| Hotline: 0983.970.780

Công tác quản lý cán bộ trong lực lượng phòng, chống tội phạm vẫn còn sơ hở

Thứ Ba 13/11/2018 , 15:35 (GMT+7)

Sáng 13/11 Quốc hội nghe báo cáo  về tình hình, kết quả công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2018.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga

Chủ nhiệm Ủy Ban Tư Pháp Quốc Hội Lê Thị Nga nhận định thực trạng bảo kê, để lọt tội phạm đang nhức nhối bên cạnh đó việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam còn nhiều vi phạm. Vẫn còn  án oan, còn tồn tại bức cung nhục hình…
 

Triệt phá nhiều  băng nhóm tội phạm

Bộ trưởng cho biết năm 2018 các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, tấn công trấn áp tội phạm. Kết quả cụ thể, đấu tranh làm giảm 2,72% số vụ phạm pháp hình sự, tỷ lệ điều tra, khám phá đạt 81,33% (vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra); án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 88,53%; giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố đạt 87,2%; triệt phá 3.580 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại; bắt, vận động đầu thú, thanh loại 6.360 đối tượng truy nã, trong đó có 1.389 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.

Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng đạt nhiều kết quả rõ nét, nhất là trong điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, dư luận xã hội quan tâm, tỷ lệ thu hồi tài sản được nâng lên. Công tác đấu tranh với tội phạm ma túy đạt nhiều kết quả nổi bật, đã đánh đúng, đánh trúng nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, xuyên quốc gia, thu giữ lượng lớn ma túy các loại, nhất là triệt phá được tụ điểm phức tạp về ma túy tại xã Loóng Luông, Vân Hồ, Mộc Châu, Sơn La, tạo chuyển biến căn bản tình hình tại địa bàn này.
 

Hoạt động Băng nhóm núp bóng doanh nghiệp

Mặc dù đạt nhiều kết quả, song Bộ trưởng Tô Lâm nhận định tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp. “Tội phạm, vi phạm pháp luật về trật tự xã hội tuy giảm 2,72% về số vụ, nhưng tính chất vẫn nghiêm trọng, cường độ bạo lực gia tăng.”  Hoạt động của các băng, ổ nhóm tội phạm có sự đan xen, gắn kết chặt chẽ giữa các lĩnh vực, triệt để lợi dụng danh nghĩa các doanh nghiệp để hoạt động phạm tội, nhất là liên quan đến lĩnh vực "tín dụng đen", kéo theo tình trạng siết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật... tại nhiều địa phương.

Tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội, bạo hành, xâm hại trẻ em có chiều hướng gia tăng. Tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản chiếm tỷ lệ cao, thủ đoạn tinh vi, tính chất manh động.

Tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng, theo Bộ trưởng vẫn diễn ra nhất là "tham nhũng vặt" trong khu vực hành chính, dịch vụ công. Qua các vụ án đã xử lý cho thấy, các đối tượng triệt để lợi dụng những sơ hở trong cơ chế, chính sách để thông đồng tạo ra các "nhóm lợi ích" nhằm thâu tóm đất công, cho vay sai nguyên tắc, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng. Tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn ra với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, nhất là làm giả thẻ thanh toán dịch vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán tiền ảo; cờ bạc, cá độ bóng đá trên mạng Internet thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Ông cũng đánh giá, vi phạm pháp luật về môi trường vẫn diễn ra phổ biến, nhất là lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lý, xử lý chất thải nguy hại, nước thải công nghiệp; nhập khẩu phế liệu; khai thác cát, sỏi trái phép; vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ rừng...

Đáng lưu ý là các tổ chức phản động lưu vong tiếp tục tăng cường hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc tạo sự hoài nghi, gây ra tâm trạng bức xúc trong một bộ phận quần chúng nhân dân, từ đó kích động tập trung đông người gây rối, leo thang các hoạt động bạo lực, khủng bố phá hoại. Tình hình an ninh mạng, an ninh chính trị nội bộ, an ninh văn hóa - tư tưởng, an ninh kinh tế, an ninh xã hội, an ninh các vùng chiến lược còn tiềm ẩn nhiều phức tạp.
 

Vẫn còn Hoạt động bảo kê, để lọt tội phạm

Theo  Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp, Lê Thị Nga thì  nhóm tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản vẫn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm (51,79%), nhưng tỷ lệ phát hiện chưa nhiều. Tội phạm về chức vụ, tham nhũng bị xử lý mặc dù tăng nhưng vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế. Hoạt động "bảo kê cho vi phạm" diễn ra khá công khai tại các bến xe, chợ đầu mối nhưng không được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý kịp thời, có vụ chỉ được xử lý khi dư luận và báo chí phản ánh.

Công tác quản lý cán bộ trong lực lượng phòng, chống tội phạm vẫn còn sơ hở nên đã để xảy ra một số vụ án có sự tham gia của một số sỹ quan cấp cao trong lực lượng công an. Một số cá nhân, doanh nghiệp đã móc ngoặc với cán bộ có chức vụ, quyền hạn tại một số địa phương để tạo các "nhóm lợi ích" hoặc lợi dụng công tác nghiệp vụ, các "tổ chức bình phong" nhằm dùng ảnh hưởng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại rất lớn cho Nhà nước. Đáng chú ý, có những vụ việc liên quan đến một số sỹ quan công an, quân đội, lãnh đạo một số địa phương đã kéo dài trong nhiều năm, nhưng đến nay mới được phát hiện, xử lý. Điển hình như vụ Phan Văn Anh Vũ, vụ Đinh Ngọc Hệ…
 

Còn 24 bị can bị oan

Trong điều tra, xử lý tội phạm, tỷ lệ giải quyết tố giác về tội phạm mới đạt 87,2%, chưa đạt yêu cầu của nghị quyết số 37 của Quốc hội . Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam còn nhiều vi phạm. Số người bị tạm giữ hình sự sau đó phải trả tự do do hành vi không cấu thành tội phạm tuy giảm nhưng vẫn còn nhiều (1.482 người, trong đó có 146 người bị bắt khẩn cấp được trả tự do). Trong một số vụ án, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn còn chưa đúng pháp luật, đáng lưu ý có 4 trường hợp tạm giam trái pháp luật.

Hạn chế tiếp theo là tỷ lệ điều tra khám phá các vụ trọng án đạt 88,5%, chưa đạt 90% như chỉ tiêu của Quốc hội giao. Số lượng các vụ án, bị can được tạm đình chỉ điều tra vẫn chiếm số lượng rất lớn và gia tăng (12.623 vụ/2.411 bị can, tăng 4% số vụ, 6,7% số bị can), trong đó một số vụ án sắp hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm.

 Đáng lưu ý, còn để xảy ra 24 bị can bị oan trong giai đoạn điều tra. Còn để xảy ra 1 vụ án "dùng nhục hình" trong giai đoạn điều tra gây chết người ; vẫn còn 11.714 đối tượng truy nã đang ở ngoài xã hội, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật.

Xem thêm
Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Mưu sinh lúc mưa dông, một ngư dân bị sét đánh tử vong

QUẢNG NINH Hoàn cảnh gia đình nạn nhân khá khó khăn, đang nuôi 4 con nhỏ ăn học. Nguồn thu chủ yếu của hai vợ chồng từ nghề đánh lồng.

Điện Biên đưa cửa khẩu thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy trong 10, 20 năm nữa.