiêu của Trung tâm Giống nông nghiệp Bạc Liêu là tiếp tục phát triển, đưa giống lúa BL9 đến tay nông dân để mở rộng sản xuất. Đồng thời, mời gọi doanh nghiệp liên kết, mở rộng thị trường với các tỉnh lân cận có điều kiện sinh thái tương tự như Bạc Liêu, đặc biệt là xây dựng thương hiệu gạo BL9 cho vùng lúa - tôm.
Giống lúa BL9 thuộc nhóm lúa thơm, phẩm cấp cao, được lai tạo từ tổ hợp giống lúa RVT và giống lúa OM4900 và được chọn lọc qua nhiều thế hệ với kiểu hình đẹp, cứng cây, chống đổ ngã tốt và rất ít sâu bệnh hại.
Giống lúa BL9 được Trung tâm Giống nông nghiệp Bạc Liêu gửi phân tích phẩm chất gạo tại Viện Lúa ĐBSCL và cho thấy đạt mùi thơm cấp 1, hàm lượng amylose 15,2%, hàm lượng protein 8,1%, gạo đục hạt lựu, cơm dẻo, thơm, ngọt, dễ nấu. BL9 được đánh giá là giống lúa thương phẩm cấp cao mang thương hiệu Bạc Liêu.
Tại các điểm trồng thử nghiệm khác nhau, giống lúa BL9 cho thấy khả năng thích nghi, với năng suất đạt từ 5,5 - 6,5 tấn/ha. Cây cứng, không bị đổ ngã, ít sâu bệnh nên giảm được chi phí phát sinh, nhẹ công chăm sóc, rất có triển vọng trong mô hình sản xuất gạo hữu cơ.
Nông dân Đặng Văn Dậu ở ấp An Khoa, xã Vĩnh Mỹ B (huyện Hòa Bình, Bạc Liêu) cho biết: So với các giống lúa thơm khác trong sản xuất hiện nay thì BL9 có nhiều ưu điểm vượt trội như ngắn ngày, thấp cây, đẻ nhánh khỏe và tập trung, ít bệnh đạo ôn.
Mùi thơm là một trong những chỉ tiêu về chất lượng quan trọng ở lúa gạo được các nhà nghiên cứu quan tâm. Chính vì vậy, Trung tâm Giống nông nghiệp Bạc Liêu đã chọn tạo theo hướng gạo thơm và kết quả đạt được là giống BL9 có mùi thơm nhẹ cấp 1.
Hàm lượng amylose được xem là tính trạng có ý nghĩa quyết định đến sự mềm cơm. Hàm lượng amylose của BL9 ở mức thấp (15,2%) kết hợp với độ bền thể gel thuộc loại mềm cho thấy cơm BL9 khi được nấu chín dẻo, mềm cơm, không nhão, không khô cứng khi để nguội. Độ mềm dẻo của gạo BL9 tương đương với giống lúa RVT, ST24, ST25 hiện được thị trường rất ưa chuộng.
Kết quả phân tích cho thấy BL9 chứa hàm lượng protein ở mức khá cao, đạt 8,1%. Đặc biệt, giống lúa BL9 có gạo đục hạt lựu rất đặc trưng. Chính vì vậy, đây là điểm tiêu biểu phân biệt phẩm chất gạo để làm nên thương hiệu cho giống lúa BL9.
Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu đánh giá: Thời gian qua, Trung tâm Giống nông nghiệp Bạc Liêu đã ưu tiên lai tạo những giống lúa thơm chất lượng cao đủ điều kiện xuất khẩu (chiếm khoảng 90%). Trong đó, nổi trội nhất là giống lúa BL9 vừa được Cục Trồng trọt công nhận nhận lưu hành đặc cách. Để đạt được thành công này, Trung tâm đã cho khảo nghiệm rất nhiều đợt với nhiều vùng sinh thái khác nhau, qua đó cho thấy giống lúa BL9 có tính thích nghi rất cao cho 2 địa phương là Bạc Liêu và Cà Mau.