| Hotline: 0983.970.780

Cõng nước lên 'vườn sâm Thủ tướng'

Thứ Tư 21/02/2024 , 06:16 (GMT+7)

KON TUM Để chăm sóc, bảo vệ vườn sâm do Thủ tướng trao tặng, người dân đã làm hàng rào, mái che bảo vệ. Mùa khô, bà con lên núi gánh nước chống hạn cho cây sâm.

Người dân tưới nước chống hạn cho sâm. Ảnh: Đăng Lâm.

Người dân tưới nước chống hạn cho sâm. Ảnh: Đăng Lâm.

Chống hạn cho sâm

Trong chuyến công tác lên địa bàn huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) hồi tháng 8/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra vườn sâm Ngọc Linh, trò chuyện với người dân nơi đây. Sau buổi làm việc, Thủ tướng đã trao tặng 12.000 cây sâm giống 1 năm tuổi cho 300 hộ dân nghèo huyện Tu Mơ Rông. Trong bối cảnh sâm giống có giá 300.000 đồng mỗi cây, cộng với việc khan hiếm cây giống thì đây được xem là món quà có ý nghĩa to lớn, giúp người dân có thêm điều kiện trồng sâm, từ đó vươn lên thoát nghèo.

Để giúp món quà của Thủ tướng tặng phát huy hiệu quả như kỳ vọng, huyện Tu Mơ Rông đã sàng lọc, lựa chọn kỹ những hộ khó khăn nhất và đảm bảo các tiêu chí để nhận cây sâm giống. Đến tháng 12/2023, khi cây giống đang khoẻ, lại đến mùa gieo sâm, huyện đã tổ chức cấp phát, hướng dẫn bà con xuống giống 12.000 cây sâm. Khu vực trồng sâm là cánh rừng già xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông.

Từ lúc trồng đến nay, các cấp chính quyền huyện Tu Mơ Rông cùng 300 hộ dân đã bắt tay chăm sóc vườn sâm nhằm đạt tỷ lệ sống cao nhất. Trước, trong và sau Tết Nguyên đán, thời điểm Kon Tum bước vào mùa khô hạn, các vườn sâm có nguy cơ thiếu nước, người dân tất bật lên núi chống hạn cho vườn sâm.

Những ngày đầu năm, chúng tôi tìm đến vườn sâm của 300 hộ nói trên. Đường lên vườn sâm được quản lý, giám sát chặt chẽ. Chúng tôi bị chốt sâm “tra hỏi” mục đích lên vườn. Chỉ đến khi có lời giới thiệu của địa phương, người trực chốt sâm mới cho lên. Theo những người bảo vệ vườn sâm, việc tra hỏi, truy xét để ngăn chặn kẻ xấu giả danh lên vườn trộm cắp.

Sau thời gian dài cuốc bộ, chúng tôi cũng đặt chân đến vườn sâm. Những vườn sâm của bà con được trồng theo luống, dưới tán cây rừng cổ thụ. Tại đây, hàng chục người dân chia thành tốp nhỏ nhổ cỏ trên vườn hay đi xuống suối gánh nước tưới cho cây sâm. Những giọt nước mát lành lần lượt tưới xuống nền, làm những thớ đất dịu mát. Độ ẩm tăng lên, cây sâm nhờ đó phát triển tốt tươi, ngọn xanh mơn mởn.

Người dân chăm sóc vườn sâm do Thủ tướng tặng. Ảnh: Đăng Lâm.

Người dân chăm sóc vườn sâm do Thủ tướng tặng. Ảnh: Đăng Lâm.

Anh A Phai (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) vừa nhổ cỏ, chốc lát lại chạy đi gùi nước tưới cho luống sâm non. Gương mặt nhễ nhại mồ hôi vì nắng nóng nhưng A Phai luôn nhoẻn miệng cười tươi. Không vui sao được khi trên vườn sâm này, anh sở hữu 40 cây sâm, điều mà trước nay anh chưa được tặng nhiều như vậy.

“Gia đình hộ nghèo, được Thủ tướng tặng sâm, mình rất vui, hào hứng. Cứ đến lịch trực, mình lên vườn chăm sóc, tưới nước cho sâm. Hi vọng sâm phát triển tốt để nhân rộng vườn, hướng đến làm giàu, cuộc sống tốt hơn”, A Phai nói.

Bảo vệ nghiêm ngặt

Trong lúc có mặt tại vườn sâm do Thủ tướng tặng, chúng tôi thấy lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tu Mơ Rông, cán bộ UBND các xã túc trực cùng người dân chăm sóc. Những cán bộ này hướng dẫn người dân kiểm tra độ ẩm, tỷ lệ nước tưới để độ ẩm đất vừa đủ, tránh trình trạng tưới nhiều làm úng cây sâm.

Theo bà Hoàng Thị Thuỳ Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tu Mơ Rông, từ khi 12.000 cây sâm giống Thủ tướng tặng được gieo trồng, đơn vị luôn bám sát, đồng hành cùng người dân để bảo vệ, chăm sóc vườn. Đơn vị đã tổ chức làm hàng rào ngăn chuột, làm mái che mưa đá, hạn chế việc cành cây rơi làm gãy sâm, đồng thời hướng dẫn bà con tưới nước chống hạn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc để hạn chế sâu bệnh…

Trước khi trồng, người dân làm đất, luống. Ảnh: Đăng Lâm.

Trước khi trồng, người dân làm đất, luống. Ảnh: Đăng Lâm.

“Cán bộ đơn vị hầu như có mặt tại vườn trước, trong và sau Tết để sát cánh cùng người dân trồng sâm. Nhờ giám sát, chăm sóc kỹ, cây sâm phát triển tốt. Đến nay, chưa phát hiện sâm bị bệnh chết”, bà Dung vui mừng nói.

Cũng theo bà Dung, ngoài việc tập trung nhân lực, kỹ thuật chăm sóc vườn sâm, một yếu tốt khác cũng được địa phương chú ý là kiểm soát chặt chẽ người ra vào vườn sâm. Không phải ai cũng lên được vườn sâm. Theo đó, để người dân lên được vườn sâm, các xã xây dựng lịch trực chăm sóc sâm cho từng hộ. Các hộ lên chăm sóc sâm phải được UBND xã báo với chốt quản lý sâm mới được vào. Nhờ quản lý chặt chẽ nên không có tình trạng trộm cắp ở vườn sâm này.

Bà Dung cho biết thêm, cây giống sâm Ngọc Linh có giá cao, trong khi bà con còn nhiều khó khăn, đây là rào cản khiến bà con chưa thể mở rộng vườn sâm dù rất muốn. Sắp tới, Trung tâm sẽ tiếp tục cùng dân triển khai nhiều giải pháp bảo vệ, chăm sóc sâm. Hi vọng sâm của bà con sẽ lớn nhanh, cho thu quả để bà con nhân rộng vườn, vươn lên làm giàu từ món quà quý giá mà Thủ tướng trao tặng.

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Để giúp vườn sâm Thủ tướng tặng phát triển tốt, huyện đã giao Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp xây dựng quy chế quản lý vườn sâm. Trên cơ sở đó, phân công cụ thể chính quuyền các xã luân phiên quản lý, chăm sóc vườn. Huyện cũng chỉ đạo các xã trích kinh phí từ các nguồn để hỗ trợ người dân xây dựng hàng rào bảo vệ, hỗ trợ giống nhằm tiếp tục phát triển vườn dược liệu”.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Chia sẻ cách tiếp cận liên ngành theo chuỗi về an toàn thực phẩm

THỪA THIÊN - HUẾ Các đại biểu đã cùng chia sẻ kết quả nghiên cứu về an toàn thực phẩm từ Dự án 'Bảo vệ sức khỏe con người thông qua cách tiếp cận Một Sức Khỏe'.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.